Chủ động, sáng tạo, phát huy hiệu quả các nguồn lực, khẩn trương triển khai các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh
(Thông tin
SHCB lược trích bài phát biểu bế mạc của Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Quốc Chung tại
Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XIX).
Đồng
chí Nguyễn Quốc Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân
dân tỉnh.
Sau 2 ngày làm việc khẩn trương,
nghiêm túc, trách nhiệm cao trước cử tri và nhân dân trong tỉnh, Kỳ họp thứ 10,
HĐND tỉnh khóa XIX hoàn thành nội dung, chương trình đề ra.
Đại biểu HĐND tỉnh đã biểu quyết thông
qua 17 Nghị quyết, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp, ngành triển khai
thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và
những năm tiếp theo.
Kỳ họp được nghe phát biểu chỉ đạo đầy
đủ, sát sao, tâm huyết của đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Ban Chấp hành
Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Thay mặt
Thường trực HĐND tỉnh, chủ tọa Kỳ họp trân trọng cảm ơn và tiếp thu đầy đủ ý kiến
chỉ đạo của đồng chí.
Chủ toạ Kỳ họp đề nghị UBND tỉnh và
các cơ quan chức năng, trên cơ sở chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy và những ý kiến,
kiến nghị của đại biểu, cử tri; kết luận của chủ tọa Kỳ họp bổ sung nhiệm vụ,
giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, giám đốc
các sở, ngành được chất vấn nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh,
cử tri và thực hiện những nhiệm vụ của mình trước cử tri, nhân dân; kịp thời đề
ra giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế, sớm khắc phục những hạn chế,
bất cập trong công tác chỉ đạo, điều hành nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản
lý nhà nước trong thời gian tới. Thường trực HĐND, các Ban HĐND và các đại biểu
HĐND có trách nhiệm giám sát việc thực hiện của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị.
Đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục tăng cường tiếp xúc cử tri, lắng
nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, phản ánh kịp thời với Thường trực HĐND tỉnh
và các cơ quan chức năng để xem xét, giải quyết thấu đáo, kịp thời.
Dự báo năm 2023 vẫn còn tiếp diễn nhiều
khó khăn, thách thức, HĐND đề nghị UBND tỉnh, các cấp, ngành, địa phương
cùng cả hệ thống chính trị cần tiếp tục chủ động, sáng tạo, phát huy nội lực,
tranh thủ có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, tập trung, khẩn trương triển khai
ngay các nghị quyết của HĐND, đồng thời chú trọng một số nhiệm vụ và giải pháp
sau:
Thứ
nhất, quán triệt, triển khai hiệu quả các kế hoạch, chương trình thực
hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, Quy định của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết
Trung ương 5, Trung ương 6, Nghị quyết số 30-NQ/TWcủa Bộ Chính trị về phát triển
kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng … và
các nghị quyết, văn bản của tỉnh như các nghị quyết về chuyển đổi số, văn hoá,
các chương trình, đề án và kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hội nghị về
đánh giá thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2022, nhiệm vụ giải pháp thực hiện
nhiệm vụ chính trị năm 2023… Tạo sự đồng thuận, đoàn kết, thống nhất về tư tưởng,
hành động, tạo khí thế mới, động lực mới hướng tới những mục tiêu khoa học, thực
tiễn và hiệu quả với đích thiết thực nhất là hạnh phúc, bình an của nhân dân.
Thứ
hai, bám sát chủ đề năm, các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội
và bảo đảm quốc phòng, an ninh năm 2023 và tình hình thực tiễn để có các giải pháp
chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành phục hồi, thúc đẩy phát
triển kinh tế xã hội. Nâng cao đạo đức công vụ, tiếp tục đổi mới phương thức chỉ
đạo, điều hành, giải quyết công việc của chính quyền các cấp theo đúng chức
năng nhiệm vụ, khắc phục tình trạng lảng tránh và sợ trách nhiệm, sợ chậm trễ
trong phối hợp giải quyết các vướng mắc, gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát,
kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn vướng mắc; chấn chỉnh, xử lý đối với những
tập thể, cá nhân có vi phạm, địa phương, đơn vị trì trệ, thực hiện nhiệm vụ chậm
trễ, kém hiệu quả.
Thứ
ba, tập trung các giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn trong sản xuất, kinh
doanh, đặc biệt là khu vực kinh tế trong nước; đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu
tư FDI; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp
tỉnh. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển.
Thúc đẩy giải ngân đầu tư công, triển khai nhanh, có hiệu quả chương trình phục
hồi và phát triển kinh tế - xã hội; các dự án đầu tư phát triển hạ tầng, các
tuyến đường kết nối liên vùng. Rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn,
khắc phục các hạn chế của năm 2022; ưu tiên, tập trung vốn cho các dự án trọng
điểm và các dự án có thể hoàn thành nhanh, đưa vào sử dụng, nhằm phát huy hiệu
quả sử dụng vốn đầu tư công.
Thứ
tư, thực hiện các giải pháp tăng thu ngân sách, nâng cao năng lực quản lý
tài chính - ngân sách, cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng tăng chi đầu
tư phát triển. Cơ cấu lại một số khoản chi, cắt, giảm những nhiệm vụ chi chưa
thực sự cần thiết, có giải pháp mạnh để tiết kiệm chi thường xuyên. Tăng cường
tính chủ động trong dự toán, điều hành ngân sách; siết chặt kỷ luật, kỷ cương về
tài chính ngân sách, quản lý tài chính công, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân
sách và tài sản công.
Thứ
năm, tăng cường quản lý nhà nước về quy hoạch, quản lý đất đai, tài nguyên
và môi trường. Khẩn trương thực hiện xong các quy hoạch chung, quy hoạch phân
khu, quy hoạch chi tiết; tháo gỡ các điểm nghẽn trong xây dựng hạ tầng kinh tế,
xã hội và đô thị; rà soát các dự án chậm sử dụng đất để xử lý; tháo gỡ dứt điểm
khó khăn trong các dự án dân cư dịch vụ, dự án đấu giá đất; tích cực giải quyết
vướng mắc, vi phạm trong quản lý đất đai, tài nguyên và môi trường, tiếp tục rà
soát và có biện pháp tăng cường thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường.
Thứ
sáu, chú trọng phát triển văn hoá, xã hội, bảo đảm hài hoà với phát triển
kinh tế. Trọng tâm là triển khai tích cực chương trình hành động thực hiện Nghị
quyết số 71 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX về “Xây dựng và phát triển
văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”.
Quan tâm xây dựng và phát triển giáo dục và đào tạo; mạng lưới y tế dự phòng,
nhất là y tế cơ sở, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu và năng lực
phòng, chống dịch bệnh. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc
làm, giảm nghèo bền vững. Nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần và cải
thiện chất lượng, môi trường sống của nhân dân.
Thứ
bảy, tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác quốc phòng - an ninh; củng cố thế
trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; giữ vững an ninh
chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thực hiện tốt công tác thanh tra, tiếp dân,
giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát
quyền lực. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao việc nêu gương và
trách nhiệm người đứng đầu; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm sai phạm. Đẩy mạnh
công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tổ chức thực hiện đồng bộ,
hiệu quả các giải pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thực hành tiết
kiệm, chống lãng phí.
Nguồn:Cuốn Thông tin SHCB số 12 năm 2022