Các khu công nghiệp tăng tốc sản xuất

Những tháng đầu năm 2022, dù dịch COVID-19 còn phát sinh, nhưng với nhiều giải pháp tác động tích cực, cùng sự nỗ lực vượt khó bứt phá, các doanh nghiệp trong KCN nhanh chóng phục hồi, tăng tốc sản xuất mang lại doanh thu cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Việc thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư, công tác hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và triển khai nhanh và hiệu quả các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương… tạo nền tảng cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Tỉnh đồng hành cùng doanh nghiệp thích ứng linh hoạt thực hiện “mục tiêu kép” với nhiều giải pháp sáng tạo. Trong đó “Tổ ba nhất” với phương châm “giải quyết vướng mắc kiến nghị của doanh nghiệp không phân biệt lớn-nhỏ, doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài, không đùn đẩy trách nhiệm. Trường hợp không thuộc phạm vi của mình phải phối hợp cùng giải quyết trên tinh thần cầu thị, xây dựng”. Nhờ vậy, đã giúp doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục sản xuất, thích ứng với diễn biến thị trường, không để đứt gãy chuỗi sản xuất. Các doanh nghiệp trong KCN hoạt động theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vừa phòng chống dịch vừa khôi phục và phát triển kinh tế. Tình trạng thiếu hụt nhân lực sau kỳ nghỉ Tết chỉ diễn ra cục bộ, các tập đoàn, công ty lớn vẫn làm việc theo ba ca, nên sản xuất công nghiệp tăng cao. Cùng với đó là công tác giải quyết các thủ tục hành chính và công việc phát sinh cho các doanh nghiệp như đăng ký Nội quy lao động, tiếp nhận Thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp, cấp Giấy phép lao động... được các đơn vị, địa phương thực hiện kịp thời, hiệu quả. Công tác hỗ trợ nhập cảnh cho các chuyên gia, nhà quản lý, lao động kỹ thuật cao đã giúp cho nhiều doanh nghiệp lớn không bị ngừng sản xuất, bảo đảm cung ứng đủ sản phẩm theo các đơn hàng đã ký kết. Nhờ vậy, Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I tăng 9,83% so cùng kỳ, trong đó, ngành điện tử tăng 11,43%.

anh tin bai

Dây chuyền sản xuất các thiết bị truyền thông của Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Goertek Vina.

 

Các doanh nghiệp đang tăng tốc hoạt động để bù lại phần thiếu hụt của năm trước phải tiết giảm sản xuất do tác động mạnh của đại dịch COVID-19. Trong các KCN tập trung có 15 dự án đi vào hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp đang sản xuất tại các KCN lên 1.165 dự án, tạo doanh thu 358,5 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so cùng kỳ; giá trị xuất khẩu hơn 10 tỷ USD, tăng 5%; đóng góp vào ngân sách nhà nước 3.300 tỷ đồng tăng 6%... Các KCN Bắc Ninh giải quyết việc làm cho 352.751 lao động (tăng tăng thêm 15.479 người so với thời điểm ngày 31-12-2021). Trong đó lao động địa phương là 88.327 người, lao động nữ là 199.455 người, lao động nước ngoài 7.791 người. Thu nhập bình quân của lao động gián tiếp 9,5 triệu đồng/người/tháng; lao động trực tiếp là 8 triệu đồng/người/tháng... Việc tăng lao động cho thấy sự phục hồi sản xuất của các KCN thông qua quá trình mở rộng quy mô, đưa thêm các nhà máy, dây chuyền mới vào hoạt động.
Ông Yoshinaga Kazuyoshi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Goertek Vina (KCN Quế Võ) cho biết: Trong bối cảnh phòng, chống đại dịch, các sở, ban, ngành của tỉnh, đặc biệt là Ban Quản lý các KCN đã có những chỉ đạo kịp thời, phối hợp hiệu quả và nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp. Vì thế,  doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất và xuất khẩu. Đến hết tháng 2 đầu năm 2022 giá trị sản xuất công nghiệp của Công ty đạt gần 400 triệu USD, doanh thu đạt hơn 450 triệu USD, giá trị xuất khẩu đạt 487 triệu USD và giải quyết việc làm 27,881 lao động. Công ty tăng thêm vốn đầu tư là 305 triệu USD để tập trung nâng cao quy mô sản xuất và đầu tư chuyên sâu vào công nghệ cao để đáp ứng nhu cầu của các đối tác lớn và  bổ sung thêm mục tiêu sản xuất các sản phẩm mới về thiết bị truyền thông. Công ty phấn đấu năm 2022 doanh thu đạt 3,39 tỷ USD.
Để hoàn thành mục tiêu, giá trị sản xuất công nghiệp của các KCN năm 2022 đạt khoảng 1,3 triệu tỷ đồng; Giá trị xuất khẩu đạt 37 tỷ USD; giá trị nhập khẩu 25,5 tỷ USD; thu ngân sách thông qua các khoản thuế đạt 12.500 tỷ đồng... Bắc Ninh tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tập trung đẩy mạnh triển khai số hóa, chuyển đổi số gắn với xây dựng, vận hành hệ thống thông tin quản lý các KCN. Tích cực sáng tạo linh hoạt trong hỗ trợ, xúc tiến đầu tư, chủ động từ mở cửa sang gõ đúng cửa, xúc tiến đầu tư đúng trọng tâm, thu hút dự án lớn có tính chất lan toả. Bắc Ninh kiên định thực hiện các tiêu chí “hai ít; ba cao; năm sẵn sàng và một không” (Hai ít là ít sử dụng lao động, ít sử dụng đất; Ba cao là suất vốn đầu tư cao, hiệu quả kinh tế cao và công nghệ cao; Năm sẵn sàng là: sẵn sàng mặt bằng, nhân lực, cải cách, hỗ trợ và chống dịch; Một không là không ô nhiễm môi trường). Đồng thời, tiếp nhận và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư; hỗ trợ cung ứng lao động; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng. Đặc biệt là gấp rút hoàn thành Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030, dựa trên các quan điểm: Phát triển nhanh, bền vững và toàn diện và phát triển ngành công nghiệp sáng tạo trong giai đoạn mới; phát triển kinh tế- xã hội dựa trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế; nâng cao vị thế của tỉnh Bắc Ninh trong chuỗi giá trị của các lĩnh vực điện tử.

 

Nguồn:baobacninh.com.vn

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập