Bắc Ninh sau 05 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/U của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an toàn thực phẩm”

 Sau 05 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 06/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an toàn thực phẩm”, Bắc Ninh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện. Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; có sự phân công, phân cấp rõ ràng, phù hợp; trách nhiệm của chính quyền các cấp, nhất là chính quyền cơ sở và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm được nâng cao; qua đó góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết, các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị trong tỉnh đã coi đây là nhiệm vụ thường xuyên; chủ động đánh giá tình hình, xây dựng và triển khai các chương trình hành động, kế hoạch, các văn bản chỉ đạo, từng bước giải quyết những khó khăn, thách thức về công tác an toàn thực phẩm (ATTP) tại địa phương. Trong 5 năm qua, tỉnh đã ban hành hơn 200 văn bản chỉ đạo; các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc ban hành hơn 400 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết; 95% đảng ủy các xã, phường, thị trấn, các chi bộ nông thôn, trường học.. cũng ban hành nghị quyết, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết. Việc quán triệt, triển khai nghị quyết được thực hiện nghiêm túc, tỷ lệ cán bộ, đảng viên tham gia học tập đạt 94%; công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết được triển khai thường xuyên. Qua đó, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể đối với vấn đề công tác đảm bảo ATTP được nâng lên rõ rệt.

Bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực tham gia vào công tác quản lý về ATTP với các giải pháp đồng bộ. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng thông qua phương tiện thông tin đại chúng, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hoạt động sân khấu hóa, tập huấn, tuyên truyền, băng zôn, khẩu hiệu, tờ rơi…Theo đó, 5 năm qua đã tổ chức 5.436 hội nghị tập huấn, tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức về ATTP; tổ chức 03 hội thảo khoa học; xây dựng 97.198 tin, bài, phóng sự, chuyên đề, chuyên mục,.. tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; đẩy mạnh truyền thông qua mạng xã hội Zalo, facebook.... Cấp phát, treo hơn 5.400 băng zôn, khẩu hiệu, pa nô; in, phát hành 865.702 tờ rơi, poster, 947 đĩa thông điệp truyền thông, hơn 10.000 cuốn bản tin, 320 sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ. Các ngành, đoàn thể cũng tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Hội thi “Phụ nữ hát quan họ tuyên truyền an toàn thực phẩm”, “An toàn thực phẩm cho học sinh tiểu học” và nhiều hội diễn, tiểu phẩm ngắn về đảm bảo ATTP; xây dựng 48 mô hình ATTP; xây dựng, duy trì 72 hợp tác xã, tổ liên kết về sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn, 2 câu lạc bộ “Phụ nữ kinh doanh thực phẩm an toàn”…

Cùng với công tác tuyên truyền, công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm. Trong 05 năm, đã tiến hành thanh, kiểm tra 22.013 lượt cơ sở, số cơ sở đạt chiếm 64,2%, cơ sở vi phạm chiếm 35,8%; xử phạt 2.314 cơ sở với tổng số tiền 9.441.516.000đ, số tiền phạt trung bình 4,08 triệu đồng/cơ sở. Tiến hành lấy 498 mẫu hậu kiểm; thu hồi và thông báo dừng lưu thông đối với 45 sản phẩm; tịch thu, tiêu hủy, bán phát mại đối với 35.056 kg sản phẩm động vật, bánh kẹo, nguyên liệu thực phẩm, 12 tấn hoa quả và nhiều loại thực phẩm khác… Qua thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đã góp phần chấn chỉnh, nâng cao ý thức và trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trong việc chấp hành các quy định của Nhà nước về ATTP.

Công tác quản lý chất lượng sản phẩm thực phẩm sản xuất, lưu thông trên địa bàn tỉnh được kiểm soát chặt chẽ. Trong 05 năm, đã thực hiện cấp 764 giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm; 31 giấy xác nhận hồ sơ quảng cáo; tiếp nhận 2.367 sản phẩm tự công bố; tiến hành lấy 58.883 mẫu giám sát mối nguy kiểm nghiệm chỉ tiêu về ATTP. Tỷ lệ cơ sở được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP/ký bản cam kết đảm bảo ATTP đạt 96,15%. Việc xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn, mô hình sản xuất nông nghiệp, hệ thống phân phối thực phẩm an toàn được chú trọng. Toàn tỉnh đã xây dựng và hình thành 298 cơ sở sản xuất, nuôi trồng đạt theo tiêu chuẩn VietGAP; 1.105 vùng lúa năng suất, chất lượng cao quy mô tập trung từ 3 ha trở lên; 95 vùng rau, cây ăn quả; 750 trang trại chăn nuôi;162 vùng nuôi thủy sản tập trung. Xây dựng 27 mô hình sản xuất ban đầu theo chuỗi, xác nhận 49 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; 55 sản phẩm thực phẩm đạt chứng nhận OCOP. Xây dựng, triển khai thực hiện 11 đề án, tiểu đề án; 06 mô hình về đảm bảo ATTP...

 Sau 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, MTTQ và đoàn thể các cấp đối với công tác đảm bảo ATTP được nâng lên rõ rệt. Công tác đảm bảo ATTP được các địa phương, đơn vị xác định là nhiệm vụ tập trung, ưu tiên trong chỉ đạođưa vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm; là một nội dung trong xây dựng nông thôn mới, tiêu chí để bình xét gia đình, khu dân cư, cơ quan, đơn vị. Các cấp, các ngành đã có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ; công tác phân công, phân cấp cụ thể, rõ ràng; việc thành lập thí điểm mô hình Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh đã thống nhất đầu mối, giúp việc triển khai thực hiện công tác quản lý về ATTP được toàn diện, xuyên suốt và hiệu quả.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác chỉ đạo, triển khai hoạt động đảm bảo ATTP ở một số cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở còn mang tính hình thức; hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP xã, phường, thị trấn còn chưa thực sự hiệu quả; công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP chưa thực sự triệt để. Hoạt động kiểm soát an toàn và truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại các chợ khó khăn. Việc xây dựng và phát triển các vùng sản xuất nông sản an toàn, chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ còn chậm...

Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Bắc Ninh tiếp tục quán triệt, phổ biến và thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương về công tác ATTP; tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, trách nhiệm của người đứng đầu; phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể, tầng lớp nhân dân trong công tác đảm bảo ATTP. Đẩy mạnh quản lý ATTP sang kiểm soát theo quá trình; tăng cường hoạt động truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Tăng cường công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra và nâng cao năng lực kiểm nghiệm ATTP. Tiếp tục rà soát, quy hoạch và xây dựng các vùng sản xuất nông sản an toàn; triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, mô hình về ATTP, thực hiện điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới. Tiếp tục củng cố tổ chức, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về ATTP. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, giải pháp tiên tiến trong công tác quản lý ATTP. Đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng các nguồn lực tài chính thực hiện công tác đảm bảo ATTP. Phấn đấu giảm mạnh số vụ ngộ độc thực phẩm đông người, giảm tỷ lệ mẫu thực phẩm kiểm tra không đảm bảo an toàn, tăng tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được kiểm tra đạt yêu cầu so với giai đoạn trước….

TRẦN DANH PHƯỢNG,

                      Phó Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập