Áp dụng công cụ cải tiến liên tục trong hoạt động của doanh nghiệp
Cải tiến liên tục (Kaizen), áp dụng các công cụ hỗ trợ tối ưu hóa quy trình sản xuất, loại bỏ lãng phí, tiết kiệm nguyên vật liệu là một đặc thù tiêu chuẩn của ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) và cũng là một trong các tiêu chí để trở thành nhà cung cấp của các Tập đoàn lớn.

 

Việc liên tục cải tiến còn bảo đảm chất lượng đồng đều của sản phẩm, giảm tỷ lệ lỗi hỏng, đáp ứng tốt các quy định về thời gian và tiến độ giao hàng. Đây là điểm mấu chốt để doanh nghiệp Việt Nam có thể cung ứng được cho các nhà lắp ráp nước ngoài, tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu và gia tăng giá trị của sản phẩm công nghiệp được chế tạo và sản xuất trong nội địa. Tuy nhiên, thực tế hiện nay một số doanh nghiệp được hỗ trợ áp dụng các công cụ quản lý trong sản xuất (từ các chương trình của Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và cả từ phía khách hàng FDI) nhưng sau thời gian hỗ trợ thì không thể tiến hành cải tiến liên tục do thiếu lưu trình và không xây dựng được thói quen, văn hóa cải tiến cho nhân viên.
Bắc Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 800 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó 70% doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất trong quản trị doanh nghiệp; giá trị sản xuất của CNHT chiếm khoảng 15% giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; chỉ số phát triển công nghiệp trong lĩnh vực này hàng năm tăng từ 8% - 9%; liên kết, xây dựng mạng lưới chuyên gia tư vấn, cải tiến doanh nghiệp trong và ngoài nước; mỗi năm tổ chức tư vấn, cải tiến cho từ 5-10 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn tham gia cung ứng cho Samsung và các doanh nghiệp FDI khác…
Để đạt được mục tiêu này, UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp. Bao gồm: Kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp CNHT trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực CNHT; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu. Hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm CNHT; nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu…

 

Ứng dụng Kaizen trong sản xuất chế tạo giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.


Từ nhiệm vụ đặt ra, trong năm 2023, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Bắc Ninh thực hiện đề án “Tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật để doanh nghiệp áp dụng công cụ cải tiến liên tục (Kaizen) trong sản xuất chế tạo”. Với mục tiêu là trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp CNHT tỉnh Bắc Ninh áp dụng mô hình Kaizen trong hoạt động sản xuất chế tạo; nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia cung ứng cho các Tập đoàn đa quốc gia và mạng lưới sản xuất toàn cầu và từ các mô hình điểm để nhân rộng, tăng cường hoạt động cắt giảm lãng phí trong các doanh nghiệp sản xuất nói chung.
Việc thực hành các công cụ cải tiến Kaizen bước đầu thể hiện như: Ứng dụng 3S (Sàng lọc, Sắp xếp, Sạch sẽ). Trong việc sàng lọc, sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, phân loại, bố trí nguyên vật liệu, thành phẩm gọn gàng, khoa học, dễ tìm kiếm hơn; vệ sinh công nghiệp các phân xưởng, có quy định về vệ sinh thường xuyên trong khu vực công ty. Ứng dụng hệ thống nhận diện lỗi tổn thất và giảm thiểu lỗi tổn thất trong sản xuất, bố trí lại sản xuất theo hướng khoa học, hiệu quả hơn theo đúng dòng chảy nguyên vật liệu. Ứng dụng công cụ quản lý chất lượng tổng thể (TOM - Total quality management) đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiều máy móc nhằm bảo đảm duy trì chất lượng hoạt động như: công việc tiêu chuẩn cho nhân viên đứng máy, hình ảnh hướng dẫn trực quan và hệ thống tiếp nhận lỗi bán tự động…
Việc áp dụng Kaizen sẽ nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh. Ngoài ra còn đem đến những kết quả tích cực làm thay đổi nhận thức của chủ doanh nghiệp, tác động đến tư duy cải tiến liên tục và nhận thức được vai trò quan trọng của cải tiến liên tục với sự phát triển của doanh nghiệp; tăng mức độ thể hiện trực quan công nghiệp cho các doanh nghiệp làng nghề từ tác phong làm việc công nghiệp của nhân công đến việc sắp xếp nhà máy, phân xưởng chuyên nghiệp có trực quan sinh động. Giúp các doanh nghiệp giảm thiểu lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực sẵn có, tối ưu hóa chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần tạo dựng văn hóa lan tỏa Kaizen đến các doanh nghiệp để từ đó nhân rộng mô hình đến nhiều nơi.
Cùng với hiệu quả thiết thực về năng suất lao động, Kaizen còn khuyến khích doanh nghiệp hăng hái trong chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 trong sản xuất công nghiệp; chuyển công nghiệp sang sản xuất, chế tạo, công nghệ cao; khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng sáng chế, sáng kiến từ doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu phát triển nước ngoài; nâng cao năng lực làm chủ công nghệ.
 

Nguồn:baobacninh.com.vn
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập