Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao
động (ATVSLĐ) năm 2022 diễn ra từ ngày 1 đến 31-5 với chủ đề: “Tăng cường các
biện pháp giảm thiểu rủi ro về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm
việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”.
Để triển khai hiệu quả Tháng hành động, tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành, địa
phương, đơn vị thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể góp phần bảo đảm
tốt công tác ATVSLĐ vì sự phát triển bền vững.
Lãnh
đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thăm, tặng quà người bị tai nạn lao
động nhân Tháng hành động về ATVSLĐ 2022.
Mới
đây, đoàn công tác của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và các đơn vị hữu quan
đến thăm, tặng quà nhiều gia đình có người bị nạn do tai nạn lao động (TNLĐ).
Mỗi người một hoàn cảnh, song có một điểm chung là sau khi bị TNLĐ, các gia
đình đều gặp khó khăn bởi người bị nạn thường là những lao động chính trong gia
đình. Theo lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thì thăm, tặng quà nạn
nhân bị tai nạn lao động chỉ là một trong nhiều hoạt động thiết thực trong
Thánh hành động ATVSLĐ.
ATVSLĐ là một chính sách kinh tế - xã hội lớn của Đảng và Nhà nước, một hoạt
động hướng về cơ sở và phục vụ trực tiếp bảo vệ sức khoẻ cho người lao động,
giảm thiểu tai nạn lao động (TNLĐ) và bệnh nghề nghiệp, vì thế luôn được các
cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quan tâm, thực hiện. Những
năm qua, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã tham mưu với tỉnh ban hành nhiều
văn bản chỉ đạo các ngành, các cấp, doanh nghiệp thực hiện tốt công tác ATVSLĐ.
Các cấp, các ngành, các cơ quan triển khai các hoạt động như: Huấn luyện ATVSLĐ
cho người sử dụng lao động, người lao động bao gồm cả người lao động trong khu
vực không có hợp đồng lao động; triển khai xây dựng hệ hống quản lý ATVSLĐ cho
các doanh nghiệp nhỏ và vừa; thông tin tuyên truyền chính sách, pháp luật, quy
định của Nhà nước về ATVSLĐ. Trong đó nổi bật là tổ chức Tháng hành động về
ATVSLĐ với các hoạt động cụ thể như: Mít tinh hưởng ứng tháng hành động cấp
tỉnh tại các khu công nghiệp; tổ chức treo pano, khẩu hiệu tuyên truyền trực
quan, in, cấp phát các tờ rơi, tờ gấp, tài liệu về bảo đảm ATVSLĐ…
Hoạt động huấn luyện, tập huấn về ATVSLĐ được quan tâm và triển khai dưới nhiều
hình thức. Riêng trong năm 2021, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tư vấn
triển khai áp dụng các hệ thống quản lý ATVSLĐ phù hợp trong các doanh nghiệp,
cơ sở sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ cho 15 doanh nghiệp. Phòng Cảnh sát Phòng
cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) tổ chức nhiều hội nghị phổ biến
các văn bản pháp luật mới về PCCC và CNCH cho người đứng đầu các cơ quan, doanh
nghiệp; tập huấn nghiệp vụ về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực PCCC và
CNCH cho đại diện chỉ huy Công an cấp xã và lãnh đạo UBND các xã, phường, thị
trấn; phối hợp với cơ sở mở 684 lớp huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC với
31.524 người tham gia và 615 lớp huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về CNCH với
27.964 người tham gia, 46 lớp huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và CNCH với 1.443
người tham gia cho lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành… Sở Khoa học và Công nghệ
phối hợp với Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam tập huấn và cấp chứng chỉ cho
13 cán bộ phụ trách an toàn bức xạ, cán bộ phụ trách ứng phó sự cố bức xạ và
nhân viên bức xạ trên địa bàn tỉnh. Sở Công Thương tăng cường đôn đốc các cơ
sở, doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất trong việc
xây dựng biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất theo quy định bắt buộc của
Luật Hóa chất, trong năm 2021, đã có 13 đơn vị tổ chức xây dựng biện pháp phòng
ngừa ứng phó sự cố hóa chất... Sở Giao thông - Vận tải huấn luyện cho 88 cán bộ
phụ trách an toàn của doanh nghiệp người lao động làm công việc có yêu cầu
nghiêm ngặt về ATVSLĐ và người làm công tác y tế. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn mở 4 hội nghị tập huấn cho hơn 300 người là trưởng thôn, các chủ hộ
dân nhận khoán trồng rừng, bảo vệ rừng và người dân sống ven rừng nghiệp vụ
PCCC...
Bên cạnh đó, các sở, ngành hữu quan cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm
tra việc thực hiện công tác ATVSLĐ. Riêng trong năm 2021, do ảnh hưởng của dịch
COVID-19, đã lồng ghép việc kiểm tra ATVSLĐ với kiểm tra, hướng dẫn điều kiện
an toàn phòng dịch COVID-19 tại các doanh nghiệp trên địa bàn.
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, song công tác ATVSLĐ còn một số tồn
tại, hạn chế. Đó là, việc nắm bắt các thông tin báo cáo về TNLĐ, bệnh nghề
nghiệp, số lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm công
việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, số lao động làm việc không
theo hợp đồng lao động... có lúc chưa đầy đủ. Công tác ATVSLĐ tại nhiều công trường
xây dựng chưa được quản lý chặt chẽ. Việc triển khai tại các làng nghề hiệu quả
chưa cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn lao động, ô nhiễm môi trường.
Tình trạng trốn đóng, nợ BHXH, bảo hiểm TNLĐ và bệnh nghề nghiệp còn xảy ra...
Đặc biệt, TNLĐ còn phức tạp. Năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 135 vụ TNLĐ, làm 135
người bị nạn (bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động
làm việc không theo hợp đồng lao động), trong đó 7 người chết, 21 người bị
thương nặng, 61 nạn nhân là lao động nữ.
Theo ông Trần Ngọc Đạo, Trưởng phòng Chính sách Lao động (Sở Lao động-Thương
binh và Xã hội) thì trong sáng 26-4 sẽ diễn ra Lễ phát động Tháng hành động
ATVSLĐ và Tháng Công nhân tại KCN Thuận Thành 3 với sự tham gia của lãnh đạo
các sở, ngành, các địa phương, đại diện doanh nghiệp và người lao động. Nhân
dịp Tháng hành động ATVSLĐ và Tháng Công nhân, nhiều hoạt động được tổ chức
như: Tăng cường truyền thông về ATVSLĐ; tổ chức các đoàn thanh tra chuyên
ngành, kiểm tra liên ngành về ATVSLĐ trước, trong và sau Tháng hành động; khen
thưởng tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác ATVSLĐ năm
2021; tôn vinh, biểu dương công nhân lao động tiêu biểu trong các phong trào
thi đua; tư vấn, tập huấn, hướng dẫn kỹ năng làm việc an toàn, phòng ngừa tai
nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp
cho người lao động; thăm hỏi, tặng 1.000 suất quà cho đoàn viên công đoàn có
hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, mắc bệnh hiểm nghèo, gia đình công
nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19...
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cũng sẽ tổ chức nhiều hoạt động
như: Xây dựng chương trình hành động về ATVSLĐ và triển khai thực hiện trong
doanh nghiệp; tự kiểm tra việc thực hiện công tác ATVSLĐ; rà soát, đánh giá các
nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ đối với thiết bị máy, vật tư, các chất có yêu cầu
nghiêm ngặt về ATVSLĐ; đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động; kiểm soát hiệu
quả, thích ứng linh hoạt với tình hình, diễn biến của dịch COVID-19…
Bảo đảm tốt ATVSLĐ sẽ góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo vệ
sức khỏe và tính mạng người lao động vì sự phát triển bền vững, vì thế Tháng
Hành động là dịp để các cấp, các ngành đẩy mạnh triển khai các hoạt động, nhất
là công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, hành động về ATVSLĐ. Tuy
nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, các ngành, thì mỗi doanh nghiệp, cơ sở
sản xuất, người lao động cũng cần nêu cao ý thức, chấp hành nghiêm qui định về
ATVSLĐ vì sự phát triển của doanh nghiệp và sức sức khỏe, an toàn của chính
người lao động.
Nguồn:baobacninh.com.vn