Cuộc cách mạng về thủ tục
Sự bùng phát lần thứ tư của dịch COVID-19 đã
đẩy gần 2 triệu người lao động trên cả nước vào tình trạng không có việc làm.
Dịch vụ, công nghiệp là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, số lao động có
việc làm trong quý II giảm 1,32% so quý I. Góp phần phục hồi sản xuất, kinh
doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh
doanh, bảo đảm đời sống và an toàn cho người tlao động, Chính phủ đã ban hành
Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 và Quyết định 23/2021/QĐ- TTg ngày
7-7-2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động
gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Đây thực sự là tin vui đối với người lao
động và người sử dụng lao động - những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại
dịch.
Có 2 đối tượng chính được hỗ trợ trong lần này
đó là người lao động và người sử dụng lao động. Cụ thể, hỗ trợ tập trung vào
những lao động trực tiếp bị ảnh hưởng sâu của dịch, nhất là ở các KCN, khu chế
xuất và ở doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, những người lao động phải điều
trị, cách ly trong đợt dịch lần thứ 4. Để doanh nghiệp, người lao động sớm tiếp
cận được gọi hỗ trợ này thì ngay sau khi Nghị quyết 68, Quyết định 23 của Thủ
tướng ban hành, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương vào cuộc triển khai nhanh
chóng và tạo ra “cuộc cách mạng về thủ tục”. Có thể thấy, chưa bao giờ thủ tục
hành chính lại được đơn giản hóa và rút ngắn thời gian như vậy. Trước đây,
người sử dụng lao động vay để trả lương hoặc phục hồi sản xuất thì thời gian
tiếp cận là trong vòng 1 tháng 10 ngày và với 4 loại hồ sơ khác nhau. Còn chính
sách lần này đã rút ngắn toàn bộ thời gian, quy trình, chỉ còn 4 ngày giải
quyết hồ sơ, 3 ngày để tái cấp vốn và chỉ còn một loại hồ sơ duy nhất để tiếp
cận.
Người sử dụng lao động được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi
suất 0%, không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng
việc đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng
việc từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1-5-2021 đến hết ngày
31-3-2022. Người sử dụng lao động được bỏ điều kiện chứng minh về doanh thu
hoặc tài chính của doanh nghiệp. Việc triển khai hỗ trợ tạm dừng đóng quỹ hưu
trí và tử tuất cũng được cải cách, thời gian xét duyệt đã rút ngắn từ 25 ngày
xuống còn 5 ngày và hồ sơ cũng được đơn giản hoá từ 3 thành phần hồ sơ còn một
thành phần hồ sơ và hệ thống mẫu biểu thuận tiện hơn (giảm khoảng 50% số thông
tin phải kê khai). Chính phủ yêu cầu chậm nhất là từ 7-10 ngày kể từ khi nhận
hồ sơ, các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan sẽ phải chi trả tiền hỗ trợ
cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Bảo hiểm xã hội
và Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai toàn tuyến, hướng dẫn cụ thể chính
sách liên quan đến bảo hiểm và chính sách hỗ trợ vay vốn.
Phương châm nếu triển khai chậm là có lỗi với dân, nếu để xảy ra thất thoát,
tiêu cực, trục lợi chính sách là có tội với dân. Với tinh thần ấy, các địa
phương, cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, dồn toàn lực triển khai các
bước, kết hợp với việc giám sát chặt chẽ, để chính sách đến đúng đối tượng thụ
hưởng, hiệu quả của gói hỗ trợ được phát huy tác động lan tỏa.
Nguồn:baobacninh.com.vn