Công điện của Thủ tướng về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch trên toàn quốc
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban
hành Công điện số 1102/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống
dịch Covid-19 trên toàn quốc.
Ảnh minh họa.
Nội dung công điện như sau: Trên thế giới và
trong khu vực, dịch bệnh Covid-19 với biến chủng Delta hiện đang gia tăng nhanh
chóng. Trong nước, dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, có nơi rất nghiêm
trọng, nhất là tại thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương phía Nam. Thực
tiễn thời gian qua cho thấy các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của
Trung ương và thực hiện của các địa phương, đặc biệt là biện pháp giãn cách xã
hội đã được áp dụng kịp thời, đúng đắn, đạt kết quả tích cực, dịch bệnh có
chiều hướng giảm tại 13/23 địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên,
dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ khi nào, ở bất cứ đâu.
Đảng, Nhà nước ghi nhận, biểu dương, đánh giá
cao những nỗ lực của các lực lượng tuyến đầu, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy,
chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là tinh
thần đoàn kết, sự ủng hộ và tham gia của các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh
nghiệp trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Để nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát
dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết, Thủ
tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan liên quan tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo
và tổ chức thực hiện triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp
phòng, chống dịch Covid-19; trong đó đặc biệt lưu ý một số nội dung sau đây:
I. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đẩy mạnh huy
động sự tham gia của nhân dân.
1. Kết hợp linh hoạt, hiệu quả giữa tập trung
chỉ đạo và phân cấp thực hiện, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch
và phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Lấy xã, phường, thị trấn là
“pháo đài”, người dân là “chiến sĩ”, là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng,
chống dịch. Sự tham gia, chấp hành, tuân thủ quy định của người dân đóng vai
trò quyết định thành công trong phòng, chống dịch; đây là trách nhiệm, là nghĩa
vụ và quyền lợi của mỗi người dân để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình
mình và cộng đồng. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của Nhân dân.
Đối với các địa phương đang thực hiện giãn
cách xã hội, yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg. Đối với địa phương
thực hiện tăng cường giãn cách xã hội (như thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh:
Bình Dương, Đồng Nai, Long An), ngoài thực hiện nghiêm các quy định của Chỉ thị
số 16/CT-TTg, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu ở đó”, cách ly
người với người, nhà với nhà, xã phường với xã phường… và phải bảo đảm các yêu
cầu y tế, lương thực, thực phẩm, dịch vụ thiết yếu và trật tự an toàn xã hội
cho Nhân dân ngay tại xã, phường, thị trấn.
2. Người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp lãnh
đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả công tác phòng, chống dịch trên địa
bàn. Bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, xuyên suốt, dứt khoát,
quyết liệt, hiệu quả. Thành lập Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch các cấp do đồng
chí Chủ tịch UBND đứng đầu, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, ban
hành quy chế hoạt động; phân công ứng trực 24/24 giờ để kịp thời tiếp nhận, xử
lý, báo cáo theo thẩm quyền mọi vấn đề liên quan phòng, chống dịch trên địa
bàn.
Phải ưu tiên cao nhất cho công tác phòng,
chống dịch bệnh. Tuy nhiên, tùy tình hình, cần quan tâm chỉ đạo phát triển các
mặt kinh tế - xã hội và các công việc quan trọng khác trên nguyên tắc bảo đảm
các điều kiện an toàn về phòng, chống dịch.
3. Huy động sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ
của cả hệ thống chính trị; phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, Hội Cựu chiến
binh Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Công đoàn
Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các đoàn thể xã hội, tổ chức
tôn giáo, các tổ chức khác và cộng đồng doanh nghiệp trong công tác phòng,
chống dịch, nhất là vận động, hướng dẫn, giải thích, thuyết phục và yêu cầu
người dân chấp hành nghiêm việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp
phòng, chống dịch.
4. Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là
nhiệm vụ cấp bách trước mắt và lâu dài; không được tự mãn với kết quả phòng,
chống dịch; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; phải luôn sẵn sàng
cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.
5. Đại dịch Covid-19 diễn biến nhanh, phức
tạp, khó lường, đặc biệt là sự xuất hiện của các biến thể mới, nguy hiểm; công
tác phòng, chống đại dịch chưa có tiền lệ. Vì vậy, trong công tác lãnh đạo, chỉ
đạo và tổ chức thực hiện cần nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất; phát huy dân
chủ, trí tuệ tập thể, bám sát thực tiễn, cầu thị, khiêm tốn, lắng nghe; khi
thực hiện cần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, không cầu toàn, không nóng vội,
vừa làm vừa rút kinh nghiệm, kịp thời bổ sung, hoàn thiện phù hợp với tình
hình, đạt hiệu quả cao nhất.
II. Công tác tổ chức thực hiện
Tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, nhất là ở
một số xã, phường, thị trấn. Các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn được giao khẩn trương khắc phục các hạn chế, yếu kém, tổ chức
thực hiện quyết liệt hơn, nghiêm hơn, hiệu quả hơn các giải pháp:
1. Giãn cách xã hội là yếu tố quyết định để
hạn chế tối đa lây nhiễm dịch bệnh; phải thực hiện nghiêm, thực chất, kịp thời
việc cách ly nguồn lây nhiễm trong cộng đồng, không để “chặt ngoài lỏng trong”.
Phải tranh thủ “thời gian vàng” giãn cách để kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất có
thể, không để dịch bệnh lây lan.
2. Thần tốc xét nghiệm trên diện rộng là then
chốt để phát hiện sớm, cách ly nhanh, phân loại kịp thời và điều trị phù hợp,
hiệu quả người nhiễm Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế.
3. Điều trị giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu.
Các địa phương chuẩn bị đầy đủ về cơ sở thu dung, chăm sóc điều trị người bệnh
và người nhiễm Covid-19, bảo đảm đủ ô xy y tế, thuốc, trang thiết bị, vật tư và
nhân lực y tế cho các cơ sở này. Tại các xã, phường, thị trấn đang thực hiện
tăng cường giãn cách xã hội phải khẩn trương thiết lập các trạm y tế lưu động
để bảo đảm hỗ trợ y tế, điều trị người nhiễm Covid-19.
Tổ chức huy động, tập huấn và phân bổ nhân lực
cần thiết cho các địa phương có số ca nhiễm lớn, nhiều bệnh nhân nặng. Huy động
nguồn lực, nhân lực, cơ sở vật chất y tế của các Bộ, ngành, doanh nghiệp, tư
nhân cho công tác điều trị. Bảo đảm việc phân loại, điều phối, chuyển tuyến kịp
thời để điều trị tất cả bệnh nhân, đặc biệt đối với bệnh nhân có diễn biến
nặng.
4. Bảo đảm an sinh xã hội là trọng yếu. Tại
các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội, phải bảo đảm lương thực, thực phẩm, các
dịch vụ thiết yếu cho người dân, nhất là người nghèo, người già, phụ nữ và trẻ
em, nhóm người yếu thế, người dễ bị tổn thương; huy động mọi nguồn lực xã hội,
phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, hoạt động thiện
nguyện, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc.
5. Vaccine, thuốc điều trị là chiến lược. Tiếp
tục đẩy mạnh “ngoại giao vaccine” để có sớm nhất, nhiều nhất vaccine. Thúc đẩy
mạnh mẽ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc nghiên cứu, chuyển giao công
nghệ, sản xuất vaccine trong nước. Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá
nhân nhập khẩu vaccine nhưng phải bảo đảm vaccine thuộc danh mục Bộ Y tế cấp
phép và rõ nguồn gốc xuất xứ. Bộ Y tế chịu trách nhiệm cấp phép nhập khẩu, kiểm
định và tổ chức tiêm chủng.
Tổ chức tiêm chủng miễn phí, an toàn, kịp
thời, hiệu quả, không phân biệt các loại vaccine; không tổ chức tiêm dịch vụ có
thu tiền. Thông tin đến người dân tinh thần vaccine tốt nhất là vaccine được
tiêm sớm nhất; khắc phục ngay tình trạng chờ đợi lựa chọn vaccine.
Bộ Y tế tập trung chỉ đạo việc nhập khẩu,
nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất trong nước thuốc điều trị Covid-19.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Y tế đề xuất
cấp có thẩm quyền tăng phụ cấp cho lực lượng làm công tác tiêm vắc xin.
6. Bảo đảm an dân, an ninh, trật tự an toàn xã
hội là nhiệm vụ quan trọng, nhất là tại các địa phương thực hiện giãn cách xã
hội, tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở sản xuất
khác... Tăng cường công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở giam, giữ, cơ sở
cai nghiện, bảo trợ xã hội. Bảo đảm an toàn, an ninh trên không gian mạng.
7. Các địa phương chịu trách nhiệm: Chủ động
bảo đảm nhân lực, cơ sở vật chất theo phương châm “4 tại chỗ” để thực hiện các
biện pháp phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Trung ương, nhất là tại các
địa phương thực hiện tăng cường giãn cách xã hội; Ưu tiên nguồn lực, tăng cường
tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là các khoản chi chưa cần thiết, các khoản chi
sự nghiệp có tính chất đầu tư, sử dụng tiết kiệm quỹ dự phòng ngân sách, quỹ dự
trữ tài chính để tập trung cho phòng, chống dịch; Có phương án và sẵn sàng về
nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế, phương tiện, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
để kịp thời hỗ trợ các địa phương khác khi có yêu cầu.
8. Tăng cường công tác truyền thông, bảo đảm
thống nhất, kịp thời, chính xác. Giao 01 đầu mối có thẩm quyền ở các cấp chủ
động cung cấp thông tin thường xuyên cho người dân về tình hình và các biện
pháp phòng, chống dịch. Chú ý lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, phản ánh của người
dân; kịp thời hướng dẫn, cổ vũ, động viên để Nhân dân biết, hiểu, đồng cảm, tin
tưởng và tự giác thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch.
Phát huy vai trò quan trọng của toàn bộ hệ thống truyền thông, nhất là mạng
lưới thông tin cơ sở. Lan tỏa những mô hình tốt, điển hình tiên tiến, cách làm
hiệu quả của tổ chức và cá nhân. Kiên quyết đấu tranh, phản bác các thông tin
sai trái, xấu độc.
9. Bảo đảm vận tải, lưu thông hàng hóa kịp
thời, thông suốt mọi lúc, mọi nơi. Các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của
Thủ tướng Chính phủ với tinh thần chỉ kiểm tra tại điểm đi, điểm đến và bảo đảm
các quy định an toàn phòng, chống dịch; bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp.
Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành và các địa phương để xử lý linh
hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận tải, lưu thông hàng hóa, nhất là
hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch, phục vụ đời sống nhân dân và
nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu...
10. Duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở
những nơi đủ điều kiện theo nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an
toàn”. Các Bộ, ngành, địa phương lắng nghe phản ánh, kiến nghị của doanh
nghiệp, người dân và căn cứ tình hình thực tế, hướng dẫn, tổ chức sản xuất,
kinh doanh an toàn. Tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực,
hiệu quả; kịp thời đánh giá, sơ kết, tổng kết các mô hình như: “3 tại chỗ”, “3
cùng”, “1 cung đường 2 điểm đến”, “doanh nghiệp xanh”… để rút kinh nghiệm, hoàn
thiện và tổ chức thực hiện phù hợp với diễn biến tình hình. Lãnh đạo các cấp ở
địa phương thường xuyên gặp gỡ, tiếp nhận, xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng
mắc cho doanh nghiệp tại địa phương. Tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm an
toàn phòng, chống dịch bệnh tại các doanh nghiệp.
11. Các Thành viên Chính phủ, Thủ trưởng cơ
quan thuộc Chính phủ, Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương, các cơ
quan, đơn vị có liên quan, nhất là người đứng đầu, căn cứ chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn được giao, chủ động chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ,
giải pháp về giãn cách xã hội, tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp
phòng, chống dịch theo quy định của Trung ương và chỉ đạo của Thủ tướng Chính
phủ tại Công điện này.
Các Bộ, ngành, địa phương hỗ trợ tối đa cho
các địa phương trong phòng, chống dịch; kịp thời động viên, khen thưởng các tổ
chức, cá nhân có thành tích, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Nguồn:bacninh.gov.vn