4 câu hỏi bí ẩn chưa có lời giải về Omicron
 

Omicron lây lan nhanh gấp nhiều lần, song, tỷ lệ nhập viện, tử vong giảm. Điều đó khiến giới chuyên gia đặt câu hỏi Omicron có phải dấu chấm hết cho Covid-19?

Tỷ lệ lây nhiễm Omicron đang giảm mạnh ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trong khi đó, giới nghiên cứu đang tìm cách để hiểu cơ chế lây lan của nó và điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, đặc biệt biến chủng phụ BA.2 đang tăng lên ở nhiều nơi.

Theo tạp chí Nature, không giống các biến chủng đáng quan ngại trước đây, Omicron thường lây nhiễm cho người đã có kháng thể chống lại nCoV. Điều đó có nghĩa người đã khỏi Covid-19 hoặc tiêm vaccine có nguy cơ lây nhiễm cao hơn. Omicron dường như rất dễ lây - đặc biệt, BA.2 thậm chí còn nhiều có nguy cơ lây nhiễm nhanh hơn BA.1 - nhưng nó cũng ít gây bệnh nghiêm trọng hơn.

Điều này khiến các nhà khoa học đặt ra nhiều câu hỏi xoay quanh biến chủng này và nCoV nói chung. Nhà dịch tễ học Salim Abdool Karim, Trung tâm Nghiên cứu Chương trình AIDS, Durban, Nam Phi, nhận định: “Virus đã thay đổi. Nó xâm nhập tế bào, tấn công từ mũi, lây nhiễm vào phổi theo cách khác”.

Dưới đây là 4 câu hỏi bí ẩn chưa có lời giải xoay quanh biến chủng Omicron mà nhóm chuyên gia tại tạp chí Nature đưa ra.

Làm thế nào nó có thể lây lan nhanh hơn chủng khác?

Điều khiến Omicron gây lo ngại chính là hàng chục đột biến giúp nó trở nên khác biệt so với những biến chủng trước đó và cho phép trốn khỏi các kháng thể của vật chủ. Kết quả là nhiều người ngay cả đã nhiễm Delta, Beta vẫn có nguy cơ tái mắc Covid-19 vì Omicron.

Các giả thuyết cho rằng trong đặc điểm sinh học có thể tồn tại yếu tố khiến nó có khả năng lây truyền cao hơn, bất kể miễn dịch của con người. Đây có thể là sự thay đổi trong cách một người bị nhiễm nCoV sau đó truyền cho người khác.

Về mặt lây truyền, một quan điểm cho rằng Omicron tạo ra nồng độ các hạt virus trong mũi cao hơn. Do đó, người nhiễm chủng này thải ra nhiều virus hơn sau mỗi lần thở. Một nghiên cứu từ Đại học Hong Kong (Trung Quốc) ủng hộ giả thuyết này. Theo nhà virus học Michael Chan, tác giả chính của nghiên cứu, khi nghiên cứu mô phổi và phế quản người nhiễm Omicron, dữ liệu cho thấy nó tái tạo nhanh hơn trong hệ thống hô hấp trên so với những chủng trước đây.

Trong khi đó, nghiên cứu do nhà virus học Wendy Barclay, Đại học Hoàng gia London, Anh, dẫn đầu, đã quan sát thấy Omicron sao chép nhanh hơn Delta khi ở tế bào mũi.

Ngược lại, một số báo cáo lại khẳng định chuột hamster (chưa có tiền sử nhiễm nCoV) khi bị lây Omicron có ít hạt virus hơn và không hạt nào trong số đó có thể truyền bệnh. Các nghiên cứu khác ở người chỉ ra Omicron tạo ra mức độ tương đối thấp các hạt virus lây nhiễm tại đường hô hấp trên so với Delta.

GS Barclay đặt giả thuyết tốc độ truyền nhiễm của Omicron nhanh hơn có thể liên quan cách chúng xâm nhập vào tế bào. Các phiên bản trước đó của nCoV dựa vào thụ thể ACE2 để liên kết với tế bào người và dùng enzyme TMPRSS2 để phân cắt protein đột biến, cho phép virus xâm nhập. Song, điều này không đúng với Omicron. Chúng hầu như từ bỏ lộ trình sử dụng TMPRSS2. Thay vào đó, virus nuốt toàn bộ tế bào, biến chúng thành nội bào và lây lan.

Nhiều tế bào trong mũi chỉ tạo ra ACE2 mà không phải TMPRSS2. Điều này có thể mang lại lợi thế cho Omicron khi vật chủ hít vào, virus thiết lập “nhà máy sản xuất” mà không cần đến phổi hay cơ quan khác. Theo GS Barclay, đây có thể là giả thuyết giúp giải thích vì sao Omicron lây nhiễm từ người này sang người kia nhanh và dễ dàng như vậy.

Người nhiễm Omicron mắc bệnh nhẹ hơn không và vì sao?

Thực tế đã cho thấy tỷ lệ nhập viện và tử vong ở người nhiễm Omicron giảm so với các biến chủng trước đó. Song, tình thế bây giờ khác so với trước đây. Nhiều người đã có miễn dịch từ vaccine hoặc lần mắc Covid-19 trước đó. Do vậy, không thể kết luận độc lực của Omicron yếu hơn những chủng trước đây hay chủng gốc.

Các nhà khoa học tại Trường Đại học Y Case Western Reserve ở Cleveland, Ohio, Mỹ, đã tìm cách lý giải điều này qua nghiên cứu trên những trẻ em dưới 5 tuổi mắc Covid-19. Các ca mắc này chưa đủ điều kiện tiêm chủng nên loại bỏ yếu tố miễn dịch. Kết quả vẫn cho thấy trẻ nhiễm Omicron ít nghiêm trọng hơn Delta, tỷ lệ nhập viện, cấp cứu, phải chăm sóc đặc biệt, thở máy cũng giảm mạnh.

Trong một nghiên cứu khác, nhóm chuyên gia ở Nam Phi đã phân tích nguy cơ nhập viện, tử vong trên người lớn bị nhiễm Omicron so với các làn sóng Covid-19 trước đó. Khi điều chỉnh dữ liệu về tiêm chủng và yếu tố khác, họ ước tính nguy cơ mắc bệnh nặng, tử vong ở người nhiễm Omicron giảm 25% so với chủng gốc.

Điều đó có phải do nCoV đang yếu đi?

Nhóm chuyên gia của GS Michael Chan phát hiện Omicron nhanh chóng chiếm ưu thế ở hệ hô hấp trên, song, nó ít có khả năng tái tạo trong mô phổi. Khi nghiên cứu ở loài gặm nhấm, họ nhận thấy ít tế bào phổi bị viêm nhiễm, tổn thương.

Ở người, việc Omicron không còn khả năng cư trú hoặc làm tổn thương phổi dường như khiến ít ca mắc bệnh viêm phổi, suy hô hấp nguy hiểm hơn. Song, số lượng người gặp triệu chứng như cảm lạnh, đau đầu tăng cao.

Theo GS Barclay, đặc điểm khác có thể lý giải hiện tượng độc lực của Omicron dường như yếu hơn đó là khả năng kết hợp những tế bào phổi riêng lẻ lại với nhau thành các đốm màu lớn syncytia. Các biến chủng nCoV trước đây đã làm được điều này. Syncytia đã được tìm thấy trong phổi của những F0 chết vì bệnh nặng. Một số nhà khoa học cho rằng sự tập hợp các đốm syncytia góp phần gây triệu chứng nặng và giúp virus lây lan nhanh khắp cơ thể. Song, ở Omicron, họ không thấy hiện tượng này.

Kháng thể chống Omicron tồn tại bao lâu?

Một trong những biện pháp bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh là phân tử interferon. Tế bào sản sinh ra interferon khi chúng phát hiện kẻ xâm nhập. Interferon ra lệnh cho các tế bào bị nhiễm bệnh phải tăng cường khả năng phòng thủ bằng cách giữ virus bị mắc kẹt trong các ống nội tạng. Interferon cũng phát tín hiệu cảnh báo đến các tế bào lân cận chưa bị nhiễm bệnh để chúng thực hiện nhiệm vụ tương tự.

Các biến chủng nCoV trước đây có thể tránh hoặc vô hiệu hóa nhiều tác dụng của interferon. Một số nghiên cứu cho rằng Omicron đã mất đi nhiều lợi thế như vậy. Song, cũng không ít thí nghiệm cho thấy nó được trang bị tốt hơn để chống lại tác động của interferon.

Trong khi đó, một số tác giả khác lập bản đồ các bộ phận của virus thu hút sự chú ý từ tế bào T. Các protein virus được tế bào T nhận ra dường như không thay đổi nhiều trong Omicron so với những chủng trước.

Đây là tin tốt. Bởi tế bào T chậm hơn so với kháng thể khi phản ứng với mối đe dọa định kỳ, nhưng chúng mang lại hiệu quả tuyệt vời, giúp ngăn chặn nguy cơ lần tái mắc trở nên nghiêm trọng.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Với những dữ liệu tổng thể hiện có về Omicron, GS Barclay cho rằng nó có thể rất dễ lây nhiễm ngay từ giai đoạn đầu. Song, tải lượng virus và khả năng truyền sang tế bào khác hoặc người khác nhanh chóng giảm xuống khi nó cố gắng lây lan ra ngoài đường hô hấp trên hoặc gặp interferon.

Vị chuyên gia nói: “Omicron rất giỏi trong việc xâm nhập vào các tế bào của mũi. Đây là môi trường hoàn hảo cho nó”.

Mức độ nghiêm trọng giảm dần đã tạo ra lớp bảo vệ mỏng trước sự gia tăng của Omicron. Song, hầu hết chuyên gia cho rằng đây sẽ không phải biến chủng đáng quan ngại cuối cùng.

Nhà virus học Jesse Bloom, Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson, Seattle, Washington, Mỹ, cho biết hai kịch bản có thể xảy ra trong tương lai. Một là Omicron tiếp tục phát triển, tạo ra một số chủng phụ Omicron tệ hơn BA. 1 hoặc BA.2. Khả năng còn lại là biến chủng hoàn toàn mới xuất hiện. Với hàng tá đột biến, Omicron đã khám phá ra nhiều không gian tiến hóa hơn. Dù vậy, nhiều đột biến khiến nó kém phù hợp.

SARS-CoV-2 đã từng lây nhiễm cho nhiều động vật như chồn, hươu và chuột đồng. Một số nhà nghiên cứu cho rằng Omicron đã đi qua vật chủ là động vật trước khi được tìm thấy lần đầu tiên tại Nam Phi vào tháng 11/2021. Họ tự hỏi liệu nó có thể xâm nhập vào nhiều loài hơn nữa và di chuyển ngược trở lại con người lần nữa với những thích nghi mới, nguy hiểm hơn không?

Về độc lực của Omicron, không có gì đảm bảo nó sẽ tiếp tục giảm. Theo GS Chan, virus bám vào đường hô hấp trên sẽ tái tạo tốt ở nhiệt độ 33°C và có xu hướng gây nhiễm trùng nhẹ hơn. Những chủng ưa thích nhiệt độ 37°C lại có nguy cơ mang độc lực cao hơn. GS Chan cho biết ban đầu Omicron dường như không phát triển tốt ở cả hai nhiệt độ, nhưng “hậu duệ” của nó thì chưa chắc và ông đang kiểm tra điều này.

Nhưng bất chấp điều gì sẽ xảy ra, những câu hỏi về Omicron vẫn khiến các nhà khoa học bận rộn trong nhiều tháng tới. Hầu hết nghiên cứu hiện tại vẫn rất sơ bộ và chờ được đánh giá, xác nhận trong các thí nghiệm khác nhau. Kể từ khi Omicron xuất hiện vào tháng 11/2021, đến nay, giới khoa học vẫn chưa biết nhiều về nó.

Nguồn:baobacninh.com.vn 

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập