Đại dịch COVID-19 tiếp tục có nhiều diễn biến
phức tạp, gây xáo trộn đời sống xã hội và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt
động sản xuất, kinh doanh. Cùng với việc thực hiện nghiêm ngặt các quy định về
giãn cách xã hội, cách ly y tế, 5 K + Vắc xin... Chính phủ Việt Nam sớm nhận
thức được tầm quan trọng của công nghệ số, kinh tế số, xã hội số để sớm hoàn
thành Mục tiêu phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc.
“Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm
2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết
định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 đề ra các mục tiêu khá cụ thể như: Phát triển
Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, đến năm 2030, Việt Nam sẽ
thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử, phát triển, nâng cao năng lực
cạnh tranh của nền kinh tế, kinh tế số đóng góp 30% GDP, tỷ trọng kinh tế số
trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; năng suất lao động hàng năm tăng
tối thiểu 8%...
Đại dịch COVID-19 xảy ra vào đầu năm 2020, để thích ứng với tình hình mới, việc
ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ. Nhận thức của
các cấp, ngành đến người dân thay đổi rõ rệt nhằm thích nghi với cuộc sống,
công việc trong điều kiện bình thường mới. Theo thống kê của Bộ Thông tin và
Truyền thông, trong đại dịch COVID-19, mức độ quan tâm, tìm hiểu về Chuyển đổi
số của người dân đầu năm 2021 tăng gấp 10 lần so cùng kỳ năm 2020. Người dân
chủ động cài đặt ứng dụng để khai báo, phát hiện tiếp xúc gần với người nghi
nhiễm COVID-19, thay đổi thói quen đi mua sắm bằng việc đặt hàng qua mạng, tích
cực ứng dụng giao dịch điện tử với ngân hàng, điện lực, bưu chính... qua các
ứng dụng trên điện thoại thông minh. Đây thực sự là lực lượng “công dân số”
nòng cốt, có vai trò quan trọng trong việc lan tỏa chuyển đổi số cho toàn xã
hội.
Trên tinh thần biến nguy thành cơ, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt của Bộ
Chính trị, Chính phủ, các Bộ, Ngành, địa phương, nhân dân cả nước đang đồng
lòng thực hiện “mục tiêu kép”: vừa kiểm soát, phòng chống dịch COVID -19, vừa
bảo đảm an sinh xã hội, chủ động triển khai các giải phát khôi phục, phát triển
kinh tế - xã hội.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nhận định: Xu hướng của thế giới hậu COVID là
kinh tế xanh và kinh tế số. Kinh tế số sẽ tăng trưởng nhanh, là động lực của
tăng trưởng GDP. Bằng chứng là trong đại dịch, các doanh nghiệp chủ động biến
“nguy” thành “cơ”, tiên phong trong việc đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, trong đó
tập trung vào quá trình số hóa hoạt động, giúp doanh nghiệp quản trị tốt
hoạt động sản xuất kinh doanh, duy trì giao tiếp với khách hàng. Những doanh
nghiệp đi tiên phong trong quá trình chuyển đổi số, phát triển thương mại điện
tử đều nhanh chóng vượt qua thách thức, đón bắt các cơ hội của thị trường để
trụ vững và phục hồi nhanh hơn trước khủng hoảng... Nhìn từ nền tảng công nghệ,
các doanh nghiệp tối ưu hóa nguồn lực, tạo ra những thay đổi bước ngoặt, mang
lại giá trị mới và lợi nhuận, tạo động lực để đột phá, tham gia sâu hơn trong
chuỗi giá trị toàn cầu.
Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, từ nơi làm việc của Thủ tướng Chính phủ,
các cuộc họp chỉ đạo phòng, chống dịch được kết nối tới tận các xã, phường, thị
trấn trên cả nước. Chỉ đạo của Thủ tướng về công tác phòng, chống dịch sâu sát
tới tận cơ sở với phương châm “mỗi xã, phường là một pháo đài, mỗi người dân là
chiến sĩ, chủ thể phòng chống dịch”. Trong các cuộc họp, Thủ tướng luôn lưu ý
các cấp, các ngành phát huy vai trò của công nghệ số trong thuận lợi hóa thương
mại, hỗ trợ lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ và sự đi lại của người dân, nhất là
lưu chuyển hàng hóa bằng vận tải đa phương thức để bảo đảm cho chuỗi cung ứng
không bị gián đoạn trong bối cảnh dịch COVID-19 có thể còn kéo dài.
Năm học mới 2021-2022 bắt đầu với một lễ khai giảng “đặc biệt nhất” trong lịch
sử ngành giáo dục- Khai giảng trên truyền hình. Học sinh các cấp học ngừng đến
trường nhưng không ngừng học. Việc tổ chức dậy học trực tuyến trên truyền hình,
trên nhóm lớp thông qua máy tính, thiết bị di động có kết nối mạng Internet
giúp học sinh chuyển từ học tập truyền thụ sang tự học ngay từ lớp Một. Kỹ năng
tự học không phải là đòi hỏi nhất thời trong thời gian dịch bệnh mà đó là một
trong những năng lực bắt buộc của công dân toàn cầu, công dân số. Hình thức học
trực tuyến đang dần chứng minh là công cụ không thể thiếu trong thời đại số để
từ đó tạo nên một thế hệ công dân số sẵn sàng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số,
phát triển kinh tế số và quản trị quốc gia.
Nguồn:baobacninh.com.vn