Dấu mốc nước Việt Nam độc lập, thống nhất
Ngày 6-1-1946 đi vào lịch sử nước ta với dấu mốc là ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu các đại biểu Quốc hội của nước Việt Nam độc lập. Thế nhưng, phải đến 30 năm sau, ngày 25-4-1976, cử tri nước ta mới được đi bầu cử đại biểu Quốc hội của nước Việt Nam độc lập, thống nhất.

Mùa Xuân năm 1975, quân và dân ta giành được thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở miền Nam mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, xóa bỏ chế độ thực dân mới của đế quốc Mỹ, giành lại độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc. Từ đây, cách mạng Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn cả nước độc lập, thống nhất, cùng thực hiện một nhiệm vụ chiến lược là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước. Ngày 25-4-1976, trong không khí tưng bừng, hơn 23 triệu cử tri, với tư thế của người làm chủ đất nước, đã nô nức đi bầu cử, lựa chọn những đại biểu xuất sắc, xứng đáng vào Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam độc lập, thống nhất. Cuộc bầu cử được tiến hành nhanh, gọn và đạt kết quả tốt, tỷ lệ cử tri đi bầu trong cả nước đạt 98,77%. Cử tri đã lựa chọn và bầu đủ 492 đại biểu Quốc hội khóa VI (1976-1981) trong vòng đầu, không nơi nào phải bầu lại hoặc bầu thêm. Trong nhiệm kỳ này, đồng chí Trường Chinh được bầu làm Chủ tịch Quốc hội. Với 7 kỳ họp, Quốc hội đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, nổi bật là đổi tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đổi tên thành phố Sài Gòn thành thành phố Hồ Chí Minh, thông qua bản Hiến pháp năm 1980 tại Kỳ họp thứ 7, ngày 18-12-1980.

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh tặng quà hộ nghèo xã Nghĩa Đạo, huyện Thuận Thành dịp Tết Nguyên Đán Quý Mão, năm 2023.

 

Cuộc bầu cử Quốc hội khoá VI đã đi vào lịch sử như là một mốc son của nước Việt Nam độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội; mở ra thời kỳ mới, thêm điều kiện thuận lợi để nhân dân ta tiếp tục thực hiện lời căn dặn thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc xây dựng lại đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”; mở ra cơ hội cho nước ta hội nhập và mở rộng hợp tác quốc tế trong vị thế của một nhà nước độc lập, thống nhất.
Tiếp nối thành công từ cuộc bầu cử Quốc hội khoá VI, 47 năm qua hoạt động của Quốc hội nước ta ngày càng hiệu lực và hiệu quả. Công tác xây dựng luật, pháp lệnh tiếp tục được đổi mới về quy trình, nâng cao về chất lượng, góp phần thể chế hóa kịp thời, đúng đắn đường lối của Đảng, nâng cao hiệu lực và hiệu quả điều hành, quản lý của Nhà nước. Công tác giám sát được tăng cường thông qua việc sử dụng nhiều phương thức tổng hợp, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Quốc hội. Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề được dư luận và nhân dân quan tâm. Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đặc biệt là các quyết định về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và công trình dự án quan trọng quốc gia. Hoạt động đối ngoại đạt nhiều kết quả tích cực, vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội ngày càng được nâng cao, mang lại niềm tin trong nhân dân, góp phần quan trọng trong việc nâng cao vị thế của Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế…Đáng chú ý, thời gian qua, nhất quán mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, Quốc hội không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tiêu biểu là ban hành Hiến pháp 1992 - Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước, Hiến pháp 2013 - Hiến pháp của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, đánh dấu những bước phát triển quan trọng của cách mạng Việt Nam. Quốc hội khoá XV (nhiệm kỳ 2021-2026) ghi dấu ấn với hàng loạt quyết sách chủ động, kịp thời, quyết liệt để vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội; ban hành Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, Quốc hội đang xem xét Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm đổi mới, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai phù hợp với tình hình thực tế, nâng cao giá trị của đất đai, tư liệu sản xuất đặc biệt của nhân dân.
77 năm từ ngày Tổng tuyển cử đầu tiên và 47 năm từ ngày bầu đại biểu Quốc hội của nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dưới sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của của Đảng, Quốc hội cùng với nhân dân cả nước đã lập được những kỳ tích lớn lao, tạo ra những bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên, thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, vượt qua ngưỡng nước nghèo, kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện; chính trị - xã hội ổn định; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng, uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia tăng lên, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục phát triển với những triển vọng tốt đẹp. Nhìn lại chặng đường đã qua, phấn khởi, tự hào với những thành tựu đạt được, chúng ta càng thêm tin tưởng, phấn khởi hướng tới tương lai.

Nguồn:baobacninh.com.vn
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập