Công tác Dân vận ở Đảng bộ Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh và các vấn đề đặt ra trong giai đoạn hiện nay

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, từ ngày 14 – 31/10/1930, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất đã ra các nghị quyết về công tác dân vận và hệ thống Ban chuyên môn về công tác dân vận của Đảng được ra đời ngay sau đó. Ngày 15/10/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Dân vận” đăng trên Báo Sự thật, nêu lên nhiệm vụ cực kỳ trọng yếu của cả hệ thống chính trị là công tác dân vận và chỉ rõ, mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều do dân vận khéo mà có. Tháng 10/1999, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Bác Hồ viết bài báo “Dân vận”, Bộ Chính trị khóa VIII đã quyết định lấy ngày 15/10/1930 là Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng và lấy ngày 15/10 hằng năm là “Ngày Dân vận của cả nước” để cùng nhau học tập và thực hiện những lời Bác Hồ dạy về công tác dân vận. Năm 2009, Ban Dân vận Trung ương chính thức phát động Phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Trải qua 89 năm thành lập và phát triển, công tác dân vận luôn được Đảng xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, cơ bản trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh. Ngành Dân vận của Đảng ngày càng được đẩy mạnh, đổi mới và nâng cao chất lượng, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận khéo, thì việc gì cũng thành công” và trên cơ sở chỉ thị, nghị quyết, kết luận, quy định, hướng dẫn của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận nói chung, ngay sau ngày hợp nhất Đảng bộ Khối các Cơ quan tỉnh và Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh thành Đảng bộ Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ Khối đã xác định phương thức hoạt động của công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước cũng như phương thức hoạt động của công tác dân vận trong các doanh nghiệp; Đảng ủy Khối luôn đề cao, coi trọng đúng mức và tập trung chỉ đạo thực hiện sâu rộng, đồng bộ, hiệu quả trong toàn Đảng bộ Khối, góp phần ổn định tình hình tư tưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng ủy Khối, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đều quan tâm triển khai quán triệt, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động như: Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước”; Chỉ thị số 05/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Nâng cao hiệu quả sử dụng thời gian làm việc của CBCCVC nhà nước”; Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 27/9/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 09/8/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh về việc tăng cường các giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số cải cách hành chính tỉnh Bắc Ninh…

Công tác cải cách hành chính ở các cơ quan hành chính nhà nước được tăng cường, tập trung chủ yếu vào việc tìm biện pháp nâng cao năng lực quản lý; đổi mới lề lối làm việc theo hướng công khai, dân chủ, gần dân và vì dân. Cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” hiện đại, việc bố trí phòng tiếp dân, niêm yết công khai thủ tục hành chính được xây dựng ở hầu hết cơ quan, đơn vị, đặc biệt là ở Trung tâm hành chính công của tỉnh; phong trào thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, thực hiện nếp sống văn minh ngày càng nề nếp, đi vào chiều sâu. Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thường xuyên tổ chức đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và giải quyết những vướng mắc, bức xúc nổi cộm tôn đọng. Qua đó, mức độ hài lòng và sự tín nhiệm của người dân, tổ chức, doanh nghiệp tăng lên đáng kể.

Việc thực hiện quy chế dân chủ từng bước đi vào nề nếp, dân chủ được phát huy rộng rãi trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, đoàn thể; khơi dậy tiềm năng, trí tuệ, sức sáng tạo, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong công tác, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có nhiều đổi mới trong việc cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; đồng thời, chủ động tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, mang lại hiệu quả thiết thực, được nhân dân đồng tình cao như: chính sách hỗ trợ người nghèo, nông dân vay vốn phát triển sản xuất; hỗ trợ xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ doanh nghiệp...

Các cấp ủy cơ sở đã lãnh đạo, chỉ đạo công đoàn và đoàn thanh niên thường xuyên đưa nội dung công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước quán triệt cho đoàn viên, hội viên, nhất là việc thực hiện Quyết định số 217, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Thông qua đó, lấy lực lượng này làm nòng cốt trong việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến gia đình, nơi cư trú và các tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước còn có mặt chưa đáp ứng yêu cầu như: việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận có nơi chưa thường xuyên, hiệu quả thấp; chậm đổi mới về nội dung và phương thức; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc, có lúc coi nhẹ công tác dân vận; thủ tục hành chính tuy có cải tiến, nhưng trên thực tế một số vấn đề vẫn còn chồng chéo. Việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ có nơi chưa được quan tâm đúng mức. Một số doanh nghiệp chưa quan tâm kịp thời đến việc tuyên truyền, thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận…Nguyên nhân chủ yếu là do một số cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thiếu quan tâm lãnh đạo, chưa nhận thức sâu sắc về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, trong các doanh nghiệp; một số tổ chức đoàn thể chưa thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa thực sự gương mẫu, chưa làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao.

Phát huy truyền thống vẻ vang 89 năm công tác Dân vận của Đảng, để nâng cao hiệu quả công tác trong tình hình mới, công tác dân vận trong toàn Đảng bộ Khối cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, cần tiếp tục quán triệt đầy đủ, cụ thể hóa kịp thời tinh thần nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, trong các ; gắn chăm lo, bảo vệ lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động với động viên thực hiện công vụ. Nội dung, phương thức vận động phải phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; phải kiên trì, tuyên truyền, thuyết phục và lắng nghe nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để đề ra hình thức vận động hiệu quả. Bảo đảm sự lãnh đạo chặt chẽ của cấp ủy chi bộ, đồng thời đổi mới nhận thức, tư duy về công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, trong các doanh nghiệp thời kỳ hội nhập sâu rộng.

Hai là, công tác dân vận trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc Đảng bộ Khối phải gắn chặt với công tác xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, Khóa XII)  và thực hiện Chỉ thị số 05 - CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” chuyên đề hằng năm; đồng thời gắn với xây dựng cơ quan, đơn vị thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị (khóa XI). Thông qua các tổ chức đoàn thể, tập hợp quần chúng vào các hình thức hoạt động thích hợp với từng đối tượng; phát huy tinh thần đoàn kết, triển khai sâu rộng công tác dân vận trong cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; đồng thời, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị để thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng, Nhà nước, địa phương đề ra.

Ba là, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần tiếp tục quan tâm quán triệt về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Quyết định 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị về ban hành “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”; các kết luận của Ban Bí thư và Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận theo hướng chủ động, tích cực; kịp thời cụ thể hóa, triển khai thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước bằng các chương trình, giải pháp cụ thể. Rà soát, bổ sung và thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở; tăng cường đối thoại trực tiếp và tạo điều kiện để các đoàn thể, cán bộ, công chức, viên chức tham gia xây dựng chương trình, kế hoạch, dự án, quy định từ khâu dự thảo nhằm phát huy trí tuệ tập thể, bảo đảm phù hợp thực tiễn và lợi ích, nguyện vọng chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Bốn là, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tiếp dân, công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, không đùn đẩy, né tránh các yêu cầu chính đáng cần giải quyết. Những ý kiến đóng góp của người dân thông qua tiếp dân, tiếp xúc cử tri phải được cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, xử lý và trả lời cho dân rõ. Những phản ánh, kiến nghị của các đoàn thể phải được cơ quan, đơn vị ghi nhận, giải đáp kịp thời. Đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các nội dung cải cách hành chính, trước hết là thủ tục hành chính ở các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp; nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC và hiệu lực quản lý, điều hành của bộ máy cơ quan nhà nước với tinh thần vì nhân dân mà phục vụ; lấy sự hài lòng, lợi ích của tổ chức, cá nhân làm thước đo hiệu quả và trọng tâm phục vụ.

Năm là, coi trọng công tác kiểm tra, tổng kết, rút kinh nghiệm, xây dựng và nhân rộng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Định kỳ hàng năm, cấp ủy, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tiến hành kiểm tra, đánh giá hoạt động công tác dân vận; thường xuyên giám sát các các nội dung và hình thức triển khai, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, bất cập. Đưa phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đi vào chiều sâu, thiết thực; chú trọng việc lựa chọn lĩnh vực cụ thể, trọng tâm để phát động, gắn với đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước và việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đặng Đình Tính

UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối

Phụ trách công tác Dân vận của Đảng bộ Khối


Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập