Cùng với mục tiêu
“thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, ngành Ngân
hàng tỉnh triển khai hiệu quả các giải pháp về điều hành chính sách tiền tệ,
thực hiện tốt cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn, bảo đảm thanh khoản, đáp ứng đủ
nhu cầu vốn tín dụng của khách hàng.
Thực hiện sự chỉ đạo
của tỉnh, ngân hàng cấp trên, các ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) chủ
động tiếp cận khách hàng, cung cấp thông tin về các gói sản phẩm tín dụng, hỗ
trợ khách hàng vay vốn với chi phí lãi suất tối ưu. Chương trình kết nối ngân
hàng - doanh nghiệp được thực hiện hiệu quả với nhiều hợp đồng tín dụng được ký
kết. Cách làm phù hợp cộng với những tín hiệu mới từ thị trường và sự hồi phục
của nhiều doanh nghiệp đưa kết quả tăng trưởng tín dụng ở mức khá cao, bảo
đảm cả về chất và lượng. Đến trung tuần tháng 3, tổng dư nợ toàn ngành
Ngân hàng tỉnh đạt gần 129.000 tỷ đồng, tăng 4,4% so cuối năm 2021. Giữ vị trí
chủ đạo là dòng vốn đầu tư lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, thương mại-dịch vụ
chiếm 95% tổng dư nợ. Trong đó, vốn cho vay sản xuất gắn với chính sách hỗ trợ
lãi suất phục hồi sản xuất do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 được các ngân
hàng đẩy mạnh.
Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh Bắc Ninh là một
trong những NH có tốc độ tăng trưởng dư nợ cao. Đến ngày 16-3, tổng dư nợ của
Chi nhánh đạt 11.129 tỷ đồng, tăng 11,8% so cuối năm 2021 và cao hơn mặt
bằng chung của toàn ngành Ngân hàng tỉnh 7,4%. Trong đó, dư nợ cho vay doan
nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh chiếm hơn 90%.
Sản xuất mặt hàng xuất
khẩu là một trong 5 nhóm lĩnh vực được ưu tiên lãi suất. Trong ảnh: Dây chuyền
sản xuất của Công ty Cổ phần Đáp Cầu- Yên Phong.
Đi đầu trong việc triển khai vốn tín dụng cho nông nghiệp nông thôn, ngay từ
đầu năm, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) Chi nhánh
tỉnh Bắc Ninh lên các phương án tín dụng nhằm triển khai các giải pháp tháo gỡ
khó khăn cho doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh, nhất là 5 nhóm đối tượng
được ưu tiên. Với mục tiêu hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp hoạt động, Agribank
phân loại nợ, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng vay, cơ cấu lại thời hạn
trả nợ, giảm lãi suất tiền vay, xem xét cho vay mới đối với những những dự án khả
thi, minh bạch tài chính, có hiệu quả và bảo đảm khả năng trả nợ… Từ ngày 1-3
Agribank triển khai chương trình tín dụng ngắn hạn ưu đãi đối với khách hàng
doanh nghiệp quy mô 30.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ khách hàng bổ sung vốn lưu động
phục hồi sản xuất với mức lãi suất 4,0%/năm. Đối tượng của chương trình là các
doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp,
xây dựng và thương mại, dịch vụ. Bên cạnh việc được hưởng lãi suất vay ưu đãi,
khách hàng còn được hưởng các chính sách ưu đãi miễn, giảm phí dịch vụ khác,
đồng thời sử dụng các sản phẩm dịch vụ khác của Agribank như: Tiền gửi có kỳ
hạn, Chi trả lương qua tài khoản, Nhờ thu tự động, Nộp thuế điện tử, Thanh toán
quốc tế và kinh doanh ngoại tệ, Thẻ, POS, E-Banking, Bảo hiểm…. 2 tháng
đầu năm, tổng nguồn vốn huy động của đơn vị đạt hơn 19.800 tỷ đồng, tăng 112 tỷ
đồng so với cuối năm 2021, đây là nguồn lực quan trọng để ngân hàng đẩy mạnh
cho vay các thành phần kinh tế.
Các ngân hàng, TCTD trong tỉnh đang tập trung đẩy mạnh hoạt động cho vay, ưu
tiên những ngành, lĩnh vực trọng điểm. Phấn đấu năm 2022, tăng trưởng tín dụng
của toàn ngành NH khoảng 14%; kiểm soát nợ xấu ở mức thấp, dưới 3% tổng dư nợ.
Nhiều khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 kịp thời nhận được sự hỗ
trợ về tín dụng thông qua các biện pháp cơ cấu nợ, giảm lãi suất, tiếp tục được
vay mới lãi suất thấp hơn phổ biến từ 1% - 2,5% so với thời điểm chưa bùng phát
dịch để đầu tư phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh.
Nguồn:baobacninh.com.vn