Khẩu hiệu tuyên truyền về xây dựng “Tỉnh an toàn giao thông” và văn hóa giao thông của người Bắc Ninh- Kinh Bắc được các cấp, ngành chức năng đa dạng hóa dưới nhiều hình thức.
Ông Nguyễn Đức Tám, Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh khẳng định: Cùng với việc đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, xử lý những điểm bất cập trong tổ chức, quản lý giao thông thì để kéo giảm TNGT đòi hỏi phải có sự chung tay vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành và người dân trong thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo đảm trật tự ATGT. Trong đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về Luật Giao thông có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi tuyên truyền không chỉ giúp người dân hiểu và thực hiện tốt các quy định pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT mà còn hình thành văn hóa giao thông văn minh trong các tầng lớp nhân dân. Muốn vậy, cần tăng cường công tác tuyên truyền thường xuyên, liên tục, kết hợp với đa dạng hóa các hình thức nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục cho từng đối tượng.
Với tinh thần và quyết tâm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, các cấp, ngành, đơn vị chức năng của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố đều đồng loạt xây dựng chương trình, Kế hoạch hành động nhằm cụ thể hóa mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết đề ra. Từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã thành lập Tổ Thường trực xây dựng tỉnh “Tỉnh ATGT” để tập trung giải quyết, tháo gỡ những vấn đề nảy sinh và đôn đốc, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm trật tự ATGT ở cơ sở.
Ngay từ những ngày đầu, Công an tỉnh chủ động xây dựng mẫu “Bản cam kết” và ban hành tài liệu tuyên truyền gửi các cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp, khu dân cư, khu công nghiệp, làng nghề…tổ chức tuyên truyền, ký cam kết. Cùng với đó, cán bộ, chiến sĩ Phòng CSGT (Công an tỉnh) cũng như lực lượng công an các địa phương đều tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT và hướng dẫn lái xe an toàn cho hàng chục nghìn cán bộ, hội viên, công nhân, người dân của các cơ quan, đơn vị, khu công nghiệp, khu dân cư trong toàn tỉnh.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu hoàn thiện bộ quy tắc “Văn hóa giao thông” của người Bắc Ninh- Kinh Bắc. Tỉnh Đoàn tổ chức 6 buổi học tập, quán triệt Nghị quyết, đăng tải hơn 300 bài tuyên truyền xây dựng “Tỉnh ATGT”; thành lập và duy trì 126 đội tình nguyện, tham gia cùng lực lượng chức năng xung kích bảo đảm trật tự ATGT…Đặc biệt, Sở GD-ĐT còn đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, văn hóa giao thông thông qua giảng dạy lồng ghép trong các môn học chính khóa, mô hình thực tế, các hoạt động ngoại khóa… đã treo 1.212 băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về trật tự ATGT; tuyên truyền trực tiếp 543 buổi thông qua các buổi tọa đàm, sinh hoạt ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm; tuyên truyền thông qua giảng dạy lồng ghép vào các môn học chính khóa và mô hình thực tế là 3.977 tiết. Ngoài ra, Sở GD-ĐT còn phối hợp với Ban ATGT tỉnh trang bị mô hình “Đi đến trường an toàn- về đến nhà an toàn” cho 88 Trường Tiểu học, THCS; 108 trường Mầm non được trang bị mô hình “Giáo dục an toàn giao thông”; duy trì và triển khai nhân rộng nhiều mô hình ATGT hiệu quả, như: “Cổng trường ATGT”, “Xếp hàng đón con”, “Đi đến trường an toàn - Về đến nhà an toàn”…góp phần không nhỏ để các em sớm hình thành thói quen ứng xử có văn hóa, đúng pháp luật khi tham gia giao thông.
Có thể khẳng định, thời gian qua công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực, dần đi vào thực chất, hiệu quả hơn. Công tác tuyên truyền được đa dạng hóa bằng nhiều hình thức, đến nhiều đối tượng. Từ tuyên truyền lưu động, sân khấu hóa, treo các panô hình ảnh, khẩu hiệu về văn hóa giao thông, tuyên truyền về tác hại của rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông cũng như phổ biến pháp luật về trật tự ATGT cho công nhân, học sinh; phối hợp với các cấp hội, đoàn thể lồng ghép tuyên truyền về trật tự ATGT cho các hội viên trong các buổi họp, sinh hoạt; tổ chức ký cam kết không vi phạm ATGT, không phơi rơm, thóc ra đường; nâng cao ý thức bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông cho hội viên…Bên cạnh đó, các cơ quan thông tấn báo chí của tỉnh cũng tăng cường các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về công tác bảo đảm trật tự ATGT, cách phòng tránh TNGT, các điểm bất cập về hạ tầng và tổ chức giao thông, đặc biệt là Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Nghị định 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt…
Theo Ban ATGT tỉnh thì thời gian tới các cấp, ngành, đơn vị chức năng cũng như các địa phương cần tiếp tục duy trì chiến dịch truyền thông sâu rộng và dài hơi, đa dạng, đổi mới cách thức tuyên truyền sao cho phù hợp với đặc thù từng nhóm đối tượng trong xã hội. Ngoài việc đẩy mạnh giáo dục pháp luật về giao thông, các cơ quan chức năng cần đặc biệt chú trọng hướng dẫn các kỹ năng giao thông an toàn, giúp người dân biết cách tự phòng vệ trước hiểm hoạ TNGT. Tổ chức các lớp học miễn phí về ATGT, trưng bày hoặc triển lãm tranh, ảnh, chiếu phim lưu động về ATGT đến từng cơ sở…