Bằng định hướng đúng đắn, các chương trình kế
hoạch hành động bài bản, tầm nhìn dài hơi và có trọng tâm, trọng điểm, 25 năm
qua, Bắc Ninh không ngừng nỗ lực đầu tư “đánh thức” nguồn tài nguyên du lịch
văn hóa, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Bắc Ninh trở thành điểm đến hấp
dẫn với du khách trong nước và quốc tế.
25 năm qua, Bắc Ninh
luôn gắn kết giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du
lịch. Nhiều cơ chế chính sách về bảo tồn di sản liên quan đến phát triển du
lịch được ban hành. Cùng với đó là những đề án, dự án chuyên đề về phát triển
du lịch làng nghề, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa gắn với du
lịch... Đặc biệt, việc sớm đề xuất đưa Dân ca Quan họ Bắc Ninh trở thành di sản
văn hóa thế giới thực sự tạo ra một “cú hích” lớn cho dòng sản phẩm du lịch đặc
sắc của miền Quan họ.
Công tác quy hoạch và đầu tư phát triển khu, tuyến, điểm du lịch luôn được quan
tâm. Từ năm 2000 đến nay, tỉnh đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho việc trùng tu, tôn
tạo, nâng cấp hệ thống các di tích văn hóa và di tích lịch sử, tiêu biểu như:
Văn Miếu Bắc Ninh, chùa Dạm, chùa Dâu, chùa Bút Tháp, chùa Phật Tích, lăng và
đền thờ Kinh Dương Vương, lăng và đền thờ Cao Lỗ Vương, đền thờ Lê Văn Thịnh,
các khu di tích cách mạng... Hiện có 14 điểm di tích được công nhận điểm du
lịch cấp tỉnh. Bên cạnh đó, một số thiết chế văn hóa cũng được đầu tư theo
hướng gắn kết với phát triển du lịch như Bảo tàng tỉnh, Nhà hát Dân ca Quan họ
Bắc Ninh, Trung tâm bảo tồn nghề tranh Đông Hồ, Trung tâm bảo tồn múa rối nước
Đồng Ngư...
Bắc Ninh luôn gắn kết
giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch. Trong
ảnh: Đại Tượng Phật A-Di-Đà chùa Phật Tích (Tiên Du)
Điểm nhấn đáng chú ý
là hoạt động tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch ngày càng chuyên nghiệp,
đa dạng về hình thức và nội dung. Ngoài việc in ấn, xuất bản sách, tờ gấp, tờ
rơi, ngành du lịch Bắc Ninh tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá du lịch
trên các nền tảng số, nổi bật là việc sản xuất phim hoạt hình, phim truyện,
phim tư liệu về các di sản văn hóa và danh nhân lịch sử tiêu biểu của Bắc Ninh.
Đặc biệt, Bắc Ninh còn tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa-du lịch có quy
mô quốc gia và khu vực; tổ chức các chương trình biểu diễn quảng bá di sản Dân
ca Quan họ Bắc Ninh ở nước ngoài; tổ chức các đoàn Famtrip khảo sát, giới thiệu
quảng bá du lịch, văn hóa của tỉnh đến các hãng truyền thông, cơ quan báo chí,
các hãng lữ hành và các cơ quan, tổ chức xúc tiến du lịch trong và ngoài nước;
tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm du lịch trong nước và quốc tế nhằm
tuyên truyền những tiềm năng, thế mạnh và cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư của
tỉnh...
Sự chuyển biến bứt phá của du lịch Bắc Ninh sau 25 năm tái lập tỉnh được chứng
minh bằng các con số biết nói. Nếu năm 1998, ngành du lịch Bắc Ninh đón 56
nghìn lượt khách du lịch, tổng doanh thu đạt 23 tỷ đồng thì đến năm 2021, tổng
lượng khách là 788 nghìn lượt, tăng 16,9%; tổng doanh thu đạt 530 tỷ đồng, tăng
18,7%. Đặc biệt, tổng giá trị vốn đầu tư du lịch năm 2021 đạt 7663 tỷ đồng,
tăng gấp 51,1 lần so với năm 1998.
Quy mô hệ thống các cơ sở kinh doanh du lịch cũng phát triển nhanh chóng. So
với năm 1998, số cơ sở lưu trú và buồng, phòng hiện nay đã tăng hàng chục lần.
Chỉ trong 4 năm, từ 2017 đến 2020, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp uy tín về Bắc
Ninh đầu tư, hình thành nên chuỗi nhà hàng, khách sạn cao cấp như: Vincom Bắc
Ninh, Khách sạn Mường Thanh, Khách sạn Le Indochina, Khách sạn Mandala; Khu
nghỉ dưỡng Phoenix... toàn tỉnh đang có 4 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 5 sao; 5
cơ sở tiêu chuẩn 4 sao và tương đương 4 sao. Hoạt động sản xuất kinh doanh du
lịch đạt nhịp độ tăng trưởng khá cao trong khu vực đồng bằng sông Hồng và cả
nước.
Di sản Dân ca Quan họ là
một sản phẩm du lịch đặc sắc, tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn cho du lịch Bắc
Ninh.
Cùng với sự gia tăng của lượng khách và hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du
lịch, nguồn nhân lực lao động trong ngành du lịch Bắc Ninh cũng không ngừng gia
tăng. Thời điểm cuối năm 2019, trước khi bị tác động bởi đại dịch COVID-19,
ngành du lịch Bắc Ninh đang giải quyết và tạo việc làm thường xuyên cho hơn
4.700 lao động trực tiếp và khoảng 12.000 lao động gián tiếp. Trong đó, lao
động có trình độ Đại học và trên Đại học đạt 30%; lao động có trình độ Cao
đẳng, Trung cấp và đã qua đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ là 50%.
Như vậy, những kết quả phát triển du lịch Bắc Ninh 25 năm qua không đơn thuần
là sự tịnh tiến, năm sau hơn năm trước mà phản ánh chính xác, thực chất những
bước chuyển rõ rệt. Đặc biệt đã cho thấy sự nỗ lực không ngừng trong công tác
chỉ đạo, hoàn thiện dần về cơ chế chính sách, thông thoáng trong thu hút đầu tư
các dự án để thúc đẩy hoạt động du lịch... Từ đó, tạo chuyển biến tích cực
trong việc nâng cao nhận thức xã hội về phát triển du lịch và cải thiện môi
trường du lịch.
Giai đoạn tới, bằng các định hướng chiến lược phát triển mới, Bắc Ninh đang
tiếp tục triển khai các đề án, dự án trọng điểm nhằm đưa ngành công nghiệp
không khói của tỉnh phát triển nhanh, bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi
thế, đồng thời hướng đến mục tiêu đưa Bắc Ninh trở thành một trong những trung
tâm du lịch văn hóa lớn của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Nguồn:baobacninh.com.vn