Cuộc đua từ ý tưởng đến hiện thực

Từ một tỉnh thuần nông với xuất phát điểm thấp, bằng những quyết sách quan trọng, trong đó xác định phát triển công nghiệp là mũi đột phá được tỉnh kiên trì theo đuổi xuyên suốt các thời kỳ. Trong cuộc đua từ ý tưởng đến hiện thực hóa quyết tâm chính trị, sau 25 năm Bắc Ninh đã trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại hội tụ các “ông lớn” của giới công nghệ toàn cầu, thu hút hơn 320 nghìn lao động trong nước và quốc tế đến làm việc, sinh sống tạo nên một trung tâm sản xuất công nghiệp sôi động, kết nối Bắc Ninh với 5 châu, hòa cùng biển lớn.

Hiện thực hóa quyết tâm chính trị
Định hướng phát triển KCN- Đô thị được thể hiện trong Quyết định số 48/1998/QĐ-UB năm 1998 của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội đến năm 2010 và tiếp tục được khẳng định trong Nghị quyết số 12-NQ/TU năm 2000; Nghị quyết số 02/NQ-TU năm 2001 và Nghị quyết số 02/NQ-TU năm 2006 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh. Trong đó, trọng tâm là Nghị quyết 02/NQ-TU ngày 4-5- 2001 về “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và phát triển các KCN, CCN gắn với phát triển đô thị theo hướng hiện đại hóa”. Chủ trương lấy phát triển các KCN làm khâu đột phá, tạo động lực chính thúc đẩy quá trình CNH, là nhân tố, tiền đề quan trọng, tiếp tục được khẳng định qua các kỳ Đại hội Đảng.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất tại các KCN, UBND tỉnh lập Đề án “Điều chỉnh Quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Bắc Ninh đến năm 2015 định hướng đến năm 2020”, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Văn bản số 1511/TTg-KTN ngày 20-8-2014. Từ chủ trương đó, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh quán triệt từ trên xuống dưới phải có ý thức thu hút, tạo điều kiện tốt nhất trong khuôn khổ chính sách cho phép đối với các nhà đầu tư khi đến với Bắc Ninh. Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài theo hướng chọn lọc các dự án có chất lượng, quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước, chủ động gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng với đó là giải quyết được hài hoà quan hệ lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp khi giải phóng đất đai, cung cấp mặt bằng, hợp tình hợp lý, được người dân ủng hộ.

 

anh tin bai

Tổ hợp sản xuất của Tập đoàn Samsung tại KCN Yên Phong.


Từ tháng 12-2000, KCN Tiên Sơn - KCN tập trung đầu tiên của tỉnh được khởi công xây dựng. Bắt đầu từ đó, công tác quản lý quy hoạch xây dựng trong các KCN được thực hiện theo đúng trình tự, quy định, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư, cũng như quá trình hội nhập kinh tế và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Dù là tỉnh có diện tích nhỏ nhất cả nước nhưng hiện Bắc Ninh đã thành lập 16 KCN tập trung, với diện tích 6.398 ha, với 10 khu đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt 91,2% diện tích đất thu hồi; quy hoạch 35 cụm công nghiệp, với tổng diện tích quy hoạch 1.101,7 ha, hiện 21 cụm đã hoạt động.
Trong quá trình hiện thực hóa quyết tâm chính trị, Bắc Ninh vừa làm vừa rút kinh nghiệm, điều chỉnh những bước đi phù hợp. Những cánh đồng “hai sương một nắng” thuở nào nay hóa thành khu đô thị, các KCN hiện đại- nơi dừng chân lập nghiệp của nhiều thương hiệu toàn cầu: Samsung, Canon, Foxconn, Sembcorp, Suntory PepsiCo, Amkor…kết nối sâu sắc hơn mảnh đất này với thế giới, tạo nên một “thương hiệu Bắc Ninh” mang tầm quốc tế. Để triệu người dân Bắc Ninh kiêu hãnh, tự hào về mảnh đất nhỏ bé nhưng ẩn chứa một nội lực phi thường, bởi hiếm có nơi nào trên dải đất hình chữ S lại hội tụ được nhiều tập đoàn kinh tế toàn cầu đến đầu tư, tạo thế và lực mới cho tỉnh, đưa quy mô nền kinh tế vươn lên đứng trong top đầu cả nước.


Đến trung tâm sản xuất công nghiệp sôi động
Kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết hợp với nguồn nhân lực ưu tú, dồi dào và dịch vụ hỗ trợ tiện ích, cùng với hệ thống hạ tầng xã hội và các thiết chế văn hóa đang dần hoàn thiện, các KCN Bắc Ninh trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư từ những thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Mỗi KCN có một nhà đầu tư “hạt nhân” để thu hút các dự án vệ tinh tạo nên những chuỗi sản xuất phát huy tối đa nguồn vốn, tài nguyên đất đai cho phát triển. Ví như KCN Yên Phong có nhà đầu tư Samsung với hơn 100 doanh nghiệp vệ tinh, KCN Tiên Sơn có mặt của Canon, VSIP là Fushan Technology, Quế Võ là Hanwha Techwin security, Goertek, Yên Phong 2C là Amkor... Nhờ đó tạo đà để quy mô công nghiệp tăng nhanh, đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao của cả nước. Các KCN hiện thu hút 1.720 dự án thứ cấp, tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh đạt hơn 22,19 tỷ USD. Trong đó KCN Yên Phong thu hút số vốn lên tới hơn 11 tỷ USD, là một trong những KCN có hiệu quả sử dụng đất/tổng vốn đầu tư cao của cả nước, bình quân, mỗi hecta đất thu hút được 0,04 tỷ USD vốn đầu tư.
Bất chấp tác động của đại dịch COVID-19, năm 2021 Bắc Ninh vẫn thu hút đầu tư hơn 1,8 tỷ USD, trong đó có những dự án đầu tư lớn như: Dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn tại KCN Yên Phong II-C của Tập đoàn Amkor (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư với tổng vốn đăng ký giai đoạn I là 529,567 triệu USD; Nhà đầu tư Thuận Thành Logistics II Development PTE.LTD (Singapore), vốn đầu tư 59 triệu USD; Nhà đầu tư Sea Fund - Singapore (49,5 triệu USD); Dự án phát triển Yên Phong tại KCN Yên Phong mở rộng do các Nhà đầu tư ESR V Investor 3 PTE. LTD và Yen Phong Investor 1 PTE. LTD (Singapore) làm chủ đầu tư, đăng ký vốn đầu tư 42 triệu USD…
Với việc thu hút vốn đầu tư từ 38 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhất là trong lĩnh vực điện tử, đã tạo bước đột phá lớn cho sản xuất công nghiệp và hoạt động ngoại thương, dịch vụ, đô thị. Điều này thể hiện ở tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh chóng, đặc biệt là giá trị sản xuất công nghiệp liên tục tăng mạnh qua các năm. Năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, gấp hơn 1000 lần năm 1997. Bình quân 1 ngày các KCN Bắc Ninh tạo ra giá trị hơn 3.450 tỷ đồng.

 

anh tin bai

Các dự án đầu tư vào KCN Bắc Ninh có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.


Sự tham gia sản xuất của các doanh nghiệp FDI tại các KCN đưa Bắc Ninh trở thành Trung tâm sản xuất điện thoại di động, hàng điện tử xuất khẩu lớn, sánh bước cùng các trung tâm xuất khẩu khác trong cả nước và thế giới. Năm 2021, tại các KCN Bắc Ninh xuất xưởng hơn 50 triệu điện thoại, chiếm tới 19,3% sản lượng toàn cầu của Tập đoàn Samsung. Các sản phẩm di động thông minh được sản xuất tại nhà máy Samsung trong KCN Yên Phong được xuất khẩu đi 128 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Samsung cho ra mắt các sản phẩm sản xuất tại nhà máy ở Bắc Ninh gây tiếng vang lớn trên thị trường toàn cầu như Galaxy Z Fold 3 và Galaxy Z Flip 3… Trong kế hoạch phát triển của Tập đoàn Samsung, Bắc Ninh đang vượt qua vai trò là cứ điểm sản xuất trọng điểm toàn cầu, những xu hướng công nghệ mới của thế giới như AI, Big Data, IoT... sẽ được nghiên cứu và phát triển tại đây.
Công nghiệp điện, điện tử, công nghệ cao phát triển mạnh tạo đột phá trong xuất khẩu của Bắc Ninh, đóng góp lớn vào giá trị xuất khẩu của Việt Nam, giảm sự chênh lệch trong cán cân thương mại quốc tế, nhiều năm trở lại đây đã chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu. Đồng thời thúc đẩy hàm lượng giá trị công nghệ trong giá trị của sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 45,2 tỷ USD, chiếm 13,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, giá trị xuất siêu đạt 6,4 tỷ USD. Nhờ thu hút nhà đầu tư phát triển kinh tế, tạo nền tảng cho nhiều đô thị bứt phá, đẩy mạnh quá trình đô thị hóa gắn với mục tiêu xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Toàn tỉnh có 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại III, 2 đô thị loại IV và 5 đô thị loại V, tỷ lệ đô thị hóa từ 9% (năm 1997) tăng lên 38% (năm 2021). Năng suất lao động năm 1997 mới đạt 4 triệu đồng/lao động/năm; đến năm 2021 đã tăng lên 292 triệu đồng, gấp 73 lần năm 1997.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang, chặng đường 25 năm với nhiều thành tựu quan trọng tạo nền móng vững chắc cho Bắc Ninh hoàn thành mục tiêu CNH-HĐH, những con số, dữ liệu được kiến tạo trong thử thách thêm một lần nữa khẳng định trong suốt hành trình phát triển. Tuy nhiên cũng cần nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá lại khi không gian địa lý dường như đã đô thị hóa gần hết, khi đất đai không còn là động lực chính của tăng trưởng nữa, là lúc nội lực trong mỗi thành phần kinh tế, trong mỗi con người trỗi dậy mạnh mẽ hơn nữa, để phát triển thật vững chắc. Với nền kinh tế có độ mở lớn, Bắc Ninh không chỉ phải giải quyết những vấn đề nội tại, mà còn phải đối mặt với những vấn đề mang tính toàn cầu. Không nằm ngoài tầm ảnh hưởng đó, cả nước nói chung và tỉnh Bắc Ninh nói riêng sẽ đón nhận nhiều “cơ hội vàng” phát triển, song cũng cần đặt ra mục tiêu chiến lược cao hơn, sáng suốt đưa ra giải pháp phù hợp vượt qua những thử thách mới. Trong một “thế giới phẳng” nhiều thách thức, các thế hệ lãnh đạo tỉnh, nhân dân Bắc Ninh nhận thức sâu sắc phía trước không có con đường vạch sẵn, những kinh nghiệm tích lũy, những phương pháp truyền thống chưa đủ, mà cần dấn thân vào thực tiễn, phát huy nội lực, đón nhận thời cơ mới để phát triển, để xây một Bắc Ninh văn hóa-tri thức-thông minh, vững bước tiến về tương lai.

Nguồn:baobacninh.com.vn

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập