Nới hạn mức tín dụng giải quyết nhu cầu vốn phục hồi phát triển kinh tế-xã hội
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vừa công bố
cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho 15 ngân hàng thương mại có tình hình
tài chính lành mạnh, đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương của Chính phủ
Hạn mức bổ sung dao
động từ 1% đến 4%, tương đương với việc các ngân hàng có thể cho vay từ vài
nghìn tỷ đồng đến 50.000 tỷ đồng. Mức điều chỉnh này cũng bảo đảm tăng trưởng
tín dụng cả năm 2022 toàn hệ thống ở mức 14%. Đây là lần đầu tiên NHNN đồng
loạt nới hạn mức tín dụng cho một số tổ chức tín dụng trong năm nay nhằm giải
quyết nhu cầu vốn đẩy nhanh quá trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội.
Hầu hết các doanh
nghiệp đều mong muốn nâng hạn mức tín dụng để tăng tốc sản xuất kinh doanh
những tháng cuối năm.
Trong ảnh: Sản xuất theo dây chuyền tại Công ty may Đáp Cầu.
Tại nhiều ngân hàng
thương mại trên địa bàn tỉnh, dù NHNN đã cho phép tăng hạn mức tín dụng nhưng
các Chi nhánh đang chờ Hội sở phân bổ hạn mức cụ thể để có phương án cho vay,
giải ngân phù hợp. Bà Đỗ Thị Hằng, Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín
(Sacombank) Chi nhánh Bắc Ninh chia sẻ: “Những năm trước, hoạt động tín dụng
thường tăng trưởng mạnh vào quý III và quý IV. Năm nay, sau những tác động của
đại dịch COVID-19 nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, hộ kinh doanh tăng cao ngay
từ đầu năm, tác động đến hạn mức tăng trưởng tín dụng của Chi nhánh. Sacombank
được NHNN chấp thuận cho tăng thêm 4% hạn mức tín dụng so với hạn mức duyệt đầu
năm, hiện dư nợ của đơn vị đạt gần 3.100 tỷ đồng. Chi nhánh đang chờ Hội sở
chính điều chỉnh, phân bổ thêm hạn mức tín dụng trong những tháng cuối năm.
Ngân hàng sẽ giải ngân theo hướng chọn lọc, tiếp tục tập trung nguồn vốn cho
vay vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, cũng như kiểm
soát chặt chẽ nguồn vốn vào những lĩnh vực rủi ro…”.
Việc NHNN quyết định nới hạn mức tín dụng là tin vui để các ngân hàng có thêm
nguồn vốn đáp ứng nhu cầu cho doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, trong bối
cảnh hiện nay, nhu cầu vay vốn của khách hàng tăng cao, nhất là vào thời
điểm cuối năm, nhiều ngân hàng cho rằng, mức tăng thêm không đáng kể so với nhu
cầu vốn thực tế. Dựa trên hạn mức tăng trưởng tín dụng, mỗi ngân hàng thương
mại phải cạnh tranh theo phân khúc khách hàng của mình kết hợp với kiểm soát
tín dụng, giúp quản lý chất lượng hoạt động và gia tăng thu nhập từ các sản
phẩm tài chính khác. Ông Trần Ngọc Huấn , Giám đốc Công ty TNHH gia công Đức
Lộc chuyên gia công, chế tạo, sửa chữa khuôn mẫu, đúc nhựa ở Phượng Mao (Quế
Võ) cho biết: Đang vào mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, Công ty vừa mở
thêm 1 xưởng sản xuất gần 2.000m2 ở xã Phương Liễu, nhập 10 máy đúc nhựa, tổng
trị giá gần 30 tỷ đồng, vì vậy rất cần nguồn vốn lưu động với hạn mức cao.
Song, để tiếp cận nguồn vốn vay của các ngân hàng vào thời điểm hiện nay không
dễ, nguồn vốn được vay khá “nhỏ giọt” vì nhiều ngân hàng đang gặp khó về hạn
mức tín dụng. Các ngân hàng nên dựa vào các chỉ số kinh doanh của khách hàng
thời gian qua và tập trung tăng tín dụng vào những doanh nghiệp đang có quá
trình phục hồi tốt, đơn hàng xuất bán ổn định, tạo việc làm nhiều lao động… để
doanh nghiệp tăng tích trữ nguyên vật liệu, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đạt
giá trị cao nhất”.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, quý III-2022, tín dụng trên địa bàn biến
động không nhiều do nhiều đơn vị ngân hàng đã hoàn thành kế hoạch tăng trưởng
tín dụng cả năm, song chưa được Hội sở chính duyệt gia tăng chỉ tiêu kế hoạch.
Tính đến cuối tháng 9, tổng dư nợ cho vay của toàn ngành Ngân hàng tỉnh đạt
142.551 tỷ đồng, tăng 15,7% so với cuối năm trước (là mức tăng cao so với cùng
kỳ nhiều năm trở lại đây). Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho
lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, phù hợp với đóng góp và tăng trưởng của các
ngành kinh tế. Tuy nhiên, dư nợ kỳ ngắn hạn vẫn chiếm tỷ trọng 68,3%; dư nợ cho
vay trung, dài hạn chiếm tỷ trọng 31,7%. Phó Giám đốc NHNN tỉnh Nguyễn Thạc
Quảng chia sẻ: “Trong những tháng cuối năm, Chi nhánh tiếp tục bám sát và kịp
thời cập nhật các chủ trương, chính sách mới về hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
của NHNN Việt Nam để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là các
chính sách hỗ trợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; chương
trình thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay từ ngân sách nhà nước đối với doanh
nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31/2022 của Chính phủ và Thông
tư 03/2022 của NHNN Việt Nam; cũng như các chương trình tín dụng chính sách, hỗ
trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo đúng quy định của pháp
luật…”.
Nguồn:baobacninh.com.vn