Cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một
tấm gương phản chiếu của gần trọn thế kỷ XX - thế kỷ dữ dội nhất và cũng bi
hùng nhất của dân tộc Việt Nam. Không chỉ lừng danh là một vị tướng thiên tài
của thời đại, ông còn được biết đến là một vị tướng tài đức, văn võ song toàn,
một nhà chính trị vì dân. Đạo đức cách mạng và những cống hiến xuất sắc của Đại
tướng mãi mãi ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như những bản hùng ca đẹp nhất
và vững bền cùng mỗi bước đi của dân tộc.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát trận địa
tại Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. (Ảnh nguồn Internet)
Người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam,
vị tướng của lòng dân
Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ra và lớn lên
trong một gia đình nhà nho giàu truyền thống yêu nước, truyền thống gia đình và
quê hương là cái nôi hình thành nhân cách đồng chí với những đức tính yêu nước,
hiếu học, cần cù, thông minh, sáng tạo, kiên trung mà nhân ái; cương trực, dũng
cảm mà độ lượng, khoan dung... Trên con đường hoạt động cách mạng, được may mắn
sống và hoạt động bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tấm gương, nhân cách đạo đức
của Người đã có ảnh hưởng đặc biệt giúp Đại tướng hoàn thiện nhân cách của mình
- nhân cách của một người cách mạng và sau này là nhân cách của người Đại tướng
Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn sáng ngời những
phẩm chất nhân cách của nhà văn hóa lớn, một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách
mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; đặc biệt là 6 đức tính cần phải
có của các vị tướng do Bác Hồ chỉ ra “Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung” luôn
được Đại tướng thực hiện đầy đủ, trọn vẹn. Trọn cuộc đời tận tụy cống hiến,
chiến đấu, hy sinh vì nước, vì dân, nhân cách Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngời
sáng tinh thần yêu nước, thương dân, đậm đà tính nhân văn, nhân đạo; lấp lánh
trí tuệ anh minh, sáng suốt của một nhà văn hóa - hiền triết phương Đông; tỏa
sáng phẩm chất cách mạng của vị tướng xuất chúng, hết lòng phụng sự Tổ quốc,
phục vụ nhân dân.
Trong lòng nhân dân, Đại tướng, Tổng Tư lệnh
Võ Nguyên Giáp không chỉ là một danh tướng, một “nhà chính trị đi trước nhà
quân sự”, mà còn là một “cây đại thụ rợp bóng nhân văn”. Ông là một vị tướng
hiểu rõ và thấm nhuần sâu sắc tư tưởng “trọng dân”, “nước lấy dân làm gốc” của
các bậc tiền nhân. Yếu tố nhân dân luôn bám rễ sâu trong tư duy quân sự của
ông. Ngay trong buổi đầu thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân -
Đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, ông đã trực tiếp soạn
thảo “Mười lời thề” cho đội, trong đó nhiều nội dung đều đề cập đến quan hệ
quân - dân.
Trên cương vị Tổng Tư lệnh, Bộ trưởng Bộ Quốc
phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có công lớn cùng tập thể Quân ủy Trung ương
đưa quan hệ quân - dân trở thành một trong những nét đẹp truyền thống quý báu
của Quân đội nhân dân Việt Nam, cũng như trong việc tạo dựng hình ảnh đẹp của
Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân.
Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về:
xây dựng lực lượng quân đội nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến
đấu; xác định nhiệm vụ trọng tâm của quân đội “trung với Đảng, hiếu với dân,
sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội.
Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh
thắng”… được Đại tướng áp dụng một cách nhuần nhuyễn. Từ đó, đã xây dựng được
một Quân đội nhân dân Việt Nam vô địch, đánh thắng quân xâm lược, giành độc lập
tự do cho dân tộc, thống nhất đất nước.
Với tư cách là Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân
Việt Nam, Đại tướng luôn ghi nhớ, noi gương và thực hiện lời căn dặn của Chủ
tịch Hồ Chí Minh: làm cách mạng là phải “dĩ công vi thượng”, tức là phải đặt
lợi ích chung lên trên hết; đồng thời, ông luôn đề cao vai trò của tập thể,
phục tùng tổ chức. Điển hình, tại Mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954, tuy là người
chỉ huy cao nhất được Bác và Bộ Chính trị trao toàn quyền quyết định các vấn
đề, nhưng trước khi quyết định những vấn đề hệ trọng, bao giờ Đại tướng cũng
đưa ra thảo luận ở tập thể Đảng ủy, Bộ Chỉ huy chiến dịch, tham khảo ý kiến của
Đoàn cố vấn, nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao. Và quyết định thay đổi
phương châm tác chiến, từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến
chắc” của Đại tướng không chỉ thể hiện tư duy quân sự sắc sảo, bản lĩnh của
người cầm quân, mà còn thể hiện việc quán triệt sâu sắc, chấp hành tuyệt đối ý
kiến chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “đánh chắc thắng”.
Ông cũng là một vị tướng thương yêu bộ đội hết
mực. Với cán bộ, chiến sĩ dưới quyền, ông như người cha, người anh, người đồng
chí thân thiết và gần gũi. Trước nhiều trận đánh, ông đều viết thư động viên,
nhắc nhở và thăm hỏi tình hình sức khỏe của bộ đội, dân công, thanh niên xung
phong… Trong điều kiện cực kỳ khó khăn, thiếu thốn tại chiến trường, Đại tướng
vẫn thường xuyên quan tâm, nhắc nhở cơ quan hậu cần, lãnh đạo, chỉ huy các đơn
vị chăm lo sức khỏe, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội…
Trong suốt sự nghiệp quân sự của mình, Đại
tướng Võ Nguyên Giáp luôn là người nghiêm khắc, nhưng khiêm tốn, bình dị, bao
dung và độ lượng. Cho dù trên cương vị nào, dường như ít khi thấy ông to tiếng
với cấp dưới. Đại tướng thường nói về cái tốt, cái đúng của đồng chí, đồng đội,
mà ít khi thấy ông thanh minh bất cứ một vấn đề nào thuộc về bản thân mình. Khi
đề cập đến chiến thắng của các chiến dịch, thắng lợi của hai cuộc kháng chiến,
bao giờ và trước hết Đại tướng cũng nói đến vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh,
của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy; nhắc đến công lao, cống hiến
của đồng đội, đồng chí và đồng bào cả nước… Khi được hỏi: Vị tướng nào trong
chiến tranh được Đại tướng đánh giá cao nhất? Ông đã khiêm tốn trả lời: Các vị
tướng dù có công lao to lớn đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả. Chỉ có
nhân dân Việt Nam là người đánh thắng Mỹ... Vị tướng tôi đánh giá cao nhất là
Tướng Nhân Dân.
Chất nhân văn trong con người Võ Nguyên Giáp
cũng chính là hiện thân của tư tưởng nhân nghĩa, nhân văn trong văn hóa giữ
nước của dân tộc Việt Nam được tích tụ qua hàng nghìn năm lịch sử và được tỏa
sáng, phát triển lên tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh.
Nhà hoạt động đối nội vì mục đích “Tự do, hạnh
phúc cho nhân dân”
Nếu trong đường lối chính trị đối ngoại, Đại
tướng Võ Nguyên Giáp đã lấy “Hòa bình trong độc lập tự do” làm mục tiêu cao
nhất, thì về mặt đối nội, mọi hoạt động của ông đều nhằm mục đích “Tự do, hạnh
phúc cho nhân dân”.
Ngay từ những năm đầu xây dựng chế độ dân chủ
cộng hòa, tuy là người được phân công đặc trách về quân sự để bảo vệ nền độc
lập mới giành được, nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với năng lực của một nhà
luật học cách mạng, đã tham gia phần đáng kể trong việc xây dựng dự thảo Hiến
pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ông được bầu làm đại biểu
Quốc hội từ khóa đầu tiên cho đến nhiều khóa sau.
Với tư cách là người đã tham gia cuộc Tổng
tuyển cử đầu tiên, là đại biểu Quốc hội khóa I và nhiều khóa sau đó, trong bài:
“Mấy ý kiến về sự ra đời của Quốc hội đầu tiên và vấn đề nâng cao vai trò của
Quốc hội trong sự nghiệp đổi mới” phát biểu tại Hội thảo về Quá trình hình
thành, phát triển và vai trò của Quốc hội trong sự nghiệp đổi mới (ngày
21/12/2000), Đại tướng nói: “Theo Bác, mọi quyền lợi đều ở người dân, mọi sức
mạnh đều ở dân, dân phải làm chủ. Nay nhìn lại Hiến pháp đầu tiên, đến các Hiến
pháp sau này, chúng ta thấy có những điều chúng ta đã tiến lên, nhưng có những
điều chưa phải đã đầy đủ, còn có những điều chưa ngang tầm với Hiến pháp đầu
tiên, chúng ta còn phải nghiên cứu. Đó là làm sao thực hiện được tinh thần thực
sự dân chủ...”.
Với nhãn quan chính trị sắc bén, nhìn Việt Nam
và thế giới, nắm rõ xu thế toàn cầu, bên thềm Đại hội IX của Đảng, trong ý kiến
phát biểu lần thứ nhất với Thường trực Tiểu ban xây dựng Báo cáo chính trị
trình Đại hội (tháng 10/1999), Đại tướng đã có bài viết: “Đổi mới, tiếp tục đổi
mới, dân chủ, dân chủ hơn nữa, nâng cao trí tuệ, đoàn kết tiến lên trong sự
nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”. Đại tướng mong muốn Việt
Nam nhanh chóng phát huy nội lực để hội nhập với thế giới mà không để mất vị
thế và bản sắc của mình. Trong nhiều năm, ông đã đề xuất với Đảng những phương
án đấu tranh xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, phát huy dân chủ trong Đảng,
dân chủ trong dân, lấy đó làm động lực để tiến nhanh, tiến mạnh, khắc phục tình
trạng thoái hóa, biến chất, chặn đứng tệ nạn tham nhũng, quan liêu, khắc phục
nguy cơ “nội xâm” khiến cho những mưu toan “diễn biến hòa bình” không thể phát
triển được.
Tất cả những ý kiến của Đại tướng đều được
nhìn nhận là xuất phát từ ý chí bảo vệ quyền lợi của dân, lấy lợi ích của dân
làm lợi ích tối cao, tối thượng. Ông luôn đặt sinh mạng chính trị của đất nước,
nhân dân lên trên hết, tìm cách thu hẹp mọi bất đồng, mâu thuẫn nhằm khắc phục
những khuyết điểm, sai lầm gây nguy hại cho quốc gia, dân tộc.
Cả cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cống
hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân, như sinh thời ông đã bộc bạch: “Tôi sống ngày
nào, cũng là vì đất nước ngày đó”. Thật đúng là: “Văn lo vận nước văn thành võ/
Võ thấu lòng Dân võ hóa văn” (nhà giáo Hồ Cơ). Tên tuổi và sự nghiệp của Đại
tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ được khắc ghi trong lịch sử dân tộc mà còn lừng
danh thế giới và luôn ngời sáng mãi trong lòng dân…
Nguồn:bacninh.gov.vn