Thành tựu đào tạo, sử dụng trí thức tinh hoa Việt Nam thời kỳ đổi mới
Đội ngũ trí thức là lực lượng lao động trí óc, có trình độ học vấn cao, chuyên môn sâu về một lĩnh vực, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo; giàu lòng yêu nước, có đạo đức và lý tưởng cách mạng, gắn bó với Đảng, Nhà nước và dân tộc. Trí thức tinh hoa là bộ phận ưu tú nhất của tầng lớp trí thức, là những trí thức đầu ngành tài năng, xứng đáng được coi là người đại diện chân chính cho trí tuệ, phẩm cách và lương tri của nền khoa học - công nghệ nước nhà. Đội ngũ này gồm các chuyên gia cao cấp, các nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà hoạt động văn hóa - nghệ thuật... đã thành danh, có khả năng sáng tạo vượt trội đặc biệt trong các lĩnh vực của chuyên ngành, được biết đến rộng rãi cả trong nước và quốc tế. Uy tín của họ được khẳng định thông qua những thành tựu sáng giá trong hoạt động chuyên môn và tinh thần sẵn sàng dấn thân vì sự tiến bộ của cộng đồng, phụng sự Tổ quốc, nhân dân, dân tộc. Họ chính là lực lượng có khả năng tạo đột phá cho phát triển xã hội, đóng góp xuất sắc vào sự nghiệp xây dựng đất nước trong gần bốn thập niên đổi mới vừa qua.
Về đào tạo, trí thức tinh hoa có thể được đào tạo bằng con đường tự học và ở nhà trường. Bên cạnh tài năng và sự rèn luyện nghiêm túc của bản thân, nền giáo dục khoa học, chuẩn mực, hiện đại và tiến bộ chính là điều kiện tiên quyết bảo đảm sự phát triển vượt trội của một số ít người, đưa họ trở thành những trí thức tinh hoa thực sự. Nhìn chung, giới trí thức tinh hoa nước ta đều là những người được học hành bài bản trong môi trường đào tạo uy tín cả trong và ngoài nước. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta xác định, giáo dục và đào tạo là “quốc sách hàng đầu” - đây là điều kiện cần thiết cho sự phát triển của đội ngũ trí thức tinh hoa. Việc đào tạo trí thức tinh hoa trong những năm qua được thực hiện tương đối bài bản, qua các bậc học từ phổ thông đến đại học, sau đại học, với những cách thức và phương pháp khác nhau, cụ thể:
Một là, phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh năng khiếu ở bậc học phổ thông. Bồi dưỡng học sinh năng khiếu là bước đầu tiên trong quá trình đào tạo đội ngũ trí thức tinh hoa, đòi hỏi thực hiện từ rất sớm, nhất là trong một số lĩnh vực đặc thù, cần có tố chất bẩm sinh vượt trội được thể hiện ngay từ khi còn nhỏ, như toán học, vật lý, hội họa, thể thao, âm nhạc… Từ giữa thập niên 60 của thế kỷ XX, Việt Nam đã mở các trường chuyên từ cấp 2, 3 để kịp thời phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng học sinh năng khiếu trong các ngành khoa học và nghệ thuật. Bước vào thời kỳ đổi mới, Việt Nam đã xây dựng thành công mạng lưới đông đảo các trường phổ thông chuyên tại khắp các tỉnh, thành phố, do các nhà giáo có chuyên môn cao trực tiếp tham gia giảng dạy. Có thể nói, các trường trung học phổ thông chuyên chính là nơi ươm trồng, nuôi dưỡng, bước đầu đào tạo các tài năng trẻ cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao cho công cuộc đổi mới của Việt Nam.
Hai là, đào tạo tài năng trẻ và nguồn nhân lực chất lượng cao ở bậc đại học và sau đại học. Các trường đại học được xem là chiếc nôi sinh ra những nhà khoa học hàng đầu trong lực lượng nghiên cứu cũng như trong việc tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao. Về nguyên tắc, để tạo nên những tài năng khoa học trẻ xuất sắc, việc đào tạo phải được thực hiện ở các trung tâm nghiên cứu, đào tạo lớn, nơi tập trung đông đảo các nhà khoa học có năng lực nhất của chuyên ngành với các điều kiện làm việc tương đương chuẩn mực quốc tế, có quan hệ hợp tác rộng rãi với các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, mới chỉ có một số ít trường đại học, viện nghiên cứu lớn và một số mô hình đào tạo đặc biệt đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe này, trở thành những hạt nhân ở tuyến đầu trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thuộc một số chuyên ngành khoa học quan trọng, như y học, toán học, vật lý… Đặc biệt, các chuyên gia, trí thức khoa học tham gia công tác giảng dạy có vai trò quan trọng trong việc bồi đắp nên thế hệ nhà khoa học kế cận, tạo ra đội ngũ trí thức tinh hoa mới cho đất nước. Bên cạnh đó, nhiều trí thức ở nước ta được gửi đi đào tạo tại các quốc gia phát triển, như Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Nhật Bản... Bộ phận này - tuy số lượng không nhiều, nhưng lại đặc biệt có chất lượng, hiện diện trên nhiều lĩnh vực lao động sáng tạo, giúp chúng ta từng bước hội nhập về khoa học - công nghệ với khu vực và thế giới. Sứ mệnh đào tạo nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao của nền giáo dục Việt Nam thời kỳ đổi mới đã gặt hái được nhiều thành tựu nhờ sự giúp sức của những nhà trí thức tinh hoa tâm huyết với sự nghiệp trồng người. Bằng nhiều hoạt động đa dạng trong đào tạo, họ đã góp phần không nhỏ vào việc khuyến khích sự học - chìa khóa của phát triển và hưng thịnh quốc gia; đồng thời, tạo dựng nên một thế hệ những tài năng khoa học mới làm vốn quý cho đất nước.
Về sử dụng, Việt Nam có truyền thống tôn trọng trí thức, quý trọng hiền tài. Qua các thời kỳ lịch sử, trí thức tinh hoa thường được trao vị thế xã hội tương ứng với tài năng, trí tuệ và nhân cách của họ; đồng thời, tạo mọi điều kiện để trí thức tinh hoa phát huy tốt năng lực, trở thành lực lượng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển và tương lai của dân tộc. Bước sang thời kỳ đổi mới, trí thức tinh hoa càng được Đảng, Nhà nước và xã hội tin tưởng và trọng dụng. Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề về phát triển đội ngũ trí thức, phát triển khoa học và công nghệ. Các kỳ đại hội của Đảng đều nhất quán quan điểm trọng dụng, đãi ngộ đối với lực lượng này. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng nhấn mạnh: “Trọng dụng trí thức trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến... Có chính sách đặc biệt đối với nhân tài của đất nước. Coi trọng vai trò tư vấn, phản biện, giám định xã hội của các cơ quan nghiên cứu khoa học trong việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội(2). Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII xác định: “Tôn trọng, phát huy tự do tư tưởng, học thuật, thực hành dân chủ trong hoạt động nghiên cứu sáng tạo; trọng dụng nhân tài, trí thức tinh hoa, nhà khoa học đầu ngành chính là tạo môi trường, điều kiện thuận lợi và động lực căn bản để xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức và phát huy vai trò, vị trí và sự cống hiến của trí thức, thực sự xứng tầm là nguyên khí quốc gia”(3). Có thể thấy, Đảng và Nhà nước đã trao cho trí thức tinh hoa nhiều trọng trách và điều kiện thuận lợi để họ có thể cống hiến tối đa tài năng, sức lực cho đất nước.
Những thành tựu trong việc sử dụng trí thức tinh hoa thời kỳ đổi mới tập trung trên các lĩnh vực chủ yếu sau đây:
Tham gia hoạch định và thực thi chính sách: Trong giai đoạn đầu đổi mới, các trí thức tinh hoa bao gồm những chuyên gia giỏi ở nhiều lĩnh vực khác nhau, tập hợp dưới các “think tank” (nhóm tư vấn chính sách cấp cao). Đây là lực lượng quan trọng mở đường cho đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế ở Việt Nam. Có những “think tank” chính thức do lãnh đạo Đảng và Nhà nước trực tiếp chỉ đạo, điều hành, nhưng cũng có những “think tank” không chính thức do các địa phương, các cá nhân tự tổ chức để tham mưu chính sách cho Đảng và Nhà nước. Các nhóm này hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực tham vấn, được giới nghiên cứu thừa nhận là nhân tố có vai trò tích cực giúp các nhà lãnh đạo hoạch định đường lối, chính sách cho công cuộc đổi mới đất nước, đưa Việt Nam thoát khỏi khủng khoảng kinh tế - xã hội, từng bước hội nhập vào nền kinh tế quốc tế(4). Bên cạnh đó, các trí thức tinh hoa làm việc trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, trong các tổ chức chính trị - xã hội của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, nhất là những người trực tiếp giữ vị trí chủ chốt trong các cấp lãnh đạo, quản lý ở các ban, bộ, ngành còn là lực lượng tham gia có hiệu quả vào chu trình chính sách và hoạt động phản biện xã hội. Họ không chỉ cung cấp cơ sở khoa học, đề xuất ý tưởng cho việc hoạch định đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, mà còn là người thực thi chính sách, tham gia phản biện để hình thành nên những chính sách phù hợp với thực tiễn.
Thúc đẩy sự phát triển của khoa học và giáo dục: Trong lĩnh vực khoa học, trí thức tinh hoa Việt Nam trong và ngoài nước có cống hiến quan trọng đối với việc xây dựng, phát triển các ngành khoa học, đồng thời, có nhiều nỗ lực đổi mới sáng tạo liên quan đến khoa học - công nghệ. Những thành tựu, cống hiện đó góp phần quan trọng vào việc khám phá tri thức mới, nâng cao tiềm năng tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế, giải quyết các vấn đề do thực tiễn sản xuất và đời sống đặt ra. Trong lĩnh vực giáo dục, trí thức tinh hoa có vai trò kép - vừa là nhà khoa học, vừa là người thầy trực tiếp triển khai hoạt động bồi dưỡng nhân tài. Thực hiện thành công vai trò, trách nhiệm sẽ giúp cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Sáng tạo và truyền bá văn hóa - nghệ thuật: Các trí thức văn nghệ sĩ tài danh thời kỳ đổi mới, đặc biệt là các nhà hoạt động âm nhạc, các nhà văn hóa lớn là những người đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa truyền thống của dân tộc; lan tỏa những giá trị văn hóa của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Bằng tài năng, tâm huyết và sự sáng tạo, họ đã tạo nên những tác phẩm có nội dung và phong cách thể hiện mới, đóng góp tiếng nói có giá trị vào quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội và hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thành công nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ở nước ta. Những kết quả đó đã chứng minh sự đúng đắn của chính sách trọng dụng nhân tài của Đảng và Nhà nước ta, phát huy cao nhất vai trò, trí tuệ và năng lực của đội ngũ trí thức tinh hoa vào quá trình xây dựng, phát triển đất nước.
Những vấn đề đặt ra
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, song việc đào tạo và sử dụng trí thức tinh hoa Việt Nam vẫn còn những hạn chế cần khắc phục, đó là:
Một là, sự thiếu hụt đội ngũ trí thức đầu ngành. Trí thức tinh hoa là nguồn lực then chốt quyết định thành công các hoạt động liên quan tới giáo dục, khoa học và nghệ thuật. Tuy nhiên, Việt Nam đứng trước thực trạng thiếu hụt cả về số lượng, chất lượng của đội ngũ trí thức tinh hoa, nhất là bộ phận trí thức khoa học - công nghệ. “Cơ cấu, số lượng, chất lượng đội ngũ trí thức chưa hợp lý, thiếu hụt chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực quan trọng; chưa tạo được môi trường thuận lợi động viên trí thức chủ động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, truyền thụ kiến thức, tư vấn, phản biện xã hội”(5). Bên cạnh đó là tình trạng thiếu hụt các nhà khoa học, các tổng công trình sư có trình độ cao, có năng lực chủ trì các nhiệm vụ nghiên cứu quan trọng ở quy mô quốc gia và quốc tế; tình trạng hụt hẫng về thế hệ đội ngũ giảng viên và nhà khoa học trình độ cao trong các trường đại học, các viện nghiên cứu tiếp tục gia tăng; các trường đại học trong những năm gần đây tuyển được ít sinh viên giỏi vào học các ngành khoa học cơ bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội - nhân văn. Cùng với tình trạng “chảy máu chất xám”, Việt Nam chưa sử dụng và phát huy cao nhất trí tuệ của lực lượng trí thức, chuyên gia khoa học người Việt Nam ở nước ngoài. Do đó, nếu không có giải pháp kịp thời để bồi đắp, xây dựng đội ngũ trí thức tinh hoa, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng nhân tài trong tương lai.
Hai là, sự bất cập trong đầu tư, phân bổ kinh phí cho phát triển khoa học và giáo dục. Từ năm 2017 đến năm 2023, tỷ lệ chi cho đầu tư khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giảm dần, chỉ đạt 1,1 - 1,18%, riêng năm 2023 là 0,83%, trong khi đó, nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị quy định đảm bảo từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng dần lên theo các năm(6). Các doanh nghiệp Việt Nam còn nhỏ, chưa có tiềm lực để đầu tư cho các quỹ, trường, viện nghiên cứu. Hiện nay, mới chỉ có tập đoàn Vingroup đủ mạnh để vận hành Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF), với mức chi gần 800 tỷ đồng trong 5 năm (từ 2018 - 2022) cho nghiên cứu khoa học, không phân biệt các nhà khoa học từ các cơ sở nghiên cứu công lập hay tư nhân. Theo số liệu của Bộ Tài chính, năm 2020, thực chi đầu tư cho giáo dục đại học của Việt Nam chưa đạt đến 12.000 tỷ đồng, chiếm 0,18% GDP, thấp hơn nhiều so với con số của các nước trong khu vực và trên thế giới(7). Sự hạn hẹp về nguồn lực tài chính này ảnh hưởng sâu rộng lên yếu tố chất lượng và quy mô giáo dục đại học.
Ba là, sự chậm trễ trong quyết sách và hành động của các cơ quan quản lý và sử dụng trí thức. Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã dành nhiều sự quan tâm đến việc xây dựng và sử dụng đội ngũ trí thức tinh hoa đối với sự phát triển bền vững của dân tộc. Mặc dù vậy, vai trò và việc đào tạo, sử dụng đội ngũ trí thức tinh hoa vẫn chưa được phát huy và khai thác hiệu quả. “Việc phát huy vai trò của đội ngũ trí thức còn bất cập, hạn chế; một số nội dung của nghị quyết chậm được thể chế; chính sách, pháp luật chưa hoàn thiện, đồng bộ; thiếu cơ chế, chính sách đột phá trong đầu tư, huy động nguồn lực, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng, tôn vinh trí thức, nhất là bộ phận trí thức tinh hoa”(8). Một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu chưa quan tâm đúng mức, đầy đủ, sâu sắc đến việc phát triển đội ngũ trí thức. Việc đào tạo, sử dụng đội ngũ trí thức tinh hoa còn đối mặt với vấn đề mất cân đối giữa quy mô và chất lượng của hệ thống giáo dục - đào tạo; sự chênh lệch, tách biệt giữa nghiên cứu và giảng dạy; thiếu đồng bộ với các chuẩn mực quốc tế trong nghiên cứu khoa học; bất cập trong sử dụng nhân tài…
Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức tinh hoa ở Việt Nam hiện nay
Để tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức tinh hoa ở Việt Nam hiện nay, nhất là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực then chốt, trọng yếu, cần chú trọng một số giải pháp sau :
Một là, thống nhất và tạo chuyển biến nhận thức của toàn xã hội về phát huy vai trò của trí thức tinh hoa. Cần đổi mới mạnh mẽ tư duy, nâng cao, thống nhất nhận thức trong các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ trí thức trong tình hình mới. Trong đó, nhận thức đúng đắn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người đứng đầu các ban, bộ, ngành là nhân tố có ý nghĩa quyết định.
Hai là, tập trung xây dựng trường đại học nghiên cứu đẳng cấp quốc tế. Các quốc gia phát triển trên thế giới đều nhận thức rõ vai trò trung tâm của hệ thống đại học đối với sự phát triển. Do đó, cùng với việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục - đào tạo, Việt Nam cần tập trung xây dựng ít nhất từ một đến hai trường đại học nghiên cứu, có khả năng cạnh tranh về thứ hạng với các trường khác trong khu vực và trên thế giới. Trường đại học này với tư cách là trung tâm nghiên cứu và đào tạo hàng đầu sẽ trở thành “vườn ươm nhân tài” và nuôi dưỡng những thế hệ trí thức tinh hoa mới cho đất nước.
Ba là, có chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với các trí thức tinh hoa. Đãi ngộ thỏa đáng theo tài năng và cống hiến là điều kiện cần để nuôi dưỡng và phát huy tài năng của các nhà trí thức tinh hoa. Cần “có cơ chế, chính sách ưu tiên, đột phá trong thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài, nhất là chính sách tuyển dụng, tiền lương, tạo môi trường làm việc, tập trung vào các nhà khoa học giỏi, có trình độ chuyên môn cao, có khả năng chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng, các chuyên gia đầu ngành, trí thức có uy tín, có thành tựu cống hiến trong các ngành, lĩnh vực quan trọng, các cơ quan tham mưu chiến lược”(9). Kiên quyết loại bỏ chủ nghĩa bình quân trong chính sách tiền lương, chấp nhận sự chênh lệch cần thiết về thù lao, đãi ngộ để giữ chân và thu hút được những nhân tài trí thức hàng đầu cho đất nước.
Bốn là, đầu tư cho cơ sở vật chất nghiên cứu và sáng tạo. Cần đẩy mạnh đầu tư nâng cấp và trang bị cơ sở vật chất hiện đại để hỗ trợ tối đa công việc của các nhà khoa học nhằm gia tăng khả năng giữ chân, thu hút nhân tài và khai thác có hiệu quả tiềm năng của họ. Do đó, cần “nghiên cứu thành lập trung tâm tích hợp khoa học và công nghệ hiện đại, đạt trình độ tiên tiến, trước mắt thành lập tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, từng bước mở rộng đến các vùng kinh tế - xã hội trọng điểm”(10).
Năm là, sử dụng hợp lý người tài. Trong các khâu phát hiện, tuyển chọn và sử dụng người tài, sử dụng thường được xem là khâu quan trọng nhất, cũng là khâu khó nhất, bởi “dụng nhân như dụng mộc”, có “dụng đúng”, “dụng trúng” thì người tài mới có thể phát huy tối đa năng lực và phẩm chất của mình. Do đó, cần vừa chú trọng phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam cả trong và ngoài nước, vừa có cơ chế, chính sách đột phá thu hút, nhất là trọng dụng trí thức, đặc biệt là trí thức tinh hoa, chuyên gia đầu ngành và nhân tài của đất nước; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng lớp trí thức trẻ kế cận.
Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII đã đạt được sự thống nhất cao về vấn đề tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức, bồi đắp nguyên khí quốc gia vững mạnh hơn nữa trong thời kỳ mới. Với việc tạo lập môi trường và đầu tư thích đáng các nguồn lực cần thiết cho phát triển, trí thức tinh hoa Việt Nam sẽ phát huy được tiềm năng vai trò quan trọng của mình đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước./.
------------------------------
(1), (5), (8), (9), (10) Xem: Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 24-11-2023, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, “Về tiếp tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới”
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 241 - 242
(3) Toàn văn phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/tin-tieu-diem/-/asset_publisher/s5L7xhQiJeKe/content/trung-uong-thong-nhat-ban-hanh-cac-nghi-quyet-va-quyet-nghi-mot-so-noi-dung-quan-trong-khac-gop-phan-tao-ra-khi-the-moi-xung-luc-moi-cho-su-nghiep-doi
(4) Xem: Đặng Phong: Tư duy kinh tế Việt Nam - chặng đường gian nan và ngoạn mục 1975-1989, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2008
(6) Thu Phương: Tháo gỡ vướng mắc về cơ chế tài chính trong lĩnh vực khoa học, công nghệ,
https://quochoi.vn/_catalogs/masterpage/TVPortal.Publishing.Subsite.aspx?ItemID=76721
(7) “Ngân sách chi cho giáo dục đại học chỉ chiếm 0,27% GDP, nâng chất lượng thế nào?”, https://vtc.vn/ngan-sach-chi-cho-giao-duc-dai-hoc-chi-chiem-0-27-gdp-nang-chat-luong-the-nao-ar708126.html