Di sản văn hóa và sự phát triển bền vững, nhân văn ở Việt Nam hiện nay
Di sản văn hóa ngày càng
chứng minh vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển, là nguồn lực dồi dào
cho tăng trưởng kinh tế và là điểm tựa vững chắc cho đời sống tinh thần, môi
trường nuôi dưỡng và làm giàu bản sắc văn hóa, đa dạng văn hóa. Để hướng tới sự
phát triển bền vững và nhân văn, chúng ta cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa
di sản văn hóa và phát triển trong chính sách, chiến lược và các chương trình
phát triển ở cấp vĩ mô và vi mô.
Mối quan hệ giữa di sản văn hóa
và phát triển
Di sản văn hóa là sự biểu hiện lối sống của cộng
đồng, do các cộng đồng sáng tạo nên và được truyền từ đời này sang đời khác. Di
sản văn hóa bao gồm các thành tố mang tính phi vật thể như phong tục, nghi lễ,
lễ hội, tri thức địa phương, niềm tin, hệ giá trị, nghệ thuật,... và các thành
tố mang tính vật thể như đình, đền, miếu, nhà ở. Di sản văn hóa thường
được nhấn mạnh ở khía cạnh giá trị là tài sản văn hóa, thể hiện bản sắc và sự
kế tục. Trong một thời gian dài, di sản văn hóa được xem là sản phẩm của quá
khứ, phản ánh và thể hiện các giá trị, niềm tin, tri thức,... mang tính truyền
thống, thuộc về quá khứ. Cách hiểu như vậy đã bỏ qua nhiều chiều cạnh kinh tế -
xã hội mang tính đương đại của di sản văn hóa, vì thế, di sản văn hóa dường như
rất khó gắn với phát triển - khái niệm được xem là thuộc về hiện tại và tương
lai.
Hát ca trù, loại hình nghệ thuật dân gian được UNESCO công nhận
là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (ảnh: Trần Anh Tuyên)_Nguồn:
nhiepanhdoisong.vn
Mối quan hệ giữa di sản văn
hóa và phát triển không chỉ là chủ đề thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên
cứu, mà còn là chủ đề trong các diễn đàn chính trị quốc tế từ những năm 50 của
thế kỷ XX, khi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO)
đưa di sản văn hóa vào trong các hoạt động của mình. Từ những năm 50 đến cuối
những năm 70, di sản văn hóa và phát triển được nhìn nhận là 2 phạm trù đối lập
và loại trừ nhau. Cách nhìn nhận này xuất phát từ cách hiểu mang tính châu Âu
luận về nội hàm khái niệm di sản văn hóa (cả văn hóa vật thể và phi vật thể),
cũng như nội hàm khái niệm phát triển. Sử dụng lý thuyết hiện đại hóa
(Modernization), khái niệm “phát triển” (trong giai đoạn này) được hiểu là quá
trình thay đổi mang tính phổ quát theo hướng đơn tuyến, đi từ thấp đến cao, từ
giai đoạn này đến giai đoạn tiếp theo. Chỉ số kinh tế được coi là thang đo quan
trọng nhất cho sự phát triển. Trong cách nhìn nhận về nội hàm phát triển theo
nghĩa hẹp này, di sản văn hóa bị coi là rào cản của sự tiến bộ. Nhiều dạng thức
của di sản văn hóa phi vật thể, chẳng hạn như văn học dân gian, nghi lễ, hồi
ức, các ngành, nghề thủ công nghiệp,... không thực sự được coi trọng.
Trong Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên
nhiên thế giới năm 1972 của UNESCO, khái niệm “di sản văn hóa” được định nghĩa
là những hiện vật vật chất được coi là có giá trị kiến trúc và nghệ thuật theo
tiêu chí của các “chuyên gia”. Trong mối quan hệ với triết lý phát triển mang
tính phổ quát này, di sản văn hóa được hiểu theo nghĩa hẹp, vì vậy, không phải
là nguồn lực cho sự phát triển và không thể đồng hành cùng phát triển. Nhiệm vụ
của các nhà nước và các tổ chức quốc tế, trong đó có UNESCO, thay vào đó, là
làm thế nào để có thể bảo tồn nguyên vẹn các di sản văn hóa theo nghĩa hẹp này
trước sự đe dọa của quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở các nước phát triển
cũng như các nước đang phát triển(1).
Mô hình phát triển mang tính phổ quát lấy châu
Âu làm trung tâm cũng như nội hàm khái niệm di sản văn hóa theo nghĩa hẹp, từ
cuối những năm 70 của thế kỷ XX bị chỉ trích mạnh mẽ, đặc biệt là từ các nhà
nghiên cứu ở các nước đang phát triển. Xuất phát từ quan niệm, nhu cầu và thực
tiễn phát triển của các quốc gia ngoài châu Âu, từ những năm 80 trở lại đây,
nội hàm khái niệm di sản và mô hình phát triển, cũng như mối quan hệ giữa di
sản văn hóa và phát triển đã được thay thế bằng những cách nhìn mới. Trong nhận
thức mới này, phát triển không chỉ còn được nhìn nhận thuần túy ở khía
cạnh kinh tế mà còn bao gồm sự công bằng xã hội và bản sắc văn hóa tộc người.
Thêm vào đó, phát triển không còn được hiểu là sự thay đổi tuyến tính theo một
nấc thang mang tính phổ quát và đồng nhất, mà là các mô hình phát triển đa
dạng, ở các xã hội khác nhau với các truyền thống khác nhau, gắn kết và phù hợp
với bối cảnh lịch sử, văn hó#a và xã hội của mỗi quốc gia, dân tộc. Sự thay đổi
căn bản trong cách nhìn nhận về phát triển cũng dẫn đến sự thay đổi căn bản về
nội hàm khái niệm văn hóa nói chung và di sản văn hóa nói riêng. Khác với cách
nhìn trước đây, nội hàm khái niệm di sản văn hóa không chỉ còn giới hạn trong
phạm vi của thành tố vật thể, mà được mở rộng ra ở thực hành văn hóa phi vật
thể, bao gồm các tập quán, hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức, kỹ năng cũng
như các công cụ, đồ vật, đồ tạo tác và không gian văn hóa liên quan mà cộng
đồng, nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân, công nhận là một
phần di sản văn hóa của họ... Di sản văn hóa, nói cách khác, không
phải là vật thể của quá khứ cần được bảo tồn, mà là nguồn lực vô giá (bao gồm
cả vật thể và phi vật thể) đã và đang có vai trò trong việc đáp ứng các nhu cầu
phát triển cụ thể ở các khía cạnh khác nhau, của
các quốc gia và tộc người cụ thể. Trong nhận thức và cách tiếp cận
mới này, di
sản văn hóa và phát triển là hai phạm trù không loại trừ nhau, mà có thể song
hành, bổ trợ lẫn nhau, cùng nhau phục vụ nhu cầu hiện tại và hướng đến tương
lai. Sự thay đổi trong nhận thức này được chính UNESCO thúc đẩy từ
những năm 80 và nỗ lực của UNESCO đã được ghi nhận. Biểu hiện rõ nhất của sự
ghi nhận này là trong Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên
hợp quốc, văn hóa được coi là trụ cột thứ tư của phát triển bền vững. Vai trò
của di sản văn hóa không chỉ đóng góp vào sự phát triển kinh tế, mà còn đem lại
công bằng xã hội và mô hình phát triển đậm tính bản sắc.
Từ năm 1986 đến nay, theo xu thế chung của nhiều
nước trên thế giới, Việt Nam có sự thay đổi lớn trong nhận thức về nội hàm khái
niệm di sản văn hóa và phát triển, cũng như mối quan hệ giữa hai khái niệm có
quan hệ biện chứng này. Sự thay đổi này thể hiện trong nhiều nghị quyết, chính
sách phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa của Đảng và Nhà nước. Vai trò của
văn hóa được khẳng định “vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát
triển kinh tế - xã hội”(2). Nghị
quyết gắn kết văn hóa và di sản văn hóa vào quá trình phát triển và điều này đã
trở thành định hướng chung của các tầng lớp nhân dân. Nhằm tìm giải pháp bảo vệ
và phát huy di sản văn hóa trong quá trình hiện đại hóa, đồng thời đóng góp
việc xây dựng chiến lược hợp nhất văn hóa vào sự phát triển bền vững, từ năm
2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UNESCO thực hiện nhiều dự án
để tìm các giải pháp nhằm cân bằng giữa bảo vệ di sản văn hóa và hiện đại hóa,
trong đó, nhiều bài học kinh nghiệm và phương pháp tiếp cận quốc tế đã được
tiếp nhận để cung cấp các giải pháp, tư vấn cụ thể trong công tác xây dựng
chính sách nhằm bổ sung và tăng cường quá trình thực hiện Chiến lược phát triển
văn hóa... Đối với khái niệm phát triển, thay vì chỉ chú trọng trong phát triển
kinh tế, các khía cạnh văn hóa - xã hội được chú ý hơn, thể hiện qua bài viết
của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát
triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà
đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với
tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và
bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn
nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất
công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm.
Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi
trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để
khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi
trường”(3).
Sự thay đổi trong nhận thức chính sách và hành
động giúp Việt Nam đạt được một số thành công nhất định trong việc bảo vệ di
sản văn hóa, cũng như kết hợp một cách hài hòa, cân bằng giữa di sản văn hóa và
phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh các thành quả đã đạt được, việc cân bằng và kết
hợp một cách hài hòa giữa di sản văn hóa và phát triển chưa được như mong muốn,
đặc biệt là ở khía cạnh bền vững.
Biểu diễn quan họ trên dòng sông di sản Tràng An, tỉnh Ninh
Bình (ảnh: Lương Văn Lâm)_Nguồn: nhiepanhdoisong.vn
Di sản văn hóa và
phát triển - những bước đồng hành
Qua nhiều thăng trầm, mối quan hệ giữa di sản
văn hóa và phát triển hiện nay được nhìn nhận một cách tích cực và ngày càng
gần hơn với vai trò thực tế trong xã hội. Với việc khẳng định tầm quan trọng
của di sản văn hóa trong phát triển thể hiện ở các chính sách và chương trình
hành động của Nhà nước và của ngành văn hóa, mối quan hệ này đã được tuyên
truyền, phổ biến rộng rãi... Khái niệm di sản văn hóa và phát triển ngày càng
trở nên quen thuộc với cả xã hội, trở thành môn/ngành học và là chủ đề trong
các nghiên cứu, các diễn đàn hội thảo, tọa đàm, các diễn ngôn truyền thông...
Tất cả những điều này chứng tỏ di sản văn hóa đã nhận được sự quan tâm của các
cấp chính quyền, các cộng đồng chủ thể của di sản nói riêng, của toàn xã hội
nói chung, đặc biệt là từ khi nhiều di sản văn hóa của Việt Nam nhận được sự
quan tâm, ghi danh của UNESCO và kèm theo đó là những cam kết của Chính phủ
Việt Nam về việc bảo vệ di sản văn hóa, đưa di sản văn hóa vào các mục tiêu phát
triển. Điều này đóng vai trò như chất xúc tác và cơ sở pháp lý để chính quyền
địa phương nhận thức được giá trị của di sản văn hóa hiện có trên địa bàn, từ
đó ưu tiên đầu tư cả nguồn lực vật chất và nguồn lực con người vào công tác bảo
vệ, phát huy giá trị di sản, gắn di sản với phát triển. Các hoạt động được ưu
tiên bao gồm công tác phục hồi, trùng tu, tôn tạo, tư liệu hóa, truyền dạy,
vinh danh nghệ nhân cũng như hoạt động quảng bá nhằm khai thác, phát huy di sản
một cách bền vững. Quan trọng hơn, các chương trình, đề án và hoạt động bảo vệ
này trở thành cơ sở để các cấp chính quyền ở địa phương, Trung ương xây dựng
các chương trình cụ thể bảo vệ, phát huy những di sản văn hóa được công nhận,
được ghi danh và các di sản văn hóa khác. Thông qua việc tham gia trực tiếp vào
các hoạt động bảo vệ, phát huy di sản văn hóa, đội ngũ cán bộ chuyên trách công
tác bảo vệ di sản văn hóa các cấp được trang bị thêm kiến thức chuyên ngành,
đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm thực tiễn, từ đó nhận thức đầy đủ hơn về
sự cần thiết của việc bảo vệ di sản văn hóa và vai trò của di sản văn hóa trong
phát triển ở địa phương.
Nhìn từ phía các cộng đồng chủ nhân di sản, sự
phổ biến của các diễn ngôn về di sản văn hóa và phát triển, sự quen thuộc và
ngày càng nhiều các di sản văn hóa được ghi danh, được xếp hạng,... giúp họ có
cách nhìn mới về di sản văn hóa. Khi các di sản văn hóa do ông cha họ để lại
được quan tâm, được đưa vào các danh sách di sản văn hóa cần được bảo vệ, danh
sách di sản văn hóa đại diện của nhân loại hay danh sách di sản văn hóa cần bảo
vệ khẩn cấp, điều đó củng cố, gia tăng niềm tự hào, giúp các cộng đồng có nhận
thức mới về giá trị di sản mà họ đang nắm giữ và thực hành. Niềm tự hào, nhận
thức mới này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ di sản văn hóa, bởi nó
là chất xúc tác để nhiều nhóm cộng đồng tham gia một cách chủ động, có ý nghĩa
và tự nguyện để bảo vệ di sản văn hóa (cho dù sự tham gia đó có thể không đem
lại cho họ nguồn lợi vật chất). Sự tham gia một cách tích cực và có ý nghĩa của
cộng đồng vào việc bảo vệ di sản không chỉ thể hiện ở con số thống kê (số lượng
các di tích được trùng tu, tôn tạo, số lượng câu lạc bộ nghệ thuật được thành
lập, số lượng người tham gia thực hành di sản...) của các cơ quan quản lý văn
hóa các cấp, mà còn ở chính sự tâm huyết với di sản, khao khát truyền dạy di
sản cho thế hệ sau, sự tự nguyện đầu tư công sức, tiền của cho việc trùng tu
tôn tạo và bảo vệ di sản văn hóa...
Với sự tích cực đó từ phía Nhà nước và cộng
đồng, theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến nay, Việt Nam có
25 di sản được UNESCO ghi danh, trong đó có 4 di sản thiên nhiên và văn hóa vật
thể, 14 di sản văn hóa phi vật thể và 4 di sản tư liệu. Bên cạnh đó, có 40.000
di tích được thống kê, 112 di tích được công nhận cấp quốc gia đặc biệt, 3.560
di tích được xếp hạng cấp quốc gia và và 10.109 di tích được xếp hạng cấp tỉnh,
cùng 127 di tích lịch sử và bảo vật quốc gia. Ngoài ra, còn có 4 triệu hiện vật
của 179 bảo tàng cũng được xem là một phần của kho tàng di sản văn hóa đang
được trưng bày, lưu giữ.
Bên cạnh đóng góp vào sự phát triển văn hóa,
định hình bản sắc, hệ thống di sản văn hóa này đã và đang đóng góp một phần
không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của các địa phương có di sản. Những bảo
tàng rất đông khách tham quan (như Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng điêu khắc
Chăm Đà Nẵng, Bảo tàng cổ vật cung đình Huế...); những di sản văn hóa và thiên
nhiên luôn ở tình trạng quá tải (như phố cổ Hội An, Vịnh Hạ Long, danh thắng
Tràng An, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng...); những di sản văn hóa phi vật
thể thu hút số lượng lớn người tham dự và trải nghiệm (như nghi lễ thờ Mẫu Tam
phủ, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, hội Gióng, dân ca Quan họ Bắc Ninh, đờn ca
tài tử...) đã mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt, góp phần quan trọng vào sự phát
triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc khai thác nguồn lực di sản văn hóa
còn kéo theo sự phát triển của nhiều yếu tố khác như kết cấu hạ tầng, dịch vụ,
sự mở rộng giao lưu và gia tăng các dòng chảy hàng hóa, lao động,... tạo ra sự
phát triển bao trùm và hài hòa. Ngày càng nhiều cá nhân, doanh nghiệp, cộng
đồng sử dụng hiệu quả di sản văn hóa trong công việc kinh doanh, tạo ra nhiều
lợi nhuận (ví như các khu du lịch sinh thái, các resort đưa các di sản văn hóa
vào xây dựng, trang trí, kiến trúc cảnh quan hoặc tổ chức các sinh hoạt văn hóa
truyền thống thu hút rất đông khách du lịch(4));
các bảo tàng/sưu tập tư nhân, các chương trình nghệ thuật lớn trưng bày và
trình diễn các loại hình di sản văn hóa rất hiệu quả(5).
Những không gian di sản văn hóa như vậy không chỉ trở thành sản phẩm văn hóa -
thương mại tạo ra sự tăng trưởng kinh tế, mà còn lan tỏa giá trị di sản, góp
phần vào sự phát triển xã hội hài hòa, nhân văn và có bản sắc. Phong trào
“người người nói về di sản, nhà nhà tham gia vào thực hành bảo vệ phát huy di
sản” từ hiệu ứng sự quan tâm của Nhà nước, của xã hội về di sản văn hóa và sự
ghi danh của UNESCO, cho dù là vì mục đích gì, cũng có thể coi là một tín hiệu
đáng mừng, là cơ sở để hy vọng vào sự phục hồi và tồn tại một cách bền vững của
các di sản văn hóa, cũng như sự đồng hành của di sản văn hóa và phát triển
trong bối cảnh toàn cầu hóa, hiện đại hóa hiện nay.
Trao truyền các giá trị văn hóa cho thế hệ mai sau_Nguồn: vnexpress.net
Những khó khăn, thách
thức
Cho đến nay, vẫn chưa có một nhận thức nhất quán
về mối quan hệ giữa di sản văn hóa và phát
triển, thậm chí một số quan điểm xem việc bảo vệ di sản văn hóa như
một sự cản trở trong quá trình hiện đại hóa. Một số ý kiến khác mặc dù thừa
nhận di sản văn hóa là tiềm năng góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội,
nhưng mới được hiểu và quan tâm đến khía cạnh chỉ số kinh tế, đến lợi nhuận từ
việc khai thác di sản văn hóa mà chưa quan tâm đúng mức tới các vai trò, giá
trị khác của di sản văn hóa đối với phát triển (như tạo ra sự gắn kết xã hội,
định hình bản sắc hay sự hài hòa xã hội...). Bên cạnh đó, cũng chưa tiếp cận
được các phương pháp thực hành tốt để có thể triển khai công tác bảo tồn và
phát huy di sản văn hóa trong sự hài hòa, thúc đẩy sự phát triển nói chung,
phát triển kinh tế nói riêng.
Khái niệm “di sản văn hóa” và khái
niệm “phát
triển” đều được hiểu khá phiến diện và hạn hẹp. Di sản văn hóa vẫn
được nhận diện và đánh giá theo quan điểm chọn lọc và so sánh hơn - kém về mặt
giá trị với hệ các tiêu chí áp đặt từ bên ngoài. Cách hiểu còn hạn chế như vậy
tạo ra một số hệ quả không mong đợi; trong nhiều trường hợp còn khiến di sản
văn hóa và phát triển không những không thể đồng hành mà còn mâu thuẫn nhau,
thậm chí loại trừ nhau.
Do áp dụng cách hiểu di sản văn hóa theo quan
điểm chọn lọc và so sánh hơn - kém nên các di sản văn hóa của Việt Nam được
nhìn nhận rất khác nhau. Điều này dẫn đến sự phân biệt giữa các di sản được xếp
hạng, được ghi danh với những di sản chưa được xếp hạng, ghi danh, tạo ra sự
“ngoài lề hóa” các di sản không hoặc chưa được xếp hạng, ghi danh ra khỏi mối
quan tâm bảo vệ của Nhà nước và người dân, cũng như “ngoài lề hóa” cả cộng đồng
chủ nhân ra khỏi di sản vốn từng thuộc về họ ở cả khía cạnh chia sẻ lợi ích vật
chất, vấn đề sở hữu cũng như tổ chức và quản lý. Việc mất cân đối về sự quan
tâm bảo vệ các di sản văn hóa như vậy không đúng với mục đích xếp hạng, ghi
danh bởi theo tinh thần của Công ước về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể năm
2003 của UNESCO, ghi danh di sản không đồng nghĩa với việc tách di sản đó ra
khỏi chỉnh thể và tôn vinh nó, bảo vệ nó trong khi dành ít sự quan tâm, ở cả
nguồn lực vật chất và con người, cho các di sản khác.
Do cách hiểu về phát triển gắn với di sản văn
hóa chỉ hạn hẹp ở khía cạnh phát triển kinh tế, nên nhiều di sản văn hóa đang
được khai thác vì sự tăng trưởng kinh tế là chủ yếu. Việc dùng di sản văn hóa
để thu hút khách du lịch là xu hướng hoàn toàn hợp lý, song việc “hy sinh di
sản”, “làm mới di sản một cách quá đà” chỉ để thu hút khách du lịch tạo ra tăng
trưởng kinh tế lại là bất cập, bởi di sản văn hóa, đặc biệt di sản văn hóa phi
vật thể, có nhiều vai trò và chức năng đối với sự phát triển bền vững, như: Gắn
kết và tương trợ xã hội; trao truyền tri thức địa phương một cách tự nhiên;
định hình, nuôi dưỡng và bồi đắp bản sắc tộc người. Đây là các giá trị tạo nên
sự phát triển xã hội một cách hài hòa, gắn kết và nhân văn. Nếu di sản văn hóa
được nhìn nhận trong sự gắn kết với phát triển chỉ ở khía cạnh thương mại, tăng
trưởng kinh tế đơn thuần, rõ ràng nó sẽ không còn là di sản văn hóa như vốn có,
phát triển cũng không được xem là phát triển đúng nghĩa mà đó chỉ là sự phát
triển lệch lạc, nhất thời, thiếu bản sắc, thiếu hài hòa và đương nhiên là thiếu
bền vững.
Mối quan hệ giữa di sản văn hóa và phát triển
hiện nay còn bị chi phối nhiều bởi các diễn ngôn được cấp thẩm quyền. Do cách
nhìn nhận, đánh giá di sản văn hóa từ hệ tiêu chí của người ngoài, nhiều di sản
văn hóa của các tộc người đã và đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong
nhiều mặt của đời sống cộng đồng, không được người ngoài (bao gồm cả các nhà
chính sách và quản lý văn hóa) ghi nhận và khuyến khích bảo vệ, phát huy. Các
chủ nhân di sản hay cộng đồng thực hành di sản dường như lại không có thẩm
quyền nói về di sản của mình hay các triết lý phát triển mà mình lựa chọn. Việc
coi một thực hành văn hóa có phải là di sản hay không và ứng xử với di sản thế
nào phụ thuộc vào quan điểm và tiêu chí đánh giá của các cơ quan và người có
thẩm quyền, vì vậy, trong nhiều trường hợp, đã bỏ qua nhiều thực hành văn hóa
cũng như nhiều di sản văn hóa. Tương tự như vậy, phát triển được nhìn nhận gắn
với hiện đại hóa và đồng nhất một mô hình phát triển được cấp thẩm quyền và trở
thành diễn ngôn mang tính quyền lực cao. Theo đó, để phát triển cần chọn lọc
những di sản nào thuận lợi cho phát triển, những thực hành văn hóa “lạc hậu”
cần loại bỏ vì cản trở phát triển. Cũng từ những diễn ngôn được cấp thẩm quyền
này, nhiều di sản văn hóa đang theo xu hướng “nhà nước hóa”, “hành chính hóa”,
“hoành tráng hóa”.
Có nhiều thách thức khác đặt ra trong quá trình
nhận thức và thực hành di sản văn hóa như một nguồn lực quan trọng trong phát
triển, song những thách thức trong nhận thức về di sản văn hóa và phát triển
được xem là thách thức nổi trội. Nếu còn tồn tại cách nhìn, cách hiểu về di sản
văn hóa và phát triển theo kiểu cao - thấp, hơn - kém, tiến bộ - lạc hậu, phát
triển - kém phát triển, đa số - thiểu số, phát huy - loại bỏ,... thì di sản văn
hóa và phát triển sẽ không bao giờ có thể đồng hành cùng nhau.
Một số giải pháp phát huy vai trò
của di sản văn hóa và phát triển
Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức, song di sản văn
hóa và phát triển hoàn toàn có thể không mâu thuẫn, loại trừ nhau, mà còn có
thể kết hợp với nhau một cách hài hòa và cân bằng để vừa bảo vệ và phát huy tốt
vai trò của di sản, vừa phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng di sản văn hóa như
nguồn lực trong phát triển, tạo nên một xã hội phát triển hài hòa, nhân văn và
có bản sắc.
"Ký ức Hội An" - chương trình nghệ thuật thực cảnh
khái quát lịch sử, văn hoá của Hội An, tỉnh Quảng Nam_Nguồn: vnexpress.net
Theo đó, một số giải pháp sau
có thể được xem là cần thiết và hiệu quả.
Một là,
thay đổi quan điểm, nhận thức về nội hàm khái niệm di sản văn hóa và khái niệm
phát triển. Di
sản văn hóa cần được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm tất cả các di sản truyền
thống và các loại hình văn hóa do cha ông để lại (như các di tích, hiện vật,
các loại hình văn học, nghệ thuật, các nghi lễ, lễ hội, phong tục, tập quán
liên quan đến thiên nhiên và vũ trụ, các tri thức và kỹ năng liên quan đến sản
xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nghề thủ công...) còn tồn tại đến ngày nay, đang
được thực hành và có ý nghĩa, giá trị đối với cộng đồng, xã hội. Phát triển
cũng cần được hiểu theo nghĩa rộng với sự đa dạng các chiều kích, mô hình cũng
như triết lý. Phát triển không chỉ là tăng trưởng kinh tế mà còn bao gồm nhiều
khía cạnh văn hóa - xã hội khác, trong đó đặc biệt chú trọng đến sự phát triển
vì một xã hội hài hòa, tương trợ, đoàn kết, nhân văn và có bản sắc.
Hai là,
khắc phục cách nhìn một chiều trong sử dụng nguồn tài nguyên di sản văn hóa. Khắc phục cách nhìn di sản văn hóa chỉ trong vai trò khai
thác, sử dụng với mục đích duy nhất là tăng trưởng kinh tế. Cách nhìn một chiều
này rất có thể tạo ra nhiều hệ quả không mong đợi, vì khi di sản văn hóa không
đem lại giá trị kinh tế dễ có nguy cơ bị loại bỏ, hoặc thay đổi chức năng sử
dụng. Trong khi đó, di sản văn hóa là một nguồn lực có khả năng đóng góp quan
trọng vào sự phát triển bao trùm, đa chiều, bình đẳng, nhân văn và bền vững.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng chỉ rõ việc bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn
hóa cho các thế hệ mai sau.
Ba là,
tôn trọng, bảo vệ và phát huy giá trị, tính đa dạng của di sản văn hóa. Di sản văn hóa của Việt Nam luôn có sự đa dạng theo sự đa dạng
sinh thái, đa dạng tộc người và đa dạng các biểu đạt văn hóa. Sự đa dạng ấy làm
nên sức sống và sự giàu có cho các di sản văn hóa. Vì vậy, cần tiếp tục bảo vệ,
phát huy giá trị và tính đa dạng của di sản văn hóa.
Bốn là,
tôn trọng và nhận thức đúng về vai trò của chủ thể di sản văn hóa. Điều này đã được khẳng định và nhấn mạnh trong Luật Di sản văn
hóa, trong Công ước của UNESCO, Chiến lược phát triển văn hóa,... song việc
thực hiện trong thực tế còn chưa được triệt để. Cần trao quyền quyết định, tổ
chức và thực hành cho cộng đồng chủ nhân của di sản văn hóa. Các cơ quan hữu
quan chỉ nên đóng vai trò tư vấn, định hướng và hỗ trợ quản lý. Song song đó,
cần có các hình thức đa dạng để nâng cao năng lực tự quản lý và bảo vệ di sản
cho cộng đồng.
Năm là,
giảm thiểu vấn đề “hành chính hóa”, “nhà nước hóa” di sản. Cần hạn chế sự can thiệp sâu của Nhà nước, của các nhà quản
lý các cấp trong điều hành và thực hành di sản. Khắc phục suy nghĩ cho rằng Nhà
nước, ngành văn hóa thực hiện chức năng quản lý di sản có nghĩa di sản văn hóa
là của Nhà nước, của ngành văn hóa, là các chủ thể có thẩm quyền cao nhất đối
với di sản văn hóa.
Sáu là,
giảm thiểu vấn đề thương mại hóa, sân khấu hóa di sản. Cần giảm thiểu tối đa mục đích “thương mại hóa” di sản một cách
quá đà để phục vụ du lịch, cũng như các hình thức kinh doanh khác. Trong việc
trình diễn di sản, cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng và cố gắng hài hòa, cân đối giữa
nhu cầu thị trường và lợi ích của di sản, của cá nhân người thực hành và của cả
cộng đồng.
Bảy là,
giảm thiểu các nhóm lợi ích, công bằng trong chia sẻ lợi ích. Trong thực tế, ở nhiều di sản, một số địa phương đã nảy sinh
hiện tượng nhóm lợi ích trục lợi từ di sản. Do vậy, cần giảm thiểu các nhóm lợi
ích liên quan đến di sản và những tác động gây tổn hại đến sự tồn tại và sức
sống của di sản. Cần có những cơ chế bảo đảm việc chia sẻ một cách hợp lý về
lợi ích, đặc biệt là lợi ích kinh tế, giữa chủ nhân của các di sản văn hóa với
các bên liên quan ở tất cả các di sản.
Tám là,
xây dựng chiến lược truyền thông sâu rộng về di sản văn hóa và phát triển. Cần có một chiến lược truyền thông đủ mạnh và bao trùm về các vấn
đề liên quan đến di sản văn hóa và phát triển, từ Luật Di sản văn hóa cùng các
luật liên quan đến chính sách, đường lối phát triển văn hóa, phát triển tổng
thể kinh tế - xã hội; từ cách hiểu về di sản văn hóa và phát triển cho tới các
thực hành văn hóa, các kinh nghiệm, mô hình (cả tốt và chưa tốt) nhằm đưa đến
nhận thức cập nhật và nhất quán về di sản văn hóa và phát triển. Chiến lược
truyền thông này cũng cần bao quát đến đủ các đối tượng từ các nhà lãnh đạo,
quản lý và người dân./.
Nguồn:tapchicongsan.org.vn