Nét đẹp vùng Kinh Bắc
Quan họ là loại hình dân ca thường được hát vào các dịp lễ hội và gặp gỡ bạn bè ở vùng Kinh Bắc xưa. Không chỉ là dân ca, nói đến quan họ là nói đến một loại hình nghệ thuật tổng hợp của lời ca, giọng điệu, lề lối, phong tục, lối chơi, trang phục, ẩm thực, môi trường diễn xướng…
Năm 2009, dân ca quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Với người dân Bắc Ninh, quan họ gắn liền với các hoạt động cộng đồng, là những buổi sinh hoạt hằng tuần để giao lưu, để tiếng hát được “vang, rền, nền, nảy”.
Dân ca quan họ có 213 giọng khác nhau, với hơn 400 bài ca. Ca từ quan họ là nghệ thuật phổ lời ca dao và thơ, đòi hỏi phải sử dụng những tiếng phụ, lời phụ bên cạnh những tiếng chính, lời chính cho tiếng hát trôi chảy, tăng cường tính nhạc của bài ca, phát triển giai điệu. Khi hát, các nghệ nhân sử dụng những thể thơ và ca dao dân gian, phần lớn là thể lục bát, lục bát biến thể, bốn từ hoặc bốn từ hỗn hợp. Lời các bài ca là những câu thơ, ca dao được trau chuốt, từ ngữ trong sáng, mẫu mực.
Cái đẹp của quan họ nằm ở sự tinh tế, ý nhị trong cách ứng xử, trong tâm tư gửi gắm ở mỗi câu ca. Dù là nam hay là nữ, khi cất lời, các liền anh liền chị luôn nhún nhường bằng những câu thưa gửi: “Thưa chị hai, chị ba, biết thì ca trước để anh em chúng em cất bước theo sau”.
Sự thay đổi của quan họ
Qua quá trình nỗ lực bảo tồn, phát huy di sản, quan họ Bắc Ninh đã lan tỏa tới mọi miền đất nước và trở thành một biểu tượng văn hóa hấp dẫn, góp phần tích cực trong quá trình hội nhập văn hóa quốc tế. Khi kết hợp với các thể loại khác như EDM, jazz, beatbox... quan họ Bắc Ninh khoác lên mình diện mạo mới, từ đó tiếp cận với các ca sĩ và khán giả trẻ.
Tuy nhiên, ranh giới giữa việc biến tấu giúp bài ca trở nên hấp dẫn hơn và vẫn giữ được hồn cốt, nét đẹp nguyên bản của dân ca quan họ vẫn là vấn đề còn nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn và khán giả.
Năm 2023, bản remix “Ngồi tựa mạn thuyền” của ca sĩ trẻ Trần Mạnh Cường thu hút hàng trăm nghìn lượt xem trên mạng xã hội.
Chia sẻ với Lao Động, Trần Mạnh Cường cho biết, anh cảm thấy rất vui vì ý tưởng đưa dân ca truyền thống của Việt Nam đến gần khán giả trẻ. Nam ca sĩ nói tuổi thơ anh gắn liền với những làn điệu dân ca, từ đó thôi thúc anh kế thừa, phát triển nét đẹp truyền thống ấy.
“Với tôi, dân ca không chỉ là một thể loại nhạc, mà trong đó còn chứa đựng những câu chuyện văn hóa thế hệ trước để lại thông qua lời ca tiếng hát” - Trần Mạnh Cường tâm sự.
Quan họ với những lời đối đáp “càng nghe càng ngấm càng say” đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Kinh Bắc nói riêng và người Việt Nam nói chung.
Với bà Nguyễn Thị Vân - Chủ nhiệm câu lạc bộ quan họ xã Hoàn Sơn, tuổi thơ và cuộc sống của bà gắn liền với hội Lim, với tà áo tứ thân và giọng hát tình tứ của các liền anh, liền chị.
Chứng kiến sự đổi mới, biến tấu của quan họ, bà Nguyễn Thị Vân cho biết: “Mỗi thể loại âm nhạc có một nét đẹp riêng. Khi kết hợp quan họ với những dòng nhạc hiện đại, có thể khán giả trẻ và khán giả quốc tế sẽ hứng thú. Dù vậy, với tôi, hát canh, hát cổ vẫn có bản sắc riêng. Người nghe có thể cảm nhận rõ chất giọng, cách luyến láy, cách nảy chữ rất riêng của người hát.