Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo Bộ, Ngành Trung ương tham quan các mô hình thực hiện Đề án 06 và chuyển đổi số Quốc gia. Ảnh: TTXVN
Đồng chí Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh.
6 tháng đầu năm, công tác chuyển đổi số quốc gia đạt được những kết quả tích cực, có 2/35 mục tiêu hoàn thành, 15/35 mục tiêu thực hiện được hơn 50%, 18/35 mục tiêu thực hiện dưới 50%. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế nhằm tạo lập hành lang pháp lý giúp kiến tạo sự phát triển trên không gian mới (không gian số), giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn, các “điểm nghẽn” nhằm thúc đẩy chuyển đổi số nhanh.
Thực hiện Đề án 06, các dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được đẩy mạnh, nhiều dịch vụ công được người dân hưởng ứng với tỷ lệ cao. Đã cung cấp 25/25 dịch vụ công mức độ 4 theo Đề án 06 và 10/28 dịch vụ công theo Quyết định số 422/QĐ-TTg trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, giúp giảm thiểu tối đa tiếp xúc trực tiếp, hạn chế tình trạng tiêu cực, tham nhũng vặt… Việc thực hiện Đề án tạo ra các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội cho Chính phủ, doanh nghiệp, người dân như: Ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu để thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra trong 6 tháng cuối năm về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, nhất là phát huy vai trò, quyết tâm, nỗ lực của người đứng đầu, phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; xây dựng cơ chế theo dõi, giám sát, đánh giá, đôn đốc thực hiện có hiệu quả, với phương châm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực, nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp; tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách cho chuyển đổi số quốc gia nói chung và Đề án 06 nói riêng; đẩy mạnh sử dụng, phát triển nền tảng định danh điện tử VneID. Phấn đấu đến cuối năm 2023 có ít nhất 20 triệu người dân sử dụng nền tảng VNeID; đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương nhằm tạo ra những giá trị mới; bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân; tăng cường hợp tác quốc tế, nghiên cứu tiếp thu chọn lọc kinh nghiệm các nước trên thế giới về chuyển đổi số.
6 tháng đầu năm, công tác chuyển đổi số của tỉnh Bắc Ninh đạt được những kết quả nổi bật: 100% cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã triển khai việc tạo lập hồ sơ công việc trên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành dùng chung toàn tỉnh có ký số văn bản điện tử đối với lãnh đạo thay cho việc ký văn bản giấy. Tỷ lệ trung bình các cấp đều đạt cao, hơn 95%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đạt 42%... Kết quả xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) năm 2022, Bắc Ninh xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố; về xếp hạng cổng dịch công, (ở thời điểm hiện tại) Bắc Ninh xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố.
Đối với việc triển khai Đề án 06, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia gắn với các nhóm tiện ích. Công an tỉnh thực hiện tốt vai trò cơ quan thường trực phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tham mưu, đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai có hiệu quả, đúng tiến độ của Đề án. Kết quả, tiếp nhận hơn 136 nghìn hồ sơ qua cổng dịch vụ công; cấp 1.025.067/1.025.067 thẻ Căn cước công dân (đạt tỷ lệ 100%)…
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang phát biểu tại điểm cầu tỉnh.
Phát biểu tại điểm cầu tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang ghi nhận những kết quả đạt được trong triển khai công tác chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 của tỉnh thời gian qua, nhất là xếp hạng công tác chuyển đổi số và cổng dịch vụ công của tỉnh; đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp thu nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để triển khai hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số và Đề án 06 đề ra trong thời gian tới.
Đối với Đề án 06, cần tiếp tục xác định đây là một trong các nhiệm vụ trọng tâm phải làm thường xuyên, liên tục ở các cấp, ngành, địa phương; tập trung rà soát các nhiệm vụ thuộc ngành, cấp mình để thực hiện theo Chỉ thị số 05 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo; Báo Bắc Ninh, Đài PT-TH tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, quán triệt thực hiện hiệu quả Đề án trong các tầng lớp nhân dân, nhất là về các tiện ích sử dụng Căn cước công dân gắn chip và định danh điện tử mức 2, việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến; đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, hoàn thiện dữ liệu chuyên ngành, kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước và người dân, doanh nghiệp; khẩn trương rà soát danh mục phí, lệ phí thuộc thẩm quyền HĐND tỉnh quyết định ban hành mà các khoản phí, lệ phí đó sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến. Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về miễn giảm phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện.
Đối với chuyển đổi số, đề nghị các sở, ngành, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, trực tiếp chỉ đạo triển khai chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình, trong đó, tập trung hoàn thành tốt và sớm các chỉ tiêu chuyển đổi số từ nay đến năm 2025; giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì hoàn thiện dự thảo Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2024-2030; thủ trưởng các sở, ngành tiếp tục xin ý kiến của Bộ quản lý chuyên ngành về các nội dung đề xuất để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chuyển đổi số phù hợp với định hướng và tình hình thực tế của tỉnh; tăng cường chỉ đạo triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng cung cấp và thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh. Tái cấu trúc quy trình thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, bảo đảm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, triển khai biên lai điện tử trong thu phí/lệ phí giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công các cấp.