Đất Kinh Bắc từ ngàn xưa được biết đến là một
vùng địa linh nhân kiệt, gắn liền với những di tích lịch sử-văn hóa tiêu biểu
của dân tộc. Phát huy truyền thống, hôm nay, Bắc Ninh đang là một điểm sáng về
phát triển kinh tế-xã hội. Sau 25 năm kể từ ngày tái lập (1997-2022), với khát
vọng vươn lên, Bắc Ninh khẳng định vị thế trong khu vực kinh tế trọng điểm phía
Bắc, góp phần quan trọng vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập
quốc tế.
Trong ký ức của ông Nguyễn Tiến Chỉnh, nguyên
Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Bắc Ninh, cách đây 25 năm, ông cũng như hàng trăm
cán bộ, công chức, viên chức mang trong mình bầu nhiệt huyết, hăng hái bắt đầu
một cuộc hành trình mới: Trở về xây dựng, kiến thiết quê hương Bắc Ninh. Trong
câu chuyện với chúng tôi, ông kể: Những ngày đầu về xây dựng cơ sở mới gặp muôn
vàn khó khăn cả về con người cũng như cơ sở vật chất, điều kiện làm việc. Thế
nhưng, tuyệt nhiên không một ai nản chí, tất cả đều tin tưởng vào một tương lai
tươi sáng đang chào đón ở phía trước… Và mỗi ngày trôi qua, chứng kiến sự đổi
thay, theo dõi sự phát triển của quê hương, ông đều rất đỗi tự hào: Bắc Ninh đã
thực sự trở thành một vùng đất đáng sống!
Công việc của một nhà báo đồng hành với sự
phát triển của quê hương ngay sau những năm đầu tái lập tỉnh, tôi may mắn được
đi nhiều nơi và chứng kiến sự đổi thay về kinh tế - xã hội ở mọi miền quê trong
tỉnh; càng hiểu và trân quý những nỗ lực, cống hiến của các thế hệ lãnh đạo,
lớp lớp cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân tỉnh
đã dốc lòng, dốc sức để có một Bắc Ninh hôm nay.
Nằm trong bối cảnh chung của cả nước, ngay khi
tỉnh Bắc Ninh được tái lập, Tỉnh ủy-HĐND-UBND tỉnh đã bám sát và triển khai
thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo, chủ trương và các giải pháp điều hành phát
triển kinh tế - xã hội của Trung ương; đồng thời đã cụ thể hóa và đề ra các
nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với điều kiện của từng thời kỳ khác nhau. Toàn Đảng
bộ và nhân dân Bắc Ninh rất phấn khởi, đoàn kết một lòng chung sức xây dựng quê
hương, góp phần thực hiện chủ trương đẩy mạnh nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại
hóa, hướng tới mục tiêu xây dựng tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Tỉnh ủy-
HĐND- UBND tỉnh đã đề ra 10 nhiệm vụ cấp bách và thực hiện nhiều giải pháp phù
hợp với điều kiện của từng thời kỳ với quyết tâm Bắc Ninh phải đi nhanh hơn, đi
trước một bước so với lộ trình phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước.
Thành phố Bắc Ninh hôm nay
Trải qua một chặng đường không dài - 25 năm,
Bắc Ninh đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế-xã hội,
đóng góp quan trọng vào những kết quả chung của cả nước, trở thành cực tăng
trưởng của Vùng Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Trong đó, đáng chú ý
là, kinh tế luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao ở mức hai con số ở những giai
đoạn đột phá và đảm bảo tăng trưởng ổn định trong lúc khó khăn, kể cả giai đoạn
đặc biệt dịch bệnh năm 2020-2021; các loại hình kinh tế phát triển nhanh về quy
mô và đóng góp lớn cho kinh tế của tỉnh, đặc biệt là đã thu hút được nhiều tập
đoàn kinh tế lớn, công nghệ hiện đại, sản phẩm có sức cạnh tranh cao. Nhờ vậy,
quy mô nền kinh tế tăng nhanh và đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp
công nghệ cao của cả nước.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng
Viện Nghiên cứu phát triển KTXH Bắc Ninh, trong năm qua, sự phát triển của Bắc
Ninh có nhiều điểm uốn quan trọng thể hiện tính tiếp nối và mang yếu tố đột phá
về cơ cấu kinh tế. Trong đó, 3 điểm uốn quan trọng tạo nên những đột phá của
Bắc Ninh phải kể đến: Năm 2001, ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất đánh
dấu sự chuyển dịch về cơ cấu kinh tế; Năm 2011, lần đầu tiên tỷ trọng khu vực
FDI cao nhất cho thấy tác động của FDI tới chiến lược và chính sách phát triển
của tỉnh. Hiện tại Bắc Ninh đang chờ đón điểm uốn mới dựa trên sự tăng trưởng
về mặt không gian đó là trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Chính sự đột
phá về cơ cấu kinh tế đang tạo nền tảng cao hơn, đưa Bắc Ninh tiến gần hơn với
mục tiêu xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương.
Tính chung 25 năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế
của Bắc ninh đạt 16,7%, cao hơn nhiều so với mức 7% bình quân chung cả nước.
Trong đó, khu vực CN-XD khẳng định vai trò đầu tàu với tốc độ tăng đạt 21,2%,
khu vực dịch vụ tăng 16,4%; khu vực nông nghiệp tăng 2,6%. Với tốc độ này, Bắc
Ninh không chỉ góp phần trở thành cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm
Bắc Bộ, vùng thủ đô mà còn đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng chung của cả
nước qua từng năm cũng như cả chặng đường 1/4 thế kỷ đã qua.
Đặc biệt, kết thúc năm 2021, Tổng sản phẩm
trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 6,9%, đứng thứ 13 cả nước; trong đó, quy mô GRDP
đứng thứ 8; GRDP bình quân đầu người xếp thứ 4; thu nhập bình quân đầu người
xếp thứ 5; hai chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu dẫn
đầu cả nước; thu ngân sách Nhà nước xếp thứ 8 toàn quốc. An sinh phúc lợi được
đảm bảo, Giáo dục, Văn hóa xã hội, giá trị di sản được bảo tồn và phát huy
truyền thống tốt đẹp của quê hương. Bắc Ninh – một tỉnh nhỏ nhất của cả nước
nhưng giàu có cả về vật chất, văn hóa và tinh thần.
Đất, trời đang chuyển mình vào xuân, những câu
hát của cố nhạc sĩ Phạm Tuyên làm ấm lòng người: Đảng đã cho ta một mùa xuân
đầy ước vọng/ Một mùa xuân tươi tràn ánh sáng khắp nơi nơi/ Đảng đã đem về tuổi
xuân cho nước non/ Vang tiếng hát ca chứa chan niềm yêu đời.
Xuân mới mang đến nhiều hy vọng trong chặng
đường tương lai. Mùa xuân năm 2022 cũng là dịp Bắc Ninh kỷ niệm 190 năm thành
lập tỉnh và 25 năm tái lập tỉnh. Thành tựu đạt được sau 25 năm xây dựng và phát
triển càng tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để Bắc Ninh tiếp tục chung sức, đồng
lòng, phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế, vượt qua mọi khó khăn, thử thách,
chiến thắng đại dịch COVID-19, đưa Bắc Ninh vào giai đoạn xây dựng tỉnh trở
thành đô thị văn minh, hiện đại, là thành phố trực thuộc Trung ương trong tương
lai không xa.
Nguồn:baobacninh.com.vn