Tiếp
cận ở chức năng tư tưởng của báo chí cho thấy, báo chí là phương tiện làm công
tác tư tưởng rất lợi hại. Thông tin báo chí tác động vào tư tưởng, tình cảm của
quần chúng, từ đó làm thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của công chúng.
Chính vì vậy, các nhà cách mạng, nhà hoạt động chính trị đều nắm lấy báo chí để
làm vũ khí tư tưởng.
Báo
chí là một loại hình phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại, có vai trò
quan trọng đối với đời sống xã hội. Báo chí đảm nhiệm nhiều chức năng xã hội
như: Chức năng thông tin - giao tiếp; chức năng tư tưởng; chức năng giám sát,
phản biện; chức năng văn hóa, giáo dục và giải trí; chức năng kinh tế - dịch vụ
xã hội… Tiếp cận ở chức năng tư tưởng của báo chí cho thấy, báo chí là phương
tiện làm công tác tư tưởng rất lợi hại. Thông tin báo chí tác động vào tư
tưởng, tình cảm của quần chúng, từ đó làm thay đổi nhận thức, thái độ và hành
vi của công chúng. Chính vì vậy, các nhà cách mạng, nhà hoạt động chính trị đều
nắm lấy báo chí để làm vũ khí tư tưởng. Họ sáng lập ra các tờ báo hoặc sử dụng
các tờ báo để công bố, bày tỏ quan điểm, chính kiến, hệ tư tưởng tiến bộ tới
quần chúng để góp phần cải tạo và phát triển xã hội. Bài viết này chỉ rõ bản
chất của hoạt động báo chí là hoạt động chính trị - xã hội; đồng thời dẫn chứng
những nhà cách mạng tiêu biểu hoạt động chính trị - xã hội bằng báo chí.
Hoạt động báo chí là hoạt
động chính trị - xã hội
Các
nhà nghiên cứu tiếp cận và thuyết giải khái niệm báo chí ở các góc nhìn khác
nhau. Có người tiếp cận, lý giải báo chí ở góc độ truyền thông để khẳng định
báo chí là loại hình, phương tiện truyền thông đại chúng quan trọng. Có người
lại tiếp cận, lý giải báo chí ở các lĩnh vực của đời sống xã hội như: chính
trị, văn hóa - giải trí, giáo dục, kinh tế, luật pháp, lịch sử… để khẳng định
giá trị của báo chí… Mỗi một góc độ tiếp cận để lý giải về báo chí đều nhằm mục
đích khẳng định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của báo chí trong cấu trúc hệ
thống xã hội.
Ở
góc độ chính trị, báo chí được tiếp cận và lý giải với vai trò là phương tiện,
phương thức giao tiếp, liên kết, kết nối, giám sát và phản biện để nhằm mục
đích đem lại những ích lợi cho xã hội. Chính vì vậy, khi nói đến báo chí là nói
đến chính trị. Báo chí là chính trị, gắn chặt với các hoạt động chính trị và
các chính trị gia. Hoạt động báo chí chính là hoạt động chính trị - xã hội. Nhà
báo chính là nhà hoạt động chính trị - xã hội…
Chính
trị - xã hội ở đây có thể được hiểu suy cho cùng là các vấn đề liên quan đến
lợi ích xã hội. Báo chí dù của thể chế chính trị nào, là báo chí tư nhân hay
của chính phủ thì cũng nhằm đến mục đích lợi ích. Cũng chính vì vậy mà các giai
cấp, nhà nước, các tổ chức, cá nhân nhà hoạt động chính trị đều phải nắm lấy
báo chí, dùng làm công cụ, phương tiện để truyền bá ý thức hệ tư tưởng tiến bộ,
cách mạng cho công chúng; cổ vũ, động viên họ làm theo.
|
Bác Hồ bắt đầu sự nghiệp
cách mạng của mình bằng làm báo. (Ảnh tư liệu).
|
Nhà
cách mạng là những người hoạt động chính trị - xã hội, luôn hướng ngoại, đi tìm
kiếm những cái mới, đưa ra những ý thức hệ tư tưởng tiến bộ bằng những lập
luận, biện hộ, bảo vệ cái mới, cái tiến bộ, vận dụng nó để lý giải các vấn đề
đặt ra trong đời sống thực tiễn với mong muốn tạo ra sự thay, góp phần làm cho
xã hội ngày càng phát triển. Để truyền bá được ý thức hệ tư tưởng tiến bộ, các
nhà các mạng đều nhận thấy rằng cần phải có các công cụ, phương tiện truyền
thông, tuyên truyền, và coi đó là vũ khí tư tưởng sắc bén, lợi hại dùng để đấu
tranh trên mặt trận tư tưởng, chính trị.
Cũng
vì vậy, khi nói đến các nhà cách mạng, chúng ta dễ nhận thấy cuộc đời và sự
nghiệp hoạt động chính trị của họ đều gắn liền với báo chí. Họ là người sáng
lập ra các tờ báo hoặc là tác giả chuyên mục, chuyên trang, những tác phẩm báo
chí cụ thể. Đề tài sáng tạo báo chí của họ vừa lớn lao nhưng cũng rất cụ thể,
tất cả đều toát lên giá trị to lớn, đó là lợi ích giai cấp, quốc gia, dân tộc
và nhân dân. Họ tìm đến với báo chí và dùng báo chí để tuyên truyền, phổ biến
các lý luận, quan điểm, ý thức hệ tư tưởng mới mẻ, đúng đắn để thu hút, tập hợp
số đông quần chúng tin cậy, ủng hộ, đi theo và làm theo.
Như
vậy có thể khẳng định, những người hoạt động báo chí chuyên nghiệp cũng chính
là những người đang làm chính trị bằng báo chí. Bởi, những tác phẩm, sản phẩm
báo chí mà các nhà báo sáng tạo ra với mục đích cao cả là đem lại lợi ích cho
xã hội, cho nhân dân. Để các tác phẩm, sản phẩm báo chí thực sự có hiệu quả và
hiệu lực xã hội, đòi hỏi các nhà báo phải có phẩm chất chính trị đúng đắn, hiểu
rõ bản chất, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc và vai trò của báo chí; đồng thời,
trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng, phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp chuyên
nghiệp để cống hiến cho sự nghiệp báo chí.
Giới
thiệu một số nhà cách mạng tiêu biểu hoạt động chính trị - xã hội bằng báo
chí
Có
thể khẳng định, tất cả các chính trị gia, nhà hoạt động cách mạng đều nắm lấy
báo chí, sử dụng báo chí để làm phương tiện, công cụ hoạt động, truyền bá ý
thức hệ tư tưởng cách mạng tiến bộ.
Mác
và Ăngghen là những nhà tư tưởng, cách mạng tiến bộ; là những người sáng lập ra
chủ nghĩa cộng sản khoa học có tác động to lớn và sâu rộng đối với nhân loại
tiến bộ. Học thuyết mà các ông đưa ra trở thành tài sản quý giá của nhân loại;
đồng thời là kim chi nam, nền tảng tư tưởng cách mạng của giai cấp vô sản toàn
thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp của Mác và Ăngghen đều gắn liền với một tờ báo
cụ thể. Các ông coi báo chí là vũ khí tư tưởng sắc bén để bày tỏ quan điểm,
chính kiến, những nghiên cứu mang tính phát hiện.
Lần
đầu tiên Mác gặp Ăngghen vào cuối tháng 11/1842, khi đó Ăngghen trên đường sang
Anh và ghé thăm Bộ Biên tập báo Rheinische Zeitung (Nhật báo tỉnh Ranh). Mác và
Ăngghen đã có nhiều cuộc nói chuyện cởi mở và sau này hai ông trở thành những
người bạn cùng chung lý tưởng và quan điểm trong tất cả vấn đề lý luận và thực
tiễn.
C.Mác
từng làm Tổng Biên tập tờ Neue Rheinische Zeitung (Báo Mới tỉnh Ranh) - cơ quan
ngôn luận của phái dân chủ. Trong các nghiên cứu của mình đăng trên tờ báo này,
Mác kịch liệt chống mê tín, dị đoan và mọi triết học phản động muốn việc nghiên
cứu khoa học phải phục tùng lợi ích của tôn giáo. Ông đã viết một bài báo sắc
sảo (tháng 2/1842) nhằm chống lại sự kiểm duyệt báo chí của chế độ chuyên chế
Phổ và nhân đó lên án gay gắt các thể chế nhà nước Phổ. Mác phê phán mạnh mẽ
chế độ chuyên chế Phổ và những nhà tư tưởng bênh vực cho chế độ này khi trở
thành người lãnh đạo tờ báo Rheinische Zeitung vào tháng 10/1842.
Công
tác thực tiễn ở báo Rheinische Zeitung đã làm thay đổi cơ bản về thế giới quan
của Mác, chuyển từ chủ nghĩa duy tâm sang chủ nghĩa duy vật và từ chủ nghĩa dân
chủ - cách mạng sang chủ nghĩa cộng sản. Thời kỳ này, Mác viết một công trình
quan trọng phê phán học thuyết của Hêgen về nhà nước và pháp luật, có nhan đề
“Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêgen” với quan niệm đúng đắn về
một chế độ xã hội dân chủ, ở đó nền dân chủ là sự tự quyết của nhân dân, lợi
ích của nhân dân. Tháng 2/1844, trên tờ tạp chí Deutsch-Franzosische Jahrbucher
(Niên giám Pháp - Đức), Các Mác đã đăng bài viết này. Ông khẳng định rằng giai
cấp có thể thực hiện việc giải phóng toàn thể nhân loại phải là giai cấp vô
sản[1].
Cùng
với Mác, Ăngghen đã sáng lập và phát triển chủ nghĩa cộng sản và là lãnh tụ của
phong trào công nhân thế giới và Quốc tế I. Ông là người hiểu biết về văn học
và báo chí. Ăngghen đã phát triển và bảo vệ tư tưởng về sự thống nhất của thế
giới, tư tưởng về sự tất yếu nội tại và tính quy luật. Năm 1842, Ăngghen bắt
đầu cộng tác với tờ Rheinische Zeitung (Nhật báo tỉnh Ranh) do Mác làm Tổng
Biên tập. Từ khi Mác lãnh đạo Ban Biên tập, xu hướng của tờ báo ngày càng mang
tính chất dân chủ cách mạng triệt để. Trong bài báo in năm 1842 trên tờ
Rheinische Zeitung cùng với Mác, Ăngghen đã lên tiếng phản kháng chế độ kiểm
duyệt của Chính phủ Vương quốc Phổ, trật tự phong kiến ở Đức.
“Tình
cảnh của giai cấp công nhân ở Anh” là bài báo tiêu biểu của Ăngghen đăng trên
tờ Rheinische Zeitung (1842). Ông phân tích rõ sự phân chia xã hội thành ba
giai cấp cơ bản: giai cấp quý tộc chiếm hữu ruộng đất, giai cấp tư sản công
nghiệp và giai cấp vô sản. Ăngghen nhận định, không thể xoá bỏ được mâu thuẫn
giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, ông đi đến kết luận đằng sau cuộc đấu
tranh của các đảng phái ẩn giấu cuộc đấu tranh của các giai cấp. Ăngghen dứt
khoát từ bỏ những quan điểm duy tâm để trở thành nhà duy vật. Ông tham gia viết
cho tạp chí Deutsch - Franzosische Jahrbucher (Niên giám Pháp - Đức) với những
bài báo đầu tiên đề cập đến việc áp dụng phương pháp biện chứng vào việc phân
tích các quan hệ kinh tế của xã hội tư sản. Xem xét các hiện tượng kinh tế
trong mối quan hệ qua lại và trong sự phát triển; đồng thời đã chỉ ra sự thống
nhất và đấu tranh của các mặt đối lập, coi đó là cơ sở của sự phát triển.
Trên
tờ báo Neue Rheinische Zeitung (Báo Mới tỉnh Ranh), Ăngghen đánh giá cao chiến
thuật quân sự của quân đội cách mạng Hongrie. Họ biết dùng chiến tranh du kích
để đánh bật kẻ địch ra khỏi vị trí của chúng. Nhận định của Ăngghen chứng tỏ
ông còn là một nhà lý luận và nhà chiến lược quân sự. Những tác phẩm này của
Ăngghen, ngoài ý nghĩa tuyên truyền cho chủ nghĩa cộng sản khoa học, còn có ý
nghĩa về mặt giá trị lý luận và thực tiễn cao, đồng thời làm phong phú thêm chủ
nghĩa Mác[2].
Lênin
là một lãnh tụ của phong trào cách mạng vô sản Nga, là người phát triển học
thuyết của Mác và Ăngghen. Ông là người sáng lập ra Quốc tế Cộng sản, đồng thời
lãnh đạo nhân dân Nga tiến hành Cách mạng tháng Mười, thành lập ra Nhà nước
công nông đầu tiên trên thế giới do Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo vào ngày
7/11/1917.
Lênin
cùng với Pơlêkhanôp (Plekhanov) đã sáng lập lập ra tờ báo Tia lửa để làm “vũ
khí” đăng tải các bài viết bày tỏ quan điểm tư tưởng đấu tranh tư tưởng cách
mạng. Trong tác phẩm “Chủ nghĩa đế quốc - giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư
bản” (1916) và những tác phẩm khác, Lênin đã phát triển chính trị kinh tế học
Mácxít và lý luận về cách mạng xã hội chủ nghĩa, kiện toàn những vấn đề cơ bản
của triết học Mácxít. Lênin viết cuốn “Nhà nước và cách mạng” đề ra nhiệm vụ
cho giai cấp vô sản phải giành lấy chính quyền bằng con đường đấu tranh vũ
trang.
Mùa
xuân năm 1920, Lênin viết cuốn “Bệnh ấu trĩ tả khuynh của chủ nghĩa cộng sản”
trình bày những vấn đề chiến lược và sách lược của phong trào cộng sản. Năm
1922, Lênin đã đọc, ghi âm lại một số bài báo quan trọng như: Những trang nhật
ký, Bàn về hợp tác hóa, Bàn về cách mạng của chúng ta, Thà ít mà tốt, Thư gửi
Đại hội.
Trong
cuộc đời hoạt động cách mạng, Lênin luôn gắn với báo chí và coi báo chí là vũ
khí quan trọng để truyền bá quan điểm, tư tưởng cách mạng tiến bộ, phát triển
chủ nghĩa Mác[3].
Chủ
tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam, người
sáng lập ra nền báo chí cách mạng Việt Nam và là một nhà báo, người thầy báo
chí vĩ đại. Trong khoảng 50 năm cầm bút, Người là tác giả của hơn 2.000 bài
báo, 276 bài thơ, gần 500 trang truyện và ký với gần 200 bút danh. Mỗi con chữ,
bài viết của Bác là một lời hiệu triệu, truyền bá lý tưởng Cộng sản và con
đường giải phóng dân tộc.
Bác
Hồ bắt đầu sự nghiệp cách mạng của mình bằng làm báo. Trong hành trình đi tìm
đường cứu nước, Người đã học cách làm báo. Bác coi báo chí là công cụ sắc bén
để phò chính trừ tà. Người viết báo là để phục vụ cho cuộc đấu tranh giải phóng
dân tộc và nhân loại. Người sử dụng báo chí để làm công cụ giác ngộ và thức
tỉnh. Dưới ngòi bút sắc bén của mình, Người đã vạch trần tội ác của bọn xâm
lược tại các thuộc địa; đồng thời Người dùng các tờ báo làm công cụ tuyên
truyền con đường cách mạng giải phóng dân tộc.
Ngày
21/6/1925, Bác Hồ sáng lập ra tờ báo Thanh Niên tại Quảng Châu, Trung Quốc. Đây
là tờ báo cách mạng đầu tiên của nền báo chí cách mạng Việt Nam và cũng là vũ
khí sắc bén để Người tuyên truyền, giác ngộ và giáo dục quần chúng. Tờ báo là
cầu nối ánh sáng tư tưởng cách mạng của Bác với dân tộc, góp phần to lớn cho sự
nghiệp giải phóng đất nước.
Làm
báo là làm cách mạng - đó là quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi theo
Người, báo chí cách mạng là một mặt trận chiến đấu của cách mạng. Cán bộ báo
chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ.
Theo Người, bài báo là tờ hịch cách mạng. Đã là nhà báo, chiến sĩ cách mạng,
bất cứ người cầm bút nào trên mặt trận báo chí cách mạng phải hiểu rõ mục tiêu,
nhiệm vụ cách mạng là gì? Từng giai đoạn lịch sử đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ
khác nhau. Khi đất nước còn trong vòng nô lệ phải làm thức tỉnh và động viên
nhân dân đứng lên làm cách mạng đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến, giải phóng
dân tộc, giành chính quyền về tay Nhân dân. Khi có chính quyền thì động viên
sức mạnh toàn dân tộc giữ gìn chính quyền, bảo vệ thành quả cách mạng, tiến
hành các cuộc kháng chiến chống xâm lược, giành độc lập thống nhất đất nước,
đưa đất nước tiến lên một giai đoạn phát triển mới.
Bác
cho rằng, nhiệm vụ của báo chí là phục vụ Nhân dân, phục vụ cách mạng. Nhiệm vụ
cách mạng, nhiệm vụ của báo chí đòi hỏi người làm báo phải có đủ phẩm chất của
người cán bộ cách mạng, không quản ngại gian khó, hy sinh, kể cả tính mạng, vì
nhân dân phục vụ. Người làm báo phải dùng cây bút, trang giấy làm vũ khí sắc
bén chiến đấu cho mục đích vẻ vang của cách mạng, chứ không phải làm báo để lưu
danh thiên cổ, muốn viết cho ai, muốn đăng bài mình lên các báo lớn.
Bác
khuyên dạy các nhà báo, để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí
cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và
văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương chính sách của Đảng
và Chính phủ; đi sâu thực tế, đi sâu quần chúng lao động.
Bác
là người vận dụng sáng tạo quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin về bản chất của
báo chí cách mạng. Theo Người, báo chí cách mạng, ngoài tính chiến đấu, tính
khoa học, tính giai cấp, tính chân thực, khách quan, còn phải thể hiện một cách
đơn giản, dễ hiểu, đại chúng, sinh động để báo chí làm tròn nhiệm vụ tuyên
truyền tập thể, cổ động tập thể, tổ chức và giáo dục tập thể.
Theo
Bác, người làm báo cần phải có lập trường chính trị vững chắc; có kiến thức, am
hiểu sâu rộng về mọi mặt của đời sống xã hội; thông tin chân thật, khách quan;
sử dụng ngôn ngữ trong sáng, giản dị, dễ hiểu; luôn chú trọng nâng cao hơn nữa
chất lượng sản phẩm báo chí.
Chúng
ta học Bác làm báo là học Bác làm cách mạng. Những lời dạy của Người về báo chí
và nghề báo luôn là những bài học quý báu, có giá trị soi rọi vào thực tiễn
hoạt động báo chí ở Việt Nam hiện nay [4].
Không
chỉ là một vị tướng tài ba, lừng danh thế giới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là
một nhà báo lớn của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam. Đại tướng Võ Nguyên Giáp
viết báo, làm báo từ rất sớm với các bút danh như: Vân Đình, Hải Thanh, Hồng
Nam, Chính Nghĩa...
Cũng
giống như rất nhiều nhà cách mạng có tên tuổi trên thế giới và ở Việt Nam, Đại
tướng Võ Nguyên Giáp làm báo là để làm cách mạng. Ông coi báo chí là công cụ để
giác ngộ, truyền bá tư tưởng cách mạng tiến bộ trong suốt cuộc đời hoạt động
cách mạng của mình.
Trong
60 năm hoạt động cách mạng, Nhà báo - Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn luôn gắn bó
với hoạt động báo chí. Ông trực tiếp làm tất cả các khâu, công việc của một
người làm báo và công việc nào cũng xuất sắc, văn - võ song toàn. Có thể nói,
ông không chỉ là bậc thầy trong nghệ thuật quân sự mà còn là bậc thầy của nghệ
thuật báo chí với những “trận đánh” tư tưởng - văn hoá bằng nghệ thuật tổ chức
thông tin tài ba trên mặt trận báo chí. Những người làm báo cùng thời với ông,
và cả những thế hệ sau đã học được từ ông ý chí, sự yêu nghề, tự học, rèn nghề
báo và lấy báo chí để làm vũ khí quan trọng trên mặt trận đấu tranh tư tưởng -
văn hoá.
Cả
cuộc đời của ông bên cạnh sự nghiệp chính trị, cách mạng, ông luôn gắn bó với
sự nghiệp báo chí, bởi, với ông làm báo là để là cách mạng và báo chí là vũ khí
có sức mạnh to lớn để chiến thắng kẻ thù. Cùng với việc tổ chức các trận đánh
thành công, lững lẫy năm châu, chấn động địa cầu trong vai trò Đại tướng Tổng
tư lệnh, ông còn là một nhà báo lớn, gần gũi với các thế hệ nhà báo cách mạng
Việt Nam. Ông đã có công tập hợp, bồi dưỡng cho cách mạng một “binh chủng báo
chí” để sẵn sàng chiến thắng trên mặt trận tư tưởng - văn hoá [5].
Là
một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, người học trò trung thành và xuất sắc của
Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên mặt trận tư tưởng, lý luận. Những cống hiến của Tổng
Bí thư Trường Chinh là sự thể hiện của một năng lực tư duy sắc bén, luôn luôn
kết hợp được sự thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh
với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Vì vậy, nhiều bài học do đồng chí tổng kết đã
trở thành những bài học lớn của của Đảng ta.
Là
nhà văn hoá lớn, đồng chí Trường Chinh đã để lại cho chúng ta những tác phẩm về
văn hoá. Mặc dù, những tác phẩm này, đồng chí viết ra trong điều kiện hoạt động
bí mật hay trong hoàn cảnh kháng chiến; trong lúc tài iệu tra cứu, tham khảo
thiếu thốn, nhưng qua đó chúng ta thấy được vốn tri thức uyên thâm và sức sáng
tạo của đồng chí Trường Chinh.
Trên
mặt trận báo chí, đồng chí Trường Chinh là một cây bút bậc thầy, một tên tuổi
hàng đầu của nền báo chí cách mạng nước ta. Văn chính luận của đồng chí đặc
biệt sắc sảo, trong sáng, khúc chiết, tràn đầy nhiệt tình cách mạng, nóng bỏng
tính thời sự và tính chiến đấu. Những bài báo đó giữ một vị trí đặc biệt trong
báo chí Việt Nam.
Đồng
chí Trường Chinh, một tấm gương đạo đức của người cách mạng chân chính; là một
con người nhân hậu, đức độ, trong sáng từ tâm hồn đến phong cách, suốt đời rèn
luyện theo; tấm gương đạo đức của Bác Hồ: Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư
[6].
Xuân
Thủy (tên thật là Nguyễn Trọng Nhâm) là một nhà cách mạng, chính khách, nhà
ngoại giao, nhà thơ và nhà báo Việt Nam. Ông từng là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris (1968-1973).
Xuân
Thuỷ bắt đầu làm báo từ thập niên 1930 và hoạt động cách mạng từ năm 1932 thông
qua báo chí. Bút danh Xuân Thủy của ông ra đời trong thời kỳ này và trở thành
tên gọi của ông suốt nhiều năm cho đến khi ông qua đời.
Hoạt
động của ông sớm bị chính quyền thực dân Pháp chú ý. Từ năm 1938 đến 1943, ông
nhiều lần bị bắt giam, bị đưa đi lưu đày, nhưng ông vẫn tiếp tục hoạt động
trong lĩnh vực báo chí cách mạng chống thực dân. Ngay trong thời kỳ bị giam tại
nhà tù Sơn La, ông cùng Trần Huy Liệu vẫn ra một tờ báo bí mật hai tháng một kỳ
có tên gọi là Suối Reo.
Đầu
năm 1944, ông được trả tự do. Tuy nhiên, ông trở lại hoạt động cách mạng trong
phòng trào Việt Minh, làm Chủ nhiệm tờ Cứu Quốc - tờ báo của Tổng bộ Việt Minh
từ thời kỳ bí mật khi tờ báo còn đặt ở Núi Thầy (1944). Lúc này ông phụ trách
tờ báo trực tiếp dưới sự lãnh đạo của Tổng bí thư Trường Chinh. Khi Cách mạng
Tháng Tám thành công, tờ báo Cứu Quốc ra công khai, phát hành hàng ngày. Ông
vẫn tiếp tục tích cực tham gia hoạt động cho tờ báo lúc này có trụ sở ở Bờ Hồ
(trụ sở báo HàNộimới bây giờ).
Khi
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông lại theo tờ báo Cứu Quốc lên chiến khu Việt
Bắc. Năm 1948, ông được bầu làm Ủy viên thường trực Thường vụ Tổng bộ Việt Minh
và giữ cương vị này cho đến năm 1950. Năm 1949, ông tổ chức lớp đào tạo cán bộ
làm báo mang tên Huỳnh Thúc Kháng, được xem như người đặt nền móng trong việc
đào tạo lớp nhà báo đầu tiêu cho Kháng chiến. Năm 1950, ông được bầu làm Chủ
tịch Hội những người viết báo Việt Nam khóa I. Năm 1951, ông được bầu làm
Trưởng ban Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Liên Việt. Năm 1959, ông được bầu
làm Chủ tịch Hội những người viết báo Việt Nam khoá II (1959) và là Uỷ viên Ban
chấp hành Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ).
Hiện
nay tên ông được đặt cho một tuyến đường lớn ở Hà Nội. Đường Xuân Thủy, giao
cắt với các con đường lớn như đường Phạm Văn Đồng, Hồ Tùng Mậu và Phạm Hùng.
Đường Xuân Thủy cũng là nơi có trường đại học lớn nhất Việt Nam: Đại học Quốc
gia Hà Nội, cùng với một số trường đại học có truyền thống lâu đời: Đại học Sư
phạm Hà Nội và Học viện Báo chí và Tuyên truyền[7].
Tổng
Bí thư Nguyễn Văn Linh tên khai sinh là Nguyễn Văn Cúc. Ông là Tổng Bí thư thứ
8 của Đảng Cộng sản Việt Nam nhiệm kỳ 1986-1991 và là tác giả của hàng loại bài
viết đăng trong chuyên mục “Những việc cần làm ngay” trên báo Nhân Dân với bút
danh “N.V.L” vào sau đổi mới, giai đoạn 1978-1990.
Chuyên
mục “Những việc cần làm ngay” đã đề cập đến những tồn tại trong xã hội thời
điểm đó, đặc biệt là quá trình chuyển đổi cơ bản từ nền kinh tế tập trung xã
hội chủ nghĩa sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các bài
viết của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã chỉ ra “sức ỳ” và những “thói hư tật
xấu trong xã hội đang bị che khuất” mà lúc bấy giờ chưa ai dám nói tới. Qua
những lập luận, lý lẽ vững chắc, có cơ sở khoa học và sâu sát với thực tiễn,
tác giả N.V.L đã nhận thấy rõ những nguyên nhân cơ bản gây cản trở quá trình
đổi mới, từ đó ông đã thẳng thắn phê phán, lên án mạnh mẽ về những nhận thức
sai lầm của xã hội, tư duy lãnh đạo còn giáo điều, bảo thủ; công tác quản lý
của nhà nước còn lỏng lẻo, chưa sâu sát chưa, chưa phát huy được vai trò định
hướng nền kinh tế xã hội; tệ nạn tham ô, nhũng nhiễu, tiêu cực của một số cán
bộ lãnh đạo, một số cơ quan công quyền của nhà nước… “Những việc cần làm ngay”
đã tiên phong đột phá vào những khâu “yếu kém nhất” của đất nước thời điểm đó.
Loạt
bài viết “Những việc cần làm ngay” là những văn bản được cho là có nhiều nhận
định sâu sắc và xác đáng về những bất cập của nền kinh tế tập trung bao cấp.
Tác giả đã phân tích, chỉ rõ những vấn đề bất cập, nguyên nhân và phương hướng,
giải pháp giải quyết những bất cập.
Phát
huy mạnh mẽ tinh thần “lấy dân làm gốc”, tạo nên “sức mạnh vật chất” để thu
được thắng lợi trong công tác xây dựng Đảng. Với phương châm “Dễ mười lần không
dân cũng chịu/Khó trăm lần dân liệu cũng xong”, những tác phẩm của Tổng Bí thư
Nguyễn Văn Linh trong chuyên mục “Những việc cần làm ngay” trên báo Nhân Dân
mang đậm tính nhân dân, phát huy cao độ sức mạnh của nhân dân, dẫn dắt mọi
người tham gia cuộc vận động với động cơ đúng, thái độ đúng, cách ứng xử xây
dựng và tinh thần kiên trì,… “Những việc cần làm ngay” chính vì thế đã gây hiệu
ứng rất sâu rộng và có giá trị lan tỏa rất nhanh, thổi bùng thành một phong
trào chống tiêu cực rộng lớn trên khắp cả nước, lôi cuốn báo chí, các lực lượng
quần chúng vào công cuộc đổi mới. “Những việc cần làm ngay” được xem là một
trong những tài liệu rất có giá trị trong công tác lý luận và thực tiễn[8].
Hoàng
Tùng là nhà cách mạng, nhà tuyên huấn nổi tiếng. Ông là một tên tuổi lừng lẫy
trong làng báo Việt Nam, thuộc lớp người hoạt động từ thời kỳ trước Cách mạng
Tháng Tám, được Bác Hồ và đồng chí Trường Chinh trực tiếp hướng dẫn, rèn luyện
trong đấu tranh cách mạng cũng như trong nghề nghiệp làm báo.
Năm
1940, Hoàng Tùng và nhiều đồng chí bị địch bắt giam, đưa đi đày tại nhà tù Sơn
La. Tại đây, ông đã tích cực tham gia hoạt động đấu tranh chống chế độ hà khắc
lao tù. Trong tù, ông tham gia viết báo bí mật Suối reo - tờ báo của chi bộ
Đảng nhà tù Sơn La với bút danh Kiếm Bình, cùng với những tên tuổi lẫy lừng
khác như Trần Huy Liệu, Văn Tân, Trần Đình Long, Khuất Duy Tiến… Nhờ tờ báo này
mà tinh thần đoàn kết, đấu tranh trong các đảng viên được giữ vững, góp phần
cảm hoá, lôi kéo được nhiều thành phần tù nhân chính trị khác tham gia cách
mạng.
Tháng
4/1945, ông được trả tự do và trở về hoạt động, tham gia công việc chuẩn bị
Tổng khởi nghĩa. Ông tham gia chỉ đạo khởi nghĩa ở Hà Nội, được chỉ định làm
Chủ tịch ủy ban nhân dân cách mạng, rồi Bí thư Thành ủy Hà Nội khi mới 25 tuổi.
Do những bài báo có tính chiến đấu rất cao của đồng chí Hoàng Tùng nên các lực
lượng phản động lùng sục tìm cách hãm hại ông. Để giữ cán bộ, Đảng lại thuyên
chuyển Hoàng Tùng về làm Bí thư Hải Phòng tham gia lãnh đạo chính quyền non trẻ
nơi đây. Vì cái tên Khánh Thọ đã bị lộ, bị kẻ thù nhòm ngó nên ông quyết định
lấy tên là Hoàng Tùng. Bí danh này đã theo ông suốt cuộc đời. Các bài báo của
ông được bạn đọc rất hoan nghênh bởi chứa đựng tính chiến đấu cao độ, tinh thần
yêu nước sâu sắc, luôn toát lên sự lạc quan cách mạng trong bối cảnh vô vàn khó
khăn của cuộc kháng chiến.
Trong
cuộc đời hoạt động của mình, Hoàng Tùng đã giữ nhiều trọng trách trong bộ máy
Đảng, Nhà nước: Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III, Ủy
viên Trung ương Đảng khóa IV và Bí thư Trung ương Đảng khóa V, 5 khóa đại biểu
Quốc hội (từ khóa III đến khóa VII), Phó Bí thư Khu ủy khu III (Khu Tả ngạn
sông Hồng), Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Chánh văn phòng Trung ương Đảng,
Phó Trưởng ban rồi Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt
Nam, Giám đốc Nhà xuất bản Sự thật,…
Quãng
thời gian ghi nhiều dấu ấn nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nhà báo
Hoàng Tùng là 30 năm làm Tổng Biên tập Báo Nhân Dân - cơ quan ngôn luận của
Đảng Cộng sản Việt Nam và hơn 30 năm làm Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (từ năm
1951 đến năm 1982). Đây cũng chính là giai đoạn tài năng làm báo của ông có đất
để phát triển rực rỡ, ông có đất để thỏa sức tung hoành, trở thành một cây bút
chính luận bậc thầy, cây đại thụ trong làng báo nước nhà, một tên tuổi không
thể thiếu trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Ông đã viết hàng ngàn bài
báo, trong đó phần lớn là những bài chính luận thuộc các thể xã luận, bình
luận, luận văn tuyên truyền cũng như các chân dung và những đóng góp của các
nhà cách mạng, nhà kinh điển chủ nghĩa Mác – Lênin [9].
Nhà
báo Hữu Thọ tên khai sinh là Nguyễn Hữu Thọ, bút danh Hữu Thọ, Nhân Nghĩa, Nhân
Chính. Ông từng là học sinh Trường Bưởi (nay là Trung học phổ thông Chu Văn An
(Hà Nội), tham gia Cách mạng tháng Tám 1945 tại Hà Nội, thoát ly gia đình tham
gia kháng chiến từ ngày 19/12/1946, làm liên lạc cho Tự vệ chiến đấu khu phố
Tống Duy Tân, Mặt trận Hà Nội. Ông từng là Ủy viên Ban Chấp hành Thanh niên Cứu
quốc huyện Thư Trì, Chính trị viên trung đội du kích Căm Hờn huyện Tiên Hưng,
tỉnh Thái Bình; Chính trị viên đại đội bộ đội, Khu Tả ngạn sông Hồng; tham gia
tiếp quản thị xã Hải Dương, ủy viên Thường vụ thị ủy, 1955. Ông nguyên là Tổng
biên tập báo Nhân Dân kiêm Chủ nhiệm Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên
truyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng các khoá VII, VIII, Ủy viên Ủy ban đối
ngoại Quốc Hội các khóa IX, X, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - văn hóa Trung ương
(1995-2001); nguyên Trợ lý Tổng Bí thư (2001-2006).
Nhà
báo Hữu Thọ làm báo chuyên nghiệp từ tháng 8/1957, là cây bút phóng sự điều tra
về nông nghiệp, nông thôn và tiểu phẩm thế sự có dấu ấn trong lòng bạn đọc. Ông
nghỉ hưu tháng 1/2007 và là một trong những nhà báo lão thành ở Việt Nam vẫn
tiếp tục viết báo, trao đổi ý kiến, giữ chuyên mục “Chuyện làm ăn”, “Bàn góp sự
đời” trên báo Nhân Dân Cuối tuần với bút danh Nhân Nghĩa, “Chuyện đời” trên tạp
chí Thế giới mới...[10].
Đại
hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII kết thúc bằng một cuộc họp báo hết sức cởi mở
giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với báo giới vào trưa ngày 1/2/2021. Tổng Bí
thư bắt đầu cuộc họp báo bằng một tâm sự của người từng làm báo. Tổng Bí thư
chia sẻ những khó khăn của nghề, đánh giá cao sự vào cuộc của báo chí trong
thời gian qua và cảm ơn báo chí đã giúp Đại hội thông báo với toàn Đảng, toàn
quân, toàn dân và bạn bè quốc tế về sự thành công hết sức tốt đẹp của sự kiện
chính trị quan trọng này.
Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng xuất thân từ một người làm báo. Tổng Bí thư đã có 29
năm công tác, rèn luyện và trưởng thành từ một nhân viên tập sự, rồi làm công
tác tư liệu trước khi viết báo và đảm đương cương vị Tổng biên tập Tạp chí Cộng
sản. Bởi lý do đó, Tổng Bí thư nắm được tư duy và phương pháp của người làm báo
và cũng biết được sự trăn trở, suy tư của người làm báo để có được một tác phẩm
báo chí tốt và kịp thời phục vụ công chúng.
Tạo
buổi họp báo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định các cơ quan báo chí và
đông đảo các nhà báo phục vụ Đại hội XIII của Đảng đã làm việc rất khẩn trương,
tâm huyết, trách nhiệm để cung cấp cho công luận nhiều tin, bài, hình ảnh về
diễn biến của Đại hội, phỏng vấn bên lề nhiều Đại biểu tham dự Đại hội về những
nội dung được tập trung thảo luận và cập nhật thông tin về công tác nhân sự của
Đại hội rất nhanh và chính xác. Tổng Bí thư khẳng định “Nếu báo chí không đưa
nhanh, bên ngoài rất dễ suy diễn. Nhưng báo chí đưa tin về Đại hội rất chính
xác và hay”, ông nhận xét.
Tổng
Bí thư nói, nhà báo là những người rất nhạy bén với cái mới và luôn tư duy để
tìm mọi cách để có được nguồn tin về những vấn đề mà xã hội quan tâm. Không
dừng lại ở việc phản ánh sự kiện hay vấn đề mà các nhà báo còn kịp thời phát
hiện những luồng tư tưởng “xấu”, phản bác, phê phán, bác bỏ những thông tin
không đúng sự thật. “Báo chí không chỉ phản ánh cái tốt mà còn phê phán cái
xấu”.
Tin
tưởng vào sự trưởng thành của báo chí nước nhà, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
bày tỏ mong muốn báo chí sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho các tầng lớp nhân dân
để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước của mỗi người dân đất Việt [11].
Gần
đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã công bố bài viết với tựa đề “Một số vấn đề
lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở
Việt Nam”[12]. Bài viết đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của dư luận xã
hội, đặc biệt là của các nhà nghiên cứu lý luận. Các nhà nghiên cứu cho rằng,
bài viết đã nêu một số vấn đề có nội hàm rộng lớn, phong phú trên cơ sở cả lý
luận và thực tiễn, đó là chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội
ở Việt Nam. Bài viết nhấn mạnh, chủ nghĩa xã hội đề cập ở đây là chủ nghĩa xã
hội khoa học dựa trên học thuyết Mác-Lênin trong thời đại ngày nay.
Tóm
lại, có thể khẳng định báo chí có vai trò to lớn đối với đời sống xã hội. Nghề
báo và những người làm báo luôn được xã hội coi trọng. Những nhà cách mạng,
người hoạt động chính trị - xã hội không những chỉ là công chúng của báo chí mà
họ còn là những nhà lãnh đạo, sáng lập và sáng tạo báo chí. Báo chí thực sự là
vũ khí sắc bén của các nhà cách mạng, nhà hoạt động chính trị - xã hội trên mặt
trận tư tưởng - văn hoá./.
PGS.TS.
Hà Huy Phượng
Giảng viên cao cấp Học viện Báo chí và Tuyên
truyền
Nguồn:dangcongsan.vn