Lo lắng vì con gái hơn 9 tháng tuổi bị nổi nốt khắp người dù không sốt, chị Chu Thị Nh. ở phường Phượng Mao, thị xã Quế Võ đưa bé lên khám tại Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh và được chẩn đoán mắc Tay - chân - miệng. Chị Nh. cho biết, xung quanh nhà chị không có cháu nào mắc Tay - chân - miệng nhưng vì cháu bé chưa đầy 1 tuổi, sợ những biến chứng của bệnh, chị đưa con thăm khám để được theo dõi sát.
Khoa Bệnh nhiệt đới - Tiêu hoá Nhi, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh tiếp nhận các ca bệnh Tay - chân - miệng rải rác từ đầu tháng 5. Theo bác sĩ CKII Phạm Thị Thanh Hương, Trưởng khoa, các mặt bệnh truyền nhiễm thường xuất hiện trong mùa hè có sự thay đổi nhỏ. Những năm trước, từ tháng 4, bệnh Tay - chân - miệng vào mùa, nhưng năm nay, các ca mắc rải rác bắt đầu từ tháng 5. Ở tuần cuối tháng 5, bình quân mỗi ngày khoa điều trị 5 ca Tay - Chân - miệng, ngày nhiều nhất có hơn 10 bệnh nhân nội trú với độ tuổi phổ biến là trẻ dưới 5 tuổi.
Những biểu hiện thường gặp ở bệnh Tay - chân - miệng gồm: Không sốt hoặc sốt (sốt nhẹ hoặc sốt vừa), khoảng 1-2 ngày sau sốt mọc nốt dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, chân, mông, gối. Bệnh nhi có thể kèm theo một số triệu chứng như: Biếng ăn, sổ mũi, ho, chảy dãi, nôn, tiêu chảy… Có đến 50% số trẻ mắc Tay - chân - miệng có triệu chứng về tiêu hóa. Thông thường, trẻ mắc Tay - chân - miệng từ độ 2 trở lên sẽ phải nhập viện điều trị nội trú. Bác sĩ Hương cũng cảnh báo những dấu hiệu trẻ mắc Tay - chân - miệng cần nhập viện như: Sốt từ 39 độ trở lên hoặc sốt từ 2 ngày trở lên, trẻ co giật, lơ mơ, li bì, quấy khóc, kích thích, ngồi không vững, đi lại loạng choạng, run chi, chi lạnh, vã mồ hôi…
Bác sĩ Phạm Thị Thanh Hương kiểm tra sức khoẻ một bệnh nhi mắc nhiều triệu chứng về hô hấp, tiêu hoá.
Thời gian qua, tại khoa Bệnh nhiệt đới - Tiêu hoá Nhi, số trẻ mắc virus hợp bào hô hấp RSV khá nhiều. Theo bác sĩ Trưởng khoa, ca nghi mắc RSV nào cũng có những triệu chứng điển hình như: Ho khò khè, sốt, thở nhanh. Các ca RSV chủ yếu gặp ở trẻ dưới 2 tuổi và những bệnh nhân nặng thường dưới 12 tháng tuổi.
Virus hợp bào hô hấp RSV (respiratory syncytial virus) là một loại virus gây nhiễm trùng phổi và đường hô hấp, gây viêm tiểu phế quản, viêm phổi. Virus RSV đi vào cơ thể qua mắt, mũi hoặc miệng. Loại virus này dễ dàng lây truyền từ người sang người qua các dịch tiết đường hô hấp bị nhiễm virus như ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc trực tiếp như bắt tay. Virus RSV có thể tồn tại nhiều giờ trên các vật dụng như bàn ghế, đồ chơi của trẻ. Trẻ có nguy cơ nhiễm virus nếu vô tình chạm vào các đồ vật có virus và đưa lên miệng. Ở thời điểm cao điểm, khoa Bệnh nhiệt đới - Tiêu hoá nhi điều trị trên dưới 50 ca, trong đó nhiều bệnh nhi phải thở oxy, song hiện nay có xu hướng giảm với khoảng gần 20 ca đang điều trị nội trú.
Có một số ca phải nhập viện do tập hợp nhiều triệu chứng và thường phải điều trị kéo dài hơn. Như trường hợp một bé 7 tháng tuổi, con trai của chị T.T.N.P ở xã Ngọc Xá, thị xã Quế Võ là một ví dụ. Từ nhà, bé ho nhiều, khò khè, khó thở, sốt. Qua thăm khám, bé được kết luận suy hô hấp, viêm phế quản phổi, tiêu chảy. Do suy hô hấp, con phải thở oxy mấy ngày, hiện sức khoẻ ổn định, các bác sĩ nói sắp được xuất viện.
Thời tiết nắng nóng rồi mưa ẩm là điều kiện thuận lợi cho virus phát triển, những trẻ có sức đề kháng kém thường dễ bị virus tấn công. Hiện nay, tuy chưa ghi nhận song mùa hè cũng là thời gian trẻ dễ mắc các bệnh lây truyền qua muỗi đốt như: Sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản… Bên cạnh đó, số ca bệnh mắc các bệnh truyền qua thực phẩm như: Ngộ độc, tiêu chảy cũng nhiều hơn. Tại đây, mỗi ngày tiếp nhận từ 2-3 ca tiêu chảy nhập viện. Theo bác sĩ Phạm Thị Thanh Hương, để chủ động phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm mùa hè nói chung, vấn đề vệ sinh nơi ở, vệ sinh cá nhân cho trẻ rất quan trọng. Cùng với đó, cần tăng cường phát quang môi trường, ngủ màn, giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh truyền qua muỗi đốt. Tăng cường bổ sung dinh dưỡng bằng cách ăn đa dạng, đủ chất, đồng thời phải hợp vệ sinh, bảo quản và sử dụng thực phẩm đúng cách, uống đủ nước…