Tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì và phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh. Khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do, mở rộng và đa dạng hóa các thị trường xuất, nhập khẩu. Công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục giữ vai trò động lực; công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao trở thành ngành mũi nhọn trong phát triển công nghiệp, đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao của cả nước.
Bắc Ninh với hạ tầng hiện đại, đồng bộ trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư từ hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ
Công nghiệp hỗ trợ từng bước phát triển, toàn tỉnh có 12/16 khu công nghiệp đi vào hoạt động; thành lập mới và triển khai 6 khu công nghiệp gồm Thuận Thành I, Yên Phong 2A, Quế Võ II và Quế Võ III (giai đoạn 2), Gia Bình và Gia Bình II, tỷ lệ lấp đầy trên diện tích đất công nghiệp cho thuê theo quy hoạch đạt 59,86%; thành lập 6 cụm công nghiệp là Lâm Bình, Cao Đức – Vạn Ninh, Yên Trung – Thụy Hoà, CCN làng nghề xã Song Hồ, CCN làng nghề Xuân Lai và CCN làng nghề Quảng Bố và phê duyệt bổ sung 2 cụm công nghiệp Quỳnh Phú và Yên Trung – Thuỵ Hoà vào quy hoạch. Thu hút nhà đầu tư Amkor Technology; Công ty TNHH Goertek Vina ...; đầu tư hạ tầng giao thông kết nối các khu công nghiệp. Tăng trưởng của ngành công nghiệp trong năm 2021, 2022 lần lượt đạt mức 9,9% và 6,9%; 6 tháng đầu năm 2023, do nền kinh tế Bắc Ninh hội nhập sâu, rộng chịu tác động mạnh của tình hình thế giới dẫn đến mức tăng trưởng sụt giảm.
Xác định hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp có vai trò hết sức quan trọng, góp phần thúc đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư; hình thành khu công nghiệp, khu chế xuất phục vụ hoạt động sản xuất hàng hóa lớn; tạo điều kiện đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội địa phương, Bắc Ninh tích cực đổi mới hình thức, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư. Tỉnh tổ chức thành công Chương trình gặp gỡ Hàn Quốc khu vực Bắc Bộ; Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước và hợp tác xã, hộ kinh doanh; tổ chức 2 hội nghị xúc tiến đầu tư với gần 100 doanh nghiệp và các hiệp hội, nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử đến từ Trung Quốc và Đài Loan. Lãnh đạo tỉnh tiếp và làm việc với Chủ tịch các Tập đoàn, Quỹ toàn cầu… đến thăm và tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư tại tỉnh.
Cầu Phật Tích-Đại Đồng Thành được xây dựng tạo hệ thống giao thông kết nối giữa Bắc Ninh và nhiều địa phương lân cận
Nhằm thu hút đầu tư nước ngoài và thực hiện chính sách FDI, tạo tác động đến việc khuyến khích tăng trưởng kinh tế, giải quyết bài toán tìm kiếm và duy trì vốn đầu tư. Bắc Ninh tập trung nghiên cứu tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư; xây dựng hình ảnh, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư. Đây là hoạt động nhằm thu hút, thể hiện sự hấp dẫn của các dự án đầu tư và cho nhà đầu tư thấy được tiềm năng phát triển mạnh mẽ của dự án, đồng thời giúp các bên tiếp cận và dần có “thiện cảm” với nhau. Chính vì vậy, tỉnh đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các địa phương, đơn vị thông qua việc ký kết Biên bản ghi nhớ giữa tỉnh Bắc Ninh và Thủ đô Hà Nội về việc trao đổi hợp tác kết nối giao thông và không gian đô thị; Chương trình hợp tác phát triển giữa hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh; ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa tỉnh Bắc Ninh và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Tập đoàn Viettel…Đặc biệt Bắc Ninh thành lập 10 Đoàn công tác của tỉnh tìm hiểu cơ hội hợp tác và xúc tiến đầu tư tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ (Mỹ, Châu âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông …)
Song song với thu hút đầu tư, Bắc Ninh luôn đồng hành, hỗ trợ, hướng dẫn, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư trong việc đáp ứng yêu cầu của “khách hàng” trước dự án trong tương lai. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2020 đến nay Bắc Ninh thu hút đầu tư nước ngoài cấp mới 420 dự án, với tổng vốn đăng ký 2.193 triệu USD; điều chỉnh vốn 307 dự án, với số vốn điều chỉnh tăng 2.331 triệu USD; 148 lượt góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp với 215,76 triệu USD. Tổng số đến nay, toàn tỉnh đã cấp 1.934 dự án, với tổng vốn đạt hơn 24,5 tỷ USD. Về phát triển doanh nghiệp, thành lập mới 7.305 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký 73.430 tỷ đồng; thành lập mới 2.687 đơn vị trực thuộc. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 17.722 doanh nghiệp, với tổng vốn 343.318 tỷ đồng và 5.283 đơn vị trực thuộc.
Với tầm nhìn chiến lược, Bắc Ninh tiếp tục xây dựng hình một vùng đất giàu tiềm năng và luôn sẵn sàng những cơ hội đầu tư hấp dẫn mang lại nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nâng cao tính cạnh tranh qua những lợi thế về địa lý, nhân lực, hạ tầng, chính sách...với các địa phương khác trong thu hút đầu tư nước ngoài.