10 tháng qua, ngành công nghiệp của tỉnh vẫn
giữ vững nhịp tăng trưởng với Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 10,48 % so
với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng trưởng khá so với các tỉnh, thành phố
trong cả nước.
Công nghiệp chế biến chế tạo là ngành công
nghiệp chủ lực tăng 10,53%, trong đó, một số ngành có chỉ số tăng cao so cùng
kỳ như: May mặc tăng 58,83%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 44,5%; sản xuất
phương tiện vận tải khác tăng 34,68%... Tuy dịch COVID-19 diễn biến phức tạp,
nhưng nhiều DN đã chủ động tăng cường kết nối thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ và
xuất khẩu hàng hóa, nên nhiều sản phẩm chủ yếu vẫn đạt tốc độ tăng trưởng cao
so với cùng kỳ như: Quần áo mặc thường tăng 65,4%; dược phẩm có chứa vitamin
tăng 20,5%; đồng hồ thông minh tăng 24,6%; linh kiện điện tử tăng 40,2%; bình
đun nước nóng tăng 32,1%.
Trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh, toàn tỉnh vẫn có 1.883 DN gia nhập thị
trường với tổng vốn đăng ký là 22.391 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước giảm
3,7% về số DN, nhưng tăng 18,2% về tổng vốn đăng ký bổ sung. Vốn đăng ký bình
quân một DN thành lập mới đạt 11,9 tỷ đồng, tăng 22,7%. 592 DN quay trở lại
hoạt động, tăng 60,9%, nâng tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt
động trong 10 tháng lên 2.475 DN, tăng 6,5%. Trung bình mỗi tháng có 247,5 DN
thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số lượng DN gia nhập và quay trở lại
thị trường tăng so với cùng kỳ năm trước là tín hiệu tốt.
May mặc là một trong những ngành công
nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao trong 10 tháng qua.
Đặc biệt, tỉnh vẫn “hấp thụ” tốt dòng vốn đầu
tư nước ngoài (FDI) vào địa bàn. Tính từ đầu năm đến ngày 20- 10, toàn tỉnh thu
hút được 108 dự án FDI đăng ký cấp mới với tổng vốn FDI đăng ký đạt 535,6 triệu
USD, tăng 50,8%; điều chỉnh vốn cho 76 dự án với số vốn điều chỉnh tăng là
132,4 triệu USD; góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp 66 lượt với giá trị là
145,3 triệu USD, tăng 59 triệu USD.
Theo ông Phạm Khắc Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương: “Mặc dù đối diện với nhiều
khó khăn, thách thức nhưng hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn có những
điểm sáng, duy trì mức tăng trưởng khá. Kết quả này phải kể đến sự nỗ lực của
tỉnh trong việc chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch. Bên cạnh đó,
tỉnh luôn tạo môi trường đầu tư thông thoáng, cởi mở, thường xuyên có các chính
sách tháo gỡ khó khăn cho DN. Các DN cũng chủ động nêu cao tinh thần vượt khó,
chấp hành tốt yêu cầu phòng, chống dịch, vừa bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh
doanh, thích nghi trong điều kiện mới, cùng địa phương bảo đảm mục tiêu tăng
trưởng kinh tế…”.
Theo dự báo tình hình kinh tế thế giới, khu vực vẫn tiếp tục diễn biến phức
tạp, khó lường; đại dịch COVID-19 chưa thể sớm kết thúc, những tác động tiêu
cực đến nền kinh tế thế giới có khả năng kéo dài sang các năm tiếp theo sẽ ảnh
hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN. Để ngành công
nghiệp đạt mục tiêu đề ra trong năm 2021 và những năm tiếp theo, tỉnh chỉ đạo
ngành Công Thương phối hợp với các ngành, địa phương, doanh nghiệp thực hiện
quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo “Mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát
triển kinh tế, xã hội trong tình hình mới. Triển khai thực hiện Nghị quyết số
115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Xúc tiến
nhanh việc thành lập Hiệp hội DN công nghiệp hỗ trợ, Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ
phát triển công nghiệp tỉnh. Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh thực hiện
hiệu quả hơn nữa các nội dung trong Biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Bắc Ninh,
Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam. Tham mưu UBND tỉnh ban hành và triển khai
có hiệu quả chương trình hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh
giai đoạn 2021-2025. Rà soát hiện trạng các CCN, tạo cơ sở cho việc đề xuất cơ
chế, chính sách, chương trình hỗ trợ nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại trong
hoạt động của các CCN, nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường, nhằm tạo điều kiện
cho các CCN phát huy hiệu quả, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội chung
của tỉnh.
Nguồn:baobacninh.com.vn