Những năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã chuyển mình mạnh mẽ, toàn diện trên tất
cả các lĩnh vực. Nổi bật là thành tựu về kinh tế, với nhiều chỉ tiêu
trong tốp dẫn đầu cả nước. Đây là thành quả của việc hoạch định chiến
lược dài hạn, với những bước đi cụ thể, các giải pháp quyết liệt, đồng
bộ; trong đó, xây dựng chính quyền chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả dựa
trên chuyển đổi số được Bắc Ninh xác định vừa là mục tiêu và cũng là
đích đến.
Những con
số ấn tượng của các chỉ số điều hành, quản trị địa phương của Bắc Ninh
năm 2022 là: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đạt 69,45 điểm,
đứng thứ 7, tăng 3 bậc so với năm 2020; chỉ số SIPAS của tỉnh đứng thứ
7, tăng 2 bậc so với năm 2020; chỉ số Par Index đạt 86,67 điểm, tăng
1,37 điểm so với năm 2020; chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số cấp bộ,
cấp tỉnh đứng thứ 4 cả nước... Để có kết quả này, Bắc Ninh đã sớm xác
định vai trò quan trọng, tất yếu của chuyển đổi số đối với việc thực
hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội ở địa phương.
Phát triển hạ tầng số
Ngày
18/3/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết
số 52-NQ/TU về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025,
định hướng đến năm 2030, với ba trụ cột chính: Chính quyền số, Kinh tế
số và Xã hội số. Theo đó, nhiều nhóm giải pháp được đặt ra và phát triển
hạ tầng số là một trong những tiên phong.
Giám đốc Sở Thông tin
và Truyền thông tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Lệ Tuyết cho biết: Hiện nay,
hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước được kết nối với mạng truyền số
liệu chuyên dùng, mạng 4G phủ sóng toàn tỉnh. Qua thống kê, tỷ lệ dân
số sử dụng điện thoại thông minh của Bắc Ninh đạt 110% (vượt chỉ tiêu so
với Nghị quyết số 52-NQ/TU đề ra là 85%); 100% các thôn, khu phố có
đường cáp quang, an toàn thông tin được bảo đảm.
Hệ thống thông
tin dùng chung như: Quản lý văn bản và điều hành; một cửa điện tử và
dịch vụ công trực tuyến; hội nghị truyền hình trực tuyến; hệ thống
camera giám sát; ứng dụng phản ánh kiến nghị... hoạt động có hiệu quả,
đóng góp tích cực vào việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi
trường đầu tư kinh doanh.
Trung tâm Dữ liệu tỉnh được vận hành
ổn định, các hệ thống dùng chung của tỉnh từng bước chuyển đổi số. Hệ
thống thông tin một cửa tích hợp dịch vụ công trực tuyến cung cấp 1.348
trong số 1.731 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4. Hệ thống quản lý văn
bản và điều hành phục vụ 200 cơ quan, đơn vị, liên thông gửi và nhận văn
bản giữa các cơ quan Đảng và Nhà nước ở cả ba cấp với tỷ lệ hồ sơ xử lý
công việc đạt 93%.
Các huyện, thành phố lắp đặt hệ thống camera
giám sát, điểm phát wifi miễn phí, kết nối dữ liệu dùng chung 191 cơ
quan nhà nước. Toàn tỉnh đã thành lập 733 Tổ công nghệ số cộng đồng đến
100% cấp thôn, với 3.252 thành viên. 100% số cán bộ, công chức, viên
chức trong các cơ quan nhà nước từ tỉnh đến xã thường xuyên ứng dụng
công nghệ thông tin trong xử lý công việc,…
Lấy người dân làm trung tâm
Quý
IV/2022, tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị Chuyển đổi số và chính thức
khai trương phần mềm phản ánh kiến nghị trên thiết bị di động. Phát biểu
tại sự kiện này, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh:
“Chuyển đổi số phải bắt đầu từ công dân số, do đó cần xây dựng lớp công
dân số mới nhằm bảo đảm hiệu quả của chuyển đổi số bền vững. Bởi từ công
dân số sẽ có xã hội số, từ xã hội số mới có nhu cầu số, từ nhu cầu số
mới có thị trường số, rồi có doanh nghiệp số và kinh tế số”.
Với
quan điểm đó, Bắc Ninh đã và đang thay đổi tư duy trong triển khai
chuyển đổi số. Đơn cử như địa phương đang triển khai hiệu quả việc thực
hiện Đề án 06/CP phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác
thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số; 100% Ủy ban nhân dân cấp xã trên
địa bàn tỉnh đã thành lập mô hình “Dịch vụ công trực tuyến” (mô hình
phối hợp thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên địa
bàn), bảo đảm tất cả người dân được tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực
tuyến.
Về hiệu quả của ứng dụng này, anh Nguyễn Sơn Nam (phường
Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh) cho biết: “Mới đây, tôi đã làm thủ tục đăng
ký kinh doanh theo hình thức trực tuyến. Nếu như trước kia, để làm thủ
tục này, thì phải mất bảy ngày mới có kết quả. Nhưng nay, thời gian đã
giảm hơn một nửa, tôi lại không phải mất thời gian đi lại nhiều lần đến
Trung tâm Hành chính công thành phố Bắc Ninh”.
Đến nay, ứng dụng
phản ánh kiến nghị trên thiết bị di động đã tiếp nhận gần 4.000 kiến
nghị, tỷ lệ xử lý đạt gần 90%. Hiện tất cả các sở, ngành, địa phương
trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện số hóa hồ sơ. Ông Kim Yeon Su
(Giám đốc Tài chính Công ty TNHH Georim Tech Vina, Khu công nghiệp Quế
Võ) cho biết: “Việc hướng dẫn giải quyết và tiến độ xử lý các thủ tục
hành chính rất nhanh gọn, chuyên nghiệp, chất lượng phục vụ ở Bắc Ninh
khác biệt rất lớn so với nhiều tỉnh, thành phố khác”.
Trong
chuyến thăm và làm việc về chuyển đổi số tại Bắc Ninh cuối năm 2022, Thứ
trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đánh giá: “Bước đầu
tỉnh đã làm tốt vấn đề nhận thức số, tham gia kênh truyền thông chuyển
đổi số quốc gia trên Zalo, xây dựng nguồn nhân lực số, an toàn thông tin
mạng và phát triển chính quyền số”.
Theo Giám đốc Sở Thông tin
và Truyền thông tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Lệ Tuyết, chuyển đổi số trong
thời gian tới sẽ có nhiều sự khác biệt so với giai đoạn triển khai ứng
dụng công nghệ thông tin vừa qua. Do vậy, từ cơ quan quản lý đến người
dân cần có nhận thức và hành động đúng, để chuyển đổi mang lại kết quả
cao.
Nguồn:nhandan.vn