Bài 2: CHÌA KHÓA THÀNH CÔNG
Bắc Ninh hôm nay không chỉ lắng hồn núi sông ngàn năm trong dòng chảy văn hóa, lịch sử, giàu trầm tích, di sản mà còn là một miền quê trù phú, năng động chuyển mình với những khát khao, hoài bão và tầm nhìn thời đại. Ngay sau ngày tái lập tỉnh (1-1-1997) thế hệ lãnh đạo đầu tiên đã thể hiện tốc độ tư duy vượt thời gian. Những chủ trương và quyết sách đúng hướng, đúng thời điểm về phát triển giao thông; xây dựng nông thôn gắn với phát triển đô thị; quy hoạch, xây dựng các KCN và chiến lược thu hút xúc tiến đầu tư như “chìa khóa vạn năng” giúp Bắc Ninh trở thành địa phương có môi trường đầu tư hấp dẫn và phát triển năng động, toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
Chìa khóa thành công của Bắc Ninh thể hiện qua tư duy đột phá, phát triển mạng lưới giao thông kết nối các vùng trong tỉnh. Trong ảnh: Bí thư Tỉnh ủy Ngô Đình Loan và Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Văn Luật thăm công trường xây dựng cầu Hồ năm 1998. Ảnh: Phúc Bằng
Tập trung lý trí vào những điều chúng ta muốn
Năm 1997, tỉnh Bắc Ninh được tái lập trong bối cảnh hết sức khó khăn: Nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, manh mún; hệ thống giao thông, hạ tầng nông thôn xuống cấp, hai vùng Nam-Bắc Đuống chia cắt rõ... Ông Ngô Đình Loan, Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên sau tái lập tỉnh nhớ lại: Những ngày đầu, Bắc Ninh gặp muôn vàn khó khăn cả về con người cũng như cơ sở vật chất, điều kiện làm việc. Thế nhưng, tuyệt nhiên không một ai nản chí, tất cả đều tin tưởng vào một tương lai tươi sáng. Mỗi người đều tràn đầy khát vọng và luôn trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh mới tái lập. Trong nhiều việc quan trọng phải chỉ đạo, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc Quy hoạch đô thị Bắc Ninh và KCN tập trung, phấn đấu Bắc Ninh sau này phải trở thành tỉnh công nghiệp; trước mắt xây dựng 2 KCN tập trung Tiên Sơn và Quế Võ; phát triển mạng lưới giao thông kết nối các vùng trong tỉnh; chuyển đổi cơ cấu mùa vụ; chăm lo đào tạo cán bộ và quan tâm an sinh xã hội.
Các thế hệ lãnh đạo của tỉnh tập trung trí tuệ, hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Bắc Ninh với tầm nhìn xa nhưng vẫn gắn với thực tiễn địa phương, thể hiện một khát vọng xây dựng quê hương bằng tư duy khoa học, nhạy bén trước thời cơ, cơ hội cho phát triển: Nền tảng là nông nghiệp-nông thôn nhưng đổi mới cơ chế, cơ cấu, tư duy; từng bước cải tạo hạ tầng nông thôn theo hướng đô thị, trong đó điện, đường, trường, trạm là cơ sở căn bản chuẩn bị điều kiện liên thông sang phát triển công nghiệp.
Bí thư Tỉnh ủy Đào Hồng Lan, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn cùng lãnh đạo Thành ủy Bắc Ninh thăm dây chuyền sản xuất Công ty TNHH TAE WON HD (Cụm công nghiệp Khắc Niệm). Ảnh: D.H
Hàng loạt các công trình điện, trạm bơm như Tân Chi, Phùng Dị, Phú Mỹ, Văn Thai, Hán Quảng... cùng hạ tầng nông nghiệp và nông thôn được ưu tiên đầu tư đáp ứng yêu cầu sản xuất; hệ thống đê, kè được cứng hoá. Đồng thời phát động phong trào tích tụ ruộng đất, cải tạo ruộng trũng 2 vụ bấp bênh thành hàng nghìn mô hình V.A.C tổng hợp. Đặc biệt tỉnh tập trung nguồn lực đưa Công ty Nông sản Bắc Ninh nhỏ bé từng bước trở thành Tập đoàn DABACO cung cấp nguồn giống lợn, gà và thức ăn chăn nuôi vươn tầm quốc gia, quốc tế.
Những bước khởi đầu quan trọng ấy đã giúp năng suất cây trồng, vật nuôi tăng cao, từng bước phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Từ mô hình dồn điền đổi thửa ở Mộ Đạo, Quế Võ đã mở ra toàn tỉnh, thúc đẩy tích tụ ruộng đất, sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp. Đó là giải pháp đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy việc cơ giới hóa, giảm chi phí, nâng cao thu nhập, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa. Rõ ràng chìa khóa thành công không phụ thuộc nhiều vào quy mô mà quyết định bởi tư duy, nhất là tốc độ tư duy khoa học, thực tiễn.
Đến nay, toàn tỉnh có gần 15.000 ha đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất hàng hóa gắn với tiêu thụ nông sản. Trong lĩnh vực trồng trọt có hơn 500 vùng sản xuất lúa từ 3 ha trở lên, có hơn 70 vùng chuyên canh từ 5 ha trở lên; hình thành 162 vùng nuôi thả cá tập trung từ 10 ha trở lên và 160 cơ sở nuôi cá lồng trên sông với hơn 2.000 lồng.
Quy hoạch phát triển giao thông, xây dựng các Khu công nghiệp, đô thị hiện đại là tư duy đột phá
Tầm nhìn được các thế hệ lãnh đạo tỉnh thông qua việc xây dựng và triển khai các Nghị quyết của Tỉnh uỷ mà khởi đầu là Nghị quyết 01 về phát triển giao thông; 02/NQ-TU ngày 4-5-2001 về “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và phát triển các KCN gắn với phát triển đô thị theo hướng hiện đại hóa”.
Cùng với cầu Hồ, cầu Bình Than và mở rộng, xây dựng đường 295B, Quốc lộ 1, 38, 18, nút giao khu công nghiệp Yên Phong với QL18, nút giao Tây Nam thành phố Bắc Ninh và các tuyến đường nội tỉnh... đã phá vỡ thế chia cắt, tạo sự liên thông trong tỉnh và kết nối vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, kết nối với Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, Cảng Cái Lân... đưa Bắc Ninh hòa nhập vào tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội-Quảng Ninh-Hải Phòng . Giao thông nội tỉnh phát triển như những mạch máu mang nguồn dinh dưỡng giúp tỉnh có cơ hội quy hoạch các khu đô thị, xây dựng các khu công nghiệp tập trung, thu hút đầu tư đánh thức một vùng đất vốn bình lặng.
Chủ trương phát triển các khu công nghiệp, xây dựng đô thị hiện đại làm khâu đột phá, tạo động lực chính để thu hút đầu tư tiếp tục được khẳng định qua các kỳ Đại hội Đảng. Tại Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII, Bắc Ninh đặt mục tiêu đến năm 2015 cơ bàn trở thành tỉnh công nghiệp và đến hôm nay, những sự kế thừa, tiếp nối một lần nữa được khẳng định. Toàn Đảng, toàn dân Bắc Ninh tiếp tục hướng tới xây dựng Bắc Ninh thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, đô thị công nghiệp văn minh.
Những dự định, khát vọng cho quê hương đối mới, phát triển luôn rực cháy, hiển hiện ngay trong những quyết sách, chủ trương của Tỉnh ủy-HĐND-UBND tỉnh. Ông Ngô Văn Luật, Chủ tịch UBND tỉnh đầu tiên của Bắc Ninh sau tái lập chia sẻ: Thời điểm đó Tỉnh ủy-HĐND-UBND tỉnh đã đặt ra 10 nhiệm vụ cấp bách định hướng phát triển Bắc Ninh toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó cử ngay các đoàn cán bộ vào tỉnh Bình Dương học tập kinh nghiệm “trải thảm đỏ” thu hút các nhà đầu tư và xây dựng các Khu công nghiệp tập trung. Đồng thời tập trung triển khai ngay hai việc là xây dựng Khu công nghiệp tập trung Tiên Sơn và các cụm công nghiệp làng nghề; về nông nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, lấy kinh nghiệm sản xuất vụ Đông Xuân của Trác Bút (Yên Phong) nhân rộng ra toàn tỉnh và khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất từng bước đưa cơ giới hóa vào quá trình canh tác.
Mô hình nông nghiệp công nghệ cao đưa nền kinh tế nông nghiệp Bắc Ninh theo hướng sản xuất hàng hóa.
Có thể khẳng định, phát triển công nghiệp được coi là nhiệm vụ trọng tâm, là quyết tâm chính trị của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh. Những bước đi đầu tiên, Bắc Ninh chủ động phát huy tất cả những yếu tố mà tỉnh đang có, tiếp nhận doanh nghiệp có thiện chí về với tỉnh. Giai đoạn 1997-2000, chủ trương phát triển công nghiệp quan tâm nhiều đến số lượng để tạo một bước đệm vững chắc. Giai đoạn 2000-2006, công nghiệp Bắc Ninh được quy hoạch theo hướng nâng cao chất lượng, tỉnh thực hiện chiến lược “trải thảm đỏ” nhằm tạo làn sóng đầu tư mới vào các KCN tập trung. Từ năm 2007, cùng với phát huy nội lực, Bắc Ninh tận dụng thời cơ hội nhập quốc tế mở ra cơ hội xúc tiến, thu hút đầu tư vào các KCN Bắc Ninh. Từ đây, Bắc Ninh tập trung xúc tiến thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các dự án điện tử công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ từ các quốc gia, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, hướng tới thị trường đầu tư từ Mỹ và khối EU.
Sự phát triển của Bắc Ninh có nhiều điểm uốn quan trọng thể hiện tính tiếp nối và mang yếu tố đột phá về cơ cấu kinh tế. Trong đó, 3 điểm uốn quan trọng tạo nên những đột phá của Bắc Ninh là: Năm 2001, ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất đánh dấu sự chuyển dịch về cơ cấu kinh tế; Năm 2011, lần đầu tiên tỷ trọng khu vực FDI cao nhất cho thấy tác động của FDI tới chiến lược và chính sách phát triển của tỉnh. Hiện tại Bắc Ninh đang chờ đón điểm uốn mới dựa trên sự tăng trưởng về mặt không gian đó là trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Chính sự tiên phong, sáng tạo, chất lượng trong lãnh đạo điều hành đã giúp Bắc Ninh phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, ứng dụng công nghệ đưa nông nghiệp sang hướng sản xuất hàng hóa tập trung, kiến tạo nông thôn mới gắn với đô thị, tạo nền tảng cao hơn, đưa Bắc Ninh tiến gần hơn với mục tiêu xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương.
Nguồn:baobacninh.com.vn