“Năm trên, năm dưới”- Một luật lệ “hiểm trở” của lề lối Quan họ

Vào một canh hát Quan họ theo cách cổ truyền phải qua một đoạn khá là khó khăn, đó là hát lề lối. Hát lề lối có thể coi là hát dọn giọng cho thuần mới vào ca các giọng của canh hát.
Khi nói lề lối là đã thấy phải vào khuôn phép thế nào rồi. Trò chơi nào thì cũng phải có lề luật của nó, lề lối của Quan họ cũng vậy. Những câu hát giọng lề lối gồm những làn điệu cổ nhất, đặc trưng nhất của cách hát Quan họ, “vang, rền, nền, nảy nhất cũng ở đây. Một cách hát được sáng tạo rất nhiều tiếng đệm, nhấn nhá, luyến láy thay cho tiếng đàn, lại giúp người hát thể hiện được cảm xúc của mình. Giọng lề lối khó bởi sự uốn lượn rất cầu kì với cách nhả chữ, lấy hơi hợp lý để đạt tới êm đềm, trữ tình, tha thiết của nghệ thuật hát Quan họ. Người chơi Quan họ buộc phải ca thành thạo lề lối bởi theo các cụ xưa: không hát được giọng lề lối thì không biết đường ca Quan họ. Phần lớn các kỹ thuật, âm hình của giọng lề lối là mẫu chuẩn cho các giọng vặt sau này, cho nên các cụ dạy học giọng lề lối trước, rồi dạy giọng vặt sau. Bây giờ chúng ta học hát Quan họ theo cách ngược lại, tức là học ca câu dễ trước câu khó sau.
Các giọng điệu lề lối là nơi thử thách người chơi, kể từ người mới tập hát đến người theo bọn Quan họ đi hát canh. Khi ngồi vào chiếu hát đối đáp, người Quan họ có sự thoả thuận giữa hai bên về một luật chơi, đó là luật “5 trên, 5 dưới”. Một bên lần lượt ra 5 câu và bên kia đối, sau đó bên kia lần lượt ra 5 câu và bên này đối. Vị chi là 20 câu rồi. Những câu đó nằm trong 10 giọng sau:


1. Hừ la
2. La rằng
3. Đường bạn kim lan
4. Tình tang
5. Cây gạo
6. Phong thư (Bóc thư)
7. Gửi thư
8. Lên núi, Xuống sông
9. Cái hời cái ả.
10. Tứ quý


Không phải bọn Quan họ nào cũng chơi được đầy đủ “5 trên, 5 dưới”. Có bọn chơi thoả thuận với bạn chơi chỉ “3 trên, 3 dưới” thôi, như thế đã là 12 câu rồi. Ngược lại có những bọn cao thủ thấy “5 trên, 5 dưới” chơi không đã, bèn thách bạn chơi “7 trên, 7 dưới” hay “10 trên, 10 dưới”. Ca ngần ấy câu nói về thời gian thì cả mấy ngày hội làng cũng không đủ, mà chỉ để đấu nhau về lề lối thôi. Ta nên biết thêm cách ca của các liền anh, liền chị xưa không tốc độ như bây giờ, nhẩn nha, ề à, hự hạ còn chán mới xong một câu. Bên này ca xong thì bên kia ông bà trùm còn ăn trầu, hội ý đặt câu để anh hai anh ba đối ngay. Giọng hát rồi thì không hát lại, vậy ngoài 10 giọng thì có đâu thêm? Những bậc cao nhân ấy đã kéo một số giọng khó vào như: 5 cung, 10 cung, Dích lại đây dịch lại đây, Đập đất trồng bông, Bút huê thảo, Đêm canh khuya một mình buồn bã, Năm canh kép… Cũng để mà chơi cho bõ công đi lại kết bạn, và khi chỉ chơi với nhau những câu hay, câu khó, sự đãi đằng như thấy cuộc giao du của thần tiên với nhau.
Luật “5 trên, 5 dưới” thường được dùng trong các cuộc thi hát Quan họ ở đồi Lim. Ngày xưa những bọn cao thủ trong 49 làng Quan họ ở Bắc Ninh kéo về trong ngày hội xuân để giành giải. Theo các cụ kể lại những năm trước 1945 có hai bọn Quan họ ở Viêm Xá và Bịu Trung thay nhau giữ giải. Cho đến năm 1947 có đôi chị Tiền ở Châm Khê vào phá giải, ba bọn Quan họ bất phân thắng bại, giải phải chia 3 làng. Các làng xung quanh vùng Lim thường tiếp xúc với luật “5 trên, 5 dưới” nên vào canh hát thường họ cũng áp dụng “5 trên, 5 dưới” trong đoạn hát lề lối.
Giọng lề lối gọi là hiểm trở thế thôi chứ với người Quan họ đã say mê rồi thì học được hết. Khó mà học được, ca được mới hứng thú. Luật chơi Quan họ lỏng mà chặt, nhiều lề luật mà ai cũng chơi được, biết ít thì chơi đơn giản, như câu nói của người Quan họ: “Vốn chúng em ít, chúng em đi chợ gần…”, hay “Chúng em còn cả sữa non măng xin đương Quan họ các anh nâng cao đánh khẽ …”. Khi người cờ cao thì luôn tìm người cao cờ để chơi mới thật sự hứng thú, một bọn Quan họ biết ca sẽ buồn lắm nếu không gặp được bọn Quan họ tương đồng. Nhưng trong Quan họ khi đã gặp được bạn chơi rồi, dù trong cuộc thi hay hát canh họ chỉ để bạn thua một câu thôi, để giữ bạn, họ nói như thế mới là biết chơi. Cái khó của người say mê và muốn tìm hiểu Quan họ cổ bây giờ là người ca đủ, ca đúng được những câu lề lối quá hiếm. Có cụ lại muốn giữ khư khư làm của độc cho làng, mà làng mình thì chẳng ai muốn học. Có cụ biết nhưng già quá rồi, sức yếu, nói còn thều thào, huống chi đến ca Quan họ. Nhưng hỡi những người yêu Quan họ, Quan họ luôn có dòng chảy của nó, những câu hát hay vẫn còn ở đâu đó, chỉ còn xem chúng ta có duyên tìm được hay không thôi.

Nguồn:baobacninh.com.vn
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập