Chuyển đổi số trong kinh tế tập thể

Trước tình hình dịch bệnh dự báo còn kéo dài, khu vực kinh tế tập thể đang tìm cách ứng phó và thay đổi cho phù hợp, trong đó tăng cường ứng dụng chuyển đổi số được cho là giải pháp cần thiết. Tuy nhiên, việc triển khai áp dụng công nghệ số trong các HTX ở Bắc Ninh còn tồn tại nhiều khó khăn, rất cần những giải pháp mang tính đột phá.

Toàn tỉnh hiện có 674 HTX với hơn 91.000 thành viên, trong đó 79,2% số HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua đánh giá, doanh thu bình quân  của các HTX chuyên ngành nông nghiệp đạt 800 triệu đồng/HTX,  doanh thu bình quân của HTX phi nông nghiệp đạt 1,8 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân của thành viên đạt hơn 5 triệu đồng/người/tháng. Với sự trợ lực của khoa học công nghệ, khu vực kinh tế tập thể đã có sự bứt phá rõ rệt, thu hút ngày càng nhiều lao động, tạo lợi nhuận cho các thành viên. Một số HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiệu quả như HTX nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Liêm Anh, HTX nông nghiệp xanh Quế Võ, HTX dịch vụ nông nghiệp Ngăm Mạc,… Một số HTX xây dựng được các sản phẩm có truy xuất nguồn gốc gắn với bảo hộ sở hữu trí tuệ hoặc Chương trình OCOP của tỉnh như HTX mây tre đan Ngọc Quyết, HTX đầu tư và phát triển Nông nghiệp Khương Huy…
Tuy nhiên, theo ông Phạm Minh Hiền, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, mặc dù nhận thức và cách tiếp cận khoa học công nghệ hiện đại của các HTX đã cải thiện hơn nhưng chưa đi vào hệ thống bài bản. Các HTX hiện đang ứng dụng công nghệ tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc. Một số HTX sử dụng máy tính, điện thoại để quảng bá sản phẩm thông qua các trang mạng xã hội. Còn ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý HTX, kinh doanh sản phẩm chưa được quan tâm… Đặc biệt, hệ thống kết nối dữ liệu lớn (Big Data) về sản xuất, giới thiệu sản phẩm giữa chính các HTX trên địa bàn hay mở rộng quy mô toàn quốc chưa được hình thành.  

 

 

HTX nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Liêm Anh (Tiên Du) tích cực ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất và kinh doanh nông sản (ảnh chụp trước tháng 5-2021).

 

Nguyên nhân được cho là năng lực, trình độ về số hóa hoặc công nghệ thông tin của cán bộ quản lý HTX, đặc biệt là các HTX nông nghiệp còn hạn chế. Độ tuổi của Hội đồng quản trị HTX chủ yếu là 55-60 tuổi nên khả năng khai thác thông tin còn chậm hoặc không tiếp cận được. Một số ít các HTX có đội ngũ cán bộ trẻ, có kỹ năng sử dụng công nghệ số chỉ chiếm một tỷ lệ không đáng kể. Cùng với đó, hạ tầng công nghệ thông tin của các HTX còn lạc hậu, nhiều HTX nông nghiệp chưa có máy tính, thiết bị kết nối mạng internet và xa lạ với các phần mềm kế toán, quản lý sản xuất, quản lý bán hàng,…. Nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số chưa đáp ứng được nhu cầu do các HTX không có tài sản thế chấp, khả năng huy động vốn không cao...
Trong khi đó, Kế hoạch Chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP của tỉnh. Nông nghiệp là một trong 6 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số với các nội dung: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác; Tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành như về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản; Thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua nền tảng số; Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm; Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp; Thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý để có các chính sách, điều hành kịp thời phát triển nông nghiệp như dự báo, cảnh báo thị trường, quản lý quy hoạch.
Đây được coi là những định hướng quan trọng cho hoạt động chuyển đổi số của khu vực kinh tế tập thể, nhất là đối với các HTX nông nghiệp. Trên cơ sở đó, Liên minh HTX tỉnh sẽ phối hợp với các cấp, ngành tư vấn, khuyến khích HTX lựa chọn phương thức chuyển đổi số phù hợp với từng HTX (cơ sở hạ tầng, trình độ nhân lực…). Lồng ghép các nội dung đào tạo nâng cao trình độ công nghệ thông tin và kỹ năng chuyển đổi số cho cán bộ quản lý HTX, trong đó cập nhật, phổ biến những xu thế ứng dụng công nghệ mới. Triển khai thí điểm mô hình HTX ứng dụng công nghệ số gắn với các sản phẩm chủ lực để rút kinh nghiệm, nhân ra diện rộng. Hỗ trợ các HTX huy động nguồn lực cho chuyển đổi số như trang thiết bị, công cụ; Tham mưu, đề xuất các cơ chế chính sách khuyến khích nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển HTX theo hướng hiện đại, bền vững.

Nguồn:baobacninh.com.vn

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập