Được ví như “thủ phủ” KCN của cả nước, Bắc Ninh có 16 KCN được phê duyệt quy hoạch, trong đó 15 KCN đã được thành lập với diện tích 5.946,99 ha. Hiện nay có 39 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh, trong đó xuất hiện ngày càng nhiều tập đoàn, công ty xuyên quốc gia có năng lực về tài chính và công nghệ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Singapore, Hoa Kỳ,… với tổng vốn FDI đạt gần 22 tỉ USD.
Để thu hút được nguồn vốn lớn này, cùng với việc xây dựng, phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật KCN với hạ tầng xã hội (hệ thống điện, nước, thông tin liên lạc, nhà ở công nhân, thiết chế văn hóa, các dịch vụ như ngân hàng bảo hiểm,...), bảo đảm cuộc sống của người lao động, ổn định an sinh xã hội, Bắc Ninh thực hiện tốt công tác quản lý sau đầu tư, giúp các doanh nghiệp ổn định, mở rộng sản xuất tại địa phương. Nổi bật là các công tác quản lý doanh nghiệp và lao động, môi trường, an ninh trật tự, thanh tra, kiểm tra..
Trong công tác quản lý doanh nghiệp và lao động, Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh thường xuyên rà soát tình hình triển khai thực hiện dự án và nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn. Nhất là các vấn đề về cấp điện, cấp nước, thuê đất, ưu đãi đầu tư. Năm 2023 thực hiện việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư và thu hồi giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 50 dự án. Đồng thời tham mưu UBND tỉnh ký Biên bản uỷ quyền cho thực hiện một số nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lao động trong các KCN; ký Quy chế phối hợp về quản lý Nhà nước về lao động trong các KCN. Hướng dẫn các doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục theo quy định của pháp luật về lao động như: Tiếp nhận đăng ký nội quy lao động; Thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp; Thông báo về việc làm thêm giờ từ 200h đến 300h trong năm; Tiếp nhận và thụ lý hồ sơ đăng ký thực hiện Hợp đồng nhận lao động thực tập của doanh nghiệp trong KCN hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề có thời gian dưới 90 ngày của doanh nghiệp KCN; Xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp Giấy phép lao động của doanh nghiệp trong KCN; Cấp mới, cấp lại Giấy phép lao động cho lao động nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp.
Hạ tầng đồng bộ, các KCN Bắc Ninh được nhiều doanh nghiệp FDI lựa chọn là điểm đến đầu tư.
Bên cạnh đó, Ban thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về lao động, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng lao động. Kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động như: tiền lương, chế độ đãi ngộ, thời gian làm việc, môi trường làm việc, bảo hộ lao động, thực hiện các quy định về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… Phối hợp các cơ quan liên quan hỗ trợ giải quyết các vụ việc đình công, lãn công. Chú trọng phát triển tổ chức Công đoàn trong KCN, giám sát việc thực hiện Thỏa ước lao động giữa chủ doanh nghiệp và người lao động. Có 95% số doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định có đủ điều kiện thành lập tổ chức công đoàn. Trong các KCN hiện có 763 công đoàn cơ sở, với 161.305 đoàn viên. Công đoàn thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy của công nhân lao động và chủ doanh nghiệp, thực hiện công tác chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, góp phần tạo mối quan hệ lao động hài hoà, tiến bộ và ổn định trong các doanh nghiệp KCN...
Trong công tác quản lý môi trường đã xây dựng và thực hiện Quy chế phối hợp quản lý và bảo vệ môi trường trong KCN với Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã. Thực hiện quan trắc tổng thể về môi trường tại các KCN và doanh nghiệp; hướng dẫn và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và bản cam kết bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp KCN. Phối hợp thực hiện tuyên truyền pháp luật về môi trường, tiến hành giải quyết các vướng mắc về xả thải, xử lý nước thải của các doanh nghiệp KCN… Hiện 12 KCN đi vào hoạt động có 11/12 KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung đang hoạt động đạt chuẩn. Các KCN cũng đã lắp đặt hệ thống quan trắc, giám sát môi trường tự động để theo dõi thường xuyên, liên tục chất lượng nước thải trước khi xả thải ra ngoài môi trường…
Cùng với việc xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp hàng năm, Ban Quản lý các KCN thực hiện tốt việc tiếp công dân, giải quyết đơn thư, kiến nghị của doanh nghiệp, người lao động trong KCN không để tồn đọng kéo dài. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống tham nhũng đi đôi với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với cán bộ công chức, viên chức. Minh bạch hóa các quy trình, thủ tục hành chính, phát huy tốt hoạt động của bộ phận “một cửa” tại Trung tâm Hành chính công tỉnh. Ban thanh tra nhân dân thường xuyên giám sát, kiểm tra đảm bảo sớm phát hiện biểu hiện tiêu cực, tham nhũng để có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Xây dựng quy chế phối hợp hoạt động với các sở, ban, ngành thực hiện tốt công tác quản lý và phối hợp với các cơ quan liên quan để giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo xảy ra liên quan đến các KCN. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của tỉnh về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.
Đối với công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, phòng chống cháy nổ, Ban Quản lý các KCN phối hợp với các cơ quan chức năng không để xảy ra vụ việc nghiêm trọng. Đồng thời, thường xuyên hướng dẫn doanh nghiệp KCN nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC; hướng dẫn, đôn đốc doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc công tác PCCC theo quy định.
Khai thác các ưu thế vượt trội về vị trí, tiềm năng gia tăng giá trị, cùng với phát huy tốt hiệu quả công tác quản lý sau đầu tư, giúp các KCN Bắc Ninh luôn duy trì sức hút trong nhiều năm qua và được các doanh nghiệp FDI lựa chọn là điểm đến.