Một số giải pháp nâng cao chất lượng việc triển khai nghiên cứu, học tập và tuyên truyền thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng ở Đảng bộ Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh

Đặng Đình Tính

UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo ĐUK

Trong thời gian qua, công tác quán triệt, học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy trong toàn Đảng bộ Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Bắc Ninh. Ngay sau khi chỉ thị, nghị quyết của Đảng được ban hành, căn cứ hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh ủy; Ban Thường vụ Đảng ủy Khối và các cấp ủy cơ sở đều xây dựng kế hoạch học tập, quán triệt; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, tài liệu nghiên cứu, lựa chọn báo cáo viên, đồng thời tổ chức triển khai và xây dựng chương trình hành động thực hiện chỉ thị, nghị quyết sát với tình hình của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Công tác giám sát, kiểm tra, sơ kết, tổng kết chỉ thị, nghị quyết của Đảng được tăng cường.

 

 
Hội thi Báo cáo viên giỏi năm 2019 do Đảng ủy Khối tổ chức, đã thu hút 50 báo cáo viên dự thi.

Tuy nhiên, việc triển khai, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng còn những hạn chế như: Một số cấp ủy, nhất là một số cấp ủy trong một số đơn vị, doanh nghiệp còn lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện nghị quyết, nội dung đề ra còn chung chung, chưa sát với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Việc phối hợp thực hiện một số nghị quyết chưa thật sự đồng bộ, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm. Đội ngũ báo cáo viên các cấp tương đối đông nhưng số lượng báo cáo viên hoạt động thường xuyên chưa nhiều, không ít báo cáo viên còn yếu về kỹ năng, thiếu kinh nghiệm thực tiễn. Tinh thần, thái độ học tập của một số đảng viên, kể cả một số cán bộ chủ chốt chưa nghiêm túc, ý thức tự nghiên cứu, học tập chưa cao. Việc biểu dương, khen thưởng; khắc phục, xử lý hạn chế, lệch lạc sau giám sát, kiểm tra, tổng kết chưa được chú trọng. Cơ sở vật chất phục vụ việc học tập, nghiên cứu chưa đảm bảo, việc ứng dụng tin học, công nghệ thông tin-truyền thông trong truyền đạt nghị quyết chưa nhiều làm ảnh hưởng đến chất lượng triển khai chỉ thị, nghị quyết.

Nguyên nhân của những hạn chế trên là do một số cấp uỷ đảng chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng và yêu cầu đổi mới việc triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chương trình hành động của cấp ủy. Chưa có cơ chế đánh giá chất lượng báo cáo viên và chế tài xử lý đối với người học khi vi phạm quy định về học tập chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Việc triển khai, cụ thể hóa một số nghị quyết, chương trình hành động của cấp uỷ gặp nhiều khó khăn, nhất là về nguồn kinh phí, nhân lực và xác định lộ trình, thời gian thực hiện.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên và nâng cao chất lượng việc triển khai nghiên cứu, học tập và tuyên truyền thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trong thời gian tới, đòi hỏi mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, các đoàn thể trực thuộc và người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong Đảng bộ Khối cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu, học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Các cấp ủy đảng, đồng chí bí thư cấp ủy trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng một cách chặt chẽ, nghiêm túc, từ việc xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện tổ chức các lớp học, xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết. Tăng cường công tác giáo dục, quản lý, kiểm tra, giám sát việc học tập nghị quyết của Đảng, kịp thời biểu dương tổ chức đảng và những cán bộ, đảng viên, quần chúng có tinh thần, thái độ học tập nghiêm túc. Nhắc nhở, phê bình cán bộ, đảng viên, quần chúng thiếu ý thức trong học tập nghị quyết.

Hai là, đổi mới quy trình, nâng cao chất lượng xây dựng dự thảo chương trình hành động thực hiện nghị quyết của Đảng; trước hết, cần thành lập tổ xây dựng dự thảo chương trình hành động thực hiện nghị quyết của cấp ủy do đồng chí bí thư cấp ủy làm tổ trưởng; phải làm tốt khâu chuẩn bị nội dung của dự thảo chương trình hành động của cấp ủy, trên cơ sở nghiên cứu kỹ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước liên quan; nghiên cứu, nắm vững nội dung nghị quyết của cấp uỷ cấp trên, nhất là nghị quyết lãnh đạo của cấp ủy cấp trên trực tiếp; đồng thời phải nắm chắc nghị quyết đại hội nhiệm kỳ của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Phân công cơ quan chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát, điều tra nắm tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để xây dựng dự thảo chương trình hành động thực hiện nghị quyết của cấp ủy. Đặc biệt là phải xác định rõ được các nhiệm vụ trọng yếu cần tập trung lãnh đạo, cũng như những hạn chế, khuyết điểm nổi cộm cần tập trung giải quyết. Trong quá trình xây dựng dự thảo chương trình hành động của cấp ủy, cần tiến hành tổ chức lấy ý kiến tư vấn, phản biện… để dự thảo chương trình hành động của cấp ủy sát tình hình thực tiễn, có tính khả thi cao, xác định được nguồn lực, lộ trình, thời gian cụ thể để thực hiện. Nội dung chương trình hành động của cấp ủy cần chuẩn bị ngắn gọn, cụ thể, rõ ràng để cấp ủy trực thuộc dễ xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện.

Ba là, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc chấp hành quy định về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Các cấp uỷ đảng cần có biện pháp nâng cao nhận thức trách nhiệm đối với người học; xác định yêu cầu, nhiệm vụ học tập lý luận chính trị là vấn đề thuộc nguyên tắc xây dựng Đảng bắt buộc phải thực hiện và xây dựng Quy định về ý thức, tinh thần thái độ nghiên cứu, quán triệt nghị quyết thành tiêu chí quan trọng trong phân loại cán bộ, đảng viên và tổ chức cơ sở đảng hàng năm. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc tự học, tự nghiên cứu, chủ động sưu tầm các tài liệu bổ trợ để hiểu một cách thấu đáo các vấn đề mà nghị quyết của Đảng đặt ra.

Bốn là, ngoài việc cung cấp văn kiện, tài liệu của Trung ương Đảng, của cấp ủy cấp trên đầy đủ, kịp thời, các cấp uỷ cần chỉ đạo biên soạn và cấu trúc các tài liệu học tập nghị quyết của Đảng sao cho phù hợp, thiết thực với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử, trang thông tin nội bộ của đơn vị; khuyến khích người học tự tìm tòi, nghiên cứu, học tập một cách chủ động; tạo thuận lợi cho người học trong nghiên cứu và tích cực chia sẻ thông tin với báo cáo viên để các nội dung cơ bản của nghị quyết thực sự thấm sâu, tác động vào tình cảm, tạo sự thống nhất về tư tưởng, biến thành hành động cách mạng của cán bộ, đảng viên và lan tỏa đến đoàn viên, hội viên và người lao động.

Năm là, tiếp tục củng cố và kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, trong đó chú trọng rà soát, tuyển chọn, quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm xây dựng đội ngũ báo cáo viên đủ về số lượng, thạo về kỹ năng, nghiệp vụ và có tính chuyên nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi cho báo cáo viên, nhất là báo cáo viên trẻ đi giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm... Mỗi báo cáo viên phải tự mình tích cực rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tận tụy, tâm huyết; đồng thời phải tự học tập nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, đặc biệt là kỹ năng tuyên truyền miệng. Trong truyền đạt những nội dung cơ bản, điểm mới của nghị quyết, báo cáo viên cần tăng cường gợi mở, giải đáp, trao đổi những vấn đề cốt lõi, điểm mới, khó, mang tính nhạy cảm mà cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân quan tâm. Báo cáo viên phải là người dẫn dắt, định hướng, mở rộng thêm các vấn đề liên quan, tạo niềm hứng khởi, sự say mê trong quá trình học tập và nghiên cứu. Báo cáo viên phải nhạy bén, lắng nghe, quan sát và điều chỉnh thông tin, phương pháp truyền đạt kịp thời.

Sáu là, đa đạng hóa các hình thức và tăng cường công tác quản lý việc học tập, quán triệt nghị quyết; phân loại đối tượng để tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt thành các lớp theo hình thức trực tuyến trên mạng internet; hình thức truyền hình trực tiếp trên sóng Phát thanh - Truyền hình tỉnh kết nối với điểm cầu của Tỉnh ủy và Trung ương; đồng thời tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt thành các lớp theo hình thức truyền thống đối với cán bộ, đảng viên do tính chất công việc không học theo hình thức trực tuyến và trực tiếp trên sóng phát thanh, truyền hình được.

Trong quá trình tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt cần phân loại, tổ chức theo các lớp phù hợp, chú trọng việc xây dựng các chủ đề, chia thành các nhóm thảo luận sâu một vấn đề; trong đó cần bố trí thời gian thích hợp để cán bộ, đảng viên thảo luận đóng góp ý kiến vào chương trình hành động, phải viết thu hoạch, có đề xuất việc vận dụng thực tế của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân mình sau khi học tập nghị quyết. Tăng cường công tác quản lý lớp học chặt chẽ, nghiêm túc. Bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí cho công tác tổ chức lớp nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết; cần quan tâm đầu tư, nâng cấp trang thiết bị phục vụ, có hội trường đầy đủ chỗ ngồi, thoáng mát, tạo không khí thoải mái cho người học; âm thanh phải rõ ràng; đảm bảo đầy đủ tài liệu…

Bảy là, thường xuyên đổi mới nhằm đa dạng hóa các loại hình tuyên truyền, đưa chỉ thị, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; trong đó nâng cao tinh thần trách nhiệm của cấp ủy các cấp và cá nhân đảng viên trong việc tham gia các cuộc thi viết, thi trắc nghiệm tìm hiểu về nghị quyết đại hội đảng các cấp; lấy kết quả đánh giá số lượng, chất lượng các bài viết tuyên truyền về gương các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong việc đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025 vào thực tiễn cuộc sống và Cuộc thi trắc nghiệm tìm hiểu “Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025 ” trên Cổng thông tin điện tử của Đảng bộ Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh trong năm 2021.

Tám là, tăng cường đôn đốc việc thực hiện; sơ kết, tổng kết Nghị quyết của Đảng; trong đó cần nâng cao tinh thần trách nhiệm của tổ chức và cá nhân được phân công phụ trách; phải thường xuyên đôn đốc và kịp thời nắm bắt tình hình thực hiện Nghị quyết ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc để nghiên cứu và đề xuất cách tháo gỡ; thấy những nhân tố mới với cách làm hay hoặc những đơn vị làm có tính đối phó hoặc triển khai lệch lạc, chưa nghiêm túc để tham mưu, đề xuất cấp ủy có biện pháp phát huy hoặc xử lý kịp thời, hiệu quả.

Định kỳ hàng năm cấp ủy Đảng các cấp cần rà soát các nghị quyết của Trung ương, của cấp ủy Đảng cấp trên và của cấp mình, trên cơ sở đó tập trung chỉ đạo sơ kết, tổng kết nghị quyết. Việc sơ kết, tổng kết phải có trọng tâm, trọng điểm; qua sơ kết, tổng kết phải rút ra được những kinh nghiệm từ khâu lãnh đạo, chỉ đạo đến khâu tổ chức thực hiện...Các cấp ủy đảng đưa việc chấn chỉnh, xử lý những hạn chế, yếu kém trong triển khai, quán triệt, học tập và tổ chức thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng vào nội dung kiểm điểm, đánh giá và phân loại chất lượng tổ chức đảng và đảng viên hàng năm.

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập