“Thỏi nam châm” hút dòng vốn ngoại

Nhìn lại 25 năm thu hút đầu tư đã mở những trang phát triển kinh tế mới của Bắc Ninh. Đặc biệt, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giúp kinh tế địa phương tiếp cận được với thế giới, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và không bị “lỡ nhịp” trong quá trình toàn cầu hóa. Điểm rõ nét nhất là nguồn vốn FDI đã cùng với doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp tư nhân, các thành phần kinh tế khác giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tiếp nhận được công nghệ cao, ứng dụng công nghệ quản trị tiên tiến, hiện đại…

Từ 2 dự án tăng lên 1717 dự án FDI
Xác định thu hút đầu tư là nguồn lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế, ngay sau khi tái lập, Bắc Ninh tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường, chính sách thu hút đầu tư, huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng, hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhận bàn giao đất, thuê đất, cấp chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng trình tự, thủ tục quy định và bảo đảm tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp… Đồng thời tăng cường hợp tác, xúc tiến, thu hút đầu tư. Phát triển bền vững các khu, cụm công nghiệp bảo đảm nhất quán trong chính sách thu hút, hỗ trợ, luôn sát cánh và đồng hành cùng các nhà đầu tư.
Vấn đề quan trọng đó là việc thành lập các KCN tập trung trở thành “thỏi nam châm” hút dòng vốn ngoại hiệu quả nhất. Các KCN thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài, là tiền đề quan trọng giúp Bắc Ninh giữ vững nhịp độ tăng trưởng, tiến tới mục tiêu phấn đấu trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương. Trong năm 2021, tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh dự án thứ cấp gần 1,814 tỷ USD (vốn FDI hơn 1,415 tỷ USD; trong nước 398,07 triệu USD). Sau 25 năm các KCN Bắc Ninh đã thu hút 1.720 dự án thứ cấp (trong nước 543, FDI 1.177), với tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh đạt hơn 22,19 tỷ USD. Riêng KCN Yên Phong là KCN thu hút vốn đầu tư cao nhất cả nước với hơn 11 tỷ USD. Đồng thời cũng là một trong những KCN có hiệu quả sử dụng đất/tổng vốn đầu tư cao của cả nước. Tại đây Tập đoàn Samsung có 3 dự án lớn: Samsung điện tử (SEV) vốn đầu tư 2,5 tỷ USD; SDIV- nhà máy sản xuất pin, vốn đầu tư hơn 100 triệu USD; Samsung Display (SDV) vốn đầu tư 6,5 tỷ USD.
Hàn Quốc là quốc gia có số dự án và vốn đầu tư nhiều nhất; tiếp theo Nhật Bản; Trung Quốc và các quốc gia khác. Tỷ trọng vốn FDI ngày càng chiếm phần lớn trong thu hút đầu tư vào các KCN, chất lượng các dự án được nâng cao. Các dự án FDI thu hút vào các KCN đều thuộc lĩnh vực điện tử, viễn thông và công nghiệp hỗ trợ. Trong đó có sự hiện diện của nhiều tập đoàn lớn như: Canon, Samsung Electronics, Samsung Display, Hồng Hải, Amkor, Gortek... Các dự án đều sử dụng thiết bị thế hệ mới, công nghệ cao sản xuất các sản phẩm sạch, không phát sinh nhiều yếu tố ảnh hưởng môi trường. Đây là nhân tố quan trọng thúc đẩy gia tăng hàm lượng giá trị công nghệ trong giá trị của sản phẩm, giảm thiểu các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị kim ngạch xuất khẩu tại các KCN Bắc Ninh.

 

anh tin bai

Tập đoàn Samsung chọn KCN Yên Phong là điểm đến đầu tư với số vốn lên tới gần 10 tỷ USD.

 

Nhờ việc quy hoạch các KCN đồng bộ cùng với nhiều chính sách hấp dẫn thu hút được số vốn đầu tư lớn, đưa Bắc Ninh từ một tỉnh nông nghiệp trở thành một trung tâm sản xuất sản phẩm điện, điện tử của cả nước và khu vực. Năm 1997, khi mới tái lập toàn tỉnh chỉ có 2 DN FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 141,3 triệu USD, đến cuối năm 2010 tăng lên 220 dự án FDI được cấp phép, với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh 2,59 tỷ USD. Từ năm 2011, sau khi nhà máy đầu tiên của Samsung đi vào hoạt động, đã kéo theo nhiều dự án vệ tinh đầu tư và trong năm 2013 khi Samsung tăng thêm 1 tỷ USD vốn đầu tư, năm 2014 có thêm dự án mới 1 tỷ USD của Samsung Display đầu tư và năm 2017 tăng thêm 2,5 tỷ USD, đã tạo hiệu ứng lan tỏa thu hút hàng trăm dự án của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Bắc Ninh. Trong giai đoạn 2011-2021, toàn tỉnh thu hút được 1.497 dự án và 18,6 tỷ USD vốn đăng ký; so với giai đoạn 1997-2010, gấp 6,8 lần về số dự án và gấp 7,2 lần về số vốn đăng ký. Mặc dù tình hình thế giới cũng như trong nước có những diễn biến phức tạp, khó lường, dịch bệnh tác động song giai đoạn 2016-2021, Bắc Ninh vẫn là địa phương trong top đầu cả nước về thu hút đầu tư, tạo nên một hình mẫu điển hình về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
 Đến hết năm 2021, Bắc Ninh có 1.717 dự án FDI (còn hiệu lực) được cấp phép với tổng vốn đầu tư 21,2 tỷ USD; xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố về số vốn đăng ký, có 38 quốc gia và vùng lãnh thổ đã và đang đầu tư vào tỉnh Bắc Ninh. Kết quả này đưa Bắc Ninh trở thành cực tăng trưởng vùng Thủ đô và vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ, đóng góp tích cực cho tăng trưởng chung của cả nước.

 

Cải thiện môi trường thu hút đầu tư có chọn lọc

Bên cạnh những mặt đạt yêu cầu cần tiếp tục hoàn thiện trong thu hút FDI do tính lan tỏa của khu vực FDI chưa cao; và dù đã tiếp cận được với nền công nghệ cao và hiện đại nhưng việc chuyển giao công nghệ của khu vực FDI với khu vực trong nước chưa được như kỳ vọng. Đặc biệt, trong khu vực FDI hoạt động vẫn còn hiện tượng chuyển giá, trốn thuế, công nghệ lạc hậu và một số doanh nghiệp vẫn còn hiện tượng ô nhiễm môi trường… Để doanh nghiệp tiếp cận được với nền công nghệ của thế giới, cần thực hiện tốt 3 vấn đề: thứ nhất là sự chủ động của doanh nghiệp, thứ hai là sự hỗ trợ về chính sách, nguồn lực của nhà nước; thứ 3 là từ đối tác. Làm tốt 3 nguồn đó, trong tương lai doanh nghiệp nội địa sẽ nâng tầm và có thể tiếp cận được với nền công nghệ thế giới.
Quán triệt thu hút đầu tư gắn với định hướng kinh tế tri thức, phát triển bền vững trên cơ sở chọn lọc các dự án theo tiêu chí  “2 ít, 3 cao, 5 sẵn sàng” (ít đất, ít lao động; suất vốn đầu tư cao, hiệu quả kinh tế cao, hàm lượng công nghệ cao; sẵn sàng về mặt bằng, nguồn nhân lực, cải cách, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và sẵn sàng ứng phó, kiểm soát tốt tình hình khi dịch bệnh xảy ra), thời gian tới Bắc Ninh tiếp tục thực hiện thu hút đầu tư có chọn lọc, đầu tư chất lượng cao. Tích cực thực hiện có hiệu quả việc cấp đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử, nhận và trả kết quả thủ tục hành chính trực tuyến, qua dịch vụ bưu chính công ích.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, trong 10 năm tới, với việc duy trì chất lượng điều hành, thì Bắc Ninh vẫn tiếp tục duy trì lợi thế cạnh tranh: Thu hút vốn FDI vào các khu công nghiệp; Tập đoàn trong nước vào các khu đô thị lớn; Giải quyết kết nối giao thông tỉnh và vùng, chuyển đổi xã hội tương thích hơn với sự đa dạng văn hóa và đô thị hóa; hình thành giá trị xã hội trong quá trình xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Sức hấp dẫn về thu hút FDI vào Bắc Ninh được chuyển từ lợi thế so sánh tĩnh sang động rất rõ nét, các yếu tố chính bao gồm: vị trí địa lý thuận lợi, chất lượng kết cấu hạ tầng; cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, đáp ứng nguồn nhân lực với chất lượng ngày càng cao; Lãnh đạo tỉnh đồng hành, thân thiện. Giai đoạn tiếp theo sự hấp dẫn đối với dự án FDI sẽ tiếp tục dựa trên các yếu tố mới về chất lượng dịch vụ và chuỗi cung ứng; sự tham gia của chính quyền địa phương trong các cam kết về trách nhiệm xã hội. Đây là quá trình hiện đại hóa nền kinh tế và thúc đẩy cải cách, nâng cao chất lượng quản trị địa phương; tăng năng lực nội sinh kinh tế trong nước từ tụ hội và phát triển kinh tế đô thị.
Từ thành phố thông minh tới xây dựng hệ sinh thái địa phương, thu hút nhân lực chất lượng cao thông qua phát triển thành “thành phố khoa học, đổi mới sáng tạo” là điều kiện cần và đủ để Bắc Ninh tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, tạo động phát triển mới. Cùng với các chính sách thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn tạo động lực cho phát triển kinh tế. Tiếp tục thu hút và nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước, thu hút các dự án có công nghệ cao, tăng hàm lượng khoa học, suất đầu tư lớn, giảm định mức về sử dụng đất, tài nguyên, năng lượng, lao động, hiệu quả cao, thân thiện với môi trường, nâng cao tỷ trọng giá trị nội địa hóa trong sản phẩm. Ưu tiên các dự án vệ tinh trong chuỗi giá trị sản xuất hoàn chỉnh sản phẩm, các dự án điện tử, cơ khí chính xác, công nghiệp công nghệ cao.

Nguồn:baobacninh.com.vn

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập