Danh xưng Bắc
Ninh-Kinh Bắc mỗi lần nhắc là một lần dâng trào niềm tự hào về những giá trị
văn hóa, lịch sử, về phẩm chất, cốt cách người Quan họ. Bắc Ninh-thơm đất, đẹp
người. Không chỉ thơm phù sa bồi tụ, thơm cây lá cỏ hoa, thơm danh hương di sản
của tiền nhân, mà còn thơm trái tim thủy chung nặng nghĩa ân tình, thơm tấm
lòng, tình người, tình đời chưng cất qua thiên niên vạn đại để có một miền quê
văn hiến, trù phú, thấm đẫm huyền tích, huyền sử, huyền tình hôm nay...
Danh thơm muôn thuở
còn truyền
Tỉnh Bắc Ninh là tên gọi được đặt vào thời nhà Nguyễn năm 1831, đời vua Minh
Mệnh. 190 năm qua là khoảng thời gian chẳng thể thấm tháp so với chiều dài hàng
nghìn năm lịch sử của vùng đất Luy Lâu- Kinh Bắc vốn được mệnh danh là cái nôi
của người Việt cổ.
Ngược về ngọn nguồn lịch sử, từ khoảng 4000 năm về trước, khi mực nước biển rút
dần để lại một vùng châu thổ sông Hồng màu mỡ, những người Việt cổ đầu tiên đã
đến khai phá, lập ấp, lập làng ở Bắc Ninh mà theo cách định danh của các nhà
khảo cổ học, đó chính là cư dân của văn hóa Phùng Nguyên, Đông Sơn...
Nguồn sử liệu cho biết, từ đầu thời kỳ Bắc thuộc trở về trước, Bắc Ninh đã là
một trung tâm đông dân, giàu có. Vùng Dâu-Luy Lâu từng là trung tâm chính trị,
kinh tế-thương mại, văn hoá-tôn giáo lớn và cổ xưa nhất của Việt Nam. Đây cũng
là nơi đầu tiên Phật giáo Ấn Độ du nhập vào Việt Nam, trở thành trung tâm Phật
giáo lớn nhất cả nước. Bắc Ninh còn là quê hương của Vương triều Lý vàng son
hưng thịnh góp công khai mở nền văn minh Đại Việt.
Trong dòng chảy của nền văn minh sông Hồng, Bắc Ninh do được bồi tụ phù sa bởi
nhiều con sông lớn nên đất đai màu mỡ, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt,
lại có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, thuận tiện trong giao lưu kinh tế, văn
hoá với các vùng miền cả nước. Vì thế, Bắc Ninh đã hấp dẫn người dân mọi miền
tới làm ăn sinh sống, trở thành miền quê trù phú, kinh tế phát triển vào bậc
nhất trong “tứ trấn” của Thăng Long xưa. Nơi đây dày đặc các di tích chùa tháp,
đình đền, lăng tẩm được xây dựng qua nhiều triều đại phong kiến, trở thành
những danh thắng lịch sử giá trị, là nơi tham quan của khách thập phương.
Đền Đô - Nơi thờ
các vị Vua Triều Lý.
Cũng chính bởi có cuộc sống sung túc, thanh nhàn, phong lưu nên cư dân Bắc
Ninh-Kinh Bắc mới sáng tạo ra nhiều lễ hội và các loại hình nghệ thuật diễn
xướng dân gian đặc sắc, những làn điệu dân ca, dân vũ, làng nghề thủ công
truyền thống khiến người đời cứ mãi tấm tắc ngưỡng mộ: Có ở đâu như Bắc Ninh,
đất của lễ nghi, của những niêm những luật ngàn năm xông trầm khói tỏa, của
miên man hội hè, đình đám! Có ở đâu như Bắc Ninh mà cả làng vẽ tranh, cả làng
cùng ca hát, diễn xướng! Có ở đâu mà không khí sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tràn
đầy để “một làn nắng cũng mang điệu dân ca” như thế!?
Mạch nguồn văn hóa kết đọng từ ngàn đời ấy đã thấm lặn vào trong nếp ăn ở, nếp
tư duy, ứng xử và đời sống sinh hoạt vật chất, tinh thần của các thế hệ. Từ đó
kết tinh thành giá trị nổi bật của người Bắc Ninh-Kinh Bắc với cốt cách nho
nhã, thanh cao trong tư duy, tình cảm, tâm hồn; với vẻ đẹp lịch lãm, đằm thắm,
nghĩa tình trong giao tiếp ứng xử - “Nghĩa người em bắc lên cân/ Bên Vàng nặng
chín, bên Ân nặng mười”.
Vừa qua, khi về thăm, chúc Tết Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Bắc Ninh,
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có lời nhắn nhủ rằng: “Trong mọi thời kỳ lịch sử,
vùng quê Kinh Bắc - Bắc Ninh đã sản sinh ra những anh tài nhân kiệt, được lịch
sử dân tộc ghi danh, là hình ảnh rất rõ nét đại diện cho đặc trưng sĩ phu Bắc
Hà về học vấn - nhân cách - khí tiết. Chính vì lẽ đó, tôi rất mong quê hương
Bắc Ninh chúng ta sẽ tiếp tục phát huy sao cho mỗi khi nhắc đến Bắc Ninh là
nhắc đến một vùng quê giàu đẹp, văn minh, thanh lịch; người Bắc Ninh hào hoa,
tài giỏi, sống có nghĩa, có tình, mang đậm bản sắc của “người Kinh Bắc”; cán
bộ, đảng viên càng phải hết lòng, hết sức tận tâm, tận lực vì nước, vì dân”.
Thăng hoa nguồn cội
Tự hào thừa hưởng kho báu di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô giá, người
Bắc Ninh hôm nay không chỉ nỗ lực bảo vệ, gìn giữ di sản của tiền nhân mà còn
luôn sáng tạo, thăng hoa để nhân lên giá trị mới, tạo nguồn động lực mạnh mẽ
cho quê hương bứt phá, tự tin, bản lĩnh trong dòng chảy hội nhập quốc tế.
Cùng chiều dài lịch sử, những di tích được bảo giữ trường tồn trong lòng Bắc
Ninh nay đã trở thành những điểm đến tạo dấu ấn nổi bật của văn hóa Kinh Bắc.
Đó là lăng và đền thờ Thủy tổ dân tộc Kinh Dương Vương; là chùa Dâu - chốn tổ
đình của dòng thiền Phật giáo Việt Nam; là Đền Đô nơi thờ các bậc tiên vương
triều Lý; là chiến tuyến Như Nguyệt mà bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên “Nam
quốc sơn hà” vẫn vang vọng khắp non sông từ ngàn đời...
Quê hương Bắc Ninh trù
phú, giàu bản sắc.
Nhiều di sản được nâng
tầm thế giới, minh chứng cho sự trường tồn bất biến của các giá trị văn hóa.
Nổi bật là 4 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh gồm: Dân ca Quan
họ, Ca trù, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, Nghi lễ và Trò chơi
kéo co làng Hữu Chấp. Trong đó, Dân ca Quan họ Bắc Ninh - Di sản văn hóa phi
vật thể đại diện của nhân loại đã đạt tới trình độ cao, hoàn chỉnh cả âm nhạc,
lời ca và hình thức trình diễn, tạo sắc thái độc đáo riêng của văn hóa Kinh
Bắc.
Vẻ đẹp miền Quan họ với sự bứt phá năng động ngày càng được bạn bè trong nước
và quốc tế biết đến. Bây giờ, đến đâu trên quê hương Bắc Ninh cũng cảm nhận
thấy sự đổi thay qua mỗi nếp nhà, đường làng, ngõ phố. Các giá trị văn hóa
truyền thống và hiện đại đan xen hòa hợp. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng
đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh lan tỏa sâu rộng, ghi
dấu đậm nét qua hệ thống thiết chế văn hóa hiện đại, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở.
Đặc biệt, người dân Bắc Ninh luôn ý thức giữa niềm tự hào và trách nhiệm, bảo
ban nhau trân trọng nền nếp gia phong, giữ gìn phẩm chất, cốt cách của người
Kinh Bắc, sống có nghĩa có tình, đoàn kết, tương trợ nhau trong mọi hoàn cảnh.
Sau 190 năm lập tỉnh từ nền móng vững chắc của lịch sử, văn hóa hàng nghìn năm,
người dân Bắc Ninh các thế hệ không ngừng sáng tạo, xây dựng quê hương phát
triển rạng rỡ, xứng với danh thơm miền văn hiến. Thời gian qua đi, những di
tích đền đài, chùa tháp sẽ càng thêm cổ kính, rêu phong, những giá trị văn hóa
của vùng đất vùng người Bắc Ninh-Kinh Bắc sẽ vẫn mãi thơm hương và tiếp tục
được phát huy trường tồn trong thời đại mới
Nguồn:baobacninh.com.vn