Bảo đảm sản xuất an toàn cho doanh nghiệp

 

Dịch COVID-19 xâm nhập vào các KCN, nơi quy tụ hàng trăm nghìn lao động, hàng nghìn nhà máy đây là những “mắt xích” trọng yếu quyết định sự thành, bại của các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu. Vấn đề đặt ra, khi dịch bệnh xuất hiện trong các KCN là một “bài toán hoàn toàn khác” so với cách xử trí ngoài cộng đồng.

Hiện nay, mặc dù dịch từng bước được khống chế, song việc đánh giá nguy cơ lây nhiễm trong doanh nghiệp (DN) nhằm dự liệu tình huống có thể xảy ra để có biện pháp khắc phục, phòng, chống lây nhiễm, bảo đảm an toàn trong sản xuất kinh doanh là vấn đề cần quan tâm.

anh tin bai

Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Ninh hướng dẫn các DN tự làm test nhanh COVID-19 tại cơ sở sản xuất kinh doanh.

 

Trước yêu cầu “vừa sản xuất, vừa cách ly” nhằm bảo đảm các chuỗi cung ứng, từ đầu tháng 6 đến nay đã có 600 DN trong các KCN tập trung đăng ký hoạt động và cam kết tuân thủ các quy định của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp. Thực tế thời gian qua cho thấy, đa số DN đều chấp hành và thực hiện tốt các chỉ đạo của các cấp, ngành, cơ quan y tế. Bên cạnh đó, vẫn còn một số DN chưa chuẩn bị tốt các phương án, kế hoạch, còn lúng túng trong quá trình triển khai. Trong đó, nội dung đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại cơ sở còn chung chung, một số đơn vị chỉ làm mang tính hình thức, hiệu quả không cao. Đơn cử như Công ty TNHH Dasan Precision Product Vina (KCN Đại Đồng-Hoàn Sơn), chỉ số đánh giá nguy cơ lây nhiễm của DN lên tới 60% (nguy cơ lây nhiễm cao), Tổ Công tác số 16 của tỉnh đã đề nghị Tổ Công tác thường trực của Bộ Y tế tại Bắc Ninh tiến hành kiểm tra lại.

Qua kiểm tra các Tổ Công tác kịp thời phát hiện những tồn tại và hướng dẫn DN làm đúng quy trình. Đồng thời yêu cầu các DN cập nhật đầy đủ thông tin lên hệ thống an toàn COVID (antoancovid.vn) và tổ chức hoạt động theo Thông báo số 56/TB-UBND ngày 26-5-2021 của UBND tỉnh. Tuân thủ nguyên tắc “6 An”- An toàn sản xuất, an toàn phòng cháy chữa cháy, an toàn COVID-19, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, an tâm sản xuất. Đồng thời phải thường xuyên duy trì việc đánh giá nguy cơ lây nhiễm nhằm tuân thủ các điều kiện phòng, chống dịch để DN sản xuất an toàn.
Theo thông tin của Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) Lương Mai Anh, sau khi tổ chức 8 đợt kiểm tra phòng, chống dịch COVID-19 tại 25 tỉnh, thành phố trọng điểm phát triển công nghiệp về các nội dung về công tác tập huấn, kiểm tra, giám sát và tổ chức đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại DN… cho thấy còn những tồn tại cần khắc phục ngay. Đó là, chưa thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, hoặc thiếu thành phần y tế, công đoàn; người làm công tác y tế trong DN chưa được tập huấn; việc phân công người làm công tác kiểm tra, giám sát dịch chưa cụ thể; thông khí nhà xưởng chưa bảo đảm… dẫn đến khi xảy ra dịch còn lúng túng trong tổ chức thực hiện. Đối với việc quản lý người lao động tại các khu KTX, nhà trọ: Các chủ nhà trọ, KTX và người lao động ở trọ chưa biết, chưa tự giác khai báo y tế; chưa giám sát được lịch trình di chuyển của người lao động ở trọ; vệ sinh khử khuẩn chưa đúng cách… Bộ Y tế đề nghị các DN cần khắc phục ngay những tồn tại, lưu ý trong xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 tại DN, cần quan tâm đến phương án xử lý khi có trường hợp mắc COVID-19 và tổ chức diễn tập theo từng cấp độ của dịch. Đặc biệt tăng cường tần suất kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về phòng, chống dịch COVID-19 tại DN, quản lý chặt chẽ người lao động tại nơi ở và nơi làm việc…

Trước yêu cầu đặt ra là các DN vừa sản xuất, vừa chống dịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Quang Khải, nhấn mạnh: Bắc Ninh là một trong những địa phương nằm trong tâm dịch, cùng với việc kích hoạt các phương án chống dịch ở cấp độ cao nhất, vấn đề kiểm tra, đánh giá nguy cơ lây nhiễm nhằm xác định những tồn tại để khắc phục, sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn để các DN duy trì sản xuất trong môi trường an toàn.

Theo ông Đinh Xuân Ngôn -Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Ninh, Bộ chỉ số đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại cơ sở sản xuất kinh doanh bao gồm các tiêu chí: Số lượng lao động làm việc tập trung; mật độ lao động tại các phân xưởng; nguy cơ lây nhiễm COVID-19 từ người lao động; thông khí nhà xưởng; tổ chức thời gian làm việc; tỷ lệ người lao động được quan sát thấy có kiểm tra thân nhiệt trước khi vào phân xưởng; sử dụng khẩu trang tại nơi làm việc; điều kiện vệ sinh cá nhân cho người lao động; tổ chức bữa ăn ca, đưa đón người lao động; bố trí dung dịch sát khuẩn tay tại các vị trí có tiếp xúc chung như cây ATM, bình nước uống công cộng, máy bán hàng tự động, thang máy… Sau khi đánh giá, chấm điểm theo Bộ chỉ số, DN được xếp loại nguy cơ lây nhiễm theo 5 nhóm: Rất ít nguy cơ, nguy cơ lây nhiễm thấp, nguy cơ lây nhiễm trung bình, nguy cơ lây nhiễm cao và nguy cơ lây nhiễm rất cao. Nếu có nguy cơ lây nhiễm cao hoặc rất cao thì DN phải tạm dừng hoạt động.

Căn cứ vào Bộ tiêu chí này, 40 Tổ công tác liên ngành tỉnh trực tiếp kiểm tra tại hơn 400 DN trong tổng số hơn 600 DN đăng ký “vừa cách ly, vừa sản xuất”. Kết quả đánh giá cụ thể: Có 47,8% DN thuộc Nhóm rất ít nguy cơ (được hoạt động, tuy nhiên vẫn thường xuyên duy trì và đánh giá nhằm bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch); 42,8% DN thuộc Nhóm nguy cơ lây nhiễm thấp (được hoạt động, phải kiểm tra định kỳ để khắc phục các hạn chế ở chỉ số thành phần cao nhất); 8,9% DN thuộc Nhóm nguy cơ lây nhiễm trung bình (DN có thể được hoạt động với điều kiện phải thường xuyên đánh giá và khắc phục các chỉ số thành phần cao nhất mới được phép hoạt động); không có DN nào rơi vào Nhóm nguy cơ lây nhiễm rất cao.

Căn cứ vào kết quả đánh giá nguy cơ lây nhiễm tại các DN, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh yêu cầu: Các DN tối thiểu 2 tuần phải đánh giá nguy cơ lây nhiễm 1 lần để chủ động các phương án ứng phó, trong từng nhà máy, từng công nhân phải làm tốt phòng, chống dịch. Các DN tập trung cao độ, nghiêm túc thực hiện các phương án, tuân thủ các tiêu chí của cơ quan chuyên môn khuyến cáo. Các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp cần tăng cường kiểm tra, giám sát và kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động những DN chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phòng, chống dịch. Thông qua quá trình kiểm tra, sẽ nắm được tình hình phân bố khu vực sản xuất của DN, để khi ghi nhận, cập nhật các ca F0, F1, F2 dựa trên các mô hình tính toán, cơ quan chuyên môn có thể dự đoán được đường lây, những khu vực có nguy cơ, kịp thời cảnh báo, giúp DN chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống sát thực tế, để chặn đường lây lan của dịch.

Cùng với đó, DN đưa ra phương thức tổ chức sản xuất trở lại theo ca, kíp khu sản xuất gắn với chỗ ở cho công nhân, tránh trường hợp cùng ca sản xuất nhưng lại lưu trú tại các điểm khác nhau. Trong tình huống có ca mắc COVID-19, khoanh vùng, cách ly ngay nhóm công nhân cùng ca, kíp, ở cùng khu vực, không lan sang bộ phận khác, DN vẫn tiếp tục duy trì hoạt động. Bằng việc thiết lập hệ thống thông tin, điều hành, đánh giá nguy cơ dịch bệnh đến từng DN, cập nhật nhanh nhất đến cả F2, F3 sẽ tạo được hệ thống đánh giá nguy cơ, cảnh báo trước, không để bị động khi dịch bệnh xảy ra.

                                                                          Nguồn:baobacninh.com.vn

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập