Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa
Những ngày qua, Bắc Ninh đã có nhiều hoạt động thiết thực nhân dịp kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11) nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa (DSVH) trong toàn dân. Đây cũng là dịp để các cấp, ngành, các cơ quan, đơn vị, tổ chức và mỗi người dân khẳng định tinh thần trách nhiệm trong việc tham gia bảo vệ và phát huy giá trị DSVH, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong công cuộc dựng xây và phát triển đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

DSVH Việt Nam bao gồm DSVH vật thể và DSVH phi vật thể, là tài sản vô cùng quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong suốt bề dày lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc. Chính vì vậy mà chỉ hơn 2 tháng sau khi nước nhà giành được độc lập, ngày 23-11-1945, dù còn bộn bề các công việc cấp bách cần giải quyết, nhưng với tầm nhìn minh triết của một vĩ nhân - danh nhân văn hóa kiệt xuất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL về bảo tồn cổ tích trong toàn cõi Việt Nam. Nội dung Sắc lệnh phản ánh những tư tưởng, quan điểm cơ bản, sâu sắc đối với việc bảo tồn DSVH, khẳng định việc bảo tồn cổ tích “là công việc rất quan trọng và rất cần thiết cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”. Với ý nghĩa đó, ngày 24-2-2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36 về việc lấy ngày 23-11 là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam” nhằm động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị DSVH của dân tộc.
Thấm nhuần tư tưởng của Bác và đường lối lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, những năm qua công tác bảo tồn và phát huy giá trị các DSVH luôn được Bắc Ninh quan tâm đặc biệt. Là miền quê văn hiến và cách mạng, vùng đất địa linh, nhân kiệt, quê hương của nền văn hóa đặc sắc đậm đà bản sắc dân tộc với nhiều di sản vật thể và phi vật thể, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bắc Ninh luôn chú trọng phát huy truyền thống quý báu của quê hương nhằm phấn đấu, quyết tâm giành được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, từng bước nâng cao vị thế, vai trò của Bắc Ninh đối với quá trình phát triển đất nước. Trong đó, tỉnh đã không ngừng nỗ lực hành động để bảo tồn và phát huy giá trị DSVH, nhất là các di sản được UNESCO công nhận, đã trở thành thương hiệu của Bắc Ninh trong quá trình hội nhập toàn cầu. Từ đó, tích cực gìn giữ, bồi đắp, nhân lên giá trị DSVH, đưa di sản lan tỏa trong cuộc sống đương đại, trở thành nhịp cầu gắn kết văn hóa, tạo sức mạnh nội sinh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển của tỉnh mạnh mẽ.
Tuy nhiên, dù đã thực sự khẳng định được vị trí, vai trò trong đời sống xã hội, có sức lan tỏa mạnh mẽ nhưng các DSVH của tỉnh cũng đang đối mặt với những thách thức to lớn, những tác động trực tiếp từ thiên nhiên, môi trường và con người, nhất là xu thế biến chuyển nhanh chóng của thế giới trong thời đại công nghiệp 4.0. Điều đó đòi hỏi sự cấp thiết và lâu dài của một quá trình vừa phải khẩn trương, quyết liệt, vừa bền bỉ nỗ lực trong cả hệ thống chính trị và các cộng đồng cũng như mỗi người dân. Đặc biệt là khi tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 71 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XX về “Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Bắc Ninh đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”, cũng như các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể về bảo tồn và phát huy giá trị các DSVH.
Vấn đề quan trọng lúc này là sự bắt tay ngay vào cuộc, quyết tâm, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, hiệu quả mà tỉnh đã đề ra. Theo đó, ngành chức năng và các địa phương cần tiếp tục tập trung rà soát lại các DSVH để xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện tốt công tác đầu tư, quản lý, bảo tồn và khai thác, phát huy những giá trị DSVH truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu và tổ chức các hoạt động phát huy giá trị DSVH bảo đảm tính khoa học và phong phú về nội dung, đa dạng hình thức tuyên truyền, giáo dục, học tập nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ DSVH. Khuyến khích xây dựng các hoạt động du lịch gắn kết với DSVH và khai thác hình ảnh, tư liệu về DSVH trong các hoạt động công nghiệp sáng tạo… nhằm tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch đặc trưng có chất lượng cao mang đậm bản sắc Bắc Ninh - Kinh Bắc, phù hợp với xu thế thời đại và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh bền vững. Đặc biệt là cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền với nội dung, phương thức phù hợp nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm, quyết tâm hành động của các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội trong việc tham gia bảo vệ và phát huy giá trị DSVH dân tộc.
Với lòng biết ơn và tự hào về truyền thống của quê hương, bằng niềm tin vào tương lai tươi sáng, mỗi người dân Bắc Ninh hãy tiếp tục nỗ lực, phấn đấu không ngừng để các DSVH mãi trường tồn và lan tỏa, xứng đáng với các bậc tiền nhân đã gây dựng và góp phần khơi dậy, phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa, làm gia tăng “sức mạnh mềm” văn hóa, tạo động lực để hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh vững mạnh toàn diện, thịnh vượng về kinh tế, sang trọng về cốt cách, giàu bản sắc Bắc Ninh - Kinh Bắc và sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại.

Nguồn:baobacninh.com.vn
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập