Bảo vật quốc gia cần được bảo vệ đặc biệt
Bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại có giá trị đặc biệt quý hiếm và tiêu biểu về lịch sử, văn hoá, khoa học, mỹ thuật của đất nước. Theo quy định của Luật Di sản văn hóa, bảo vật quốc gia phải được bảo vệ và bảo quản theo chế độ đặc biệt.

Bắc Ninh đang có 17 hiện vật, nhóm hiện vật được Nhà nước công nhận là Bảo vật quốc gia, trong đó 3/17 bảo vật được lưu giữ tại Bảo tàng (Bảo tàng tỉnh và Bảo tàng tư nhân), 11/17 bảo vật được lưu giữ trong nội tự di tích, 3/17 hiện vật bằng đá vẫn đang tọa lạc ngoài trời.
Trong số các Bảo vật quốc gia của tỉnh có bia “Xá Lợi Tháp Minh” tại Bảo tàng tỉnh và “Thạp đồng văn hóa Đông Sơn” tại Bảo tàng hoàng gia Nam Hồng đang được bảo quản tuyệt đối an toàn, đặt trong tủ kính cường lực, có biển chú thích rõ ràng bằng tiếng Việt và tiếng Anh; trưng bày thường xuyên phục vụ khách tham quan nghiên cứu. Tại Bảo tàng tỉnh còn một bảo vật là “Mộc bản sách Hải Thượng y tông tâm lĩnh” đang được lưu giữ trên giá sắt trong phòng bảo quản an toàn.
Những Bảo vật quốc gia còn lại đang được lưu giữ trong nội tự di tích đều được lắp đặt camera an ninh giám sát bảo vệ, được kiểm tra định kỳ và có phương án chống mối thường xuyên đối với những hiện vật bằng gỗ. Đáng chú ý, giai đoạn từ năm 2013 đến nay, Bắc Ninh huy động nguồn lực xã hội hóa và đầu tư ngân sách hàng trăm tỷ đồng triển khai các dự án tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp đối với những di tích đang lưu giữ Bảo vật quốc gia. Tiêu biểu như: Chùa Bút Tháp (đang lưu giữ 4 Bảo vật quốc gia) được đầu tư hơn 43 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo các hạng mục; hoặc Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Thành cổ Luy Lâu và hệ thống Tứ Pháp ở thị xã Thuận Thành với tổng mức đầu tư xấp xỉ 190 tỷ đồng; Dự án xây dựng mới chùa Dạm phường Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh cũng được đầu tư hơn 259 tỷ đồng...
 

Học sinh tìm hiểu truyền thống khoa bảng Bắc Ninh qua Bảo vật quốc gia Bia Kim Bảng tại Văn Miếu Bắc Ninh.

 

Ngoài ra, đền Lê Văn Thịnh ở Đông Cứu, Gia Bình đang lưu giữ bảo vật Tượng rồng đá miệng cắn thân, chân xé mình; chùa Linh Ứng ở Gia Đông, Thuận Thành đang bảo quản bảo vật Tượng Phật Tam thế bằng đá xanh; đình Diềm ở Hòa Long, thành phố Bắc Ninh có bảo vật là bộ Cửa võng trứ danh; Văn Miếu Bắc Ninh ở Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh có bảo vật là 12 bia đá Kim bảng lưu phương... đều được tỉnh quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo nhằm bảo vệ, phát huy giá trị của di tích và các Bảo vật quốc gia đang được lưu giữ tại di tích.
Có thể thấy trong giai đoạn vừa qua, một số Bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh được quan tâm bảo vệ, phát huy giá trị thông qua nhiều hoạt động như: Trưng bày, triển lãm; tạo các phiên bản thu nhỏ; chú trọng tuyên truyền, giới thiệu giá trị của báu vật trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Đài truyền hình Việt Nam, Đài truyền hình Quốc hội, Báo Bắc Ninh, Đài PT&TH tỉnh...; từng bước ứng dụng công nghệ để quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội.
Tỉnh chỉ đạo xuất bản ấn phẩm chuyên đề: Sách Văn bia Văn Miếu Bắc Ninh, sách Bảo vật quốc gia tỉnh Bắc Ninh, các tài liệu du lịch…; gắn phát huy giá trị các Bảo vật quốc gia với đề án phát triển du lịch của tỉnh và tổ chức tour du lịch đưa khách tham quan về các di tích có Bảo vật quốc gia. Đặc biệt, trong năm 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Giáo dục Đào tạo đưa vào giảng dạy môn Giáo dục địa phương thông qua kết nối trực tuyến với bảo tàng tỉnh và các điểm di tích có Bảo vật quốc gia như: Văn Miếu Bắc Ninh, đền thờ Lê Văn Thịnh…

 

Cần có phương án bảo quản đặc biệt đối với các Bảo vật quốc gia. Trong ảnh: Bảo vật “Tĩnh Lự thiền tự bi” ở Lãng Ngâm, Gia Bình.


Tuy vậy, trong khi những Bảo vật quốc gia thuộc quyền quản lý của Bảo tàng và những di tích lớn được quan tâm tu bổ, bảo quản, phát huy giá trị thì còn nhiều Bảo vật quốc gia không những ít được biết đến mà vẫn đang tiếp tục dầm mưa dãi nắng, chưa có phương án bảo quản đặc biệt theo yêu cầu của Luật Di sản văn hóa. Điển hình trong số này là cột đá chùa Dạm (thành phố Bắc Ninh). Sau khi trở thành Bảo vật quốc gia, cột đá chùa Dạm vẫn chưa nhận được biện pháp bảo quản nào, thời gian tiếp tục phủ rêu phong, mưa nắng bào mòn. Thậm chí, có thời điểm người dân còn tự ý gắn bàn thờ vào phần chân đế cột đá, buộc cơ quan chức năng vào cuộc để tháo dỡ. Hoặc như Tượng 10 linh thú đá chùa Phật Tích (Tiên Du) kể từ năm 2017 được công nhận là Bảo vật quốc gia đến nay cũng chưa có phương án bảo quản và phát huy giá trị xứng tầm. Tương tự, Bảo vật quốc gia bia đá cầu hiền “Tĩnh Lự thiền tự bi” ở Lãng Ngâm (Gia Bình) hiện vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Địa phương trăn trở không biết nên “che vào” hay “mở ra”, rồi “nước chảy đá có mòn không?”...
Ngay từ lúc lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận một cổ vật, hiện vật, bộ sưu tập… là Bảo vật quốc gia đã trải qua một quy trình xét duyệt cẩn thận với bằng chứng dữ liệu chân thực khách quan, chính xác về giá trị độc bản, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Chính vì vậy, để việc bảo vệ, quản lý và phát huy giá trị Bảo vật quốc gia diễn ra bảo đảm khoa học, đúng với quy định của Luật Di sản văn hóa cần có chương trình đề án bảo vệ và phát huy phù hợp, xứng tầm, trong đó có sự tham gia hướng dẫn của cơ quan chuyên môn cùng vai trò, trách nhiệm phối hợp chặt chẽ của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương.   

 

Nguồn:baobacninh.com.vn

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập