|
PGS,TS. Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội thảo. |
Ngày 11/12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo
Trung ương phối hợp với Học viện Ngoại giao và Đại sứ quán Australia tại
Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế “Tăng cường sức mạnh mềm dựa trên nền
tảng truyền thông hiện đại” nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ
ngoại giao Việt Nam - Australia (1973 – 2023).
Hội thảo nhằm hướng tới đẩy mạnh công
tác thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh đất nước - văn hóa - con
người Việt Nam ra thế giới nói chung và tới đất nước Australia nói
riêng; trao đổi về xu thế ứng dụng các phương tiện truyền thông mới
trong quảng bá sức mạnh mềm, xây dựng thương hiệu quốc gia trong kỷ
nguyên số.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS,TS. Lê Hải
Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung
ương khẳng định, chặng đường hợp tác 50 năm qua, có thể thấy, quan hệ
Việt Nam - Australia đã đạt được nhiều bước tiến lớn. Hai nước đều giữ
vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của nhau. Ngoài việc thường
xuyên trao đổi, tiếp xúc cấp cao, tăng cường các cơ chế hợp tác song
phương, hai bên còn phối hợp thực hiện Chương trình hành động triển khai
quan hệ đối tác chiến lược giai đoạn 2020 - 2023 đạt được nhiều kết quả
tích cực.
Trong bối cảnh hiện nay, tình hình thế
giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh giữa các nước
lớn gia tăng nhưng hòa bình, hợp tác vẫn là xu thế lớn, xu thế chủ đạo.
Để đạt được lợi ích quốc gia, nâng cao tầm ảnh hưởng, vị thế, uy tín
trên trường quốc tế, việc tăng cường phát huy sức mạnh mềm thông qua hệ
giá trị văn hóa, hệ giá trị chính trị - xã hội và chính sách đối ngoại
đang được nhiều quốc gia theo đuổi.
Khẳng định vai trò to lớn của sức mạnh
mềm, của văn hóa đối với sự phát triển đất nước, Phó Trưởng ban Tuyên
giáo Trung ương Lê Hải Bình nhấn mạnh, với hàng nghìn năm hình thành và
phát triển, Việt Nam là một trong những quốc gia có truyền thống văn hóa
lâu đời. Chính văn hóa đã góp phần làm nên sức mạnh, làm cho tiềm lực,
vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng tăng trên trường quốc tế. "Phát
huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng, để văn hóa
thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, thành động
lực, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững của đất
nước".
|
Hội thảo “Tăng cường sức mạnh mềm dựa trên nền tảng truyền thông hiện đại”. |
PGS,TS. Lê Hải Bình nhấn mạnh, với đường
lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa
phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, triển khai tốt trường phái
ngoại giao cây tre, Việt Nam đã từng bước khẳng định thương hiệu quốc
gia, bản sắc đối ngoại riêng. Việt Nam đang nỗ lực từng bước để gia tăng
thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín của quốc tế.
Trong nhiều thập niên qua, nhờ chính
sách ngoại giao quốc gia đã giúp Australia được đánh giá, ghi nhận và
khẳng định, nhất là về năng lực, uy tín, vị thế quốc gia, cũng như vai
trò kết nối, hòa giải, kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích
của khu vực và toàn cầu. Tại Hội thảo, ông Andrew Goledzinowski, Đại sứ
Australia tại Việt Nam đã đánh giá cao việc tổ chức hội thảo, đồng thời
nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sức mạnh mềm trong truyền thông hiện
đại, cũng như sự tham gia tích cực vào khái niệm này của các quốc gia
trên thế giới.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS,TS.
Nguyễn Thị Trường Giang - Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền
cũng khẳng định, trong thời đại kỷ nguyên số, sức mạnh mềm ngày càng trở
thành trụ cột quan trọng trong việc góp phần nâng cao sức cạnh tranh và
mở rộng phạm vi ảnh hưởng của các quốc gia trong quan hệ quốc tế. Do
vậy, các nước trên thế giới ở các quy mô khác nhau đều quan tâm xây
dựng, củng cố, khai thác và phát huy sức mạnh mềm như một nhiệm vụ mang
tầm chiến lược, trong đó có Việt Nam.
|
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo. |
Về cơ bản, Việt Nam đã phát huy và phát
triển thành công sức mạnh mềm trong việc đảm bảo lợi ích quốc gia cả
trên ba phương diện an ninh, phát triển và ảnh hưởng, đặc biệt là cơ hội
tạo dựng, nâng cao vị thế trong quan hệ quốc tế. Tuy vậy, với sự chuyển
động không ngừng của khoa học công nghệ và nguồn lực của sức mạnh mềm
quốc gia, Việt Nam rất cần tiếp tục phát triển, bổ sung thêm các góc
nhìn mới, nhận định mới, kiến giải mới cho vấn đề tăng cường sức mạnh
mềm dựa trên nền tảng truyền thông hiện đại như những gợi ý quý báu cho
Việt Nam.
Trên tinh thần đó, thông qua Hội thảo,
các nhà khoa học, đại biểu tập trung thảo luận và làm rõ các vấn đề:
Thực trạng chính sách quốc gia của Việt Nam về tăng cường sức mạnh mềm,
thương hiệu quốc gia trong bối cảnh bùng nổ các phương tiện truyền thông
mới. Các giải pháp, sáng kiến tăng cường hơn nữa sức mạnh mềm của Việt
Nam trên nền tảng truyền thông hiện đại. Kinh nghiệm của của Australia
về tăng cường sức mạnh mềm trong bối cảnh bùng nổ các phương tiện truyền
thông mới. Vai trò của truyền thông hiện đại với việc tăng cường sức
mạnh mềm quốc gia thông qua ngoại giao số, ngoại giao công chúng, thương
hiệu quốc gia.