Toàn cảnh không gian vị trí dựng Bia đá chùa Tĩnh Lự, xã Lãng Ngâm (Gia Bình).
(Ảnh chụp khi đang tiến hành khai quật khảo cổ học tại chùa Tĩnh Lự tháng 5-2022).
Bảo vật Quốc gia - Bia đá chùa Tĩnh Lự.
|
Theo Việt sử lược, năm 1055, vua Lý Thánh Tông (1023-1072) “xây chùa Đông Lâm và chùa Tĩnh Lự ở núi Đông Cứu”. Đây là tư liệu sớm nhất hiện ghi chép về niên đại khởi dựng cũng như tính chất “quốc tự” của chùa Tĩnh Lự. Dưới thời Lý, Tĩnh Lự giữ vai trò như một quốc tự và là nơi tu tập của những nhà sư danh tiếng như thiền sư Chân Không (1046-1100), Thảo Nhất... Đến thời Lê Trung hưng, chùa Tĩnh Lự được trùng tu quy mô lớn vào giai đoạn 1645-1648 thời chúa Trịnh Tráng và 1705-1719 thời chúa Trịnh Cương.
Bảo vật Quốc gia - Tĩnh Lự thiền tự bi là hiện vật gốc, mang tính độc bản được chúa Trịnh Tráng cho khắc dựng sau khi việc trùng tu chùa đã hoàn thành. Bia và nhà bia được tạo tác hết sức công phu, mang nhiều giá trị về nghệ thuật điêu khắc, mỹ thuật và hình thái kiến trúc. Bia có kết cấu 4 phần gồm: Đế bia, tấm bia (khắc minh văn), hai tấm phù điêu (chạm hoạt cảnh) và mái che. Điểm nhấn của bia nằm ở hai bức phù điêu, chạm hai hoạt cảnh khác nhau nhưng cùng một đề tài “cầu hiền”. Một bên chạm tích vua Thành Thang cử người cầu Y Doãn đang ẩn cư ở đất Hữu Sằn, một bên chạm tích vua nhà Chu phái người cầu Khương Tử Nha (Lã Vọng) đang câu cá trên sông Vị Thủy.
Bức chạm phía Đông Bắc được bố cục làm 2 phần. Nửa trên chiếm 2/3 mảng chạm là hình ảnh đôi rồng đang vần vũ, uốn lượn trong mây. Nửa bên dưới chiếm 1/3 bố cục mảng chạm diễn tả hoạt cảnh một ông già ngồi dưới gốc cây tùng, phía trước mặt có 3 người y phục chỉnh tề, một người khom lưng quỳ trước mặt, hai người còn lại chắp tay cung kính, cả ba người đều đi chân đất. Ông già có bộ râu dài ba chỏm ngồi bắt chéo chân trên bậc đá dưới gốc cây, phanh hai tà áo để lộ phần ngực và bụng, hai tay đặt lên hai đầu gối, bên cạnh đầu gối chân phải là một bầu rượu, dưới bậc đá nơi ông ngồi là một con trâu đang nằm nghỉ ngơi, sau lưng con trâu là một chiếc cày dựng vào bậc đá. Bên ngoài diềm bức chạm có khắc hai dòng chữ Hán ở vị trí đối xứng nhau “Y Doãn canh Sằn - Sứ thần phó quân”.
Bức phù điêu phía Đông Nam chạm nổi mô tả hoạt cảnh các hình người ở bên dưới, còn phía trên là hai hình rồng cùng các cụm mây cuồn cuộn xung quanh. Diềm cạnh hai bên có dấu vết khắc chữ nhưng hiện đã mờ. Hoạt cảnh bên dưới thể hiện 5 nhân vật và một hình ngựa, bố cục làm hai nhóm: Nhóm thứ nhất, gồm hai nhân vật ở bên trái, trọng tâm chính là một cụ già nằm tựa gốc cây tùng, mình trần, quần thụng rộng, tư thế vắt chân chữ ngũ, phía sau có cần câu trúc, phía bên trái cụ già là một thị nữ ngồi hầu quạt; nhóm thứ hai, có ba nhân vật gồm một vị quan y phục, mũ mão chỉnh tề đang quỳ, hai tay chắp trước ngực, phía sau là một người đứng giữ ngựa (tay trái giữ kiếm, tay phải cầm lọng), đối diện với vị quan là người hầu ngồi quỳ, hai tay nâng khay rượu.
Ngoài giá trị độc đáo về mỹ thuật, kiến trúc, nội dung văn bia còn cung cấp nhiều thông tin quý về việc nghiên cứu lịch sử trùng tu, mở rộng chùa Tĩnh Lự. Văn bia có 2 mặt gồm khoảng 7672 chữ Hán Nôm. Mặt trước, trên trán bia có tiêu đề “Tĩnh Lự thiền tự bi”, nội dung ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên và công đức của Đại Nguyên soái Thống quốc chính Trịnh Tráng trong việc trùng tu, mở rộng ngôi chùa với quy mô to lớn thành một trong ba danh tự lớn thời bấy giờ. Mặt sau bia ghi tiêu đề “Công đức tín thí”, nội dung ghi chép tên các tín chủ công đức tiền của, hiện vật để xây chùa. Đặc biệt, trong số đó có cả những nhân vật quan trọng, đứng đầu triều chính như: Vua Lê (Thái Thượng hoàng Lê Duy Kỳ), chúa Trịnh (Trịnh Tráng), Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc cùng nhiều cung tần trong phủ chúa cho đến các thiện nam, tín nữ trong cả nước…
Các nguồn sử liệu và chứng tích khảo cổ học đã khẳng định tính chất, vị trí “quốc tự” của chùa Tĩnh Lự rất rõ ràng. Trong đó, Bảo vật Quốc gia - Bia đá chùa Tĩnh Lự là một bằng chứng vật chất thuyết phục khẳng định sự tồn tại của kiến trúc Phật giáo thời Lý được khởi dựng cách đây gần một nghìn năm, đồng thời cung cấp thông tin xác thực quý giá, chứng minh cho sự phát triển liên tục của chùa Tĩnh Lự kể từ khi xây dựng năm 1055 đến thế kỷ XIX...