Ngày 24-2-2022, Hãng thông tấn TASS (Nga) đưa tin Tổng thống Nga Vladimir Putin
tuyên bố Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở miền Đông Ukraine nhằm đáp lại
lời đề nghị hỗ trợ bảo đảm an ninh của lãnh đạo hai nước Cộng hòa tự xưng
Donestsk (DPR) và Lugansk (LPR). Trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng
giữa Nga, Mỹ và các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)
hiện nay, nhiều câu hỏi đang được dư luận hết sức quan tâm, đó là: bản chất của
cuộc xung đột này là gì, tại sao lại xảy ra vào thời điểm hiện nay và chiều
hướng của cuộc khủng hoảng ra sao?
Bản chất và nguyên nhân của cuộc khủng hoảng
Bản chất
của cuộc khủng hoảng
Vấn đề khủng hoảng Ukraine hiện
nay bắt nguồn từ cuộc chính biến xảy vào đầu năm 2014(1),
kéo dài đến nay đã 8 năm, vẫn chưa chấm dứt và ngày càng trở nên phức tạp. Đây
không chỉ đơn giản là cuộc xung đột giữa lực lượng ly khai với sự hậu thuẫn của
Nga và Chính phủ Ukraine ở miền Đông (Donbass) nước này, mà còn là cuộc xung
đột giữa các nước lớn ở khu vực châu Âu - Đại Tây Dương, như Nga, Mỹ, NATO;
thậm chí, liên quan tới các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tổng thống
Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh công nhận hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và
Lugansk ở miền Đông Ukraine_Ảnh: Kremlin
Chiến sự
giữa Nga và Ukraine năm 2022 có quy mô lớn hơn so với cuộc khủng hoảng năm 2014
và được xem là cuộc xung đột lớn nhất kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, xuất
phát từ một số lý do: Một là, cục diện chung trên
thế giới đã thay đổi, với việc Mỹ theo đuổi các chính sách “Nước Mỹ trên hết”,
“Nước Mỹ trở lại”; Trung Quốc thực hiện chiến lược “phục hưng vĩ đại dân tộc
Trung Hoa”, trong khi Nga hiện chưa có một chiến lược mang tính toàn cầu. Hai
là, trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, nước Nga dưới sự lãnh đạo
của Tổng thống Nga V. Putin đã triển khai thành công, có hiệu quả nhiều chính
sách cả về đối nội và đối ngoại, qua đó ổn định được hệ thống chính trị nội bộ,
củng cố vị thế, mở rộng ảnh hưởng quốc tế và gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc
gia; tuy nhiên, hiện nay, trong tam giác quan hệ Mỹ - Trung Quốc - Nga, sự phục
hồi ảnh hưởng của Nga vẫn chưa thể làm thay đổi cục diện chính trị thế giới. Ba
là, đây là thời khắc hết sức quan trọng, được xem là một trong
những thử thách đối với Tổng thống Nga V. Putin, khi chỉ còn chưa đầy hai năm
là tới cuộc bầu cử Tổng thống Nga năm 2024, để tiếp tục từng bước khôi phục vị
thế đất nước, giành lại vị trí quan trọng trên vũ đài quốc tế, chuyển từ cường
quốc khu vực hướng đến tầm cỡ cường quốc toàn cầu.
Nguyên
nhân của cuộc khủng hoảng
Nguyên
nhân sâu xa. Sau Chiến tranh lạnh, thế giới - nhất là khu vực châu Âu - Đại
Tây Dương - tưởng chừng sẽ có được một nền hòa bình lâu dài và không còn đối
đầu, nhưng ngược lại đã nhanh chóng chứng kiến những căng thẳng leo thang trong
quan hệ giữa hai cường quốc quân sự hàng đầu thế giới là Mỹ và Nga, đặc biệt
trong giai đoạn hiện nay. Mối quan hệ cạnh tranh nhiều hơn hợp tác, đôi khi
đứng trước bờ vực đối đầu này đã chi phối mạnh mẽ việc tập hợp lực lượng mới, đồng
thời tác động không nhỏ đến chiều hướng quan hệ hợp tác quốc phòng - an ninh
trên thế giới, nhất là các quốc gia tầm trung và có vị trí địa - chiến lược
quan trọng như Ukraine.
Bên cạnh đó, quan hệ giữa Nga và
NATO cũng lâm vào khủng hoảng. Sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea (năm
2014) - nơi có quân cảng chiến lược Sevastopol - NATO đã đình chỉ quan hệ “đối
tác vì hòa bình” với Nga, coi Nga là mối đe dọa đối với an ninh khu vực châu
Âu. NATO cho rằng, Nga “vi phạm luật pháp quốc tế” khi trực tiếp hoặc gián tiếp
hỗ trợ lực lượng ly khai ở Ukraine, sáp nhập lãnh thổ của một nước có chủ quyền
vào Nga. NATO tăng cường trợ giúp Ukraine về huấn luyện và cung cấp các trang
thiết bị vũ khí hiện đại; đe dọa thắt chặt các biện pháp cấm vận kinh tế ngặt
nghèo đối với Nga trong trường hợp Nga tấn công Ukraine; đồng thời, kêu gọi Nga
“xuống thang” và triển khai hàng loạt bước đi để ngăn chặn Nga tấn công
Ukraine.
Thế nhưng, điều bất ngờ nhất đối
với NATO kể từ sau năm 2014 là Nga đã giành quyền chủ động hành động, cũng như
ngày càng cảnh giác và quyết đoán hơn trước bất kỳ động thái nào của NATO. Nga
coi việc “NATO Đông tiến” là đường lối lâu dài, là thách thức từ trước khi xảy
ra cuộc khủng hoảng Ukraine, đào sâu sự mất cân bằng chiến lược Nga - NATO. Nga
quan ngại việc không có thành viên NATO nào phê chuẩn Hiệp ước về vũ khí thông
thường châu Âu (CFE). Theo quan điểm của Nga, tình hình này còn tồi tệ hơn do
Mỹ bố trí hệ thống tên lửa phòng thủ tại Ba Lan và Séc, vi phạm sự ổn định
chiến lược. Nga quy kết NATO thúc đẩy cuộc “cách mạng màu” bên trong không gian
hậu Xô-viết. Cuộc khủng hoảng Ukraine đã giáng một đòn mạnh vào hầu hết các cơ
chế hợp tác giữa Nga và NATO, từ đấu tranh chống buôn lậu ma túy cho đến chống
khủng bố... Các hoạt động quân sự (tập trận, tăng thêm quân, chiến tranh thông
tin…) được Nga và NATO triển khai ở mức mạnh nhất, càng khoét sâu thêm căng
thẳng giữa hai bên. Hai bên đều xem nhau như mối đe dọa đầu tiên và thi hành
các biện pháp thích hợp. Các vụ va chạm trên không và trên biển, khả năng khó
phá băng khủng hoảng tại vùng Donbass cùng nhiều vấn đề khác đã khiến mối quan
hệ Nga - NATO tiếp tục leo thang căng thẳng kèm theo nhiều rủi ro xảy ra xung
đột bùng phát tại chỗ (2).
Như vậy, có thể thấy nổi lên hai
mâu thuẫn đối kháng khó giải quyết: Một là, mâu thuẫn giữa việc
Nga sáp nhập bán đảo Crimea, kiểm soát cũng như khống chế các hoạt động quân sự
và dân sự của Ukraine ở Biển Đen với việc Mỹ cùng đồng minh muốn ủng hộ Ukraine
lấy lại bán đảo này, đẩy hạm đội Biển Đen của Nga ra khỏi Biển Đen. Hai
là, mâu thuẫn giữa Nga và Mỹ cùng đồng minh NATO. Cụ thể, Nga muốn
giành lại vị trí quan trọng trên vũ đài quốc tế, vươn lên tầm cường quốc toàn
cầu, khiến thế giới phải thay đổi cách nhìn về vị thế quốc tế mới của Nga sau
khi Liên Xô sụp đổ. Trong khi đó, Mỹ và NATO muốn đưa Ukraine vào quỹ đạo kiểm
soát của họ và việc “phương Tây hóa Ukraine” sẽ có tác dụng giúp thúc đẩy “cách
mạng màu” xảy ra bên trong chính nước Nga, góp phần làm suy giảm sức mạnh tổng
hợp của Nga.
Nguyên
nhân trực tiếp. Thứ nhất, cuộc xung đột giữa chính quyền Ukraine và
lực lượng ly khai Donbass (bao gồm DPR và LPR) do Nga hậu thuẫn gia tăng, nhất
là sau tháng 10-2021, khiến tiến trình đàm phán hòa bình theo Thỏa thuận Minsk
2 - giải pháp duy nhất đối với cuộc khủng hoảng chính trị Ukraine - khó đạt
được kết quả. Thứ
hai, Mỹ và NATO không chỉ chuyển giao vũ khí cho Ukraine, nhất là
sau giai đoạn Mỹ rút quân khỏi Afghanistan (tháng 9-2021), khi Mỹ và đồng minh
còn dư nhiều vũ khí, đạn dược (được dự kiến chuyển giao cho chính quyền thân Mỹ
ở Afghanistan), mà còn triển khai tên lửa tầm trung và lực lượng quân sự trên
lãnh thổ NATO - Đông Âu hướng tới Nga. Thứ ba, đáp lại những động
thái đó, Nga đã triển khai trên 100.000 quân dọc biên giới trên bộ giáp với
Ukraine, khu vực bán đảo Crimea, đồng thời tập trung quân đội ở nước láng giềng
Ukraine là Belarus với danh nghĩa tập trận chung, cũng như phái 6 tàu chiến hiện
đại tiến vào Biển Đen. Thứ tư, Mỹ và đồng minh NATO
không đáp ứng bản đề nghị an ninh gồm 8 điểm của Nga gửi tới Mỹ và NATO vào
giữa tháng 12-2021, với bốn nội dung cốt lõi: 1- NATO không kết nạp Ukraine và
các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG); 2- Loại bỏ vũ khí hạt
nhân của Mỹ ra khỏi châu Âu; 3- NATO rút toàn bộ quân đội hoặc vũ khí được
triển khai tới các quốc gia tham gia liên minh về thời điểm trước năm 1997, bao
gồm các nước như Ba Lan, Estonia, Lithuania, Latvia; 4- Không tiến hành tập
trận tại các nước gần lãnh thổ của Nga.
Những điều này được cho là đã đẩy
căng thẳng giữa Nga và Mỹ cùng đồng minh NATO lên đỉnh điểm thành cuộc xung đột
quân sự mà chiến trường là Ukraine.
Binh sĩ
Ukraine tại khu vực giao tranh với lực lượng Nga ở Thủ đô Kiev, ngày 26-2-2022_Ảnh:
AFP/TTXVN
Những toan tính của các bên
Đối với
Nga, “chiến
dịch quân sự đặc biệt” năm 2022 được xem là “trận đánh chiến lược” của Tổng
thống Nga V. Putin, do đó Nga chấp nhận đối mặt với nhiều vấn đề, bao gồm cả
việc sẵn sàng chuẩn bị đối phó với các lệnh trừng phạt kinh tế ngặt nghèo, kéo
dài của Mỹ và phương Tây. Nga cũng hiểu rất rõ, chiến tranh sẽ tạo thêm một
gánh nặng mới đối với nền kinh tế Nga vốn bị ảnh hưởng nhiều do Nga là một
trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên,
Chính phủ Nga đã đưa ra thông báo, Nga có đủ nguồn lực tài chính cho sự ổn định
của hệ thống trước các lệnh trừng phạt và các mối đe dọa từ bên ngoài.
Mục tiêu của Nga khi phát động
chiến dịch quân sự lần này, bao gồm: 1- Ngăn chặn phương Tây giành lại bán đảo
Crimea; 2- Tạo sức ép đối với phương Tây và Ukraine thực hiện Thỏa thuận Minsk
2 theo cách của Nga; 3- Cơ cấu lại an ninh khu vực châu Âu, trong đó an ninh
của Nga phải được tôn trọng và bảo đảm; 4- Thúc đẩy Đức và Liên minh châu Âu
(EU) phê chuẩn dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”; 5- Củng cố nhà nước liên minh
giữa Nga và Belarus vừa được khởi động sau 20 năm không có nhiều tiến
triển.
Theo đánh giá chung, hiện nay,
Nga có nhiều thuận lợi trong việc mở chiến dịch quân sự: 1- Mặc dù bị ảnh hưởng
nghiêm trọng từ các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, song kinh tế Nga đã
tăng cường được tính tự chủ, chủ động thích ứng, vượt qua thời điểm khó khăn
nhất và đang trên đà hồi phục. Tính đến tháng 8-2021, Quỹ Tài sản quốc gia Nga
có nguồn vốn vào khoảng 185 tỷ USD và dự trữ ngoại tệ ở mức 615 tỷ USD. Bên
cạnh đó, Nga cũng được dự báo là quốc gia sẽ hồi phục nhanh hơn các nước lớn
khác sau đại dịch COVID-19 do đã thích nghi tốt với tình trạng bị cấm vận, cô
lập từ năm 2014 đến nay; 2- Căng thẳng leo thang đẩy giá dầu mỏ tăng cao, đang
tạo lợi thế cho Nga; 3- Cán cân quyền lực và cục diện thế giới tiếp tục có sự
dịch chuyển nhanh từ Tây sang Đông, nhất là cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung
Quốc gia tăng mạnh mẽ cùng với việc Nga đẩy mạnh chính sách đối ngoại ưu tiên
hơn trong quan hệ với Trung Quốc, đã góp phần củng cố vị thế của Nga với vai
trò là một trong những nhân tố “cân bằng chiến lược” quan trọng hàng đầu mà cả
Mỹ và Trung Quốc đều cần tranh thủ; 4- Cuộc khủng hoảng Ukraine buộc các nước
phải quay trở lại Thỏa thuận Minsk 2; 5- Cuộc khủng hoảng Ukraine cũng tiếp tục
làm bộc lộ rõ những mâu thuẫn trong nội bộ NATO và EU hiện nay (3); đồng thời, tạo sức ép buộc Mỹ và
phương Tây phải đàm phán với Nga về những vấn đề lớn hơn liên quan đến an ninh
châu Âu.
Trên cơ sở đó, Tổng thống Nga V.
Putin đã triển khai được 5 bước đi lớn: 1- Gia tăng sự hiện diện quân sự tại
Ukraine và gây ảnh hưởng lên các nước vùng Baltic; 2- Phô trương được sức mạnh
quân sự cùng một lúc trên tất cả các mặt trận; 3- Cộng hưởng với Trung Quốc
trong cuộc đua với Mỹ tiến tới vị trí trung tâm của vũ đài quốc tế; 4- Gửi tới
Mỹ và NATO bản đề nghị an ninh gồm 8 điểm với các điều kiện tiên quyết, trong
đó nêu rõ những quan ngại về an ninh của Nga; 5- Đẩy mạnh các hoạt động ngoại
giao con thoi để trao đổi với các nước. Những động thái này góp phần bảo vệ và
củng cố thể chế của nước Nga, nhất là vị thế, uy tín của Tổng thống Nga V.
Putin. Trong khi đó, thực tế cho thấy, các nước phương Tây và NATO thiếu sự
quyết đoán khi đối mặt với những mối đe dọa hiện hữu.
Đối với
Mỹ, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang gặp không ít khó
khăn, thách thức cả trong nước và ngoài nước. Ở trong nước, chính trị nội bộ Mỹ
mâu thuẫn và chia rẽ sâu sắc, nhất là sau cuộc bạo loạn xảy ra ở tòa nhà Quốc
hội vào ngày 6-1-2021 (4). Bên cạnh đó,
dịch bệnh COVID-19 tiếp tục kéo dài và diễn biến phức tạp, tác động đến mọi mặt
đời sống của nước Mỹ. Ở ngoài nước, mặc dù vẫn là siêu cường số 1 thế giới với
sức mạnh vượt trội song khoảng cách sức mạnh của Mỹ so với Trung Quốc đang tiếp
tục bị thu hẹp. Nhiều lợi ích chiến lược của Mỹ đang bị thách thức. Hệ thống
đồng minh, đối tác có sự rạn nứt nhất định sau nhiệm kỳ của chính quyền Tổng
thống Mỹ Donal Trump khiến các nỗ lực của Mỹ trong xử lý những vấn đề toàn cầu
gặp nhiều khó khăn…
Tuy nhiên, việc thúc đẩy leo
thang một cuộc khủng hoảng mới được cho là sẽ giúp Mỹ trở lại vị thế chi phối
và vai trò lãnh đạo thế giới, ngăn chặn, đối phó với thách thức gia tăng từ các
đối thủ chiến lược và các thách thức an ninh khác; khôi phục và củng cố hệ
thống đồng minh, đối tác; định hình trật tự thế giới mới dựa trên các nguyên
tắc, chuẩn mực, giá trị chung.
Tổng thống
Biden đọc Thông điệp Liên bang 2022 tại phiên họp lưỡng viện Quốc hội ở
Washington, DC, ngày 1-3-2022, trong đó thông báo kế hoạch hỗ trợ trực tiếp hơn
1 tỷ USD cho Ukraine, bao gồm cả hỗ trợ về quân sự, kinh tế và nhân đạo; thông
báo lệnh cấm máy bay Nga vào không phận Mỹ_Ảnh: TTXVN
Mục tiêu
của Mỹ trong cuộc khủng hoảng chính trị Ukraine là: 1- Làm suy giảm sức mạnh
tổng hợp quốc gia của Nga; 2- “Phương Tây hóa Ukraine”, lôi kéo các nước có xu
hướng thân Nga “đoạn tuyệt” với Nga và dựa hẳn vào Mỹ và phương Tây; 3- Củng cố
mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương; 4- Tranh thủ cuộc khủng hoảng chính trị tại
Ukraine leo thang để khiến các nước châu Âu phụ thuộc hơn nữa vào Mỹ về mặt
quân sự, an ninh, kinh tế và năng lượng; 5- Có lý do chính đáng để ngăn chặn
Đức phê duyệt dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”.
Đối với
Ukraine, nước này
vốn được coi là “nạn nhân” trong cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay, nhưng lại
mong muốn gia nhập NATO và EU. Ukraine cho rằng, việc gia nhập NATO “không gây
ảnh hưởng đến an ninh của Nga”. Chính vì vậy, ngay sau khi lên nắm quyền, chính
quyền của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiếp tục: 1- Khẳng định quyết
tâm gia nhập NATO và đẩy mạnh cải cách lực lượng vũ trang theo tiêu chuẩn NATO;
2- Tăng cường củng cố tiềm lực quốc phòng - an ninh, với việc gia tăng chi phí
và đẩy mạnh thử nghiệm các loại tên lửa mới (5);
3- Duy trì các cuộc tập trận quân sự chung với NATO nhằm nâng cao khả năng tác
chiến hiệp đồng giữa quân đội Ukraine với quân đội các nước thành viên NATO; 4-
Tiến hành sửa chữa, cải tiến và hiện đại hóa các loại vũ khí, khí tài cũ để
trang bị cho lực lượng quân đội; 5- Mua vũ khí sát thương của các nước phương
Tây.
Trong khi đó, NATO lại tỏ ra khá
thận trọng trước viễn cảnh Ukraine gia nhập tổ chức này. Theo Tổng Thư ký NATO
Jens Stoltenberg, Ukraine đã xin gia nhập NATO từ năm 2008 và NATO đang xem
xét, chưa kết nạp Ukraine, với lý do theo Điều 6 Hiến chương NATO, về mặt kỹ
thuật, Ukraine hiện chưa đủ điều kiện để gia nhập NATO (6).
Tuy nhiên, cũng như Mỹ và các nước phương Tây, NATO cho rằng, tất cả quốc gia
độc lập, có chủ quyền như Ukraine, có thể xin gia nhập không chỉ NATO mà bất kỳ
tổ chức kinh tế, chính trị, quân sự hay ngoại giao nào phù hợp với lợi ích quốc
gia của Ukraine.
Tổng thống
Ukraine Volodymyr Zelensky (giữa) cầm đơn xin gia nhập EU sau khi ký hôm
28-2-2022_ Ảnh: Facebook/Volodymyr Zelensky
Thế
nhưng, theo Điều 5 Hiến chương NATO - một nguyên tắc sáng lập của NATO về phòng
thủ tập thể - bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào một hay một số thành
viên của liên minh đều được coi là cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh… Mỗi
thành viên, với quyền tự vệ cá thể hay tập thể chính đáng theo Điều 51 Hiến
chương Liên hợp quốc, sẽ hỗ trợ một bên hoặc các bên. Như vậy, nếu Ukraine
trở thành một phần của NATO, các nước thành viên có nguy cơ phải tham gia đối
đầu trực tiếp với Nga. Đây là điều mà dường như không một quốc gia nào trong
NATO mong muốn.
Triển khai chính sách đối ngoại
thân phương Tây, Ukraine đặt mục tiêu có thể gia nhập NATO và EU, giúp Ukraine
bảo toàn lãnh thổ, lấy lại bán đảo Crimea và các vùng ly khai ở khu vực
Donbass. Tuy nhiên, cả Ukraine và phương Tây đều bất ngờ khi cho rằng, khả năng
Nga sẽ tiến hành “một cuộc chiến tranh toàn diện” như hiện nay là không cao.
Dự báo
chiều hướng của cuộc khủng hoảng
Trước quan ngại Nga sẽ phát động
“một cuộc chiến tranh tổng lực” tấn công, cuối tháng 10-2021, Ukraine đẩy mạnh
triển khai một lực lượng lớn quân đội dọc khu vực giáp Donbass khiến Nga tin
rằng Ukraine sắp mở cuộc tấn công quân sự chống lại lực lượng thân Nga tại khu
vực này. Cùng với đó, phản hồi của Mỹ và NATO liên quan đến các đề xuất an ninh
của Nga được Nga cho là không thỏa đáng và đang “bị xem nhẹ”, trở thành “giọt
nước tràn ly” khiến Nga phản ứng quyết liệt hơn.
Ngày 22-2-2022, Nga chính thức ra
tuyên bố xác nhận biên giới của hai vùng lãnh thổ ly khai Ukraine, bao gồm DPR
và LPR mà Nga đã công nhận độc lập trước đó. Tiếp đó, ngày 24-2-2022, Tổng
thống Nga V. Putin tuyên bố bắt đầu một “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm “phi
quân sự hóa” Ukraine và bảo vệ người dân ở khu vực Donbass. Nga khẳng định chỉ
nhắm mục tiêu vào kết cấu hạ tầng quân sự, không tấn công kết cấu hạ tầng dân
cư, đồng thời cảnh báo NATO không can thiệp vào hành động của Nga. Tổng thống
Nga V. Putin nhấn mạnh: “Tình thế khiến chúng tôi phải đưa ra những hành động
quyết định và ngay lập tức” (7).
Phái đoàn
Nga (trái) và Ukraine (phải) tại cuộc đàm phán ở vùng Gomel, Belarus, ngày
28-2-2022_Ảnh: TTXVN
Hiện nay,
nhiều nhà phân tích cho rằng, có khả năng Nga sẽ kiểm soát Thủ đô Kiev và thành
lập một chính phủ thân Nga để điều hành đất nước Ukraine. Đồng thời, lực lượng
gìn giữ hòa bình của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu sẽ
được triển khai trên toàn lãnh thổ Ukraine để trợ giúp chính quyền mới của
Ukraine. Đây sẽ là cơ sở để Nga có thể thiết lập một liên minh mới, bao gồm
Nga, Belarus và Ukraine, hiện thực hóa một phần mục tiêu trở thành cường quốc
trên thế giới, cũng như xác lập lại cấu trúc an ninh châu Âu vốn đang do Mỹ và
phương Tây chi phối. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, để hiện thực hóa
mục tiêu đó trong bối cảnh cán cân quyền lực và tình hình thế giới tiếp tục có
sự dịch chuyển nhanh, phức tạp, khó dự báo như hiện nay, được cho là điều không
dễ.
Nhìn chung, những tham vọng chính
trị, những ý đồ, tính toán từng bước của các bên được định hình rõ nét hơn
trong chính bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine leo thang căng thẳng. Hơn bao
giờ hết, đó là yếu tố khiến cuộc xung đột trở nên khó đoán định. Tuy nhiên, ngày
27-2-2020, việc Ukraine đồng ý tham gia đàm phán với Nga tại Belarus và các
vòng đàm phán tiếp theo, đã dấy lên tia hy vọng có thể sớm chấm dứt chiến dịch
quân sự của Nga đang diễn ra căng thẳng trên đất nước này./.
Nguồn:tapchicongsan.org.vn