Sau 5 năm triển
khai, kết quả xếp hạng DDCI (bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở,
ngành và địa phương) tỉnh Bắc Ninh theo từng năm đã tạo “sức nóng” để mỗi sở,
ngành, địa phương nhìn nhận lại chất lượng điều hành của đơn vị, địa phương
mình. Từ đó, có những kế hoạch, giải pháp mới, nhất là những quyết sách tác
động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm tạo môi trường thông
thoáng, thu hút doanh nghiệp tốt hơn.
Theo
kết quả công bố năm 2021, bảng xếp hạng và điểm số DDCI khối các sở, ban, ngành
cấp tỉnh ghi nhận đơn vị dẫn đầu là Cục Thuế với 71,74 điểm, kế đến là Ngân
hàng Nhà nước tỉnh với 71,69 điểm; Sở Kế hoạch và Đầu tư có số điểm cao thứ ba
với 71,13 điểm. Trong khi đó, các đơn vị tốp cuối như Ban Quản lý các Khu công
nghiệp, Cục Thi hành án dân sự tỉnh và Cục Quản lý thị trường tỉnh cũng có số
điểm lần lượt là 70,16 điểm, 70,02 điểm và 69,96 điểm. Như vậy, khoảng cách về
chất lượng điều hành ở khối các sở, ngành tiếp tục được thu hẹp. Còn tại bảng
xếp hạng DDCI cấp địa phương, thành phố Từ Sơn vươn lên dẫn đầu với 71,08 điểm
(thay vị trí của thành phố Bắc Ninh năm 2020); kế đến là huyện Quế Võ (71,05
điểm), huyện Tiên Du (70,23 điểm); cuối bảng xếp hạng là huyện Yên Phong với 69
điểm (giảm 1,16 điểm so với năm 2020). Thực tế, thứ tự xếp hạng có sự xáo trộn
về vị trí. Điều đó thể hiện mức độ, tốc độ nỗ lực cải cách khác nhau ở từng đơn
vị. Việc xếp hạng, thứ bậc không chỉ tạo áp lực cạnh tranh lên các đơn vị có
thứ hạng thấp, mà còn lên chính các đơn vị từng đạt thứ hạng cao nhằm giữ vững
vị trí đã đạt được.
Tiến
sỹ Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH tỉnh, cơ
quan thường trực nghiên cứu, đánh giá chỉ số DDCI cho biết: “Giá trị và sản
phẩm quan trọng nhất của DDCI không phải là bảng xếp hạng thứ bậc của các sở,
ban, ngành, huyện, thị mà chính là những bài học kinh nghiệm, những dư địa cải
cách được phát hiện và những khoảng cách cần được thu hẹp giữa nỗ lực của chính
quyền và kỳ vọng của doanh nghiệp. Kết quả DDCI là sự cảm nhận, đánh giá khách
quan của doanh nghiệp, hộ kinh doanh về chất lượng đồng hành của các đơn vị mà
họ trực tiếp tương tác. Có như vậy, mới khơi dậy và thôi thúc được tinh thần,
động lực thi đua, cạnh tranh về những nỗ lực trong nâng cao chất lượng đồng
hành cùng doanh nghiệp.
Nhờ
thực hiện tốt công tác hỗ trợ doanh nghiệp nên Cục Thuế tỉnh vươn lên đứng đầu
bảng xếp hạng DDCI tỉnh năm 2021. Ảnh: Cán bộ ngành Thuế làm việc với Công ty
Vạn Lợi TNHH chuyên sản xuất các sản phẩm nhôm tại Cụm công nghiệp Đông Thọ
(Yên Phong).
Có
thể khẳng định, chưa có một thời điểm nào, tinh thần đổi mới, đồng hành cùng doanh
nghiệp được các cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các sở, ngành trong tỉnh chỉ đạo
mạnh mẽ như hiện nay. Mặc dù vậy, theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp,
điểm nghẽn quan trọng trong nâng cao năng lực cạnh tranh toàn tỉnh, tạo sức hấp
dẫn đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang nằm ở sự cải thiện còn hạn chế ở
các chỉ số thành phần. Việc sửa điểm yếu “Sáng kiến hay ở cấp tỉnh nhưng chưa
thực thi tốt ở cấp sở, ngành” vẫn chậm được khắc phục. Hay như việc điểm số
đánh giá về một số chỉ tiêu trong quá trình doanh nghiệp thực hiện TTHC chung ở
cấp phòng thấp hơn mức điểm số của cấp sở, ngành phần nào cho thấy có sự chênh
lệch trong việc thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính
ở cấp sở, ngành và cấp phòng, ban trực thuộc. Cùng với đó, kết quả khảo sát của
Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh cho thấy mức độ cải thiện môi
trường kinh doanh ở các sở, ngành đã ổn định, từng cơ quan đã duy trì được động
lực tự thân cho cải cách, nhưng đã dần tới mức tới hạn đòi hỏi những sáng kiến
cải cách mới của các đơn vị, địa phương.
Việc công bố năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương tiếp tục để lại sự
kỳ vọng lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh. Ông Nguyễn Nhân Phượng,
Chủ tịch Hiệp Hội DN NVV tỉnh cho biết: Việc quyết tâm thực hiện đánh giá năng
lực cạnh tranh của các sở, ngành, địa phương khiến doanh nghiệp rất phấn khởi;
tác động lớn đến sự phấn đấu, niềm tin của mỗi DN. Kết quả DDCI là một trong
những công cụ hữu hiệu để đưa ra bức tranh chung về môi trường đầu tư, kinh
doanh. Điều đó khiến doanh nghiệp kỳ vọng nhiều hơn vào những cải thiện chính
sách sau này. Với một phong trào thi đua sôi nổi, đây sẽ là một bước ngoặt mang
tính đột phá trong công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khẳng
định quyết tâm của tỉnh không ngừng nâng cao chất lượng điều hành kinh tế một
cách toàn diện, đáp ứng đầy đủ nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Cùng với kết quả công bố DDCI, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị lãnh đạo tỉnh
tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương sớm xây dựng các giải pháp
để phát huy các chỉ số thành phần có điểm số tốt; khắc phục, cải thiện các chỉ
số thành phần thấp điểm; đồng thời tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền,
doanh nghiệp và người dân, tạo sự đoàn kết, làm động lực thúc đẩy cho công cuộc
CCHC, đồng hành cùng doanh nghiệp đạt kết quả cao, với phương châm: Suy nghĩ
thật, hành động thật, có kết quả thật và được thụ hưởng thật.
Nguồn:baobacninh.com.vn