Bắc Ninh ứng dụng công nghệ cao tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp
Sau 25 năm tái lập (1997 - 2022), từ nền sản
xuất nông nghiệp mang tính thủ công truyền thống, đến nay, tỉnh Bắc Ninh
đã tạo những bước đột phá trong ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông
nghiệp, góp phần nâng cao giá trị gia tăng, đảm bảo an ninh lương thực và
đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp.
Sử dụng máy bay không người lái
phun thuốc bảo vệ thực vật tại xã Mộ Đạo, huyện Quế Võ.
Năm 1997, tỉnh Bắc Ninh được tái lập, thời
kỳ này, nông nghiệp vẫn là ngành chiếm tỷ trọng lớn (chiếm tới 46% tổng sản
phẩm trên địa bàn), tổng giá trị chỉ đạt hơn 700 tỷ đồng/năm (giá cố định
1994), xếp thứ 8/10 tỉnh thành phố đồng bằng sông Hồng. Cơ sở hạ tầng, việc ứng
dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất còn khó khăn, hạn chế do đa số các hộ dân
vẫn duy trì phương thức thâm canh truyền thống, nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất chủ
yếu mang tính tự cung tự cấp, sức cạnh tranh và giá trị kinh tế nông sản không
cao...
Làm thế nào để nông nghiệp của tỉnh thực sự có
bước đột phá trong điều kiện diện tích đất nông nghiệp dần bị thu hẹp do chuyển
đổi sang công nghiệp, dịch vụ, đô thị là điều trăn trở của cấp ủy, chính quyền
các cấp trong tỉnh. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết, Đề
án, kế hoạch về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, hỗ trợ sản xuất nông
nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đầu tư hạ tầng nông nghiệp, nông thôn… với các
giải pháp đồng bộ, phù hợp với đặc điểm, tình hình của tỉnh và phát huy được
tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên
truyền nâng cao nhận thức của người dân về các chính sách hỗ trợ, khuyến khích
nông dân tích tụ ruộng đất, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập
trung; hỗ trợ nhân rộng các giống cây trồng, vật nuôi mới, hỗ trợ phát
triển công nghiệp chế biến, bảo quản, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa… nhằm sản
xuất các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, an toàn, phục vụ tiêu thụ
nội địa và xuất khẩu.
Mô hình trồng tía tô trong nhà lưới cho hiệu quả
kinh tế cao của Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm, xã Lâm Thao, huyện Lương
Tài.
Đến nay, nhiều tiến bộ khoa học
kỹ thuật về sản xuất giống, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, công
nghệ nhà lưới, nhà kính, làm đất, tưới tự động… đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Toàn tỉnh hiện đã xây dựng được 1.105 vùng sản xuất lúa năng suất, chất lượng
cao, mỗi vùng quy mô từ 3 ha trở lên; 24 vùng sản xuất cây ăn quả tập trung quy
mô từ 2 ha trở lên. Đã hình thành và phát triển được 72 cơ sở trồng trọt ứng
dụng CNC với tổng diện tích hơn 161 ha, trong đó có 25 cơ sở đạt tiêu chuẩn
VietGAP…
Vùng trồng hoa cao cấp tại xã
Phú Lâm, huyện Tiên Du.
Cùng với trồng trọt, lĩnh vực
chăn nuôi ứng dụng CNC cũng được đẩy mạnh, phương thức chăn nuôi chuyển dịch
theo hướng giảm chăn nuôi nông hộ, tăng chăn nuôi gia trại, trang trại, hình
thành những vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn. Toàn tỉnh hiện có 72 trang
trại chăn nuôi gia súc, gia cầm ứng dụng CNC. Các tiến bộ trong lai tạo giống
lợn siêu nạc cao sản; giống gà, vịt, ngan siêu thịt, siêu trứng; xử lý chất
thải chăn nuôi bằng công nghệ bể bioga, chế phẩm vi sinh... được nhiều doanh
nghiệp, cơ sở chăn nuôi áp dụng hiệu quả, góp phần tăng năng suất, bảo vệ môi
trường nuôi.
Phát huy tiềm năng mặt nước,
các địa phương đã khuyến khích nông dân mở rộng vùng nuôi trồng thuỷ sản tập
trung ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là khâu sản
xuất giống, quản lý môi trường, dịch bệnh…Trên địa bàn tỉnh hình thành 165 vùng
nuôi trồng thủy sản tập trung (mỗi vùng có diện tích từ 10ha trở lên) ở các
huyện Lương Tài, Gia Bình, Quế Võ… tổng diện tích khoảng 3.288ha. Mô hình nuôi
cá lồng trên sông tiếp tục phát triển với hơn 2.400 lồng, năng suất trung bình
4-6 tấn/lồng. Sản lượng thủy sản năm 2021 đạt gần 40.000 tấn, tăng gấp 9,5 lần
so với khi tái lập tỉnh.
Ứng dụng CNC trong chăn nuôi tại
HTX sản xuất VAC Tiến Thịnh, xã Phù Lương, huyện Quế Võ.
Nhờ triển khai đồng bộ các biện
pháp về cơ cấu lại nền kinh tế nông nghiệp, nhất là đẩy mạnh ứng dụng CNC nên
giá trị giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, từ 3.392 tỷ
đồng năm 1997 lên 8.247,8 tỷ đồng năm 2021; giá trị trên diện tích đất gieo
trồng tăng từ 17,2 triệu đồng/ha (năm 1997) lên 107,8 triệu đồng/ha (năm 2021).
Đặc biệt, tỷ trọng nông nghiệp ứng dụng CNC chiếm khoảng 30% giá trị toàn
ngành; an ninh lương thực được đảm bảo, thu nhập của nông dân không ngừng được
nâng cao. Trên địa bàn các huyện, thành phố đã và đang ngày càng xuất hiện
nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, sản xuất sạch, thân thiện với
môi trường, đảm bảo ATTP, trở thành điểm sáng của tỉnh, khu vực.
Sử dụng hệ thống quạt sục khí
tạo ô xy trong nuôi trồng thủy sản tại xã Trung Kênh, huyện Lương Tài.
Phát huy những thành tựu đã đạt
được, năm 2022 và những năm tiếp theo tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư cho lĩnh
vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng CNC khi Bắc Ninh trở thành tỉnh
công nghiệp, thành phố trực thuộc Trung ương, phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng
sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC của tỉnh đạt trên 40%. Để đạt được mục tiêu
trên, tỉnh tiếp tục rà soát, sửa đổi, ban hành các chính sách khuyến khích ứng
dụng CNC trong sản xuất. Tập trung quy hoạch các vùng chuyên canh phù hợp với
điều kiện, lợi thế của từng vùng; khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi
cho các doanh nghiệp, cơ sở, các hộ dân đầu tư sản xuất trồng trọt, chăn nuôi
tập trung, ứng dụng CNC, xây dựng chuỗi liên kết, thương hiệu nông sản, đẩy
mạnh chương trình OCOP… góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nền nông
nghiệp bền vững, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Nguồn:bacninh.gov.vn