Tiếp theo cao trào Xô Viết Nghệ-Tĩnh 1930-1931, cao trào vận động dân chủ 1936-1939 giác ngộ hàng triệu quần chúng, xây dựng lực lượng chính trị đông đảo chuẩn bị điều kiện để bước vào những trận chiến đấu quyết liệt trong thời kỳ 1940-1945. Tháng 9 năm 1939 chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp tiến hành khủng bố tàn khốc, thủ tiêu các quyền tự do dân chủ tối thiểu mà nhân dân ta giành được trong thời kỳ Mặt trận dân chủ. Năm 1940, Nhật vào Đông Dương, nhân dân ta chịu cảnh “thân một cổ hai tròng nô lệ”. Các Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (11-1939), lần tứ 7 (11-1940) chủ trương đề cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thành lập Mặt trận Việt Minh, đoàn kết hết thảy mọi người dân Việt Nam yêu nước, tích cực chuẩn bị mọi điều kiện cho khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.
Ngày 9-3-1945 Nhật đảo chính Pháp, Đảng ta phát động phong trào kháng Nhật cứu nước trong toàn quốc. Khởi nghĩa từng phần nổ ra ở nhiều địa phương. Nắm bắt thời cơ cách mạng, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) từ ngày 13 đến 15-8-1945 kêu gọi toàn dân đứng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, 25 triệu đồng bào ta với tinh thần “đem sức ta mà giải phóng cho ta!” nhất tề vùng lên tiến hành khởi nghĩa. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8-1945, Tổng khởi nghĩa nhanh chóng thành công trên phạm vi cả nước. Lần đầu tiên trong lịch sử, chính quyền trong cả nước thuộc về nhân dân, chấm dứt sự thống trị gần trăm năm của thực dân và hàng nghìn năm của phong kiến, thiết lập nền dân chủ cộng hòa.
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Công hòa ra đời - Nhà nước công-nông đầu tiên ở Đông Nam Châu Á. Dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới- kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
Được sự chỉ đạo trực tiếp và kịp thời của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ, đầu những năm 1940 phong trào cách mạng ở Bắc Ninh được đẩy lên bước phát triển mới. Ban cán sự Đảng tỉnh chủ trương tích cực củng cố, phát triển cơ sở đảng và cơ sở cách mạng, lập Mặt trận Việt Minh từ cơ sở đến tỉnh. Tuyên truyền rộng rãi chương trình đánh Pháp đuổi Nhật của Mặt trận Việt Minh, kết hợp với đấu tranh chính trị, xây dựng lực lượng, chuẩn bị khi thời cơ đến nhanh chóng vùng lên giành chính quyền về tay nhân dân. Các đoàn thể trong tỉnh như: Công nhân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc ra đời.
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945) cao trào kháng Nhật cứu nước vùng lên mạnh mẽ trong toàn tỉnh. Nhiều cuộc tuần hành thị uy, mít tinh, biểu tình, đấu tranh của hàng nghìn quần chúng đòi giảm tô, phá kho thóc của Nhật nổ ra ở tất cả các huyện. Phong trào cách mạng sục sôi của nhân dân trong tỉnh tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền lên cao.
Bắt đầu cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cơ sở đầu tiên ở Trung Mầu (Tiên Du) vào ngày 10-3-1945. Những ngày tháng sau đó, đồng loạt những cuộc đấu tranh của quần chúng và tự vệ ở các huyện tiến vào chiếm huyện đường. Mặt trận Việt Minh tuyên bố giải tán chính quyền bù nhìn tay sai, chính quyền về tay nhân dân. Nhiều cuộc mít tinh, tuần hành thị uy của nhân dân hô vang các khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Việt Minh muôn năm”... Cờ đỏ sao vàng được kéo lên, Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời các huyện được thành lập. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Bắc Ninh tiến hành nhanh gọn và giành thắng lợi: Huyện Tiên Du ngày 17-8, huyện Từ Sơn ngày 18-8, huyện Lang Tài, Yên Phong ngày 19-8, huyện Gia Bình, Thuận Thành ngày 20-8, tỉnh lỵ thành phố Bắc Ninh và huyện Võ Giàng ngày 20-8, huyện Văn Giang 21-8, huyện Quế Dương ngày 22-8. Thành công đó đã đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền tay sai phát-xít Nhật trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Gần 20 năm vận động cách mạng (1926-1945) mà đỉnh cao là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, để lại cho chúng ta những bài học thực tiễn và lý luận quý giá: đáp ứng yêu cầu nguyện vọng bức thiết của quần chúng, tập hợp vận động quần chúng, được quần chúng ủng hộ tích cực, một lòng tin theo Đảng và gia nhập đội quân chính trị, tạo thành sức mạnh vô địch. Đảng biết dựa vào nhân dân, tin ở dân, vì nhân dân mà chiến đấu và phục vụ; Đảng phải có đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, sáng tạo, thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh. Có đội ngũ cán bộ, đảng viên trung thành, tận tụy, có bản lĩnh và trí tuệ, đi sâu đi sát, hòa mình với quần chúng, nắm bắt thời cơ, nhạy bén, tổ chức phát động quần chúng làm cách mạng thắng lợi (thời điểm tháng 8 năm 1945 Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh có khoảng 50 đảng viên nhưng tổ chức lãnh đạo toàn dân nổi dậy giành chính quyền thành công).
Tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2 tháng 9 khơi dậy lòng yêu nước, ý chí quật cường của Đảng bộ và nhân dân Bắc Ninh, cùng cả nước bước vào các cuộc kháng chiến thần thánh, vĩ đại, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hơn lúc nào hết, với sức mạnh đoàn kết và truyền thống vẻ vang của quê hương, đã và đang giục giã mỗi người dân Bắc Ninh hợp sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn thử thách, xây dựng tỉnh Bắc Ninh giầu đẹp, văn minh, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương .