Tỉnh luôn quan tâm chăm lo thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách ưu đãi NCC theo quy định của Đảng và Nhà nước, đồng thời ban hành nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi NCC đặc thù phù hợp với thực tế như: Hỗ trợ xây dựng và cải tạo nhà ở; hỗ trợ kinh phí đối với các trường hợp được phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng”; trợ cấp hàng tháng cho NCC và thân nhân NCC từ 70 đến dưới 80 tuổi; ưu đãi tín dụng, đào tạo nghề, tạo việc làm; hỗ trợ phát triển sản xuất; bố trí sắp xếp con liệt sĩ, thương binh nặng vào làm việc tại các cơ quan hành chính Nhà nước…
Mới đây nhất là chính sách đặc thù về chế độ điều dưỡng, phục hồi sức khỏe, rút ngắn niên hạn điều dưỡng 2 năm một lần để hàng năm NCC đều được điều dưỡng, phục hồi, chăm sóc sức khỏe. Sau 2 năm thực hiện đã có hơn 24 nghìn lượt NCC được điều dưỡng phục hồi sức khỏe theo chương trình với tổng kinh phí hơn 38 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh. Cũng chính thức từ ngày 1-7-2022, Đề án chi trả trợ cấp ưu đãi NCC qua hệ thống bưu điện được triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh, bảo đảm trợ cấp ưu đãi đến với NCC đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, đúng thời gian quy định.
Dâng hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Bắc Ninh.
Thực hiện cải cách hành chính trong việc tiếp nhận và giải quyết chính sách ưu đãi NCC, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 877/QĐ-UBND ngày 5-9-2022 về danh mục thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực NCC với cách mạng. Nhờ đó, các quy trình, thủ tục thực hiện giải quyết chế độ, chính sách được công khai trên các phương tiện truyền thông, đơn giản quy trình thực hiện và rút ngắn thời gian giải quyết, bảo đảm đúng, đủ trong thời gian ngắn nhất, thuận lợi nhất. Hiện có 29 thủ tục hành chính liên quan được công bố chuẩn hóa; trung bình mỗi năm, tiếp nhận giải quyết khoảng gần 2.000 hồ sơ thủ tục hành chính lĩnh vực NCC; riêng 6 tháng đầu năm 2023 tiếp nhận giải quyết 935 hồ sơ; 100% thủ tục hành chính được tiếp nhận, trả kết quả sớm và đúng hẹn tại Trung tâm Hành chính công tỉnh.
Chung tay cùng các cấp ngành, chính quyền, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” phát triển sâu rộng, huy động được sức mạnh của toàn xã hội tự nguyện tham gia các phong trào, gánh vác trách nhiệm chăm lo thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và NCC với cách mạng. Nhiều tổ chức đoàn thể vận động đoàn viên, hội viên nhận chăm sóc thường xuyên các công trình ghi công liệt sĩ. Nhiều tổ chức, cá nhân tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho NCC nhân dịp lễ, Tết; giúp đỡ, tạo điều kiện cho NCC và gia đình chính sách vươn lên trong cuộc sống...
Trong 5 năm (2017-2022), toàn tỉnh vận động được hơn 32 tỷ đồng cho Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; hỗ trợ NCC và thân nhân NCC khó khăn về nhà ở với hơn 2.700 nhà ở; tổ chức thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Ngày Thương binh Liệt sĩ (27-7), các ngày lễ lớn, Tết cổ truyền dân tộc hàng năm với tổng kinh phí hơn 369 tỷ đồng từ nguồn Trung ương và của tỉnh; 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng được phong tặng khi còn sống đều được các cơ quan, ban, ngành, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhận phụng dưỡng suốt đời…
Phó Giám đốc Sở LĐ - TB&XH Đoàn Xuân Thanh khẳng định: “Những chính sách đối với NCC của tỉnh luôn không ngừng được mở rộng về phạm vi, mức độ hỗ trợ, góp phần chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho NCC. Điều này thể hiện tình cảm, sự tri ân, quan tâm sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đối với những người đã cống hiến, hy sinh vì quê hương, đất nước, làm ấm lòng NCC với cách mạng. Đến nay toàn tỉnh không có hộ nghèo là NCC; 99,7% hộ gia đình NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú…”.
Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2023), UBND tỉnh ban hành Kế hoạch chỉ đạo các ngành, các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân, nhất là giáo dục cho thế hệ trẻ lòng biết ơn và tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; quan tâm thực hiện các chủ trương, chính sách về lĩnh vực NCC với cách mạng. Các địa phương tổ chức nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” như: Thăm viếng Nghĩa trang Liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ; thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho NCC… Riêng tỉnh trích ngân sách tặng quà cho hơn 26 nghìn lượt NCC, tổ chức nhiều đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo tỉnh dẫn đầu trực tiếp thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, các thương, bệnh binh tiêu biểu… Những việc làm cụ thể, thiết thực góp phần tô thắm thêm truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.
Đất nước thống nhất đã gần 5 thập kỷ, nhiều gia đình trên quê hương Bắc Ninh vẫn giữ tập quán thắp hương lên ban thờ tổ tiên hoặc đến viếng nghĩa trang liệt sĩ vào ngày 27-7 để tưởng nhớ những Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân. Đó cũng là minh chứng cho đạo lý trân trọng quá khứ, tri ân người có công với nước của dân tộc, thể hiện triết lý muôn đời: Có sự hy sinh ươm mầm cho sự sống, người người ngã xuống nhưng anh linh vẫn trường tồn cùng dân tộc và các thế hệ hôm nay.