An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, phải áp dụng mọi biện pháp giãn cách để chống dịch, song vẫn phải sản xuất kinh doanh. Để thực hiện “mục tiêu kép”thì tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, công tác phòng, chống dịch vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu, bảo đảm theo phương châm “an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”.

 

 

An toàn để sản xuất
Quyết tâm bảo đảm an toàn cho sản xuất, ngăn chặn dịch xâm nhập vào các KCN, trên quan điểm “mỗi doanh nghiệp” là một “pháo đài chống dịch” UBND tỉnh có nhiều giải pháp chỉ đạo các doanh nghiệp (DN), nhà máy phải tuân thủ nghiêm các biện pháp, nguyên tắc chống dịch. Chỉ khi DN đáp ứng đầy đủ các quy định mới được phép hoạt động. Để giám sát việc thực hiện này, 40 Tổ công tác của tỉnh  đến từng doanh nghiệp kiểm tra, đánh giá về thực hiện các quy định cụ thể: Quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng chống, dịch COVID-19 tại nơi làm việc; Kế hoạch phòng, chống dịch; Đánh giá nguy cơ lây nhiễm; Các quy định về phòng, chống dịch của DN; Thành lập Tổ an toàn COVID-19 tại DN; Cam kết của người lao động tại nơi làm việc, nơi cư trú; Cam kết trong thực hiện phòng, chống dịch; xét nghiệm định kỳ 20% lao động hàng tuần… Từ ngày 1-6 đến nay, qua kiểm tra được 1.100 DN, kết quả đánh giá, có 929 DN (84,5%) xếp loại nhóm Rất ít nguy cơ và nhóm Nguy cơ lây nhiễm thấp, chỉ có 58 DN nhóm Nguy cơ lây nhiễm cao; không có DN thuộc nhóm Nguy cơ lây nhiễm rất cao... DN thuộc nhóm Nguy cơ lây nhiễm cao, Tổ công tác yêu cầu dừng hoạt động và thực hiện ngay giải pháp khắc phục hạn chế để giảm thiểu nguy cơ trước khi đi vào hoạt động trở lại. Đồng thời kiểm tra, đánh giá điều kiện quay trở lại làm việc đối với các doanh nghiệp sau khi có F0, đánh giá lại doanh nghiệp có nguy cơ cao…
Một trong những điểm quan trọng để bảo đảm an toàn cho sản xuất, là kiểm soát công nhân đầu vào, công nhân ít nhất phải trải qua 3 lần xét nghiệm (1 xét nghiệm nhanh, 2 lần xét nghiệm PCR) mới được vào nhà máy. Tuy nhiên do việc triển khai xét nghiệm sàng lọc bắt buộc hàng tuần cho người lao động gặp khó khăn khi di chuyển đến nơi xét nghiệm, hoặc phải chờ đợi do nhiều DN cùng tiến hành một thời điểm…Để khắc phục, Ban Quản lý các KCN phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tổ chức 12 lớp tập huấn hướng dẫn tự lấy mẫu xét nghiệm tại DN cho hơn 400 nhân viên y tế thuộc hơn 200 DN trong các KCN.
Theo đó, các DN tiếp tục duy trì xét nghiệm Sars-Cov-2 hàng tuần (tối thiểu 20% trên tổng số lao động đi làm). Bố trí nhân viên y tế (hoặc người đã được tập huấn) để lấy thêm mẫu Test nhanh ngay tại cổng nhà máy đối với những người có nguy cơ cao (lái xe, nhân viên giao hàng, khách hàng từ tỉnh/thành khác); yêu cầu tất cả mọi người trước khi vào DN phải thực hiện 5K, đeo kính chắn giọt bắn, hạn chế tiếp xúc. Những DN được tập huấn có thể tự xét nghiệm Test nhanh gửi kết quả về Sở Y tế/CDC về địa chỉ xndoanhnghiep@gmail.com, DN chưa được tập huấn đăng ký tập huấn theo mẫu về CDC Bắc Ninh theo địa chỉ skmt.covid19@gmail.com.

 

anh tin bai

1.104 doanh nghiệp trong các KCN đều tuân thủ nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn sản xuất.

 

Sản xuất phải an toàn
Đến nay, các KCN Bắc Ninh đã có 1.104/1.120 doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường so với trước khi có dịch, với tổng số lao động hiện tại so với Quý 2 là 314.203 người/320.485 lao động đã trở lại làm việc bình thường, lao động nước ngoài 7.216 người. Như vậy, cơ bản các DN trong KCN trở lại hoạt động bình thường, song với quan điểm “nới lỏng nhưng không buông lỏng”, tỉnh tiếp tục có các văn bản chỉ đạo yêu cầu DN trước khi bước vào sản xuất phải bảo đảm an toàn. Các DN tập trung bịt kín các khe hở mà virus có thể xâm nhập vào đó là: Lực lượng lao động trong nhà máy; chuyên gia nước ngoài; đội ngũ lái xe ra, vào nhà máy, các đối tác của DN.
Các DN trong thời kỳ này chỉ được sử dụng công nhân trong biên chế, không phải thời vụ. Người lao động sau khi có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính với COVID-19 sẽ được đưa về các khu lưu trú tập trung của công ty. Sau đó, tiếp tục được xét nghiệm thêm 2 hai lần để được vào nhà máy làm việc. Để bảo vệ nguồn công nhân “sạch” virus sau sàng lọc, các khu lưu trú có Tổ an toàn COVID-19 quản lý, có camera giám sát ngăn chặn sự tiếp xúc từ bên ngoài. Thiết lập hệ thống quản lý, bố trí người lao động theo 4 cùng: Cùng ở - Cùng đi làm - Cùng làm phân xưởng/tổ - Cùng ăn; quy định về vị trí ngồi ăn cố định đối với từng người theo từng ca; chỗ ngồi cố định trên xe đưa/đón. Trong thời gian làm việc, người lao động không được phép đi ra/vào những khu vực không liên quan khi chưa được sự đồng ý của cán bộ quản lý. DN sử dụng xe ô tô đưa đón tập trung người lao động đi lại hàng ngày giữa các tỉnh khác/thành phố khác (không áp dụng chỉ thị 16/CT-TTg) với tỉnh Bắc Ninh (không sử dụng xe máy; hàng tuần xét nghiệm 100% số lao động đi lại hàng ngày về các tỉnh/thành khác).
 Ngoài nguồn công nhân “sạch” virus, yêu cầu các lao động như bảo vệ, nhân viên bếp, vệ sinh (thường là thuê ngoài) cũng phải ở lại nhà máy, xét nghiệm mỗi tuần một lần. Đối với các chuyên gia, lãnh đạo công ty và các trường hợp đặc biệt khác có nhu cầu bắt buộc phải đi lại hàng ngày thì phải được Ban Quản lý các KCN đồng ý và thực hiện xét nghiệm 3 ngày 1 lần bằng phương pháp PCR-RT. Với các xe vận chuyển hàng hoá ra vào được phun khử khuẩn, tài xế phải có giấy xét nghiệm hiệu lực trong 72 tiếng, phải đeo kính giọt bắn và được bố trí địa điểm riêng tại nhà máy, tránh tiếp xúc với công nhân.
Tình hình dịch COVID-19 tại Hà Nội và các tỉnh phía Nam đang rất phức tạp kéo dài, Chính phủ và cả nước đang chung tay dành ưu tiên cho các địa phương đang có dịch bùng phát dịch mạnh, nguy hiểm đến tính mạng của người dân. Hiện tỉnh đã tiêm phòng vắc-xin (mũi 1) cho hơn 108 nghìn lao động trong KCN, Ban Quản lý các KCN, Sở Y tế Bắc Ninh đang lập kế hoạch để sẵn sàng tổ chức tiêm cho tất cả người lao động của các doanh nghiệp (mũi 2 và mũi 1) đã đăng ký. Tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đăng ký và xin Chính phủ hỗ trợ để tiêm cho toàn thể người lao động để đảm bảo sức khỏe, an toàn để phát triển sản xuất kinh doanh (không phân biệt người nước ngoài và người Việt Nam).
Các DN trong tỉnh đã được chuyển sang trạng thái bình thường mới với các phương pháp nới lỏng phù hợp hơn. Để không bất ngờ khi tình dịch trong tỉnh diễn biến phức tạp, vẫn xuất hiện F0 cộng đồng, các DN chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết, chuẩn bị sẵn sàng phương án “4 cùng” để triển khai thực hiện khi cần, phân công người theo dõi thống kê, bảo quản các trang thiết bị, các vật tư y tế phục vụ cho phòng, chống dịch. Trong đó, phải tuyên truyền, vận động người lao động “cùng đồng cam cộng khổ” vượt qua khó khăn. Đồng thời vận dụng linh hoạt các giải pháp, chính sách hỗ trợ của chính quyền, bởi các điều kiện lúc này đang được ví như thời chiến “chống dịch như chống giặc” chứ không phải thời bình để áp được những công thức cứng nhắc. Cùng với sự nỗ lực của chính quyền, các cấp, ngành, địa phương và của từng DN, về lâu dài để người lao động “an cư lạc nghiệp” cũng như tạo thuận lợi cho công tác quản lý, phòng, chống dịch, tỉnh đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án nhà ở công nhân.

                   Nguồn:baobacninh.com.vn

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập