Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, thương mại điện tử (TMĐT) đang phát triển nhanh chóng, trở thành phương thức kinh doanh thuận tiện, tiết kiệm. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thiết thực thì hoạt động TMĐT còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi hàng giả, hàng nhái xuất hiện, khiến người tiêu dùng (NTD) hoang mang, mất niềm tin, đòi hỏi, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý, bảo đảm quyền lợi cho NTD.
Không phải mất thời gian đến các cửa hàng, không phải chờ đợi thanh toán… NTD chỉ cần ở nhà, truy cập internet, với vài thao tác đơn giản là có thể đặt mua được những món đồ mong muốn. Sau đó, sản phẩm được giao đến tận nơi theo yêu cầu. Tuy nhiên, mua hàng qua mạng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro, vì thực tế, có không ít những tổ chức, cá nhân, người bán hàng online quảng cáo quá mức về chất lượng, kiểu dáng, công dụng của hàng hóa; một số trường hợp bán hàng nhái, hàng kém chất lượng, lợi dụng sự cả tin, thiếu kinh nghiệm của khách hàng để bán hàng…
Chị Đặng Thị Thùy ở phường Khắc Niệm (TP Bắc Ninh) cho biết: “Tôi vừa mua một đôi giày trên sàn giao dịch điện tử. Hình ảnh quảng cáo trên mạng rất đẹp về mầu sắc, kiểu dáng mà giá chỉ bằng 60% so với giá một số hãng khác, chính vì vậy, tôi quyết định mua. Thế nhưng, khi hàng giao đến nhà, mở ra xem, tôi hoàn toàn thất vọng bởi sản phẩm khác hẳn kiểu dáng, mầu sắc được quảng cáo. Tôi gọi lại số điện thoại phía bên bán để mong được đổi lại sản phẩm nhưng không liên lạc được. Biết là mua phải hàng nhái, song tôi đành chấp nhận và coi như bài học khi mua hàng trực tuyến”.
Tương tự, chị Nguyễn Minh Thu, phường Vân Dương (TP Bắc Ninh) cũng từng mua phải hàng kém chất lượng trên mạng không giống với quảng cáo. Tôi liên hệ lại nơi bán để đổi, trả hàng nhưng không được, do số điện thoại của tôi bị chặn”.
Không chỉ riêng 2 trường hợp trên mà rất nhiều người đã gặp phải tình trạng mua hàng không đúng với quảng cáo, hàng giả, hàng kém chất lượng trên các trang mạng xã hội nhưng không lên tiếng, không phản ánh đến cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi của mình. Theo ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Cục Trưởng Cục Quản lý thị trường, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng vi phạm quyền của NTD trong TMĐT ngày càng tinh vi. Chẳng hạn, để tránh bị kiểm soát, các đối tượng thường lập nhiều tài khoản facebook và chạy quảng cáo, ảnh chụp sản phẩm tương đối chuyên nghiệp và không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung; khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận Inbox (nhắn tin riêng), mục đích nhằm bán hàng giả hoặc lấy thông tin khách hàng để lừa đảo...
Để bảo vệ quyền lợi NTD khi tham gia các hoạt động TMĐT, các cơ quan chức năng và Hội Bảo vệ NTD tỉnh tuyên truyền, phổ biến về quyền và trách nhiệm của NTD; hướng dẫn NTD nhận biết hàng thật, hàng giả, hàng nhái; kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm về TMĐT; khuyến cáo NTD nâng cao ý thức và kiến thức về TMĐT để có khả năng phân biệt và tránh hàng giả, hàng cấm; nên lựa chọn những sàn TMĐT, những tài khoản bán hàng trên mạng xã hội uy tín, có chính sách đổi trả, bảo hành rõ ràng; chủ động khiếu nại nếu bị xâm hại kể cả khi giá trị tranh chấp không lớn...
Để có thể bảo vệ tốt nhất quyền lợi chính đáng của mình, NTD cũng cần lưu ý một số điều khi thực hiện giao dịch điện tử, mua sắm trực tuyến như: Phải biết mình đang giao dịch với ai, phải xác nhận được địa chỉ, số điện thoại trong trường hợp bạn có thắc mắc hoặc có vấn đề cần giải quyết; cần kiểm tra kỹ các điều khoản của thỏa thuận như chính sách hoàn trả, ngày giao hàng, điều kiện bảo hành; in và lưu các hồ sơ có liên quan đến giao dịch bao gồm cả mô tả sản phẩm và giá cả, bản sao của email bạn gửi và nhận từ người bán, kiểm tra sao kê thẻ. Các doanh nghiệp xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt với NTD; chủ động thay đổi trách nhiệm đáp ứng nhanh chóng và đầy đủ các yêu cầu, nguyên vọng của NTD thành động lực phát triển, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp…
Ông Lưu Bảo Trung, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Ngành Công thương đã tăng cường tuyên truyền một số nội dung như: Hãy là NTD thông thái trong TMĐT; bảo vệ thông tin của NTD là trách nhiệm của doanh nghiệp; bảo vệ quyền lợi NTD là trách nhiệm của toàn xã hội; kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng bền vững; NTD có quyền biết thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ mua sắm trực tuyến; không tiêu dùng hàng hóa có hại cho sức khỏe và môi trường; hãy tiêu dùng hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Phối hợp với các ngành chức năng thanh tra, kiểm tra kinh doanh trên môi trường mạng; giải đáp kịp thời, chính xác các thắc mắc, hỏi đáp về quyền của NTD…”.
Cục Quản lý thị trường kiểm tra, phát hiện và xử lý hàng chục vụ vi phạm các quy định kinh doanh trên không gian mạng. Thời gian tới, Cục tiếp tục tăng cường đào tạo và tập huấn nghiệp vụ về TMĐT cho các công chức quản lý thị trường; xây dựng và ban hành kế hoạch kiểm tra định kỳ cũng như kế hoạch chuyên đề nhằm tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trong lĩnh vực TMĐT…