Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, những năm gần đây, tỉnh Bắc Ninh luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về chỉ số an toàn thông tin mạng: Năm 2020, Bắc Ninh xếp thứ 7 cả nước; năm 2021 xếp thứ 5; năm 2022 xếp thứ 4.
Năm 2023, Bắc Ninh tham gia chương trình diễn tập ACID do Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam phối hợp với Trung tâm Ứng cứu sự cố các nước Đông Nam Á tổ chức, đoàn Bắc Ninh đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Năm 2021, hệ thống giám sát phát hiện 5.288 sự kiện có nguy cơ tấn công mạng ở mức cao; năm 2022 là 3.068 sự kiện; năm 2023 giảm còn 1.123 sự kiện. Tất cả các sự kiện có nguy cơ tấn công mạng đều được kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời.
Trung tâm Dữ liệu luôn ứng trực 24/7, bảo đảm an toàn hệ thống thông tin của tỉnh.
Đảm bảo an toàn thông tin mạng là điều kiện để Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu xây dựng và đưa vào sử dụng các Hệ thống thông tin dùng chung quy mô toàn tỉnh để thực hiện mô hình “bốn không” trong xây dựng Chính quyền điện tử của tỉnh. Hệ thống truyền hình trực tuyến với 160 điểm cầu (bao gồm 100% sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh; 8 UBND huyện, thị xã, thành phố và 126 xã, phường, thị trấn) phục vụ các cuộc họp với Trung ương và nội bộ tỉnh bảo đảm ổn định và đáp ứng yêu cầu an toàn thông tin. Hệ thống hoàn toàn có khả năng mở rộng, đáp ứng yêu cầu họp trực tuyến cho các ngành, các cấp.
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc người dân được xây dựng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của Bộ Thông tin và Truyền thông và nghiệp vụ của Văn phòng Chính phủ, đã đáp ứng yêu cầu đến năm 2025 toàn bộ thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến, 100% dịch vụ công trực tuyến được thiết kế, thiết kế lại nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, khi sử dụng được điền sẵn dữ liệu mà người dùng đã cung cấp trước đó; 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền; tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến (đến nay đã đạt hơn 50%).
Với việc các sở, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các giải pháp đồng bộ, tháng 11 tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến toàn tỉnh đạt 83,03% (tăng 11,52% so với tháng trước). Trong đó, cấp tỉnh đạt 80,61% (tăng 1,65%); cấp huyện đạt 80,24% (tăng 12,7%), cấp xã đạt 94,75% (chỉ tiêu cấp xã mới thống kê trong tháng 11).
Đối với cấp tỉnh, 10 đơn vị có tỷ lệ đạt 100% hồ sơ trực tuyến gồm: Ban Quản lý An toàn thực phẩm, Sở Thông tin và Truyền Thông, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế, Sở Nội vụ, Sở Tài chính. 4 đơn vị chưa đạt chỉ tiêu được giao tại Chỉ thị số 10/CT-UBND là: Sở Xây dựng (81,0%), Sở Tài nguyên và Môi trường (73,2%), Ban Quản lý các Khu công nghiệp (55,2%), Sở Tư pháp (28,7%).
Đối với cấp huyện, có 4/8 địa phương đạt chỉ tiêu được giao tại Chỉ thị số 10 của Chủ tịch UBND tỉnh gồm: thị xã Thuận Thành 99,85%, huyện Lương Tài 99,76%, Gia Bình 99,6%, thành phố Bắc Ninh 98,46% là; thấp nhất là thị xã Quế Võ (42,09%).
Đối với cấp xã, hầu hết các xã, phường, thị trấn đã đạt chỉ tiêu giao tại Chỉ thị số 10, còn một số đơn vị chưa đạt như: phường Phương Liễu (thị xã Quế Võ); phường An Bình, Hà Mãn, xã Mão Điền (Thị xã Thuận Thành).
Tính chung 11 tháng năm nay, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình các sở, ban, ngành thực hiện trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh là 36,44% và trên Cổng dịch vụ công Quốc gia là 70,47%.
Hiện nay, dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đạt 2,6/12 điểm (trung bình cả nước là 3,5/12 điểm). Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình thấp chưa khớp với Quyết định số 881 ngày 24-7-2023 của UBND tỉnh về việc công bố danh mục dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần thực hiện tại 3 cấp áp dụng trên địa bàn tỉnh.
Sau khi triển khai Hệ thống thông tin giải quyết TTHC phiên bản mới tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đã tăng trưởng rõ rệt, tuy nhiên vẫn chưa đạt được chỉ tiêu đề ra trong Chỉ thị số 10 của UBND tỉnh. Để khắc phục tình trạng này, Bắc Ninh cần kịp thời thực hiện công khai dịch vụ công trực tuyến và đôn đốc các đơn vị thực hiện kiểm thử trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC; các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân xử lý hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.