HĐND tỉnh vừa ban hành Nghị quyết số 230/NQ-HĐND phê duyệt “Đề án Chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2024 - 2030” với tầm nhìn đến năm 2030, Bắc Ninh trở thành “Thành phố vì tương lai”, tiên phong sử dụng công nghệ số và dữ liệu để nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, giải quyết các thách thức của đô thị, phát huy bản sắc văn hóa Kinh Bắc, cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững.
Một góc thành phố Bắc Ninh.
Theo đó, tỉnh Bắc Ninh xác định chuyển đổi số là cơ hội, tạo bứt phá, vươn lên, là một nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững đến năm 2030, là trọng tâm của đổi mới sáng tạo. Chuyển đổi số gắn liền với cải cách thể chế, là trách nhiệm, quyết tâm của Đảng bộ và cả hệ thống chính trị tỉnh. Đây là hoạt động đặc thù, khó khăn, cần nhiều nguồn lực để thực hiện, do đó quá trình chuyển đổi số cần ưu tiên một số ngành, lĩnh vực và phù hợp tình hình thực tiễn ở từng thời điểm cụ thể; đối với những vấn đề mới, khó và phức tạp cần thực hiện thí điểm, triển khai thử nghiệm để tìm kiếm giải pháp phù hợp.
Chuyển đổi số phải đi đôi với tối ưu hóa quy trình và sẵn sàng từ bỏ cách làm truyền thống; các hoạt động cải cách hành chính phải gắn với thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số hiệu quả. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong theo dõi, giám sát, đo lường các kết quả, chỉ số đánh giá, lấy dữ liệu là cơ sở cho việc ra quyết định; tăng cường bảo đảm an toàn dữ liệu, an ninh mạng, bảo đảm nguồn nhân lực trong thực hiện chuyển đổi số.
Phấn đấu đến năm 2025, 80% dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 80% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 100% cơ quan Nhà nước các cấp ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh kiến nghị của người dân. Bắc Ninh nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước trên bảng xếp hạng đánh giá chỉ số Chuyển đổi số hằng năm; kinh tế số chiếm 20% GRDP của tỉnh.
Đến năm 2030, 100% dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; 100% hồ sơ công việc cấp tỉnh; 90% hồ sơ công việc cấp huyện và 90% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; giảm 30% thủ tục hành chính, mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp; 100% Sở, ngành, địa phương thực hiện số hóa các hồ sơ cập nhật vào các hệ thống thông tin chuyên ngành theo quy định. Bắc Ninh duy trì trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước trên Bảng xếp hạng đánh giá chỉ số Chuyển đổi số hàng năm; kinh tế số chiếm tối thiểu 35% GRDP; trên 80% dân số trong độ tuổi lao động có tài khoản thanh toán điện tử và duy trì chỉ số an toàn thông tin mạng thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước…