Bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Ninh trong 6 tháng đầu năm 2023
 

          Tăng trưởng toàn cầu giảm sút, trong đó đà phục hồi yếu hơn dự kiến của Trung Quốc, đồng thời cùng với các nguyên nhân khách quan khiến sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của tỉnh gặp nhiều khó khăn, ảm đạm, che mờ triển vọng phục hồi tăng trưởng GRDP.

          Kết quả tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh khá bất ngờ khi kết quả ảm đạm -12,59% (trong khi cao điểm của đại dịch Covid-19 vẫn đạt tăng trưởng khá tốt, 6 tháng đầu năm 2021 tăng 7,5% và năm 2022 tăng 14,1%), bởi đây là cú “hồi mã thương” trở lại với những khó khăn tạo ra trước đó bởi 02 năm bị dịch bệnh Covid-19. Những khó khăn liên tiếp trong khi sức lực người dân và doanh nghiệp đã cạn kiệt. Cả 3 động lực chính của tăng trưởng là: Xuất khẩu; đầu tư công và đầu tư trực tiếp nước ngoài đều chịu tác động từ bên ngoài đó là: Xuất khẩu đơn đặt hàng suy giảm, tác động đến sản xuất trong tỉnh và các mặt hàng xuất khẩu, đồng thời tác động đến cả thu ngân sách; giải ngân vốn đầu tư công chậm, trong khi đây là yếu tố kích thích cho hoạt động tăng trưởng nhiều lĩnh vực và ảnh hưởng trực tiếp vào Tổng vốn đầu tư phát triển của tỉnh; cùng với đó thu hút đầu tư nước ngoài là lực lượng chiếm tỷ trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì trong khi đó, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn giảm nhiều. Cả 3 lĩnh vực này đều sụt giảm, cùng với đó là vấn đề nội tại của tỉnh, vẫn phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI.

          Cụ thể kết quả trong 6 tháng đầu năm 2023 ở một số ngành như sau:

          (1) Nông, lâm nghiệp và thủy sản:

          - Diện tích đất gieo trồng tiếp tục xu hướng giảm do chuyển đổi mục đích đất sử dụng, đồng thời phần nào do ảnh hưởng của thời tiết nên sản lượng cây hằng năm, 6 tháng đầu năm 2023 giảm xuống so với cùng kỳ năm trước. Trên cơ sở ước tính kết quả vụ đông xuân, tổng diện tích gieo trồng là 39.085 ha cây hằng năm, giảm 2,6% (-1.042 ha) so với cùng vụ năm trước. Trong đó: Lúa 29.673 ha, giảm 2,4%, về diện tích, sản lượng đạt 196 nghìn tấn, giảm 3,8%; Ngô 688,8 ha, giảm 9,1%, sản lượng 3,8 nghìn tấn, giảm 7,9%; rau các loại 5.847 ha, giảm 3,1%, sản lượng 157 nghìn tấn, giảm 7,1%.

          - Chăn nuôi số lượng đầu con, bò, lợn và gia cầm giảm, số lượng trâu tăng, cụ thể: Đàn bò 22.300 con (-11,5%); đàn lợn 280.500 (-4,4%); riêng đàn trâu 3.400 (+16,8%). Sản lượng thịt hơi gia súc, gia cầm xuất chuồng ước đạt 40.458 tấn, giảm 1,4%, trong đó: Thịt lợn đạt 27.284 tấn, giảm 2,4%.

          - Ngành thủy sản phát triển ổn định. Mặc dù, diện tích nuôi trồng thủy sản giảm nhẹ (-0,7%) so với cùng thời điểm năm trước. Tuy nhiên, tổng sản lượng thủy sản đạt 19,8 nghìn tấn, tăng (+1,2%), nguyên nhân, do số lượng lồng bè nuôi cá trên sông tăng (+3,2%) tương đương với (76 lồng).

          (2) Công nghiệp và xây dựng:

          - Nguyên nhân giá trị tăng thêm ngành công nghiệp có mức tăng trưởng âm nhiều (-17,56%) làm giảm 12,47 điểm phần trăm tăng trưởng chung. Tác động lớn nhất là do cơ sở sản xuất quy mô lớn thuộc ngành 26 (ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học) bị sụt giảm nhiều, đồng thời kéo theo các doanh nghiệp vệ tinh sản xuất sản phẩm phụ trợ cũng sụt giảm theo trong 6 tháng đầu năm 2023.

          - Tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như giá nguyên vật liệu và giá nhân công tăng cao (do điều kiện làm việc vất vả nên việc tuyển nhân công khó khăn hơn trước); giá xăng, dầu biến động theo xu hướng tăng, đẩy chi phí vận chuyển lên; nguồn cung vật liệu xây dựng, thiết bị không ổn định, ... Ngoài ra, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước triển khai chậm so với kế hoạch do những vướng mắc ở nhiều khâu triển khai thực hiện là nguyên nhân làm cho các công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật dân dụng giảm sút trong những tháng đầu năm. Giá trị tăng thêm của ngành xây dựng (theo giá so sánh 2010) ước đạt 1.468 tỷ đồng, giảm (-26,8%) so với cùng kỳ năm trước, làm giảm 0,83 điểm phần trăm trong tăng trưởng chung.

          (3) Các ngành dịch vụ:

          Tham chiếu số liệu các ngành dịch vụ 6 tháng đầu năm trước, do vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên các ngành thương mại, dịch vụ phục hồi kinh doanh ở thời điểm đó chưa đạt mức bình thường. Vì vậy, khu vực dịch vụ trong 6 tháng đầu năm nay tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 48.917 tỷ đồng tăng cao (+21%) so với cùng kỳ năm trước; doanh thu vận tải ước đạt 5.029 tỷ đồng, tăng 9,2%.

          Giá trị tăng thêm (theo giá so sánh) 6 tháng đầu năm 2023 của các ngành dịch vụ ước tính đạt 12.875 tỷ đồng, tăng 5,44% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 1,02 điểm phần trăm trong tăng trưởng chung.

          * Dự báo tình hình thế giới, trong nước và trong tỉnh

          Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 11/4/2023 đưa ra dự báo nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng ở mức 2,8% trong năm 2023, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1 vừa qua. Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới (WEO) mới được công bố, IMF nhận định: "Ngày càng khó để nền kinh tế thế giới quay trở lại bắt kịp với đà tăng trưởng vốn chiếm ưu thế trong giai đoạn trước năm 2022".

          Ở trong tỉnh, diễn biến kinh tế vẫn nhiều khó khăn, thách thức. Hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn chưa lấy lại đà tăng trưởng như trước đây; nhiều ngành công nghiệp chủ lực sụt giảm nhiều. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động thấp trong khi số doanh nghiệp rút khỏi thị trường lại có xu hướng gia tăng; một số doanh nghiệp tiếp tục giảm giờ làm, cắt giảm lao động. Xuất khẩu sụt giảm do đơn hàng nước ngoài giảm. Đây chính là những thách thức cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

          Trên cơ sở diễn biến kết quả kinh tế 6 tháng vừa qua, dự báo tình hình, bối cảnh thực tiễn, Cục Thống kê dự báo kết quả và xác định cập nhật 02 kịch bản tăng trưởng cho 6 tháng cuối năm 2023 cụ thể là: (1) GRDP cả năm 2023 tăng trưởng âm (-5,25%), trong trường hợp tăng trưởng 6 tháng cuối năm 2023 có chuyển biến tích cực hơn và tăng nhẹ (+1,01%), do đó tính chung cả năm 2023, GRDP tỉnh Bắc Ninh sẽ rơi vào tăng trưởng âm (-5,25%); (2) GRDP cả năm tăng trưởng 0%, với với những nỗ lực tích cực của các chủ thể kinh tế, các giải pháp tích cực từ các cấp chính quyền kinh tế thoát được trạng thái suy thoái ngay từ quý III/2023 và có mức tăng trưởng khá; quý IV tiếp tục tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước để cả năm 2023 có thể thoát khỏi tăng trưởng âm, đạt mức tăng 0%.

          * Đề xuất các giải pháp trọng tâm

          Nhìn lại những hạn chế, bất cập nêu ở trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan; trong đó, chủ yếu do tình hình, kinh tế, chính trị thế giới biến động, nhanh, phức tạp, khó lường, diễn biến chưa có tiền lệ, gây khó khăn. Kinh tế của tỉnh có độ mở lớn, trong khi năng lực nội tại còn thấp, sức chống chịu và tính cạnh tranh chưa cao, ảnh hưởng lớn bởi các yếu tố bên ngoài. Do đó, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ sở kinh tế trên địa bàn cần tiếp tục tận dụng cơ hội, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế phát triển mới, bằng quyết tâm lớn, đề ra hệ thống đồng bộ các giải pháp để giữ ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

          Để thực hiện thành công các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2023, trong đó có mục tiêu tăng trưởng GRDP, các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh cần thực hiện nghiêm túc các giải pháp nêu trong Chỉ thị 01/CT-UBND, ngày 03/01/2023 của UBND tỉnh Bắc Ninh về những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Ngoài ra, tỉnh cần thực hiện một số giải pháp cụ thể như sau:

          Thứ nhất, để thúc đẩy xuất khẩu, thì về nguồn vốn của doanh nghiệp, làm sao để các doanh nghiệp một mặt phải tiếp cận được nguồn vốn nhằm tạo cho doanh nghiệp đủ năng lực về tài chính để chống đỡ khó khăn, đồng thời bám sát nhu cầu thị trường thế giới để duy trì đẩy mạnh tăng trưởng.

          Thứ hai, đối với giải ngân vốn đầu tư công, cần phải đẩy mạnh đúng theo kế hoạch đề ra, có làm được điều này thì tiến độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ tích cực hơn. Nếu vốn đầu tư công đạt được kế hoạch đề ra thì tốc độ tăng trưởng mới bứt phá được.

          Thứ ba, tích cực triển khai các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nhất là đầu tư FDI, cũng như chú trọng đầu tư cơ sở, vật chất hạ tầng nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đến tìm hiểu, nghiên cứu, quyết định đầu tư, trong đó thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài góp phần nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp.

                                                                                                                                                         Nguồn:Cuốn Thông tin sinh hoạt chi bộ số 6 năm 2023
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập