Bắc Ninh mở hướng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Từ năm 2016, khi Chính phủ phát động năm quốc gia khởi nghiệp, phong trào này đã nhanh chóng phủ khắp các lĩnh vực và lan tỏa ra cả nước. Tại Bắc Ninh, UBND tỉnh hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách ưu đãi về đất đai, hỗ trợ vốn….và thực hiện nhiều chương trình, đề án, giải pháp đột phá để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp như: Đề án phát triển doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ thanh niên, phụ nữ  khởi nghiệp… góp phần phát triển kinh tế - xã hội và tạo nền tảng quan trọng để DN vượt qua rào cản bước tới thành công.

Bài 1: Trao quyền làm chủ dự án phụ nữ khởi nghiệp

 

Khởi nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh là giải pháp để phụ nữ tự tạo việc làm, phát triển kinh tế. Với phẩm chất siêng năng, tinh thần vượt khó cùng sự hỗ trợ từ các chương trình, đề án, nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp, biến những thử thách thành cơ hội và khẳng định được vị thế của mình trong gia đình, xã hội.

 

Hiện thực ý tưởng sáng tạo

 

Mô hình trồng dưa lưới của chị Đào Thị Huế.

 

Dù diện tích vườn nhà rộng, nhưng do thiếu vốn đầu tư nên vợ chồng chị Nguyễn Thị Hà, anh Nguyễn Văn Thu thôn Chi Long, xã Long Châu (Yên Phong) loay hoay không phát triển được kinh tế. Thông qua các buổi sinh hoạt Hội phụ nữ, chị được tiếp cận nguồn vốn từ Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Tháng 5-2022, chị Hà được vay 2 tỷ đồng (mức vay cao nhất) cho dự án khởi nghiệp “chăn nuôi dê thương phẩm” với lãi suất ưu đãi 5%/năm, thời hạn vay 5 năm. Chị Hà chia sẻ:  2 tỷ đồng giúp tôi tự tin mở rộng quy mô dự án khởi nghiệp của mình. Với chu kỳ vay dài, lãi suất ưu đãi, nguồn vốn thực sự là động lực hiện thực cho những ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ Bắc Ninh.

Với suy nghĩ muốn “bật lên” trong làm ăn kinh tế thì phải đầu tư lớn. Khi có vốn, gia đình chị Hà phân khai, sử dụng hợp lý, thuê hơn 2.000 m2 đất do huyện Yên Phong quy hoạch khu chăn nuôi xa dân cư tại xã Long Châu xây dựng thành 3 dãy chuồng nuôi hơn 1.000 con dê. Chị kể vừa xuất bán cho khách hàng ở Hưng Yên  35 con dê, trọng lượng hơn 1 tấn thu về gần 200 triệu đồng. Bình quân mỗi tháng gia đình xuất bán khoảng 600 con, trọng lượng 35-40 kg/ con, giá bán thời điểm hiện tại 100 nghìn đồng/ kg.

 

Công ty Cổ phần thực phẩm Thơm Thực, phường Thanh Khương (thị xã Thuận Thành) vừa được giải ngân cho vay 1,5 tỷ đồng.

 

Chị Nguyễn Thị Thơm, Giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm Thơm Thực, phường Thanh Khương (thị xã Thuận Thành) vừa được Hội Phụ nữ và NHCSXH thẩm định, giải ngân  cho vay 1,5 tỷ đồng nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đề đầu tư thêm trang thiết bị hiện đại sản xuất các sản phẩm gia vị- thực phẩm. Hiện Công ty sản xuất hơn 70 mã sản phẩm gia vị thực phẩm các loại, được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và phân phối trên 30 tỉnh, thành từ miền Trung trở ra, trong đó có bốn sản phẩm đạt OCOP 4 sao, những sản phẩm này đều mang thương hiệu Chimax, là gia vị thân thuộc trong gian bếp của các bà nội trợ. Chị Thơm vui mừng: “Là doanh nghiệp sản xuất trực tiếp nên rất cần nguồn vốn, đặc biệt nguồn vốn ưu đãi để tiết giảm chi phí, tăng năng lực cạnh tranh, giá thành sản phẩm. Nguồn vốn ưu đãi chu kỳ vay 4 năm là điều kiện quan trọng giúp doanh nghiệp tiếp tục phát triển. Doanh thu 6 tháng đầu năm nay đạt 20 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 lao động”.

 

Cán bộ NHCSXH tỉnh họp với Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Phụ nữ quản lý.

 

Đầu năm 2023, chị Đào Thị Huế, thôn Bằng Lục, xã Thụy Hòa được Hội LHPN thẩm định và NHCSXH huyện Yên Phong giải ngân cho vay 1,5 tỷ đồng theo Đề án phụ nữ khởi nghiệp, để đầu tư trồng dưa lưới theo mô hình công nghệ cao.Trên diện tích 7.000 m2, chị xây dựng 5 nhà màng đầu tư hệ thống tưới nước tự động nhỏ giọt, giá thể…. hiện đại. Sản phẩm làm ra đều được tuân thủ theo tiêu chuẩn Vietgap đúng quy trình công nghệ sạch, chỉ dùng các chế phẩm sinh học nên vườn dưa cho năng suất cao,  bảo đảm an toàn về chất lượng được nhiều đơn vị về đặt hàng. Mô hình trồng dưa lưới của chị Huế tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động, với mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/tháng. Trang trại vừa được vụ dưa đầu tiên với sản lượng hơn 6 tấn, giá bình quân 30 nghìn đồng/ kg. Chị Huế cho biết: “Bắt tay khởi nghiệp, vốn là một trong những yếu tố tiên quyết cho sự thành công. Nếu không được NHCSXH  tiếp sức cho vay vốn thì tôi khó thực hiện thành công ý tưởng phát triển kinh tế của mình...”. 

Những mô hình, dự án phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh được tiếp sức, lan tỏa từ nguồn vốn ngân sách theo Đề án như Chị Hà, chị Huế, chị Thơm không còn hiếm ở Bắc Ninh. Trong đó phải kể đến dự án trồng rau sạch theo hướng nông nghiệp công nghệ cao của chị Hoàng Thị Ngát, thị trấn Đông Bình (Gia Bình) được vay 2 tỷ đồng; chị Đào Thị Hằng, xã Yên Trung (Yên Phong) vay 1,5 tỷ đồng, thời hạn 4 năm đầu tư sản xuất đồ gỗ; chị Trần Thị Lệ, xã Yên Giả (thị xã Quế Võ) vay 1,5 tỷ đồng đầu tư chăn nuôi theo mô hình tuần hoàn khép kín ….  Mỗi người có điểm xuất phát riêng, song họ chung đam mê, dám nghĩ, dám làm vượt qua khó khăn để hướng đến thành công.

 

Khẳng định tính ưu việt từ nguồn vốn phụ nữ khởi nghiệp

 

Dự án nuôi dê của vợ chồng chị Nguyễn Thị Hà, anh Nguyễn Văn Thu thôn Chi Long, xã Long Châu (Yên Phong) .

 

Thông qua các dự án khởi nghiệp của  phụ nữ, có thể thấy nguồn vốn chính sách của tỉnh thời gian qua đã được Hội LHPN và NHCSXH tỉnh cùng các ngành, địa phương triển khai, giải ngân một cách hiệu quả. Tại thị xã Quế Võ đang có dư nợ hơn 22 tỷ đồng, trong đó cho vay dự án phụ nữ khởi nghiệp gần 11 tỷ đồng. Hiện có 2 dự án được xét duyệt đang chờ nguồn vốn phân bổ để giải ngân, mỗi dự án 1 tỷ đồng. Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Quế Võ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên tiến hành rà soát, thẩm định các dự án đủ điều kiện được vay vốn khởi nghiệp hoàn thiện các thủ tục cần, giúp các hộ được tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng, thuận lợi.

 

NHCSXH tỉnh kiểm tra hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay khởi nghiệp tại thị xã Thuận Thành.

 

Bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh cho hay: Thực hiện Quyết định số 939 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp được UBND tỉnh Bắc Ninh giao cho Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ngành và NHCSXH tỉnh triển khai thực hiện từ năm 2018. Sau 5 năm các cấp Hội Phụ nữ giúp được 190 lượt dự án phụ nữ khởi nghiệp được vay vốn từ nguồn Ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH với tổng số vốn đã giải ngân luỹ kế là 144,3 tỷ đồng, trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc khơi dậy, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp của phụ nữ. Hội đặt ra mục tiêu “Trao cần câu thay vì trao con cá”, “trao phương tiện sinh kế”, trang bị kiến thức sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp, hướng dẫn cách sử dụng vốn vay hiệu quả…là cách mà Hội Liên phụ nữ các cấp và các tổ chức, đơn vị triển khai hỗ trợ, giúp nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn có việc làm, thu nhập và tự tin vươn lên trong cuộc sống. Nhiều ý tưởng khởi nghiệp/khởi sự kinh doanh” do TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức đã lọt TOP 5, TOP 20 ý tưởng xuất sắc nhất toàn quốc. Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi sự và phát triển kinh doanh của các LHPN trong tỉnh được thực hiện ở nhiều quy mô, phù hợp từng loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh. Qua đó góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế hộ, kinh tế hợp tác, doanh nghiệp nữ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh ngày càng phát triển.

 

Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh thẩm định dự án cho vay phụ nữ khởi nghiệp tại xã Phú Hòa (Lương Tài).

 

Các dự án vay vốn hỗ trợ khởi nghiệp của phụ nữ không chỉ sử dụng hiệu quả, đúng mục đích mà còn làm tốt công tác thu nợ, thu lãi. Ông Đàm Lê Văn, Giám đốc NHCSXH Bắc Ninh cho biết: “Chính thức được UBND tỉnh phân giao thực hiện giải ngân nguồn vốn khởi nghiệp cho phụ nữ và thanh niên từ năm 2018, NHCSXH tỉnh chỉ đạo các Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện phối hợp với chính quyền địa phương, các cấp Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên thực hiện nghiêm túc việc thẩm định hồ sơ, tiêu chuẩn vay vốn để giải ngân cho vay một cách hiệu quả nhất. Theo chủ trương của UBND tỉnh sẽ giao vốn theo từng giai đoạn, tuy nhiên dựa trên nhu cầu thực tế từ Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên đề xuất, các dự án khởi nghiệp nào thật sự tiềm năng, triển vọng trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp hỗ trợ, phát triển nghề truyền thống... thiếu vốn sẽ được ưu tiên trước. 6 tháng đầu năm 2023 nguồn vốn cho vay các dự án khởi nghiệp tăng 40,3 tỷ đồng so với cuối năm 2022. Chính sách vốn của tỉnh dành cho khởi nghiệp rất ưu việt không chỉ ở chỗ thúc đẩy đam mê làm giàu của các tổ chức, cá nhân mà còn hạn chế tình trạng tín dụng đen trên địa bàn tỉnh.

Nguồn:baobacninh.com.vn

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập